Việt Nam muốn lọc thông tin trên mạng qua bộ qui tắc đạo đức (RFA, 31/10/2018)
Chính phủ Việt Nam thúc giục Bộ Thông tin-Truyền thông xây dựng một bộ qui tắc ứng xử đạo đức cho những nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng như cư dân mạng xã hội.
Một khu phố nhiều quán cà phê Internet ở Hà Nội. 2001. AFP
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu ra yêu cầu như vừa nêu vào ngày 30 tháng 10 tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam đang diễn ra ở Hà Nội.
Ông Trương Hòa Bình cũng nói rằng Chính phủ Việt Nam yêu cầu các cơ qua hợp tác với hai mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam là Facebook và Google để ngăn chặn những thông tin bị cho là sai lệch, trái với quan điểm, chính sách, cương lĩnh của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam.
Theo các hãng thông tấn nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có chỉ thị cho Bộ Thông tin và truyền thông thành lập một trung tâm theo dõi an ninh mạng. Mục tiêu nhằm phòng chống những cuộc tấn công mạng, và trung tâm này sẽ tự động tìm, đánh giá các thông tin trên mạng.
Trong buổi họp Quốc hội ngày 31/10, một đại biểu là ông Nguyễn Sỹ Cương than phiền là đã có nhiều phát biểu xúc phạm đến các cán bộ cao cấp của nhà nước Việt Nam trên mạng xã hội, và phải tìm cách ngăn chặn việc đó.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời rằng để làm như vậy sẽ phải sửa đổi một số điều luật.
Trong khi đó tại tỉnh Thanh Hóa đã có 7 học sinh trung học phổ thông đã bị đuổi học với lý do đăng lời lẽ xúc phạm thầy cô giáo và nhà trường trên mạng xã hội Facebook. Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 31 tháng 10.
Ngày 1/1/2019 tới đây Luật An ninh Mạng Việt Nam chính thức có hiệu lực. Tuy rằng luật này đã bỏ điều khoản qui định các công ty nước ngoài phải lập trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, nhưng vẫn buộc họ cung cấp thông tin người dùng nếu được công an yêu cầu.
Điều này làm dấy lên chỉ trích cho rằng luật an ninh mạng của Việt Nam được đưa ra nhằm bóp nghẹt tự do biểu đạt trên không gian mạng.
******************
Thêm 30 người bị tù do biểu tình ở Bình Thuận (RFA, 31/10/2018)
Thêm 30 người biểu tình phản đối dự luật đặc khu tại Bình Thuận hôm 10/6/2018 bị kết án từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù. Tin cho biết Tòa án Thành phố Phan Thiết vào ngày 31 tháng 10 tiến hành phiên sơ thẩm đối với 30 người như vừa nêu.
Biểu tình ở Phan Rí Cửa biến thành bạo động hôm 10/6/2018 AFP
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Thuận thì 30 người này có hành vi gây rối trật tự công cộng trước trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận nên phải lãnh án tù. Cụ thể anh Nguyễn Quốc Huệ bị 3 năm 6 tháng tù; các anh Phạm Văn Chung, Lê Nhựt Bản, Nguyễn Quý Lai, Trần Văn Công, Tăng Thanh Thuận, Trương Minh Tài cùng bị 3 năm tù.
Những người còn lại bị kết án từ 2 năm đến 2 năm 3 tháng tù.
Như vậy tính đến nay đã có gần 100 người bị kết án tù do biểu tình chống dự luật đặc khu tại nhiều địa phương trên cả nước vào những ngày 9, 10 và 11 tháng 6 năm 2018.
Theo truyền thông trong nước thì tối 10/6 tại Bình Thuận, hàng trăm người dân đã tràn vào trụ sở UBND tỉnh hò hét, xô đẩy cổng và khung sắt tường rào, ném gạch đá, bom xăng tự chế vào lực lượng công an đang làm nhiệm vụ gây hỗn loạn, mất an ninh trật tự và làm ách tắc giao thông. Ngoài ra có nhiều xe hơi và xe gắn máy bị đốt cháy. Công an đã dùng vòi rồng để giải tán đám đông nhưng không thành. Đến rạng sáng ngày 11/6 công an phải tăng cường lực lượng để giải tán đám đông.
Dự luật cho nước ngoài thuê đất tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trong 99 năm vấp phải sự phản đối của người dân vì lo ngại các đặc khu này sẽ giúp giới đầu tư Trung Quốc thâu tóm đất đai của Việt Nam.
Hôm 7/11/2018, báo Tuổi Trẻ trích lời ông Hồ Trung Phước - trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận khẳng định vụ biểu tình trở nên bạo động ở Bình Thuận vào ngày 10 và 11 tháng 6 không phải là vụ án gây rối trật tự đơn thuần mà là "có động cơ chính trị".
Dự luật đặc khu hiện đang được Quốc hội hoãn xem xét, nhưng luật An ninh mạng đã được thông qua và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.
********************
Thân nhân người biểu tình bị cấm nhận giúp đỡ (RFA, 31/10/2018)
Trên facebook cá nhân của chị Nguyễn Thúy Hạnh hôm 30/10 có viết "Hôm nay Quỹ 50k gửi một khoản tiền giúp đỡ những gia đình Phan Rí đang gặp khó khăn. CA Phan Rí đã rình bắt bà con đưa vào đồn CA, hiện nay vẫn chưa thả. Yêu cầu trả lại tiền của những người hảo tâm giúp đỡ bà con ! Yêu cầu thả người !".
15 người biểu tình ở Bình Thuận bị xét xử tại Tòa án Nhân dân huyện Bắc Bình (Bình Thuận) sáng 26/9 với cáo buộc tham gia gây rối trật tự công cộng, mức án tổng cộng 52 năm tù. AFP
Vào ngày 31 tháng 10, RFA liên lạc với chị Thúy Hạnh để hỏi về sự việc thì được chị chia sẻ :
"Hôm qua chị gửi một người 24 triệu nhờ chuyển cho 8 gia đình ở Phan Rí nhưng công an đi theo bắt họ rồi tịch thu hết tiền. Thế nhưng khi về thì họ không dám nói là bị bắt".
Chị kể thêm rằng người dân bị công an tịch thu khoản tiền đó không dám nói sự thật vì sợ công an bắt luôn, không ai nuôi người con trai đang ở tù vì biểu tình.
Trước đây nguồn Quỹ 50k giúp được gần 30 gia đình nhưng bây giờ công an đến từng nhà đe dọa khiến họ cũng không dám nhận sự giúp đỡ.
"Công an đến từng nhà khủng bố và đe dọa là nếu nhận tiền thì con sẽ bị nặng án tù thêm và sẽ bắt cả nhà".
Một người dân ở Phan Rí, Bình Thuận có con bị kết án tù 3 năm do tham gia biểu tình chống Dự luật đặc khu và An ninh mạng hôm 10 tháng 6 năm 2018 nói với RFA rằng ông không sợ gì hết và vẫn nhận tiền giúp đỡ của Quỹ 50k vì ông quá nghèo, con ông là lao động chính làm nghề biển, giờ ở tù rồi. Khi công an tới nhà hăm dọa thì ông trả lời rằng"Mấy ông bắt con tui, bây giờ tui khổ, tui bịnh mấy ông có lo cho tui đâu, có giảm án cho con tui đâu".
Tình trạng của người đàn ông này cũng không khác là bao đối với những đồng hương sống dọc ven biển bị ô nhiễm không còn kế sinh nhai. Một trong những nguyên nhân khiến người dân Bình Thuận phải một số lần đứng lên biểu tình bạo động là do quá bức xúc vì những nhà máy điện trong khu vực gây ô nhiễm đến mức không chịu được.
Đợt bạo động vào những ngày 10 và 11 tháng 6 trong vùng cũng có phần nào vì nguyên nhân đó gây nên.
Trước thảm cảnh của những người dân ở dọc ven biển nghèo khổ cùng cực, những người có lòng như nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh đã muốn đỡ đần cho họ phần nào khó khăn trong cuộc sống. Thế nhưng nguồn giúp đỡ khiêm tốn đó cũng bị chặn lại.
Biện pháp này của cơ quan chức năng địa phương tại tỉnh Bình Thuận cũng không khác gì mà lực lượng chức năng ở những địa phương khác hành xử đối với gia đình, thân nhân các tù chính trị, tù nhân lương tâm, các nhà hoạt động cổ xúy cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam.