Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hơn 60 tỉnh thành Việt Nam tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2 (RFA, 15/02/2020)

Đã có 62 tỉnh thành của Việt Nam quyết định kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh đến cuối tháng 2 để phòng dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Covid 19 gây ra lây lan.

nghihoc

Hình minh hoạ. Học sinh đeo khẩu trang đến lơp ở một trường cấp 2 Định Công, Hà Nội hôm 31/1/2020 - AP

Truyền thông trong nước hôm 15/2 cho biết, tiếp theo công văn hoả tốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào đêm ngày 14/2 đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố xem xét kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh đến hết tháng 2, một loạt UBND các địa phương đã ra công văn hoả tốc về quyết định mới.

Dịch viêm phổi cấp xuất phát từ Trung Quốc hiện đã lây lan ra hàng chục nước trên thế giới với số người bị nhiễm bệnh tính đến ngày 15/2 là hơn 67.000 người và hơn 1.500 người chết. Việt Nam đã xác định 16 ca dương tính với virus Covid 19. Một xã ở tỉnh Vĩnh Phúc bị phong toả vì có nhiều người bị xác định dương tính với virus.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, giới chức các địa phương ở Việt Nam đã quyết định kéo dài thời gian nghỉ tết cho học sinh đến sau ngày 3/2. Vào hôm 14/2, nhiều tỉnh thành đã quyết định cho học sinh đi học lại vào tuần tới sau khi tiến hành khử trùng trường lớp. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối của người dân vì lo ngại dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan mà chưa được kiểm soát.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết do việc học sinh phải nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh, niên học 2019 - 2020 sẽ phải kéo dài hơn từ 2 đến 3 tuần so với các niên học khác.

*******************

Virus corona : Tranh cãi tại Việt Nam về việc cho học sinh trở lại trường (RFI, 14/02/2020)

Tại Việt Nam đang có nhiều tranh cãi gay gắt về việc có nên cho học sinh trở lại trường vào ngày thứ Hai tới, 17/02/2020, hay không, sau nhiều ngày học sinh phải nghỉ học để tránh lây nhiễm virus corona mới, nay có tên chính thức là Covid-19.

hocsinh1

Một trường tiểu học ở Hà Nội đóng cửa do dịch virus Covid-19, ngày 03/02/2020 Nhac NGUYEN / AFP

Theo báo chí trong nước, hôm qua, 13/02/2020, sở Giáo Dục và Đào Tạo thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị chính quyền thành phố cho học sinh đi học lại từ ngày 17/02, sau khi nghỉ vì dịch bệnh Covid-19. Nhưng nhiều phụ huynh đã yêu cầu tiếp tục cho học sinh nghỉ học qua thời gian ủ bệnh, mà nay được biết là có thể lên tới 24 ngày.

Trước tình hình này, chính phủ Việt Nam hiện chưa có một lập trường dứt khoát. Theo báo chí trong nước nước, sáng nay, 14/02, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã tuyên bố : "Không nên cho đi học trở lại, nếu học sinh vẫn lo sợ bị lây nhiễm ở trường".

Tại Việt Nam, hiện đã có tổng cộng 16 ca lây nhiễm Covid-19, chủ yếu tập trung ở tỉnh Vĩnh Phúc, nơi xã Sơn Lôi, với hơn 10 ngàn dân, đã bị cách ly trong 20 ngày, kể từ hôm qua, 13/02, để ngăn chận sự lây lan của dịch bệnh. Một "đoàn công tác đặc biệt", do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thành lập, hôm qua đã đến tỉnh Vĩnh Phúc để phối hợp việc phòng chống. 

Nhiều giáo phận hủy các chuyến hành hương

Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam. Theo hãng tin UCA News hôm nay, do lo ngại dịch Covid-19, nhiều giáo phận ở Việt Nam đã hủy các chuyến đi hành hương, kể cả chuyến hành hương viếng Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ở miền Tây. Theo dự kiến, hàng trăm ngàn người, bao gồm cả những người không phải là giáo dân, sẽ đến viếng Nhà thờ Cha Diệp, còn được gọi là nhà thờ Tắc Sậy, ở Bạc Liêu, nhân lễ giỗ vị linh mục này vào những ngày 11 và 12/03. Cha Diệp được xem như một vị thánh vì sự linh thiêng đối với những ai tin tưởng cầu nguyện linh mục này. Nhưng ngày 12/02 vừa qua, giám mục Giáo phận Cần Thơ Stêphanô Tri Bửu Thiên đã ra thông cáo hủy bỏ chuyến hành hương này.

Formula One sẽ bị ảnh hưởng ?

Dịch virus corona có nguy cơ ảnh hưởng đến sự kiện thể thao đang rất được chờ đợi ở Việt Nam đó là cuộc đua xe Công thức một ( Formula One ), theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 05/04/2020 tại Hà Nội.

Theo nhật báo The Times của Anh hôm nay, do dịch Covid-19 đang hoành hành tại Trung Quốc và đã lan sang Việt Nam, êkíp của Formula One đã bắt đầu tỏ vẻ lo ngại về việc đến Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc đua này.

Hôm qua, ông Zak Brown, giám đốc điều hành của đội đua McLaren, một trong những đội sẽ tham gia Forrmula One ở Việt Nam, cho biết họ đang theo dõi sát tình hình dịch bệnh ở Việt Nam. Ông Zak Brown cũng nói rằng đội đua của ông sẽ không buộc bất kỳ nhân viên nào phải đi Việt Nam.

Thanh Phương

********************

Ba mươi tỉnh/thành tại Việt Nam quyết định cho học sinh đi học trong tình hình dịch Covid-19 (RFA, 14/02/2020)

30 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã quyết định cho học sinh trở lại trường từ ngày 17/2, sau đợt nghỉ để phòng dịch virus Covid-19.

hocsinh2

Hình minh họa. Giáo viên và học sinh đeo khẩu trang trong lớp ở trường cấp hai Định Công, Hà Nội, hôm 31/1/2020 AP

Đó là số liệu báo trong nước cho biết theo thống kê đến ngày 14/2/2020. Tuy nhiên, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi hiện có 11 người bị xác định nhiễm virus corona Covid-19 sẽ tiếp tục cho học sinh nghỉ đến ngày 22/2.

Các tỉnh, thành quyết định cho học sinh quay trở lại trường là : Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Long An, Tiền Giang, Quảng Nam, Cà Mau, Đồng Nai, Sóc Trăng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Tây Ninh, Hậu Giang, Bình Phước, Cần Thơ, Hà Nam, Đà Nẵng, Yên Bái, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Kiên Giang, Lào Cai, Nam Định.

Ngoài ra, nhiều trường Đại học cũng đã có quyết định cho sinh viên trở lại trường từ 17/2 như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh...

Tuy nhiên, một số trường cao đẳng và đại học vẫn tiếp túc cho sinh viên nghỉ thêm một tuần hoặc nghỉ tới đầu tháng 3 như Học viện Tòa án, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Cao Thắng.

Vào sáng ngày 14 tháng 2, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ Đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Covid-19 gây nên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cho biết ông đã yêu cầu Bộ Giáo dục- Đào tạo khẩn trương có hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu để các cấp, nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe khi học sinh đến lớp.

********************

Đến trường hay ở nhà để phòng, ngừa dịch Covid-19 ? (RFA, 12/02/2020)

Học sinh đi học lại là hợp lý ?

Bộ Y tế, vào ngày 8/2 đã gửi công văn đến Bộ Giáo dục-Đào tạo với nội dung là học sinh có thể đi học lại tại các địa phương không có dịch bệnh virus corona (Covid-19), sau khi đã tiêu độc, khử trùng lớp học, vệ sinh bàn ghế…Đồng thời hướng dẫn cho học sinh, phụ huynh và giáo viên cách thức phòng bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm, không để lây lan trong trường học.

hocsinh3

Ảnh minh họa : Học sinh đến trường trong dịch bệnh virus corona. Courtesy : vov.vn

Đến ngày 12/2, truyền thông trong nước dẫn nguồn từ Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh thông báo học sinh đi học trở lại từ ngày 17/2.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục, Phó Chủ tịch Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng vào tối hôm 12/2 lên tiếng với RFA rằng đợt cho học sinh nghỉ học ngay sau khi Việt Nam công bố dịch bệnh virus corona là điều cần thiết, tuy nhiên kéo dài thời gian nghỉ học không phải là một giải pháp. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nhấn mạnh :

"Thông tin phải đầy đủ và những khu vực nào thật sự có mầm móng dịch bệnh thì phải có kiểm soát tốt. Quan trọng là phải kiểm soát được, chứ không phải chỉ nghỉ học là xong. Quan trọng hơn là nhà trường phải chuẩn bị tốt trong khi cho học sinh đi học, chẳng hạn như chuyện giáo dục cho học sinh biết tự bảo vệ…là rất cần thiết".

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, từ Hà Nội cho rằng thông báo của Bộ Y tế là hợp lý, thế nhưng ở những nơi có dịch bệnh thì vẫn cần cho học sinh tiếp tục nghỉ :

"Căn cứ vào tình hình thực tế vừa rồi thì ổ dịch lớn nhất ở Việt Nam là tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó là thành phố Hồ Chí Minh và một vài tỉnh nơi có nhiều người Trung Quốc xuất hiện như Đà Nẵng, Khánh Hòa… Những nơi này theo tôi thì nên tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Còn như Hà Nội chưa có một trường hợp nào phát dịch và các tỉnh lân cận như Nam Hà, Ninh Bình, hay như ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chưa có (dịch bệnh) mà nếu tiếp tục cho học sinh nghỉ tiếp ở các địa phương thì sẽ gặp khó trong chuyện kết thúc chương trình. Vì vậy những địa phương ấy cho học sinh đi học lại cũng là hợp lý".

Lo lắng của phụ huynh

Trong cùng ngày một số địa phương ra thông báo cho học sinh đi học lại kể từ ngày 17/2, Đài RFA trao đổi với các phụ huynh và được họ cho biết rằng họ rất mong mỏi con cháu được nhanh chóng việc học hành sau đợt nghỉ quá dài ngày từ Tết Nguyên đán đến giờ. Thế nhưng, chúng tôi ghi nhận đa số phụ huynh đều tỏ ra lo lắng khi học sinh đến trường trở lại. Bà Ninh, một phụ huynh ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết :

"Trường mời phụ huynh vào thông báo là dự định sẽ cho các cháu đi học lại vào thứ Hai tuần sau. Nhưng diễn biến của bệnh dịch chưa giảm được nên chúng tôi rất lo lắng. Cho nên chúng tôi đề nghị với nhà trường rằng nếu có chỉ thị toàn quốc đi học lại hết thì chúng tôi mới yên tâm cho con đi học, còn như vậy thì chúng tôi không đồng ý. Đại diện tổ trưởng phụ huynh, chúng tôi họp có ý kiến như vậy. Trường nói rằng sẽ kiến nghị lên cấp trên ; nếu được thì sẽ thông báo cho học sinh nghỉ tiếp theo toàn quốc, còn không thì cho các cháu đến trường nhưng sẽ có biện pháp phòng, chống và sẽ phát khẩu trang. Tuy nhiên, phụ huynh chúng tôi vẫn rất lo lắng và chưa muốn cho các cháu đi học".

hocsinh4

Phun thuốc khử khuẩn tại một trường học ở Việt Nam. Courtesy : vov.vn

Cô Ba, một phụ huynh có hai con trai đang học tiểu học và trung học cơ sở ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ rằng bản thân cô cùng với nhiều phụ huynh khác đang rất lo ngại khi các cháu trở lại trường và họ cho rằng một giải pháp trong thời điểm bệnh dịch diễn biến phức tạp, qua trường hợp mới nhất có một bệnh nhi ở Vĩnh Phúc lây nhiễm trực tiếp từ người sang người, thì học trực tuyến là an toàn hơn hết. Cô Ba nói :

"Tôi thấy cho nghỉ rồi học online hay gửi bài ôn tập cho học sinh thì sẽ tốt hơn, chứ tới trường thì cũng lo sợ".

Trước sự lo lắng và kiến nghị của phụ huynh về giải pháp học trực tuyến, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cho rằng hiện tại ở Việt Nam chưa thể thực hiện ngay được phương pháp này.

"Ý tưởng là không sai, nhưng tôi nghĩ là bị đột ngột như vậy thì các trường cũng không có chuẩn bị. Tức là cho tự học, học ở nhà thì cha mẹ có thực sự giúp được không ? Thứ hai nữa là giao bài cho học sinh học trong thời gian như thế nào thì tôi thấy cũng cần có một sự chuẩn bị. Tôi nghĩ ở Việt Nam hiện nay trong trường chưa có dạy cho các em biết tự học nhiều, chủ yếu là nghe thầy giảng và về làm theo đúng những gì thầy yêu cầu. Bây giờ nếu học trực tuyến thì những bài giảng đã có sẵn chưa ?"

Chuyên gia y tế nói gì ?

Bác sĩ Lê Văn Dũng, từng làm việc tại Y tế Dự phòng, ngay sau khi Việt Nam công bố dịch bệnh virus corona đã khẳng định với RFA công tác vệ sinh phòng, chống lây nhiễm virus corona tại các nơi công cộng và trường học là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, ông cho rằng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện tại thì không nên mở trường học.

Vào tối ngày 12/2, Bác sĩ Lê Văn Dũng giải thích quan điểm của ông với RFA :

"Tổ chức Y tế Thế giới ban bố tình trạng toàn cầu. Trung Quốc thì vẫn theo chiều hướng tăng lên từng ngày, vẫn chưa thấy đỉnh của dịch bệnh. Số lượng chết, số mới mắc bệnh, số bị nhiễm, số lượng nguy kịch vẫn tăng lên đều và tăng theo tỷ lệ lũy tiến dần, không có chiều hướng giảm. Trong khi đó, Việt Nam là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới rồi".

Bác sĩ Lê Văn Dũng nhắc đến trường hợp bệnh nhi 3 tháng tuổi bị nhiễm virus corona ở Vĩnh Phúc là một minh chứng cho tình trạng bệnh dịch diễn biến càng phức tạp và phải chờ cho đến khi đỉnh của dịch bệnh được chính thức thông báo đã xảy ra và mức độ lây nhiễm có tỷ lệ giảm đáng kể thì khi đó mới cân nhắc đến việc mở cửa trường học đón học sinh trở lại. Bác sĩ Lê Văn Dũng phân tích thêm :

"Đi học một lớp học từ sáng đến trưa rồi từ trưa đến chiều với mấy chục học sinh ở trong lớp, trong một cái phòng kín như thế. Nếu một học sinh bị thì chỉ trong một ngày cả lớp bị. Cho nên phải nhìn thấy mức độ nguy hiểm như thế để bảo vệ sức khỏe con cái mình, chứ còn chuyện học ở Việt Nam có tận 3 tháng hè và kể cả có nghỉ đến 6 tháng thì đến năm học sau phải học thêm 1,2 tháng nữa thì chẳng có vấn đề gì. Việc đấy xử lý được".

Trả lời câu hỏi của RFA liên quan thông tin có 7 ca được điều trị khỏi bệnh trong số 15 trường hợp nhiễm virus corona ở Việt Nam có phải là kết quả lạc quan hay không, Bác sĩ Lê Văn Dũng khẳng định rằng "không nói lên được điều gì gọi là khả quan". Bác sĩ Lê Văn Dũng tiếp lời :

"Bởi vì bệnh này là virus, không có vaccine, không có thuốc điều trị đặc hiệu thì chữa trị kiểu gì ? Đó là nằm trong quy trình diễn biến tự nhiên. Tức là tỷ lê tử vong chẳng hạn là 20% thì trong số 10 người nhiễm bệnh có 2 người tử vong và 8 người tự khỏi bệnh vì người ta tự miễn dịch do sức đề kháng của người ta tốt".

Bác sĩ Lê Văn Dũng và một vài chuyên gia y tế Đài Châu Á Tự Do tiếp xúc được đều cho rằng Chính phủ Việt Nam phải rất thận trọng trước quyết định cho học sinh đi học trở lại trong lúc này.

******************

Virus corona : Gần 2.000 người nhập cảnh bị cách ly tại Sài Gòn (RFI, 12/02/2020)

Trước nạn dịch virus corona xuất phát từ Vũ Hán, vừa có tên chính thức là Covid-19, Việt Nam theo dõi chặt chẽ những người từ vùng dịch đến. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 12/02/2020 có 1.957 người nhập cảnh đang được giám sát.

hocsinh5

Khu cách ly virus corona tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 23/01/2020 Bach Duong / AFP

Riêng tại Công ty Pouyuen ở quận Bình Tân có 86 người bị cách ly (trong đó có 79 người Trung Quốc, 6 người Đài Loan, 1 người Việt Nam), và chưa người nào có triệu chứng bất thường.

Về phần hai bệnh nhân đầu tiên người Trung Quốc ở Chợ Rẫy đã được xuất viện. Như vậy trong số 15 trường hợp dương tính tại Việt Nam đã có 6 người được coi là chữa khỏi.

Vĩnh Phúc, nơi có 8 công nhân đi tập huấn hai tháng ở Vũ Hán trở về, là nơi tập trung nhiều ca nhất với 10 người bị lây nhiễm. Trong đó có trường hợp cháu bé ba tháng tuổi bị dương tính qua bà ngoại lây nhiễm từ người quen là công nhân từ Vũ Hán về. Hiện nay 38 học sinh ở Vĩnh Phúc có biểu hiện ho, khó thở đang được theo dõi.

Báo chí trong nước cho biết nhiều trường đại học cho sinh viên tiếp tục nghỉ sau Tết, có trường cho nghỉ đến đầu tháng Ba.

Trong nỗ lực đối phó dịch bệnh, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa phê duyệt đề tài cấp nhà nước về việc bổ sung thuốc trị HIV trong điều trị nhiễm virus corona. Công thức Lopinavir/Ritonavir thường được dùng để điều trị và phòng ngừa nhiễm AIDS (SIDA) sẽ được nhóm nghiên cứu thử nghiệm trong 4 tuần để đánh giá hiệu quả về lâm sàng.

Về mặt kinh tế, theo Reuters, thiệt hại ước tính đối với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines khoảng 430 triệu đô la do các đường bay với Trung Quốc bị ngưng. Cơ quan hàng không dân dụng cho biết lệnh cấm ảnh hưởng đến 400.000 hành khách mỗi tháng ; ba hãng Vietnam Airlines, Vietjet Aviation và Jetstar Pacific có khoảng 72 tuyến bay nối Việt Nam và Trung Quốc.

Xuất khẩu thủy sản trong tháng Giêng giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 644 triệu đô la. Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết nhiều công ty xuất cá tra, cá ngừ và tôm vẫn chưa được chi trả vì các ngân hàng Trung Quốc chưa hoạt động trở lại. Chính quyền vận động giảm phí lưu kho, xúc tiến tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Trên lãnh vực du lịch, chiếc tàu du lịch Diamond Princess của Nhật hôm nay 12/02/2020 đã phát hiện tổng cộng 176 người bị nhiễm virus corona, đến hôm nay vẫn bị cách ly tại cảng Yokohama. Tàu này từng ghé cảng Quảng Ninh và Huế của Việt Nam, một số khách đã lên bờ du ngoạn. Có 21 hướng dẫn viên người Việt đã tiếp xúc các hành khách trên tàu, nhưng đến nay vẫn chưa bị cách ly.

Trả lời RFI Việt ngữ, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch hội đồng thành viên công ty du lịch Lửa Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh tỏ ra lo lắng về việc này.

Thụy My

******************

‘Cách ly tại nhà’ do nghi nhiễm nCoV có hiệu quả ? (RFA, 11/02/2020)

Ca nhiễm viêm phổi lạ do virus corona mới (nCoV) gây ra tại Việt Nam được Bộ Y tế thông báo vào sáng 11/2 là ca nhiễm thứ 15 trong cả nước và là ca thứ 10 tại tỉnh Vĩnh Phúc. Vùng dịch Vĩnh Phúc đang trở thành tâm điểm khi lãnh đạo tỉnh này cho truyền thông biết có gần 300 người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm nCoV.

hocsinh6

Hình minh họa. Một phụ nữ bế một đứa trẻ xuống sân bay Vân Đồn, sau khi về từ Vũ Hán hôm 10/2/2020 AFP

Hiện nhiều người nghi nhiễm bệnh đã được cách ly, tuy nhiên vẫn có nhiều người đang tự cách ly tại nhà.

Trường hợp thứ 15 mắc nCoV tại Việt Nam là một bé gái tên N.G.L., 3 tháng tuổi ở xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, là cháu ngoại của bệnh nhân P.T.B., cũng dương tính với nCov, là mẹ của bệnh nhân N.T.D. - 1 trong 8 người về từ Vũ Hán. Đây là trường hợp bệnh nhân nhiễm nCoV nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này.

Thực tế qua những con số

Để tìm hiểu kỹ hơn về biện pháp cách ly mà Vĩnh Phúc đang áp dụng, hôm 11/2 chúng tôi đã liên lạc ông Đoàn Thanh Bình, Chánh văn phòng Sở y tế Vĩnh Phúc và được ông cho biết như sau :

"Cách ly tại cơ sở cách ly trung tâm tôi đang theo dõi đây, cách ly tại cơ sở y tế là 88 người… Nghi nhiễm thì đang quản lý dạng tiếp xúc gần thì có hơn 100 ca, hiện đang quản lý ở nhà… đến ngày mai mới có số liệu chốt hôm nay…".

Đối chiếu số liệu ông Bình vừa cho biết, chúng tôi đã tìm thêm thông tin từ cổng thông tin điện tử của Sở y tế tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây, bảng tin cập nhật mới nhất là vào 15 giờ chiều ngày 10/02/2020, có ghi tổng số trường hợp được theo dõi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vì virus nCoV là 311 trường hợp. Trong đó, 249 người có liên quan với các trường hợp dương tính với virus Corona, đang cách ly tại nhà, tức là cách ly ở cộng đồng. Và có hơn 500 trường hợp tiếp xúc gần với người dương tính nCoV.

Nghĩa là số người nghi lây nhiễm tại Vĩnh Phúc tương đối cao so với các địa phương khác và có nhiều khả năng tiếp tục tăng. Trong khi đó, cách đây một ngày, tỉnh này công bố chỉ mới lắp đặt bệnh viện dã chiến 300 giường bệnh. Liệu việc ứng phó với nCoV của "ổ dịch" Vĩnh Phúc có thực sự ổn. Tìm hiểu sâu hơn về chuyên môn đối với vấn đề này, RFA đã liên lạc với bác sĩ Đinh Đức Long, một đảng viên đảng cộng sản đã từ bỏ đảng, hôm 11/2 đưa ra nhận xét :

"Theo tôi cách ly là nên cách ly rồi, còn cách ly ở đâu thì tùy trường hợp cụ thể, Vĩnh Phúc theo tôi hiểu số người nhiễm bệnh cũng còn ít nên cách ly tại nhà cũng là việc tốt thôi. Nếu vào trung tâm lại còn dễ lây hơn, mục đích chỉ là làm thế nào để ít tiếp xúc nhất với những người xung quanh, ở nhà cô lập tại chỗ cũng là cách tốt, như vậy người ta khỏi đi lại. Miền bắc thì tôi nghĩ Vĩnh Phúc chắc chắn là ổ dịch rồi".

Theo bác sĩ Đinh Đức Long thì ngay cả việc cách ly tại nhà cũng phải tuân thủ nguyên tắc "cô lập tại chỗ".

Cũng với vấn đề này, RFA hôm 11/2 đã liên lạc bác sĩ Tô Quang Định, chuyên khoa hô hấp và được ông cho biết thêm :

"Cái đó còn tùy, nếu dạng virus nhẹ thì cách ly tại nhà, còn nhiễm trùng như hô hấp, viêm phổi nặng hay lao thì phải cách ly ở bệnh viện chứ không được ở nhà. Còn với virus corona, quan trọng nhất là phải cách ly tuyệt đối, đang là nghi ngờ thì phải cách ly 14 ngày, như đài báo đã nêu. Mà đã cách ly thì tuyệt đối không thể ra khỏi khu vực cách ly, hạn chế tối đa, không thể ra ngoài. Nói chung là phải nội bất xuất, ngoại bất nhập trong cái làng ở Vĩnh Phúc mà có người bị nhiễm bệnh".

Có nên đóng cửa địa lý ?

Với câu hỏi, liệu có cần 'đóng cửa' vùng dịch corona ở Vĩnh Phúc như các thành phố ở Trung Quốc ? Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng, nếu không có bệnh thì cho người ta đi lại bình thường chứ, còn người bệnh thì khi đã cô lập được tuyệt đối thì tốt. Ông nói tiếp :

"Ví dụ một nhà cách ly bị vây, gác xung quanh không cho tiếp xúc thì làm sao mầm bệnh phát tán được, cái chính là cô lập được không để mầm bệnh lây lan. Còn những người không bệnh thì vẫn sinh hoạt bình thường, chả ảnh hưởng gì cả, vì nếu chỉ mấy người bệnh thì chỉ cô lập những người ấy, chứ đâu cô lập cả tỉnh, cái đấy là thừa, vì những người khác có bị đâu ? Vì mầm bệnh phải có nguồn bệnh lây ra, nguồn bệnh đã cô lập thì sao phát tán được, dù là F1, F2 hay F3 thì cũng đã bị bệnh rồi, vì vậy nếu cô lập được nguồn bệnh rồi thì cần gì phải cô lập cả tỉnh".

Trả lời báo chí trong nước hôm 11/02/2020, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thuộc Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch ở Vĩnh Phúc không chỉ có bệnh nhân ‘xâm nhập’ mà đã có sự lây lan trong cộng đồng. Công tác phòng chống dịch tại tỉnh này cần phải quyết liệt hơn nữa, cần phải áp dụng những biện pháp mạnh hơn nữa.

Theo ông Trần Đắc Phu, phải biết bệnh nhân này đã đi đến đâu, đã tiếp xúc với những ai, kể cả huyện khác, tỉnh khác nếu có, để thông báo cho chính quyền sở tại điều tra những người tiếp xúc. Ông cho rằng, phải nắm được tất cả các trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân để cách ly.

Tuy nhiên theo ông Phu, việc cách ly tại nhà đòi hỏi cán bộ thực hiện phải làm có trách nhiệm và quyết liệt, đồng thời người dân cần có ý thức tuân thủ. Nếu một trong hai yếu tố đó không được đảm bảo thì việc cách ly gần như không có ý nghĩa.

Additional Info

  • Author Tổng hợp
Published in Việt Nam