Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chuyên gia Mỹ : Việt Nam cần liên minh với Mỹ để gìn giữ Biển Đông chống Trung Quốc (RFI, 11/11/2019)

Việc Trung Quốc mới đây ngang nhiên cho tàu khảo sát vào hoạt động, đồng thời tung tàu hải cảnh vào phá quấy công việc thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tiếp tục khiến dư luận quốc tế bất bình.

bd1

Ảnh minh họa : Phi đội không quân trên tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động tuần tra thường lệ trong vùng Biển Đông. Ảnh 02/2018. AYEE MACARAIG / AFP

Trong một bài phân tích được tạp chí Mỹ The National Interest công bố hôm 07/11/2019 vừa qua, tiến sĩ Anders Corr, một chuyên gia về Biển Đông, từng hoạt động trong ngành quân báo tại bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng để đối phó với dã tâm độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh, Việt Nam cần phải có một chiến lược thích ứng, trong đó yếu tố cực kỳ quan trọng là liên minh với Hoa Kỳ, nước duy nhất hiện nay có đủ lực để ngăn chặn Trung Quốc

Sau khi nhắc lại vụ Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 và đoàn tàu hải cảnh tháp tùng vào gây hấn trong khu vực Bãi Tư Chính, chuyên gia Anders Corr cho rằng Việt Nam đang gặp nguy cơ thực sự vì trong những lần gây sự trước đây, từ vụ Hoàng Sa năm 1974, cho đến vụ Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988, Trung Quốc luôn là kẻ gây sự trước, và kết quả là Việt Nam vừa bị mất người, vừa bị mất lãnh thổ.

Theo tác giả, lần này, nếu Trung Quốc thành công trong việc chiếm trọn vùng Biển Đông mà họ đã gói trong tấm bản đồ đường chín đoạn được gởi đến Liên Hiệp Quốc vào năm 2009, thì Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông sẽ bị mất quyền đánh bắt cá và khai thác dầu khí ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Hơn thế nữa Việt Nam có nguy cơ bị cô lập trong đất liền khi Trung Quốc tiếp tục tăng cường các hoạt động nhằm kiểm soát đường biển đi vào Việt Nam.

Việt Nam cần một chiến lươc mới

Để chống lại Trung Quốc, tiến sĩ Anders Corr cho rằng Việt Nam cần có một chiến lược mới trong đó có 4 thành tố quan trọng.

1/ Một là liên minh với các quốc gia có thể răn đe Trung Quốc ở mức cao nhất là răn đe hạt nhân, ví dụ như với Mỹ, Pháp và Anh.

2/ Hai là liên minh với các quốc gia có đủ năng lực triển khai nhanh chóng lực lượng quân sự thông thường (quy ước) để răn đe Trung Quốc, ví dụ như Hoa Kỳ ;

3/ Ba là sử dụng thành quả tăng trưởng kinh tế để nâng cao mức chi tiêu quân sự để răn đe Trung Quốc ngay tại chỗ, ví dụ như thông qua việc mua thêm tàu ngầm, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không ;

4) Và bốn là dân chủ hóa và cải thiện nhân quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên minh kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn với các quốc gia ít chịu ảnh hưởng nhất của Trung Quốc.

Ấn Độ, Nga, Úc không thể là đối tác liên minh cốt lõi ?

Danh sách các nước mà Việt Nam cần liên minh không có các nước Ấn Độ, Nga và Úc, mà Việt Nam đã kêu gọi hỗ trợ. Về vấn đề này, chuyên gia Anders Corr đã giải thích như sau :

Nga, Úc và Ấn có thể là đối tác chiến lược hữu ích cho Việt Nam, nhưng các nước đó không đủ khả năng làm một đối tác liên minh cốt lõi vì họ thiếu sức mạnh cần thiết để một mình đánh bại Trung Quốc.

Nga có ghế trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và cả Nga lẫn Ấn Độ đều là các cường quốc hạt nhân có khả năng quan trọng để triển khai lực lượng quân sự thông thường đối phó với Trung Quốc, nhưng hai nước này không đủ sức mạnh về mặt kinh tế hay quân sự để đối đầu với Bắc Kinh. Cả hai đều là thành viên của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, trong thực tế do Trung Quốc lãnh đạo. Do đó, hai nước này không thể trở thành đồng minh cốt lõi đáng tin cậy cho Việt Nam.

Úc là một đồng minh đáng tin cậy tiềm tàng, nhưng lại không có sức răn đe hạt nhân hay quy ước cần thiết để đối đầu với Trung Quốc. Úc cũng không đặc biệt mạnh về mặt ngoại giao, quân đội Úc còn thiếu phương tiện so với Trung Quốc, và nhất là Úc chịu ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc nhiều hơn là Hoa Kỳ, Pháp hoặc Anh Quốc.

Khoảng 40,8% hàng xuất khẩu của Úc được bán sang Trung Quốc, điều đó giải thích tầm ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Úc vốn có ảnh hưởng trên sân khấu chính trị Úc. Ngược lại, Hoa Kỳ, Pháp và Anh có ít hàng xuất khẩu sang Trung Quốc nếu tính theo tỷ lệ trong GDP của họ, do đó các nước này chịu ảnh hưởng chính trị ít hơn từ Trung Quốc. Mỹ, Anh và Pháp cũng có thế mạnh là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

ASEAN chịu ảnh hướng của Trung Quốc lơ là trước hành vi ở Biển Đông

Còn về các tổ chức khu vực và quốc tế mà Việt Nam đã kêu gọi giúp đỡ để đối phó với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, tiến sĩ Corr đã thẳng thắn cho rằng sự giúp đỡ của các định chế này gần bằng con số không.

Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) đã giúp đỡ rất ít cho Việt Nam trong bối cảnh các nước thành viên ngày càng chịu ảnh hưởng lớn hơn của Bắc Kinh, và phủ quyết mọi chỉ trích thực sự về Trung Quốc. Các nước này chuẩn bị rất ít hay hầu như lơ là trong việc ngăn chặn các hoạt động gặm nhắm Biển Đông của Trung Quốc.

Sau khi Bắc Kinh phớt lờ phán quyết Biển Đông của Tòa Thường Trực La Haye trong vụ Philippines kiện đường 9 đoạn của Trung Quốc, chính Philippines chẳng hạn, lại là thành viên ASEAN mới nhất chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Theo chuyên gia Mỹ, hiện nay Việt Nam là nước bạo dạn nhất trong khối ASEAN vẫn cố duy trì sự độc lập của mình đối với Trung Quốc, nhưng điều này đã bớt có ý nghĩa trong bối cảnh Trung Quốc có ảnh hưởng sâu rộng đối với thượng tầng quyền lực của Việt Nam và khối giao dịch thương mại to lớn của Việt Nam với Trung Quốc…

Còn Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, với quyền phủ quyết của Trung Quốc, hoàn toàn không đủ khả năng để bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam.

Mỹ có đủ điều kiện để hỗ trợ Việt Nam chống Trung Quốc

Đối với ông Corr, trong tình hình như vừa kể, một liên minh hoặc thậm chí một quan hệ sâu sắc hơn với Mỹ sẽ giúp Việt Nam củng cố tiềm năng chống lại Trung Quốc, cải thiện sức mạnh răn đe của Việt Nam nhờ dựa được vào một người bạn mạnh mẽ nếu xảy ra xung đột quân sự.

Theo tiến sĩ Anders Corr, chỉ có Hoa Kỳ mới có tất cả các điều kiện để trở thành một đồng minh cốt lõi đáng tin cậy và đủ sức chống lại Trung Quốc. Các điều kiện đó là một chính sách đối ngoại độc lập với ảnh hưởng của Trung Quốc (so với các thành viên ASEAN và Nga), một sức mạnh kinh tế cần thiết để trừng phạt Trung Quốc, một sức mạnh ngoại giao cần thiết để phủ quyết Trung Quốc tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Mỹ cũng có đủ khả năng quân sự cần thiết để triển khai sức mạnh quân sự quy ước đối phó với Trung Quốc, và sức răn đe hạt nhân cần thiết để bảo vệ chính mình khỏi sự trả đũa hạt nhân tiềm tàng của Trung Quốc.

Chuyên gia Mỹ khẳng định : Nếu không có Hoa Kỳ để làm đối trọng với Trung Quốc, an ninh Việt Nam không thể được bảo đảm. Sự tham gia của Hoa Kỳ là điều kiện thiết yếu cho bất kỳ liên minh hiệu quả nào chống lại Trung Quốc căn cứ vào tương quan lực lượng hiện tại.

Tuy nhiên, Mỹ chỉ ưu tiên cho những đồng minh có giá trị tương tự về dân chủ và nhân quyền. Vì vậy, để có được không chỉ liên minh với Hoa Kỳ, mà cả việc Hoa Kỳ sẵn sàng hy sinh cho Việt Nam, chấp nhận rủi ro trước một cường quốc hạt nhân, Việt Nam ít ra cần phải có những cải tiến dần dần nhưng ổn định về dân chủ và nhân quyền.

Liên minh Mỹ - Việt còn vì lợi ích của Hoa Kỳ

Đối với giáo sư Anders Corr, một liên minh Mỹ-Việt sẽ không chỉ vì lợi ích của Việt Nam mà còn vì lợi ích của Hoa Kỳ.

Vào lúc sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc vượt qua Mỹ trên một số mặt, bao gồm từ GDP tính theo sức mua, tỷ lệ tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng của chi tiêu quân sự, cho đến tầm bắn của tên lửa chống hạm, dân số trong hạn tuổi quân dịch, số lượng tàu hải quân mới, trí thông minh nhân tạo và siêu máy tính, Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới nên cân nhắc rất kỹ cách làm thế nào để kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trước khi Bắc Kinh lấn lướt được các cấu trúc quyền lực hiện hữu…

Ảnh hưởng chính trị toàn cầu của Trung Quốc được nền kinh tế đang giàu lên hỗ trợ, kèm theo việc Bắc Kinh dùng tiền mua chuộc sự ủng hộ chính trị của giới tinh hoa nước ngoài, kể cả giới tinh hoa Mỹ.

Một liên minh mới với Việt Nam sẽ đảo ngược dòng chiến thắng ngoại giao mới của Bắc Kinh và sẽ làm cho Trung Quốc không chiếm được vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để khai thác dầu khí và nguồn cá béo bở. Liên minh đó sẽ là một ví dụ cho các quốc gia khác trong khu vực về cách bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của họ và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Nếu được mở rộng từ Việt Nam sang Indonesia và Ấn Độ, hai nơi cũng có chính sách không liên kết, Trung Quốc sẽ ngày càng bị ngăn chặn ngay trong sân sau của chính họ.

Mai Vân

*****************

Vì mối lợi kinh tế, Pháp thận trọng "lèo lái" chiến thuyền ở Biển Đông (RFI, 11/11/2019)

Chuyến công du Trung Quốc lần thứ hai của tổng thống Pháp Emmanuel Macron kết thúc ngày 06/11/2019 với những hợp đồng kinh doanh béo bở, các thỏa thuận hợp tác về khí hậu cũng như là việc bảo vệ các lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu. Nguyên thủ Pháp tuyệt nhiên không một lời "đả động" đến các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

bd2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Trung-Pháp, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 06/11/2019 Reuters/Florence Lo/Pool

Lợi ích kinh tế là trên hết. Do vậy sẽ chẳng có gì là đáng ngạc nhiên khi tổng thống Macron tỏ ra thận trọng không công khai phản đối các chính sách của Trung Quốc tại vùng biển đang có tranh chấp ngày càng gay gắt này.

Thế nhưng, theo phân tích của ông Emanuele Scimia, một nhà báo độc lập chuyên phân tích về chính sách đối ngoại trên tờ South China Morning Post, sự im lặng của Macron không có nghĩa là Pháp sẽ ngừng kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc hoặc chấm dứt ngưng bán vũ khí cho các nước đối thủ của Bắc Kinh.

Nhiều dấu hiệu cho thấy Paris ngày càng tỏ ra lo ngại về tham vọng bành trướng quân sự của Bắc Kinh tại Biển Đông. Mối lo này đã được bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly, trình bày rõ trong tập tài liệu "Pháp và An ninh tại Ấn Độ - Thái Bình Dương" cũng như là trong phiên điều trần trước Quốc Hội hồi tháng 7/2019 của tham mưu trưởng Hải quân Pháp, Kouthe Prazuck.

Do vậy, Paris những năm gần đây bền bỉ phản đối các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Tự cho mình là một cường quốc của khu vực, do lẽ Pháp sở hữu nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại và các vùng đặc quyền kinh tế bao la, một mặt, Pháp đã tái khởi động "Đối thoại An ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương" với Mỹ, điều tầu sân bay Charles de Gaulle đến vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, và cùng chia sẻ với Mỹ tầm quan trọng của việc xây dựng một mạng lưới các liên minh và đối tác chiến lược để duy trì một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng.

Mặt khác, Paris tăng cường hợp tác quân sự với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là với Úc. Tháng trước, tham mưu trưởng Hải Quân Pháp Kouthe Prazuck đã đề xuất tiến hành tuần tra chung với Hải Quân Úc trong vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương, chẳng hạn như Úc có thể gởi tầu chiến hộ tống tầu sân bay Charles De Gaulle, trong khi tầu khu trục Pháp hộ tống các tầu đổ bộ của Úc.

Làm thế nào cân đối các lợi ích xung đột giữa một bên là tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc mà Pháp rất cần đến và bên kia là giúp bảo vệ trật tự thế giới theo mô hình phương Tây trước những thách thức đến từ Trung Quốc ? Đây không phải là một bài toán dễ.

Điều này giải thích vì sao các hoạt động hải quân của Pháp tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương có vẻ "khiêm tốn" hơn so với đồng nghiệp Mỹ. Chính quyền Paris đều tìm cách tránh gây tổn hại đến các mối quan hệ với Bắc Kinh. Giữa Pháp và Trung Quốc đã có một sự thống nhất về nhịp độ "dừng nghỉ - stopover" của tầu chiến Pháp ở Trung Quốc và của các tàu chiến Trung Quốc tại Pháp. Hơn nữa, khi đi vào các khu vực đảo đang có tranh chấp, tàu chiến Pháp sẽ chọn hải trình nằm ngoài giới hạn lãnh hải, nhằm giảm rủi ro xảy ra xung đột với quân đội Trung Quốc.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Paris từ bỏ việc kềm chế các hoạt động quân sự của Bắc Kinh. Chính phủ Pháp có thể giảm nhẹ mức độ phản đối các hoạt động quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông để bảo vệ các mối hợp tác thương mại, nhưng Paris ít có khả năng từ bỏ việc trang bị vũ khí cho các nước láng giềng của Trung Quốc. Bởi lẽ, bán vũ khí còn là một cột trụ trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Paris, cho dù Trung Quốc có hài lòng hay là không !

Các số liệu thống kê giai đoạn 2008-2017 cho thấy Pháp đã ký kết nhiều hợp đồng bán các loại hệ thống vũ khí với tổng trị giá 23 tỷ đô la cho các nước vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Indonesia, Singapore hay Malaysia, và riêng với Ấn Độ là 15 tỷ đô la.

Minh Anh

****************

Đài Loan cảnh báo có thể bị tấn công nếu kinh tế Trung Quốc sa sút (RFI, 07/11/2019)

Bắc Kinh có thể gây chiến với Đài Loan để làm giảm áp lực trong nước nếu thương chiến Mỹ-Trung làm kinh tế Trung Quốc đi xuống, đe dọa tính chính danh của Đảng cộng sản. Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) hôm nay 07/11/2019 cảnh báo như trên.

bd3

Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Đài Bắc, ngày 06/11/2019 Reuters/Fabian Hamacher

Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Ngô Chiêu Tiếp lưu ý rằng tình hình kinh tế Trung Quốc đang sa sút do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, với mức độ tăng trưởng chậm nhất kể từ gần 30 năm qua.

Theo ngoại trưởng Đài Loan, nếu bất ổn chính trị, hay kinh tế chậm lại trở thành vấn đề trầm trọng đối với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, thì Đài Bắc lại cần phải nâng cao cảnh giác. Nhà cầm quyền Trung Quốc có thể gây sự để hướng sự chú ý ra bên ngoài. Ông Ngô Chiêu Tiếp nói : "Chúng tôi phải chuẩn bị cho tình huống tệ hại nhất là xung đột quân sự".

Vào lúc sắp đến cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, sẽ diễn ra vào tháng Giêng, Trung Quốc tăng cường chiến dịch nhằm "thống nhất" đảo quốc, dụ dỗ những đồng minh hiếm hoi của Đài Bắc và thường xuyên điều oanh tạc cơ đến gần eo biển để dọa nạt. Ông Ngô nói rằng Đài Loan hy vọng có thể chung sống hòa bình với Trung Quốc, nhưng cũng thấy rằng mọi vấn đề đều do Trung Quốc gây ra, thế nên đành phải "sống chung với lũ".

Cũng theo ông Ngô Chiêu Tiếp, phong trào phản kháng ở Hồng Kông đã mang lại cho Đài Loan một bài học về mô hình "một đất nước, hai chế độ" mà Bắc Kinh vẫn chiêu dụ : tuy có được một ít tự do nhưng chẳng lợi lộc gì khi bị một chính thể độc tài cai trị. Ông hứa sẽ giúp đỡ người dân Hồng Kông "đấu tranh cho tự do dân chủ".

Ngoại trưởng Đài Loan cũng mô tả chức vụ của ông là "khó khăn nhất thế giới". Từ năm 2016 đến nay, Đài Bắc đã bị bảy nước cắt đứt quan hệ ngoại giao vì lóa mắt trước những món đầu tư của Trung Quốc ; chưa kể những tập đoàn đa quốc gia chấp nhận cách mô tả Đài Loan là lãnh thổ Trung Quốc.

Ông Ngô Chiêu Tiếp cho rằng sắp tới Bắc Kinh sẽ còn tìm cách lôi kéo tiếp một số nước trong số 15 đồng minh còn lại của Đài Bắc, để gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử tổng thống mà bà Thái Anh Văn đang có nhiều hy vọng. Ông cho biết đang "phối hợp chặt với Hoa Kỳ và các quốc gia cùng chí hướng" để tránh tái diễn tình trạng này.

Thụy My

Published in Châu Á