Bốn nhà hoạt động Việt Nam được trao giải nhân quyền quốc tế
Liên chính phủ Pháp - Đức vừa công bố trao giải Nhân Quyền & Pháp Quyền năm 2019 cho nhà hoạt động Việt Nam Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders).
Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ được Bộ Ngoại giao Đức - Pháp trao giải nhân quyền năm 2019. Photo Twitter Vu Quoc Ngu.
Bộ Ngoại giao Pháp hôm 10/12 công bố nhà hoạt Vũ Quốc Ngữ trong số tổng cộng 14 người đoạt giải Nhân quyền & Pháp quyền trên thế giới năm 2019.
Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ nói với VOA rằng quyết định trao giải thưởng đã được nhân viên sứ quán Đức thông báo cho ông vào tháng trước và Bộ ngoại giao Pháp chính thức công bố vào ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12.
Ông cho biết thêm :
"Việc trao giải thưởng này cho thấy sự ghi nhận của họ đối với các hoạt động của Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (DOD) và cá nhân tôi".
"Thông qua giải thưởng này, Pháp và Đức mong muốn chứng tỏ sự ủng hộ đối với việc làm của các nhà hoạt động", thông cáo của Bộ Ngoại giao Pháp cho biết.
Hôm 10/12, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu tại một buổi trao giải ở Berlin : "Sự can đảm của quý vị sẽ truyền cảm hứng cho người khác cùng can đảm !"
Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo nói : "Qua giải thưởng này, Pháp và Đức muốn gửi một thông điệp rõ ràng về cam kết của họ với nhân quyền và sự hợp tác của họ trong lĩnh vực này".
"Ông Vũ Quốc Ngữ làm việc cho tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền từ năm 2013 đến nay, trong đó ông liên tục vận động cho các quyền của các nhà bảo vệ nhân quyền".
"Năm 2015, ông trở thành giám đốc điều hành của tổ chức này, chuyên tường trình các chủ đề như luật pháp, tham nhũng và bảo vệ môi trường, vì những điều này ít được truyền thông nhà nước đề cập".
"Vào tháng 10/2017, ông Ngữ quyết định rời khỏi đất nước của mình vì áp lực ngày càng tăng. Ở nước ngoài, ông tiếp tục công việc lên tiếng cho những nhà hoạt động nhân quyền", theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức.
Giải Nhân quyền & Pháp quyền do hai nước Pháp và Đức đồng chủ xướng lập ra vào năm 2016 để vinh danh những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, những luật sư đại diện cho các nhà bảo vệ nhân quyền và những nhà báo giúp làm sáng tỏ sự thật.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn, nhà hoạt động Đặng Thị Minh Mẫn, và Luật sư Lê Công Định.
Trong diễn biến liên quan, hôm 7/12, tại Thượng viện Canada, Mạng lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) đã trao giải nhân quyền năm 2019 cho ba nhà hoạt động ở Việt Nam : Mục sư Nguyễn Trung Tôn, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Đặng Minh Mẫn, và luật sư Lê Công Định.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn là người duy nhất trong những người được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam vinh danh đang còn bị giam cầm. Bà Nguyễn Thị Lành, vợ của ông Trung Tôn, cho VOA biết hiện ông đang trong "tình trạng sức khỏe kém và không được tiếp cận chăm sóc y tế". Bà nói với VOA :
"Việc Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và các dân biểu Canada bình chọn chồng tôi để trao giải năm nay là một nguồn động lực lớn để gia đình tôi vượt qua trong hoàn cảnh khó khăn khi mà án tù của chồng tôi còn dài".
Mục sư Nguyễn Trung Tôn, bị bắt vào tháng 7/2017, và hiện đang thụ án 12 năm tù giam tại tỉnh Gia Lai, với cáo buộc "âm mưu lật đổ chính quyền".
Tại lễ trao giải, nhà hoạt động Nguyễn Đặng Minh Mẫn từ Trà Vinh phát biểu qua màn hình video :
"Những gì tôi đã làm, tôi nghĩ là những điều đúng đắn mà những người trẻ như tôi nên làm. Cũng chính vì điều đó mà tôi đã phải trải qua 8 năm tù.
"Giải thưởng này khích lệ cho tôi, cũng như cho những người khác đang can đảm đấu tranh trong nước".
Nhà hoạt động Nguyễn Đặng Minh Mẫn vừa mãn hạn 8 năm tù giam và đang chịu án phạt 5 năm quản chế với cáo buộc "lật đổ chính quyền".
Từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định, phát biểu :
"Tự do không phải có được một cách dễ dàng mà không có trả giá. Con đường tự do của Việt Nam hãy còn ở phía trước.
"Tôi mong được tiếp tục đóng góp công sức của mình vào con đường tự do này cùng với quý vị.
"Hy vọng trong tương lai Việt Nam sẽ có một thể chế bảo vệ quyền con người và đảm bảo các quyền tự do của người dân".
Với cùng cáo buộc "lật đổ chính quyền", Luật sư Lê Công Định từng bị phạt 5 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam đến từ California, Hoa Kỳ, nói : "Buổi hội ngộ hôm nay cũng là dịp để chúng ta hướng về quê hương ở đó đồng bào chúng ta, đặc biệt là các chiến sĩ nhân quyền, đang ngày đêm dấn thân vào cuộc chiến đấu gian lao và dũng cảm để dành lại quyền làm người".
*****************
Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ được vinh danh giải Nhân quyền & Pháp Quyền (RFA, 13/12/2019)
Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ, giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) được vinh danh giải Nhân quyền & Pháp quyền năm 2019.
Ông Vũ Quốc Ngữ (áo trắng đứng giữa) trong một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội Courtesy of FB Vũ Quốc Ngữ - Hình minh họa.
Trang mạng Ngoại giao của Pháp loan tin vừa nêu hôm ngày 10 tháng 12. Theo đó 14 người được vinh danh năm nay, trong đó có nhà hoạt động người Việt, Vũ Quốc Ngữ.
Vào ngày 13 tháng 12, ông Vũ Quốc Ngữ cho Đài Á Châu Tự Do biết cảm nghĩ khi nhận được giải :
"Việc hai chính phủ Pháp và Đức trao cho tôi Giải thưởng Pháp quyền và Nhân quyền năm 2019 là một sự động viên và ghi nhận cho công việc của tôi từ năm 2013 đến nay. Đó là nguồn động viên để chúng tôi tiếp tục công việc".
Giải Nhân Quyền & Pháp Quyền là giải thưởng do Pháp và Đức đồng chủ xướng lập ra vào năm 2016 để tưởng thưởng cho những người hoạt động bảo vệ nhân quyền, những luật sư đại diện cho các nhà bảo vệ nhân quyền và những nhà báo giúp công khai được sự thật.
Ông Vũ Quốc Ngữ chia sẻ những công việc mà tổ chức của ông thực hiện lâu nay :
"Báo cáo về vi phạm nhân quyền theo cơ chế sự vụ, tuần, quý và năm lên một số Tổ chức nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, một số chính phủ dân chủ, NGO của thế giới và khu vực.
Chúng tôi cũng phối hợp với một số tổ chức NGO quốc tế mở các lớp tập huấn về an ninh mạng, về kỹ năng báo chí cho người hoạt động ở Việt Nam.
Chúng tôi cũng có thể trợ giúp những người hoạt động đang gặp khó khăn bằng cách giúp họ làm những bộ hồ sơ xin trợ cấp khẩn cấp từ một số tổ chức NGO quốc tế để chi trả trong việc chữa trị y tế, mua những thiết bị liên lạc hoặc máy tính để làm việc.
Với những người đang bị bắt thì chúng tôi giúp thuê luật sư hoặc thăm nuôi trong thời gian bị giam giữ".
Giải được trao nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế 10 tháng 12 hằng năm.
Thông qua giải thưởng này, hai nước Pháp và Đức mong muốn chứng tỏ ủng hộ đối với việc làm của những người vừa nêu.
Những người được trao giải năm 2019 là những nhà hoạt động đấu tranh trên các mặt trận chính như chống lại biện pháp tra tấn, tình trạng đối xử vô nhân hay xúc phạm hạ thấp nhân phẩm con người, chống lại nạn mất tích cưỡng bức, nạn bạo hành phụ nữ, sự phân biệt đối với cộng đồng LGBT, cũng như cổ xúy cho bình đẳng giới.
Pháp và Đức tiếp tục cam kết bảo vệ nhân quyền và việc thượng tôn pháp luật trên khắp thế giới. Cả hai nước khuyến khích các quốc gia khác tôn trọng cam kết của họ trong những lĩnh vực nêu trên.
********************
Hát Then chính thức được UNESCO vinh danh di sản phi vật thể đại diện nhân loại (RFA, 13/12/2019)
Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam vào ngày 13/12 ra thông báo ‘thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vừa chính thức được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
12 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và Hát Then di sản thứ 13 vừa mới được UNESCO công nhận. Courtesy : BVHTTDL/ RFA Edited
Công nhận vừa nêu được đưa ra tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) diễn ra tại Columbia. Theo đó Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được xem là di sản văn hóa phi vật thể thứ 13 của Việt Nam và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo Cục di sản văn hóa, việc UNESCO công nhận Thưc hành Then là di sản của nhân loại đã khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam. Việc thực hành nghi lễ Then thể hiện tình đoàn kết của các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên thế giới.
Bà Lê Thị Thu Hiền cục trưởng cục di sản văn hóa đã cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các giá trị của thực hành nghi lễ Then.
Then là một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Thực hành Then được truyền khẩu thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ. Các thầy Then đóng vai trò chính yếu trong việc chuyển giao các kỹ năng và bí quyết liên quan, một số thầy Then thực hiện khoảng 200 nghi lễ Then một năm.
Di sản thực hành nghi lễ Then tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc như Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang và vùng Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và một số nơi khác tại Việt Nam.