Mùa hè, theo cha mẹ đi làm đồng áng, đi bắt cá, bắt ốc, mò cua, đi bán vé số, đi chăn trâu, chăn bò, chăn dê thuê, đi bưng nước cho các quán... Đó là tất cả những công việc có được của trẻ em con nhà nghèo ở thôn quê hoặc tá túc nơi thành phố. Trẻ em thời bây giờ, ngoài chuyện phải cật lực làm việc, còn có thêm mối lo bị bắt cóc bán sang Trung Quốc.
Không phải đứa trẻ nào cũng có điều kiện đón hè. RFA
Ông Nguyễn Năm, phụ huynh học sinh ở Năm Căn, Cà Mau, vì hoàn cảnh khó khăn, phải cho con đi bán vé số hai buổi mỗi tuần để cháu có thêm chút tiền vào mùa học mà chi phí việc học thêm, chia sẻ :
"Hổng có đâu, nhiều khi đi bán vé số với lại đi lại quán cà phê bán phụ nên không có chế độ gì cả ! Nó cứ gài (thế) thử việc vài ba tháng nên chăng có chế độ bảo hiểm hay bảo hộ gì đâu ! Nhiều khi do khó khăn quá mà để con đi bán vé số, đi làm thêm, mối nguy rất là lớn vì có thể bị gài vào những đường dây nguy hiểm…".
Theo ông Năm, tình trạng trẻ em trong độ tuổi tiểu học phải đi bán vé số, đi phụ giúp công việc ở các quán hoặc đi rửa chén bát, đi mò cua bắt ốc, chăn dê, chăn trâu bò thuê... Nói chung là có thiên hình vạn trạng công việc của học sinh mùa hè, và dường như công việc nào cũng đòi hỏi các em, các cháu phải tiếp xúc với đám đông, với xã hội trong lúc không có cha mẹ bên cạnh. Đây cũng là mối nguy khó có thể lường trước được.
Không chỉ lo lắng về chuyện kẻ bắt cóc trẻ em ngày càng nhiều ở khắp đất nước mà nỗi lo lắng của ông là tai nạn lao động đối với các cháu, bởi vì hiện nay, hầu hết các công trình, các ông chủ dám nhận trẻ em vào làm việc đều là những chỗ chấp nhận lao động chui, lao động vị thành niên. Hầu hết các cơ sở chấp nhận lao động vị thành niên đều có những khó khăn riêng của họ, từ cơ sở vật chất, vốn liếng cho đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động... Mặc dù lo lắng nhưng các bậc cha mẹ gia đình nghèo đành chấp nhận để con đi làm kiếm thêm tiền, bởi cho con ở nhà, vào mùa học, họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, thậm chí một số trường hợp phải cho con nghỉ học vì thiếu đầu hụt đuôi.
Đồng cảm với ông Năm, thầy giáo Lê Tịnh, một giáo viên trung học ở Quảng Ngãi, chia sẻ :
"Thì thường thường thì hè học sinh nghèo thì còn phụ thuộc vào điều kiện gia đình, tùy vùng nữa. Nói chung là đi chăn bò, kẹp rau, giữ em... Thường thì học sinh ở vùng quê mà nghèo nữa thì không có việc làm. Ngược lại, trẻ em thành phố dễ tìm việc ngày hè hơn, như dạy kèm lớp nhỏ hơn và nhiều việc nhẹ khác…".
Ông Tịnh chia sẻ thêm rằng thời ông còn nhỏ, tuy tuổi thơ nghèo khổ nhưng hồn nhiên, ít lo lắng, bởi thức ăn không có độc tố, trẻ con có thể ra những đường làng dạo chơi, đá gà cỏ, đá banh, chơi trốn tìm mà không sợ tai nạn xe, không sợ bị bắt cóc. Còn thời bây giờ, mọi thứ đều có vẻ như đầy đủ đối với trẻ em con nhà khá giả nhưng bù vào đó thì trẻ em nghèo càng khốn khổ hơn vì chén cơm manh áo.
Đáng sợ hơn cả là càng ngày, nỗi lo lắng của bậc làm cha làm mẹ không thể giấu giếm đi đâu được nữa, đành phải nói thật với con cái rằng xã hội đang rất tệ hại, nguy hiểm luôn rình rập và có thể bị bắt cóc, bị tai nạn xe hay tai nạn lao động bất kì giờ nào... Chỉ chừng đó thôi cũng đã quá nguy hiểm cho tâm hồn non nớt của trẻ em. Nhưng biết làm sao khi mà xã hội càng ngày càng bất an nhiều hơn !
Một học sinh trung học phổ thông, ngại nêu tên, chia sẻ :
"Mình đi lột sen hoặc làm các việc lặt vặt vậy thôi, hoặc là đi quán cà phê để bưng bê. Tùy theo người lột hạt sen, người lột nhanh thì được 70 ngàn, 80 ngàn đồng (tuần). Còn như đi bưng cà phê thì một buổi được 50 ngàn đồng, 60 ngàn đồng. Tối lại thì đi bưng trà sữa đó chú !...".
Theo em học sinh này, cứ mỗi lần mùa hè đến là đã thấy khổ cho những học sinh nghèo như em. Nhưng mùa hè càng trở nên khốc liệt và ác mộng hơn khi nó đến cùng mùa bóng đá. Mặc dù cha mẹ của em không biết cá độ bóng đá là gì nhưng hầu hết họ là những nông dân mê bóng đá, họ cứ chờ đến mùa bóng lại thi nhau thức đêm, hò hét cho đến hết trận mới thôi. Có những mùa bóng bị ngược múi giờ, như vậy là giấc ngủ của em không hề yên chút nào với tiếng hò hét của cha mẹ và xóm làng. Em nói thêm rằng tuổi của em không phải ai cũng ưa bóng đá, đặc biệt những học sinh phải đi làm thêm vất vả như em rất cần giấc ngủ để phục hồi sức khỏe mà học hành.
Em chia sẻ thêm là hiện nay, việc đi làm thêm mùa hè của những học sinh con nhà nghèo cấp phổ thông trung học như em không còn dừng ở quanh quẩn trong huyện, trong tỉnh như trước đây mà nhiều bạn ra tận miền Bắc, sang tận Trung Quốc, Lào, Campuchia để làm thuê, làm việc trốn chui trốn nhủi vì chưa tới tuổi lao động.
Đây cũng là mối nguy lớn nhất bởi vì mối nguy bắt cóc trẻ em vốn tiềm ẩn trong những cái ổ trốn chui trốn nhủi này. Nhà nước, an ninh sở tại không thể quản lý được, thân phận của những lao động trẻ em này hoàn toàn dựa vào hên xui may rủi... Và để đối phó với tình trạng này, em cho biết có nhiều bạn cùng quê với em đang tính vào các đặc khu tương lai để xin việc, bởi họ nghe nói công việc ở đó rất nhiều. Nhưng riêng em, em cho rằng có cực khổ mấy cũng bám việc ở quê nhà chứ vào các khu đó không biết chuyện gì có thể xảy ra.
Và cứ mỗi mùa hè đến là mỗi mùa tất bật kiếm cơm, làm đủ các công việc để kiếm tiền mua sách vở, phụ giúp gia đình của trẻ em con nhà nghèo miền quê, miền núi, thậm chí trẻ em nghèo tá túc thành phố. Thêm một mùa hè là thêm một mùa da cháy sạm, tóc khét nắng và mọi cay đắng lại tìm đến tuổi thơ nhà nghèo !
Nhóm phóng viên
******************
Chính quyền xã ở Quảng Bình phá chùa cổ hơn 170 năm (Người Việt, 09/06/2018)
Mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép trùng tu di tích chùa Quan Âm (ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) nhưng chính quyền xã Đức Trạch đã cho đập phá, san bằng toàn bộ ngôi chùa cổ hơn 170 năm tuổi để xây mới.
Ngôi chùa bị san phẳng, xúc hết phần móng để xây nền móng khác. (Hình : Lao Động)
Theo báo Thanh Niên, Quan Âm Tự được hoàn thành vào năm 1845, trong chùa có nhiều tượng có giá trị như Thích Ca, Di Lặc, Phổ Hiền… Năm 2000, chùa được công nhận là di tích kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo tỉnh Quảng Bình.
Tháng Chín, 2017, Ủy Ban Nhân Dân xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, có công văn gửi Sở Văn Hóa-Thể Thao tỉnh Quảng Bình về việc xin chủ trương trùng tu chùa Quan Âm gồm gia cố kết cấu chịu lực, trùng tu phần mái, tường và nền chính điện ; làm cổng tam quan ; các hạng mục phụ trợ khác như lát nền, tháo dỡ các công trình phụ phát sinh ảnh hưởng xấu đến mặt tiền chính điện.
Tuy nhiên, khi đang chờ tỉnh chấp thuận thì cuối Tháng Ba, 2018, ủy ban xã tự động khởi công công trình. Điều đáng nói, lãnh đạo xã này cho tháo dỡ toàn bộ ngôi chùa, đập phá và múc sạch cả phần móng.
Các đèn lồng của ngôi chùa cũ sau khi bị đập phá. (Hình : Lao Động)
Nói với báo Thanh Niên, ông Hồ Đăng Chiến, chủ tịch xã Đức Trạch, thừa nhận đã làm sai và phân bua : "Xã vận động được tiền, do người dân nóng lòng và quan niệm xây dựng là ra rằm Tháng Hai phải làm. Ban đầu chỉ tính trùng tu nhưng khi khảo sát thấy nền móng không chắc, các cột bằng gạch không có lõi sắt nên đơn vị thiết kế đã tư vấn làm cột trụ mới vững chắc hơn để kiên cố, lực đỡ tốt".
Mặc dù tự ý phá bỏ ngôi chùa cổ hơn 170 năm tuổi, nhưng Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Bình chỉ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính "lấy lệ" đối với ủy ban xã Đức Trạch, với số tiền phạt là 80 triệu đồng (hơn $3,510).
Ngày 9 Tháng Sáu, báo Lao Động dẫn tin từ ủy ban tỉnh Quảng Bình cho biết sau khi bị báo chí phản ảnh, ủy ban tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chính quyền xã Đức Trạch, đồng thời yêu cầu xã Đức Trạch "dừng các hoạt động hủy hoại di tích chùa Quan Âm và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về trùng tu, tôn tạo di tích".
Quyết định xử phạt cũng nêu rõ tình tiết giảm nhẹ là "tổ chức vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính". (Tr.N)
**************************
Tàu cá nghi bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngay trên biển Nha Trang (Người Việt, 09/06/2018)
Một tàu cá của tỉnh Khánh Hòa đã bị một tàu "lạ", nghi tàu Trung Quốc, đâm chìm ngay trên vùng biển Nha Trang, khiến năm ngư dân ôm phao thả trôi trong nhiều giờ.
Tàu cá Việt Nam liên tục bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển của mình. (Hình : Thanh Niên)
Nói với báo Thanh Niên sáng 9 Tháng Sáu, ông Hồ Thanh Tùng, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Khánh Hòa, cho biết năm ngư dân trên tàu KH 97517 TS bị chìm đã được tàu Bomard Jupiter, chưa rõ quốc tịch, cứu vớt.
Ông cho biết, đơn vị này đang phối hợp các cơ quan tìm kiếm cứu nạn liên lạc với tàu Bomard Jupiter để sớm đưa các ngư dân trên tàu gặp nạn vào bờ, đồng thời xác minh, điều tra nguyên nhân tàu cá bị chìm.
Trước đó, ngày 8 Tháng Sáu, Bộ Chỉ Huy Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Khánh Hòa nhận được tin báo nạn về việc tàu KH 97517 TS bị chìm sau khi đâm va với tàu "lạ", nghi của Trung Quốc, vị trí cách Nha Trang khoảng 87 hải lý về hướng Đông Nam.
Lúc này, trên tàu có năm ngư dân. Sau tai nạn, tàu "lạ" đã chạy khỏi hiện trường, còn tàu cá chỉ kịp báo tin cho tàu gần đó và mất liên lạc, năm ngư dân bám vào phao cứu sinh và thả trôi tự do trên biển.
Nhận được thông tin, hệ thống Thông Tin Duyên Hải Việt Nam đã báo cáo các cơ quan liên quan để tìm kiếm, hỗ trợ tàu bị nạn. Các đài duyên hải cũng yêu cầu các tàu ghe đang hoạt động trong khu vực lân cận tăng cường quan sát, trợ giúp.
Bộ Chỉ Huy Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các cơ quan liên quan phát thông tin về tàu cá bị chìm cho các ghe tàu đang hoạt động trên biển biết để hỗ trợ.
Qua xác minh, tàu KH 97517 TS của ông Trần Văn Cồn (48 tuổi, ở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Các ngư dân cùng là dân địa phương ở Nha Trang. (Tr.N)
*********************
Lại tin Trung Quốc, người trồng khoai môn ở An Giang điêu đứng (Người Việt, 09/06/2018)
Nông dân trồng khoai môn ở huyện Phú Tân điêu đứng vì doanh nghiệp hẹn ngày đến thu mua nhưng sau đó "lặn biệt tăm". Nguyên nhân do phía đối tác Trung Quốc hủy hợp đồng nên họ bị thua lỗ nặng.
Nông dân thu hoạch khoai môn nhưng doanh nghiệp bao tiêu "bỏ của chạy lấy người" sau khi bị đối tác Trung Quốc "xù" hợp đồng. (Hình : Nông Nghiệp Việt Nam)
Ngày 8 Tháng Sáu, ông Huỳnh Văn Hiền, giám đốc công ty P.N., đơn vị đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm khoai môn với nông dân xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, đã không tổ chức thu mua sản phẩm của nông dân theo hợp đồng do doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn, vì phía đối tác Trung Quốc đã hủy hợp đồng với công ty.
"Doanh nghiệp chúng tôi không chỉ mua khoai môn ở An Giang mà còn nhiều địa phương khác. Khi phía đối tác Trung Quốc hủy hợp đồng, doanh nghiệp bị thua lỗ nặng. Chúng tôi đang tính toán, sắp xếp thời gian gặp nông dân chia sẻ khó khăn này chứ không thể mua theo hợp đồng được", ông Hiền giải thích với báo Tuổi Trẻ.
Trước đó, theo hợp đồng bao tiêu được ký kết với nông dân xã Tân Hòa vào Tháng Mười Hai, 2017, công ty P.N. cam kết sẽ tiêu thụ sản phẩm khoai môn cho nông dân với số lượng "thu hoạch thực tế", theo giá thị trường.
Nông dân An Giang thu hoạch khoai môn. (Hình : Tuổi Trẻ)
Tuy nhiên, khi khoai được năm tháng, doanh nghiệp này đến lấy mẫu rồi hẹn ngày thu mua nhưng sau đó "lặn biệt tăm".
Tại buổi làm việc ba bên gồm doanh nghiệp – nông dân – hợp tác xã nông nghiệp Hưng Tân, đại diện công ty P.N. cam kết sẽ thu mua khoai môn sau khi nông dân chấp nhận giảm giá bán so với giá bao tiêu.
Tin cho hay, công ty P.N. đã ký hợp đồng tiêu thụ khoai môn với nông dân tại ba xã Bình Thạnh Đông, Tân Hòa và Tân Trung thuộc huyện Phú Tân, với tổng diện tích gần 20 hécta. Ước sản lượng thu hoạch khoảng 400 tấn. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn không đến mua trong khi nông dân đã thu hoạch khoai môn.
"Chúng tôi không dám bán ra ngoài vì tuân thủ hợp đồng đã ký. Nhưng nếu để quá hạn không nhổ, khoai sẽ hư hỏng, thiệt hại", một nông dân tức giận nói.
Ông Dương Văn Cường, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Phú Tân, cho biết : "Huyện đã làm việc với đại diện công ty P.N. nhưng họ vẫn chưa đồng ý thu mua theo hợp đồng mà đề nghị sắp xếp để gặp dân đối thoại lần nữa để cùng nhau chia sẻ khó khăn". (Tr.N)