Tháng 4/2016, xảy ra sự cố Nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh xả chất thải chứa độc tố ra biển khiến cá chết hàng loạt và môi trường biển bốn tỉnh gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế bị ô nhiễm nặng nề sau đó.
Biển Vũng Áng, ảnh minh họa. Courtesy photo
Đến tháng 9/2017, Thủ tướng Chính phủ Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Mục tiêu của dự án nhằm giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh nói trên đảm bảo hiện đại, đồng bộ nhằm cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu về hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường biển miền Trung. Từ đó cảnh báo kịp thời khi chất lượng môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm.
Một tháng sau Bộ Tài nguyên và môi trường đã phê duyệt thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 - 2019.
Nhưng đến nay đã gần hết năm 2019, cả 4 tỉnh miền Trung đều không thể xây dựng, lắp đặt hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển vì thiếu tiền. Nguyên nhân được xác định là do các bộ, ngành bố trí vốn thực hiện dự án quá chậm, đến cuối tháng 8/2019 các bộ Kế hoạch - đầu tư, Tài chính mới thực hiện phân bổ vốn để bốn tỉnh thực hiện dự án.
Trả lời RFA hôm 16/12 từ tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Việt Cường, Viên trưởng Viện nghiên cứu khoa học miền Trung, nói :
"Tất nhiên là quan trọng rồi, vì khu vực miền Trung là khu vực rất dễ bị tổn thương bởi những ô nhiễm về môi trường biển, bởi vì có rất nhiều hoạt động về kinh tế, đặc biệt là Formosa ở Hà Tĩnh. Ngoài ra miền Trung cũng có rất nhiều khu nghỉ dưỡng có biển rất tuyệt vời, nhưng chỉ cần một sự có môi trường nhỏ là sẽ ảnh hưởng cả một ngành du lịch của Việt Nam, và ảnh hưởng cả một nền kinh tế ngư nghiệp, cho nên việc cảnh báo sớm và việc xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm về sự cố môi trường là rất quan trọng và cấp bách".
Theo đề án được phê duyệt, dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển bốn tỉnh miền Trung gồm 5 hợp phần. Hợp phần 1 - xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển tỉnh Hà Tĩnh ; hợp phần 2 - xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển tỉnh Quảng Bình ; hợp phần 3 - xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển tỉnh Quảng Trị ; hợp phần 4 - xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, khi trao đổi với RFA hôm 16/12 về việc này nhận định :
"Đây là một hệ thống cảnh báo rất quan trọng, vì quá trình phát triển các khu kinh tế ven biển đã được quyết định khá nhiều, khu Vũng Áng chỉ là một trong số đó. Bên cạnh việc phát triển ồ ạt này, rất có khả năng nó sẽ làm ô nhiễm môi trường biển, nếu chúng ta không có các giải pháp để theo dõi tình trạnh môi trường cho phù hợp. Một trong những cách thế giới đang làm là phải có một hệ thống giám sát và đánh giá về mặt môi trường".
Được biết, tổng vốn đầu tư 4 hợp phần này khoảng 200 tỉ đồng, được huy động từ nguồn 500 triệu USD kinh phí bồi thường thiệt hại thảm họa môi trường biển của Công ty Formosa vào năm 2016. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh được phân bổ 70 tỉ đồng, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế được bố trí mỗi tỉnh 40 tỉ đồng, phần còn lại dành cho tỉnh Quảng Bình.
Nhà báo Minh Hải, người từng tiếp xúc nhiều với các ngư dân cho biết nhận định của mình :
"Tôi tiếp cận với nhiều ngư dân và cũng được biết là họ bây giờ rất ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, để khai thác đánh bắt… Nhiều đội tàu đánh bắt xa bờ đem cả rác về bờ chứ không xả xuống đại dương… Mình thấy đó là một ý thức rất tốt của ngư dân. Vì vậy nếu không có hệ thống cảnh báo sớm, thì đó là một thiệt thòi cho người dân, gây tác hại rất lớn, không chỉ môi trường biển, mà đến nhiều đời sau phải gánh chịu hậu quả này".
Theo 4 tỉnh xin hoãn dự án, các tỉnh này đã đề xuất bộ, ngành, nhưng đến cuối tháng 8/2019 chưa có nguồn vốn nên sở chưa thực hiện các bước tiếp theo. Bây giờ dù có tiền, thì thời hạn còn lại thực hiện dự án theo quyết định của Thủ tướng là rất ngắn.
Trong khi người dân vùng biển miền Trung ngày càng có ý thức bảo vệ biển thì việc phân bổ tiền đền bù của Formosa cho dự án đã gây nhiều quan ngại.
Không chỉ vùng biển miền Trung, các sự cố môi trường trên cả nước cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, đến khi thảm họa xảy ra mới lo làm trạm quan trắc. như việc ô nhiễm không khí ở Hà Nội và Sài Gòn, ô nhiễm nguồn nước ở các tỉnh khác.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Việt Cường, nói tiếp :
"Theo tôi nghĩ, trước hết chúng ta phải nói rằng, nhà nước cũng như Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ, đã có những chủ trương để xây dựng các trạm quan trắc môi trường, và các trạm này đã hoạt động từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới có. Còn bây giờ có thể là xây dựng thêm một dự án mới để nâng cao hiệu quả qian trắc, tôi nghĩ đều đó là tốt, là cần thiết".
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Việt Cường, chủ trương của đảng và nhà nước luôn tạo điều kiện để bảo vệ môi trường, trong đó có quan trắc môi trường. Còn ai nói là nhà nước không làm chuyện ấy, mà ‘mất bò mới lo làm chuồng’ là không phải.
Tuy nhiên, Giáo sư Đặng Hùng Võ lại không đồng tình :
"Cái gọi là tầm nhìn ở Việt Nam thường là tầm nhìn ngắn hạn chứ chưa đến tầm nhìn dài hạn. Thứ hai là chưa cân nhắc về lợi ích kinh tế học, về phân tích chi phí và lợi ích, bấy giờ mới quyết định được cái dự án đầu tư công nào là cần ưu tiên. Do hoàn cảnh khó nó cũng trở thành thói quen tầm nhìn ngăn hạn được quan tâm nhiều hơn tầm nhìn dài hạn, bởi vì tầm nhìn dài hạn phải cần có vốn đầu tư lớn hơn. Chính vì vậy Việt Nam cứ phải đi chữa cháy, theo kiểu, xảy ra sự cố rồi, thì mới tiến hành có giải pháp. Kể cả chuyện ô nhiễm không khí hiện nay cũng vậy, Việt Nam người ta hay nói ‘mất bò mới lo làm chuồng’, trong hoàn cảnh khó khăn, sự việc xảy ra rồi mới tìm cách giải quyết".
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng cần tăng tầm nhìn dài hơi hơn. Theo ông, chính sách thì đã có, tức là phòng quan trọng hơn là chống, nhưng nhiều khi không phòng một cách tích cực mà lại rơi vào bị động, chính vì vậy nó dẫn đến hoàn cảnh hiện nay.
*******************
Bốn tỉnh miền Trung xin gia hạn xây dựng hệ thống cảnh báo môi trường biển (RFA, 16/12/2019)
Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế xin gia hạn thời gian xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển tại 4 địa phương này đến năm 2021. Lý do được nêu ra là vì thiếu kinh phí.
Cá chết dạt vào bờ biển miền Trung tháng 4/2016. AFP
Nhà máy thép Formosa xả chất thải chứa độc tố ra biển khiến cá chết hàng loạt và môi trường biển bốn tỉnh trên bị ô nhiễm nặng nề từ tháng 4 năm 2016. Tháng 9 năm 2017, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư dự kiến là 320 tỷ đồng.
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh nói trên đảm bảo hiện đại, đồng bộ nhằm cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu về hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường biển miền Trung. Từ đó cảnh báo kịp thời khi chất lượng môi trường biển miền Trung có dấu hiệu bị ô nhiễm.
Theo truyền thông trong nước, dự án được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt thực hiện vào tháng 10 năm 2017, thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 - 2019. Nhưng đến nay là gần cuối năm 2019, cả 4 tỉnh miền Trung này đều không thể xây dựng, lắp đặt hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển với lý do được nêu là do các bộ, ngành bố trí vốn thực hiện dự án quá chậm. Cụ thể, đến cuối tháng 8 năm 2019 các bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính mới phân bổ vốn để thực hiện dự án.