Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam siết chặt luật lệ về ngành gỗ để giải tỏa đe dọa áp thuế từ Mỹ

Trọng Nghĩa, RFI, 09/01/2021

Bị Hoa Kỳ mở điều tra về những cáo buộc sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm xuất khẩu qua Mỹ, theo hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 08/01/2021, Việt Nam đang siết chặt các quy định và mua thêm gỗ xẻ của Mỹ để tránh bị áp thuế trừng phạt có thể tàn phá ngành gỗ Việt Nam.

vn1

Trước một xưởng gỗ tại một ngôi làng vùng ngoại ô Hà Nội. Ảnh chụp ngày 18/09/2008.  AP - Chitose Suzuki

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp Hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam, Hà Nội rất lo ngại trước khả năng chính quyền Donald Trump có thể trừng phạt Việt Nam bằng các mức thuế mới đánh vào gỗ cũng như các sản phẩm khác trước khi mãn nhiệm ngày 20/01.

Trả lời phỏng vấn ngày 08/01 qua điện thoại ông Lập xác nhận việc Việt Nam "mua ngày càng nhiều gỗ từ Hoa Kỳ", đồng thời cho biết thêm là lượng gỗ nhập khẩu từ Hoa Kỳ có thể tăng ít nhất 15% trong năm nay. Đối với nhân vật này : "Mức thuế cao sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp gỗ của chúng tôi, nhưng cũng sẽ gây tổn hại cho các công ty Hoa Kỳ".

Theo ông Lập, giới sản xuất đồ gỗ Việt Nam, mà khách hàng bao gồm các tập đoàn Mỹ Walmart và Ashley Furniture Industries, sẽ mua 1,3 triệu m3 gỗ vào năm 2021, tăng từ khoảng 800.000 m3 vào năm 2019.

Còn theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, phát ngôn viên bộ Nông Nghiệp Việt Nam, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất cho sản phẩm gỗ của Việt Nam, ước tính trị giá 6,5 tỷ đô la vào năm 2020, chiếm khoảng một nửa lượng nông sản xuất khẩu qua Mỹ vào năm ngoái. Theo chiều ngược lại, khoảng 40% gỗ Việt Nam sử dụng được mua từ Hoa Kỳ.

Cũng theo ông Tuấn, Việt Nam đang ngăn chặn nhập khẩu gỗ bất hợp pháp từ các nước như Lào và Cam Bốt. Chính phủ đã tăng gấp đôi tiền phạt cho những hoạt động buôn bán trái phép như vậy lên khoảng 22.000 đô la với mức án tù lên đến 10 năm.

Đầu tháng 10/2020 vừa qua, đại diện Thương Mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đã loan báo mở cuộc điều tra về ván gỗ nhập từ Việt Nam với cuộc điều tra về cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ.

Qua tháng 11, bộ Thương Mại Mỹ đã áp đặt mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với lốp xe ô tô và vận tải nhập từ Việt Nam, với một trong những lý do "đồng tiền (Việt Nam) bị định giá thấp".

Đến tháng 12, bộ Tài Chính Mỹ đã chỉ định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, nhưng không có hình phạt ngay lập tức.

Trong một cuộc điện đàm hôm 07/01 vừa qua, bộ trưởng bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã tuyên bố với ông Lighthizer rằng việc Hoa Kỳ điều tra về chính sách tiền tệ của Việt Nam và việc nhập khẩu và sử dụng gỗ của Việt Nam, có thể gây tổn hại đến quan hệ song phương và các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam.

Trọng Nghĩa

*******************

Ung thư tăng cao ở Việt Nam năm 2020

RFA, 11/01/2021

Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 92/185 quốc gia, vùng lãnh thổ về số người bị ung thư trên thế giới, tăng 7 bậc so với năm 2018. Truyền thông Nhà nước đưa tin hôm 11 tháng 1 năm 2021.

vn2

Bệnh nhân ung thư chờ khám tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ.Photo : bvubct.vn

Đây là kết quả dẫn từ Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IACR, thuộc WHO). Cơ quan này công bố báo cáo số liệu về tình hình ung thư hiệu chỉnh theo độ tuổi của 185 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2020. Báo cáo được cập nhật 2 năm một lần. Theo báo cáo này, trong năm 2020, Việt Nam gia tăng cả về số ca mắc mới và tỷ lệ tử vong do ung thư.

Còn theo số liệu của WHO, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam tăng từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân. Đến năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 182.500 ca mới, 122.690 ca tử vong trên tổng số 97,3 triệu dân. Cả nước đang còn 353.000 bệnh nhân sống chung với ung thư.

Về tỷ lệ tử vong, Việt Nam đứng thứ 50 thế giới (tăng 6 bậc so với 2018) với tỷ lệ 106/100.000 dân. Vào năm 2016, con số này mức 110/100.000 dân.

Cũng theo thống kê của IACR, năm loại ung thư hàng đầu thế giới gồm : Ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư dạ dày. Mười quốc gia có tỷ lệ mắc mới ung thư cao nhất bao gồm : Úc, New Zealand, Ireland, Mỹ, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Canada, Pháp và Hungary.

Trong khi đó, Tổ chức Người tiêu dùng Thế giới cảnh báo vấn nạn thực phẩm bẩn đã và đang trực tiếp hủy hoại sức khỏe con người, gây ra những căn bệnh cấp tính và mạn tính, đặc biệt là ung thư. Đại đa số người Việt mắc ung thư đều do thủ phạm này gây nên.

********************

Đàm phán Việt Nam - Trung Quốc về Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông

RFA, 08/01/2021

Việt Nam và Trung Quốc vào ngày 7 tháng 1 có vòng đàm phán mới nhất về Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông.

vn3

Đại diện Cảnh sát biển Việt Nam sang tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tham dự hội đàm tổng kết chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá Việt Nam - Trung Quốc năm 2019 - Courtesy TTXVN

Mạng báo Tuổi Trẻ loan tin vừa nêu ngày 8 tháng 1. Theo đó, hai phía tiến hành vòng đàm phán XIV của Nhóm Công tác về Vùng biển ngoài Cửa Vịnh Bắc Bộ, và vòng XI Nhóm Công tác Bàn bạc về Hợp tác cùng phát triển trên Biển Đông.

Tin cho biết phía Việt Nam do ông Nguyễn Đăng Thắng, Vụ trưởng- Ủy Ban Biên Giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam làm trưởng nhóm. Phía Trung Quốc do ông Dương Nhân Hòa, đại diện các vấn đề biên giới và biển thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc làm trưởng nhóm.

Tại vòng họp vừa diễn ra, Việt Nam và Trung Quốc trao đổi ý kiến về những công việc của hai nhóm công tác ; đồng ý căn cứ lộ trình đã thống nhất tiếp tục thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và hợp tác cùng phát triển tại Biển Đông theo đúng qui định của luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 mà hai nước đều tham gia ký kết.

Thời điểm cho vòng đàm phán vòng XV Nhóm Công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ và vòng XII Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên Biển Đông được cho biết sẽ diễn ra vào thời điểm phù hợp do hai bên thỏa thuận qua đường ngoại giao.

 Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định Phân định Vịnh Bắc bộ vào ngày 25 tháng 12 năm 2000 ; tuy nhiên vùng cửa vịnh vẫn chưa được phân định.

 Trung Quốc và Việt Nam hiện tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Còn tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và 3 nước Brunei, Philippines và Malaysia đều có tuyên bổ chủ quyền tại đó. Trong những năm qua, Trung Quốc hành động quyết đoán nhằm tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn, hay đường lưỡi bò, do chính Bắc Kinh vạch ra.

*********************

Việt Nam : Hoa Kỳ điều tra tiền tệ và gỗ sẽ có hại cho quan hệ song phương

RFA, 08/01/2021

Cuộc điều tra của Hoa Kỳ đối với tiền tệ và gỗ của Việt Nam có thể gây hại cho quan hệ song phương và tác động tiêu cực đến người lao động và người tiêu dùng ở cả hai nước. 

vn4

Tiền đồng Việt Nam - AFP

Đó là lời Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trần Tuấn Anh nói với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Lighthizer qua điện thoại hôm 8 tháng 1 năm 2021, được Reuters dẫn lại trong bản tin cùng ngày. Trang web và tài khoản Twitter chính thức của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội chưa đưa ra bình luận về việc này.

 Trước đó hai ngày, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh và người đồng cấp Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng đã thảo luận về vấn đề này. Chính quyền của Tổng thống Trump hồi tháng trước đã dán nhãn Việt Nam là nước thao túng tiền tệ. Một động thái mà các doanh nghiệp cho rằng có thể Hoa Kỳ sẽ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam. Hoa Kỳ cũng đồng thời cáo buộc Việt Nam trốn thuế bằng cách ghi nhãn sai các sản phẩm làm từ gỗ Trung Quốc. 

Hôm 29 tháng 12, báo Politico của Mỹ đưa tin rằng, các công ty Mỹ yêu cầu USTR bỏ cuộc điều tra vào cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ vốn có thể dẫn tới việc Mỹ áp thuế lên hàng loạt sản phẩm Việt Nam, và giao trách nhiệm điều tra lại cho Bộ Tài chính. Việt Nam luôn khẳng định các chính sách tiền tệ của mình là duy trì ổn định tỷ giá hối đoái, kiểm soát lạm phát và không tìm kiếm lợi thế thương mại không công bằng. 

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn một phần tư tổng doanh thu xuất khẩu vào năm 2020. Các mặt hàng xuất khẩu chính của nước này bao gồm hàng may mặc, điện tử và sản phẩm gỗ.

Published in Việt Nam