Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hàng trăm doanh nghiệp không tuân theo chỉ thị của Thủ tướng

RFA, 21/02/2017

dn1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. AFP photo

Gần 200 doanh nghiệp không muốn chuyển giao vốn Nhà nước theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thông tin vừa nêu tại Hội thảo Chuyển giao doanh nghiệp Nhà nước về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (gọi tắt là SCIC) diễn ra vào sáng hôm nay, ngày 21 tháng 2.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có 234 doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao vốn Nhà nước cho SCIC, nhưng từ năm 2013 cho đến nay chỉ có 61 doanh nghiệp thực hiện chuyển vốn.

Báo cáo của SCIC nói rằng nhiều tập đoàn, tổng công ty công khai chống lại lệnh của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành bán vốn trước khi hoàn vốn về cho SCIC.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy số vốn Nhà nước tại 173 doanh nghiệp vào khỏang 82.600 tỷ đồng vẫn "nằm trên giấy" và nhiều bộ, ngành cùng địa phương được cho là cố tình trì hoãn để giữ vốn đặc biệt.

*****************

Ân xá Quốc tế yêu cầu bảo vệ nạn nhân kiện Formosa (RFA, 21/02/2017)

dn2

Người dân biểu tình phản đối Formosa tại Hà Nội vào ngày 01 tháng 5 năm 2016. AFP photo

Tổ chức Ân xá Quốc tế, Amnesty International kêu gọi có hành động khẩn cấp bảo vệ những nạn nhân tham gia tuần hành khiếu kiện Formosa hồi ngày 14 tháng 2 vừa qua.

Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm qua, ngày 20 tháng 2, ra thông cáo báo chí kêu gọi dân chúng tại Việt Nam và những ai quan tâm đến vụ việc gần 1000 ngư dân và giáo dân thuộc Giáo xứ Song Ngọc tuần hành khiếu kiện Formosa bị hành hung đổ máu hôm 14 tháng 2/ nhanh chóng gửi thỉnh nguyện thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Ngoại Giao kiêm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công An Tô Lâm yêu cầu chính phủ khẩn cấp điều tra vụ việc hành hung đoàn người khiếu kiện cũng như tiến hành xét xử những thủ phạm gây ra thương tích cho các nạn nhân và tạo điều kiện cho người dân khiếu kiện về những thiệt hại của họ do Formosa gây nên từ hồi tháng 4 năm 2016.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam phải chấm dứt mọi hình thức sách nhiễu đối với người dân khi họ có tiếng nói phản biện ôn hòa và phải tôn trọng, bảo vệ quyền tự do biểu đạt và tự do hội họp của người dân.

Vào ngày 14 tháng 2, Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục cùng hơn 1000 ngư dân và cũng là giáo dân thuộc Giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh khởi hành từ Nghệ An đến Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh để nộp đơn khởi kiện Công ty Hưng nghiệp Formosa.

Nhà máy của công ty này là thủ phạm gây ra thiệt hại đến đời sống của họ với số tiền tương ứng lên đến khoảng 20 triệu Mỹ kim. Tuy nhiên đoàn người đã bị lực lượng cảnh sát cơ động đàn áp và bị nhân viên an ninh mặc thường mục hành hung đến đổ máu.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết đã tiếp xúc với các nhân chứng và được họ cho biết có ít nhất 15 người bị bắt đưa đến đồn công an và những người này bị đánh trước khi được thả về nhà. Và qua hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy có 5 người bị thương nặng ở đầu.

*******************

Thả muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết (RFA, 21/02/2017)

dn3

Nuôi muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore hôm 7/2/2017. AFP photo

Ngày 2 tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế Việt Nam cho biết đã phê duyệt kế hoạch thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia ở Nha Trang để phòng bệnh sốt xuất huyết và Zika.

Đây là một dự án nằm trong chương trình xóa bỏ dịch sốt xuất huyết của trường đại học Monash, Australia, kết hợp với Viện vệ sinh dịch tễ trung ương và viện Pasteur Nha Trang.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên việc thả muỗi vằn mang Wolbachia được các nhà khoa học Australia thực hiện. Trước đó phương pháp này đã được thí điểm ở Australia, Nam Mỹ và Indonesia và đã cho thấy những thành công bước đầu.

Việt Hà phỏng vấn bác sĩ Cameron Simmons, Phó Giám đốc chương trình xóa bỏ bệnh sốt xuất huyết của trường đại học Monash về dự án mới ở Việt Nam. Ông cũng đã sang Việt Nam để tìm hiểu thực trạng về dịch bệnh.

Thả muỗi vằn mang Wolbachia

Việt Hà : Trước hết xin ông cho biết sơ lược về dự án hợp tác mới của trường đại học Monash với phía Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika ?

Cameron Simmons : Chương trình xóa bỏ bệnh sốt xuất huyết của chúng tôi đang hợp tác với viện vệ sinh dịch tễ trung ương ở Hà Nội và viện Pasteur Nha Trang trong nhiều năm để tìm cách ngăn chặn sự lây lan của virut Zika và dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam. Hợp tác này là một hợp tác lâu dài và thành công của nó đã dẫn đến tuyên bố gần đây của Bộ Y tế Việt Nam cho mở rộng dự án ở thành phố Nha Trang.

Công việc của chúng tôi ngày càng trở nên quan trọng vì sự hiểu biết của mọi người về virut Zika trong khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam đã tăng lên. Dự án bắt đầu ở tỉnh Khánh Hòa vào khoảng năm 2012. Các hoạt động ban đầu của dự án được tiến hành ở đảo Trí Nguyên, một đảo nhỏ ở gần Nha Trang. Chúng tôi nghiên cứu nhiều loại vi khuẩn khác nhau và chúng tôi biết được rằng loại vi khuẩn mà chúng tôi đang sử dụng là lựa chọn tốt hơn cả để kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết. Chúng tôi rất lạc quan về dự án này ở Nha Trang.

Việt Hà : Hiện tại thế giới cũng có những cách khác để phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika như là diệt trừ muỗi hay gần đây là dùng vacxin đối với sốt xuất huyết. Phương pháp mới thả muỗi vằn mang Wolbachia hỗ trợ thế nào với những phương pháp truyền thống ?

Cameron Simmons : Cách làm của chúng tôi hoàn toàn thích hợp khi kết hợp với các cách làm khác hiện đang được áp dụng để kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika. Cách làm của chúng tôi bổ sung cho các cách làm khác trong chiến lược chăm sócsức khỏe cộng đồng để kiểm soát các dịch bệnh này.

Tuy nhiên chúng ta phải thừa nhận một điều là những biện pháp hiện có đã được dùng trong nhiều thập kỷ qua và không chấm dứt được hoàn toàn dịch bệnh. Điều này có thể thấy rất rõ ràng ở Việt Nam. Do vậy các nước cần có thêm các biện pháp mới, hướng tiếp cận mới để kiểm soát các dịch bệnh này. Công nghệ của chúng tôi sử dụng vi khuẩn Wolbachia là một trong những lựa chọn đó.

Việt HàXin ông cho biết tóm tắt làm thế nào Wolbachia trong muỗi có thể ngăn chặn được sự lây lan của bệnh dịch ?

Camerons Simmons : Vi khuẩn Wolbachia ngăn ngừa cho muỗi không bị nhiễm virut Zika và sốt xuất huyết. Nó ngăn những con muỗi truyền các loại virut này vào cơ thể người. Đó là đặc điểm quan trọng của Wolbachia. Nó không thay đổi số lượng muỗi, không làm giảm lượng muỗi trong tự nhiên. Nó chỉ ngăn muỗi truyền bệnh. Kinh nghiệm của chúng tôi ở Australia, Indonesia, Brazil và Columbia cho thấy là khi bạn đưa loại vi khuẩn này vào muỗi trong tự nhiên thì loại vi khuẩn này vẫn tồn tại trong muỗi nhiều năm tiếp theo. Vì vậy chúng tôi coi đây là biện pháp can thiệp có kết quả lâu dài để ngăn chặn muỗi truyền bệnh.

Việt Hà : Dự án có đặt ra một mục tiêu cụ thể nào ở Việt Nam trong thời gian tới hay không, cụ thể như là có thể làm giảm bao nhiêu phần trăm số ca nhiễm bệnh chẳng hạn ?

Cameron Simmons : Vấn đề với bệnh sốt xuất huyết là con số người bị nhiễm bệnh. Rất may là ở Việt Nam, hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng có thể ngăn chặn được nhiều ca tử vong do bệnh vì họ có thể kiểm soát được tình trạng của người bệnh. Mục tiêu của chúng tôi trong dự án này ở Nha Trang là làm việc chặt chẽ với đối tác của mình, với cộng đồng để dần dần đưa vi khuẩn Wolbachia vào thành phố Nha Trang. Trông đợi của chúng tôi là sau một thời gian chúng tôi sẽ thấy số ca bị sốt xuất huyết giảm trong khu vực có vi khuẩn Wolbachia. Chúng tôi không đưa ra một con số mục tiêu cụ thể. Mục tiêu ngay lúc này của chúng tôi là làm việc một cách hiệu quả với cộng đồng để có thể đưa vi khuẩn Wolbachia và giám sát vi khuẩn này trong khu vực theo thời gian.

Có thể kiểm soát trên diện rộng ?

SINGAPORE-HEALTH-AEDES

Một nhân viên y tế đang tách muỗi đực và cái mang vi khuẩn Wolbachia tại Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore hôm 07 tháng 2 năm 2017. AFP photo

Việt Hà : Vậy các chuyên gia của trường có kế hoạch mở rộng dự án này ra các vùng khác ở Việt Nam trong tương lai không ?

Cameron Simmons : Chúng tôi muốn thấy sự phát triển của vi khuẩn Wolbachia ở thành phố Nha Trang. Chậm nhất vào khoảng cuối năm nay, chúng tôi có thể có được những kết quả cho thấy điều này. Khi chúng tôi thành công ở đây thì chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với phía đối tác Việt Nam, với Bộ Y tế, với giới chức các tỉnh và viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về chiến lược nâng cấp cho dự án. Ví dụ như chúng tôi có thể thực hiện ở các tính miền Nam Việt Nam nơi đang phải đối mặt với dịch bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên chúng tôi sẽ rất vui nếu các đối tác Việt Nam có thể cho chúng tôi biết những nơi nào cần sự có mặt của dự án này.

Việt HàCó lo ngại về việc lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết từ vùng này sang vùng khác do sự dịch chuyển của người và hàng hóa. Nếu dự án chỉ thực hiện trong một khu vực nhỏ, cụ thể là ở thành phố Nha Trang, thì liệu ông có lo ngại là dịch bệnh sẽ khó có thể được kiểm soát trên diện rộng ?

Cameron Simmons : Đúng là người dân có thể di chuyển khỏi vùng có vi khuẩn Wolbachia và có thể nhiễm sốt xuất huyết hay Zika từ vùng khác. Cho nên điều cần làm là chúng ta phải áp dụng phương pháp này ở mức độ rộng lớn hơn để có thể loại bỏ được sự lây lan của sốt xuất huyết và Zika trên một vùng đô thị rộng lớn. Ví dụ có thể là dự án sẽ đưa loại vi khuẩn này vào toàn bộ thành phố Nha Trang để bảo vệ người dân ở đây khỏi bị bệnh sốt xuất huyết và Zika. Nhưng vào thời điểm này chúng tôi không thể đưa vi khuẩn Wolbachia đến tất cả các thành phố của Việt Nam. Đây là dự án trong tương lai.

Việt HàBác sĩ có thể cho biết những kết quả thu được từ việc thả muỗi vằn mang Wolbachia ở các nước khác trước Việt Nam như thế nào không ?

Cameron Simmons : Chúng tôi mới bắt đầu thu thập bằng chứng về ảnh hưởng của vi khuẩn lên dịch bệnh. Tại Australia, tại thành phố Townville chúng tôi không thấy có bất cứ ca mắc sốt xuất huyết nào trong vòng 3 năm. Đây là một điều khác thường đối với thành phố. Chúng tôi cũng mới chỉ bắt đầu gia tang hoạt động dự án ở Brazil và Columbia nên còn quá sớm để đánh giá kết quả. Ở Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ thấy được ảnh hưởng vào khoảng nửa cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Chúng tôi rất hy vọng vào kết quả trong vòng 12 tháng tới cho thấy vi khuẩn Wolbachia ngăn chặn được dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika.

Mục tiêu giảm sốt xuất huyết cầu

Việt Hà : Liệu có những lo ngại gì về những rủi ro trong môi trường có thể xảy ra liên quan đến việc đưa Wolbachia vào muỗi trong tự nhiên về lâu dài không thưa ông ?

Cameron Simmons : Ở Australia chúng tôi đã thực hiện biện pháp này từ năm 2010. Tại thành phố Cain, miền Bắc Australia trong suốt 5 năm qua không thấy có một vấn đề gì liên quan đến vi khuẩn này. Cho nên chúng tôi đã thành công trong việc đưa vi khuẩn Wolbachia vào muỗi ở nhiều vùng và nước trên thế giới mà không có vấn đề gì. Nghiên cứu của chúng tôi cũng đã được đánh giá độc lập ở 3 nước bao gồm cả Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng cân đối giữa những nguy cơ và lợi ích mà vi khuẩn mang lại thì lợi ích là rất lớn trong việc ngăn chặn nạn dịch sốt xuất huyết. Đã có những nguy cơ về mặt lý thuyết được đưa ra đánh giá nhưng chưa xuất hiện trên thực tế. Ở Australia chúng tôi đã có kinh nghiệm 5 năm đưa vi khuẩn này vào muỗi ở hai thành phố lớn ở miền bắc Australia. Ở Indonesia, chúng tôi cũng đã có 3 năm kinh nghiệm đưa vi khuẩn này vào cộng đồng mà không có bất cứ vấn đề gì. Cho nên những lo lắng là về mặt lý thuyết và chưa thực sự xuất hiện trên thực tế.

Việt HàTổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra mục tiêu giảm tỷ lệ người nhiễm bệnh sốt xuất huyết khoảng 25% tính đến năm 2020. Chương trình xóa bỏ sốt xuất huyết của trường có kế hoạch gì sắp tới để đáp ứng mục tiêu này của WHO ?

Cameron Simmons : Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra mục tiêu giảm gánh nặng toàn cầu do dịch bệnh sốt xuất huyết. Chúng tôi hy vọng có thể làm việc với chính phủ các nước để áp dụng công nghệ mới này. Chúng tôi hy vọng sẽ làm việc với 20 nước trong vòng 5 năm tới để áp dụng công nghệ này để ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết, chỉ cho họ thấy là công nghệ này thực sự có hiệu quả. Chúng tôi hy vọng có thể cung cấp cho chính phủ các nước công nghệ và chuyên môn mà họ cần để thực hiện chương trình quốc gia của họ.

Việt Hà : Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Việt Hà, phóng viên RFA

Published in Việt Nam