Bạo động tại Bình Thuận, giọt nước tràn ly (RFA, 11/06/2018)
Trong liên tục ba ngày 9,10,11 tháng Sáu, những cuộc biểu tình huy động hàng ngàn người diễn ra trên cả nước : Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Nghệ An, Bình Thuận, để phản đối dự luật đặc khu kinh tế cho người nước ngoài thuê đất 99 năm. Đại đa số các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, ngoại trừ tại Bình Thuận, cuộc biểu tình đã biến thành bạo động, dân chúng đốt trụ sở ủy ban tỉnh, đốt xe và đụng độ với cảnh sát.
Đốt xe trước cổng Ủy ban tỉnh Bình Thuận đêm 10/6/2018. AFP
Chuyện gì đang xảy ra tại Bình Thuận ?
Giọt nước làm tràn ly
Tỉnh Bình Thuận đã từng biết đến biểu tình có bạo động. Cách đây hơn 3 năm, vào tháng Tư năm 2015 cũng tại Tuy Phong đã có biểu tình bạo động chống các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân gây ô nhiễm. Cuộc biểu tình bạo động đã gây thiệt hại lớn về tài sản tại đây.
Một người theo dõi rất kỹ những diễn biến của việc ô nhiễm môi trường tại Bình Thuận, và cũng là một người sinh ra và lớn lên tại Bình Thuận, ông Phan Hữu Trọng Hiền nói với chúng tôi từ Úc, sau cuộc bạo động ngày 10/6 :
"Người Bình Thuận rất hiền lành, họ rất khi phản ứng. Cho nên đây phải là sự dồn nén trong nhiều năm qua, những nhà máy nhiệt điện hủy hoại môi trường, ngư dân mất đi ngư trường bình thường của họ, lần này là giọt nước làm tràn ly, mà hậu quả thật bất ngờ là nó lại quá lớn như vậy".
Ông Phan Hữu Trọng Hiền hiện là một chuyên viên tin học tại Úc. Vào năm 2017 ông đã dùng tiền túi lập ra một trang Facebook phản đối việc xả bùn thải xuống vùng biển Bình Thuận của Bộ Tài nguyên và môi trường. Sau đó kế hoạch này của Bộ Tài nguyên môi trường đã bị hủy bỏ. Ông Hiền quan sát thấy rằng mặt dù Phan Thiết vốn là một ngư trường giàu có nổi tiếng của Việt Nam từ lâu đời, nhưng hiện nay ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, vì đi đánh bắt ngoài khơi xa thì bị tàu Trung Quốc chèn ép, còn ở trong bờ thì lực lượng kiểm ngư đã thất bại để cho những loại ghe cào tận diệt nguồn hải sản gần bờ.
Chúng tôi đặt vấn đề mà ông Hiền nêu lên với một người dân sống tại Phan Thiết, nơi xảy ra cuộc bạo động 10/6, ông Thái Bình cho biết :
"Có lẽ nhận định đó có phần đúng, vì theo quan sát của tôi thì trong cuộc bạo loạn hồi hôm toàn là dân lao động biển, gần như 100%, qua cái cách ăn mạc, cách họ nói chuyện, cách họ đi… Thì mình có nhận xét như thế".
Vào năm 2017, khi dư luận đang xôn xao về kế hoạch xả bùn xuống biển của Bộ Tài nguyên và môi trường, chúng tôi có liên lạc được với các chủ trại nuôi tôm giống tại Tuy Phong, được họ cho biết là việc nuôi tôm giống của họ đã trở nên rất khó khăn từ trước đó, từ khi có cảng nhập than đá để chạy các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.
Chính tại Tuy Phong đã bắt đầu cuộc biểu tình chặn Quốc lộ 1A trong sáng ngày 10/6 để phản đối dự luật đặc khu, và bạo động tiếp tục diễn ra tại đây trong ngày 11/6 khi người dân tấn công và đốt đồn cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Trước sự sụt giảm về tài nguyên biển, đã từng có hy vọng rằng nguồn lợi du lịch từ những bãi biển đẹp và khí hậu tốt của Phan Thiết sẽ bù lại cho dân chúng ở đây. Đã hơn 20 năm từ khi khu nghĩ dưỡng đầu tiên được xây dựng tại bãi biển Mũi Né, Phan Thiết, và Bình Thuận được mệnh danh là thủ đô resort của Việt Nam. Nhưng ông Thái Bình không cảm thấy điều đó :
"Những resort đó là những người có tiền ở đâu tới đầu tư, hoặc nước ngoài vô đầu tư, chứ còn dân biển thì con cháu chỉ vô làm thuê bồi bàn, bồi phòng, chứ nó không có tác động lớn đến cuộc sống người dân Bình Thuận".
Chúng tôi tìm cách liên lạc với ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở tài nguyên môi trường Bình Thuận để hỏi về những vấn đề môi trường, nhưng không có người bắt máy theo đường dây nóng công bố trên mạng.
Chúng tôi cũng đã gửi email cho ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch Tỉnh Bình Thuận, nhưng không được phản hồi.
Làm gì sau cuộc bạo động ?
Trả lời câu hỏi làm thế nào để những cuộc bạo động tương tự không xảy ra trong tương lai, ông Phan Hữu Trọng Hiền cho rằng đó là một việc rất khó khăn :
"Bộ Tài nguyên môi trường, các tập đoàn lớn về năng lượng đã đặt xuống cách đây vài năm. Cho nên chính quyền địa phương có muốn giải quyết thì họ cũng không có đủ quyền lực, không đủ sức mạnh đưa ra những quyết định lâu dài cho người dân địa phương. Một mâu thuẫn rất khó giải quyết. Nhưng mà chính quyền địa phương có thể đi gần với dân hơn, liên tục phải có những hành động giảm thiểu những tác hại, và đặc biệt phải có sức ép ngược lên trên trung ương để mà đưa ra những quyết sách có lợi cho dân địa phương".
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam hiện sống tại Sài Gòn, cho chúng tôi biết là ông cũng tán thành nguyên nhân sâu xa của vụ bạo động là chuyện ô nhiễm và phương kế sinh nhai của ngư dân Bình Thuận bị mất mát như hiện nay. Bên cạnh đó ông cho rằng câu chuyện gây kích hoạt những cuộc biểu tình là dự luật đặc khu có thể tránh được :
"Khi trình những luật mang tính nhạy cảm chẳng hạn như luật ba đặc khu, là phải được thảo luận rộng rải trong nhân dân, lường hết những hậu quả thế này thế kia thì có lẽ sẽ không xảy ra những việc đáng tiếc như vừa qua. Điều đó cho thấy rằng việc làm luật ở Việt Nam chưa tạo điều kiện cho người dân tham gia từ đầu. Dĩ nhiên những dự thảo luật đó có đưa lên mạng, nhưng có mấy người biết rằng dự thảo luật đó có trên mạng để mà góp ý ?".
Theo báo chí nhà nước Việt Nam thì rạng sáng ngày 11/6, lực lượng công an đã phải được tăng cường để giải tán đám đông bạo động tại trụ sở Ủy ban tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên ông Thanh Bình cho rằng giải pháp dùng sức mạnh không nên được sử dụng trong lúc này.
"Theo tôi thấy tình trạng nó xảy ra kinh khủng quá, mất kiểm soát. Theo tôi nghĩ cách tốt nhất hiện nay là lãnh đạo nên gặp gỡ người dân, lắng nghe tiếng nói của họ, biết yêu cầu của họ để phần nào xoa dịu họ, thì có thể nó sẽ lắng dịu, chứng mà dùng cảnh sát đối đầu với người dân thì không phải là cách hay nhất".
Theo báo chí Việt Nam, ngày 11/6, cuộc bạo động tại Bình Thuận diễn ra sang ngày thứ hai tại khu vực Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, dân chúng đã đốt xe và tấn công cảnh sát cơ động. Các giới chức chính quyền cho biết có đến 28 cảnh sát cơ động bị thương. Trật tự được vãn hồi sau khi cảnh sát cơ động rút đi.
Theo nguồn tin riêng mà ông Thái Bình cho chúng tôi biết thì những người lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã họp khẩn cấp và quyết định là không dùng sức mạnh để đàn áp. Chúng tôi không thể kiểm tra sự xác thực của tin này.
Từ diễn đàn Quốc hội, sáng ngày 11/6, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng kêu gọi mọi người dân hãy bình tĩnh, nhưng nói thêm là đừng để cho lòng yêu nước bị lợi dụng.
Kính Hòa
*****************
Bùng nổ biểu tình chống Luật Đặc khu, nhiều người bị bắt (VOA, 11/06/2018)
Việt Nam xác nhận bắt giữ nhiều người hôm 10/6 sau khi nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ ở các thành phố lớn để phản đối Luật Đặc khu.
Lực lượng công an và an ninh giải tán cuộc biểu tình ở Hà Nội hôm 10/6.
Các hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh nhiều người biểu tình bị "giữ" và "lôi" lên xe buýt ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Qua các bức ảnh, có thể thấy máu trên mặt và áo một số người.
Trong khi đó, các nhân chứng nói với VOA Việt Ngữ rằng "hàng chục người" đã "bị bắt". Thông tin này không thể được kiểm chứng độc lập.
Dù dự luật không nêu cụ thể các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng tại ba địa điểm có thể trở thành đặc khu là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, nhiều người biểu tình cho rằng Trung Quốc có thể dùng những nơi "chiến lược" này để "lập cứ".
Các bức ảnh cho thấy những người xuống đường mang theo các biểu ngữ như "Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày" hay "Giao đất cho giặc Tàu là mất nước".
Sau nhiều giờ im tiếng, báo chí trong nước đồng loạt đăng lại một bản tin ngắn của Thông tấn xã Việt Nam, trong đó nói rằng công an bắt giữ người "lôi kéo biểu tình trái phép" vì Luật Đặc khu.
Trong bài viết có tựa đề "Đừng quá sợ dân", nhà báo tự do Trương Huy San nói rằng "cho dù hàng vạn con người đã xuống đường, người dân không hề thách thức quyền lực" và "người dân chỉ bày tỏ thái độ".
"Chiều nay, đừng ngạc nhiên khi trên truyền thông hay trong các phòng kín có ai đó thổi phồng vai trò của "các thế lực thù địch" đứng sau các cuộc biểu tình [tuy có thể cũng có những kẻ tát nước theo mưa]. Và cũng đừng ngạc nhiên khi mạng xã hội cũng bị cho là thủ phạm [để thuyết phục các nhà lãnh đạo ủng hộ các biện pháp cứng rắn hơn]", người còn được biết tới với tên gọi blogger Osin Huy Đức viết tiếp.
Một sự kiện gây nhiều chú ý trong cuộc xuống đường hôm 10/6 là chuyện "đám đông tràn vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận".
Báo chí trong nước dẫn lời chính quyền cáo buộc người dân "đốt xe công" và "làm nhiều cảnh sát bị thương", trong khi nhiều người biểu tình viết trên mạng xã hội rằng họ bị "vu khống".
Nhiều cuộc tuần hành vẫn được tổ chức theo như kế hoạch dù chính phủ Việt Nam hôm 9/6 đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu.
Tuy nhiên, theo nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn, "hoãn vẫn chưa đủ" mà Việt Nam "phải chính thức thông báo hủy ý định lập đặc khu".
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố sẽ giảm thời hạn cho thuê đất 99 năm nhưng không nói cụ thể về việc giảm này.
Trong cuộc trao đổi với báo chí hôm 7/6, ông Phúc từng nói rằng việc người dân, trí thức và người Việt ở nước ngoài góp ý về Luật Đặc Khu là "tinh thần yêu nước rất đáng hoan nghênh".
Người biểu tình phản đối Luật Đặc khu ở Hà Nội hôm 10/6.
Các cuộc xuống đường tuần hành chống Luật Đặc khu còn là dịp để người biểu tình lên tiếng về dự luật An ninh mạng dự kiến sẽ được mang ra biểu quyết vào ngày 12/6.
Trên Facebook cá nhân, tiến sĩ Jonathan London viết rằng "không có nước nào mà biểu tình được xem là phương án tốt nhất để giải quyết những vấn đề lớn và quan trọng trong xã hội".
"Việc có biểu tình cuối tuần không chỉ phản ánh sự nghi ngờ và phẫn nộ của nhiều người mà phản ánh một thực thế lớn hơn mà đã biết quá lâu : người dân Việt Nam đã từ lâu mong, cần, và xứng đáng những quyết định quốc gia xuất phát từ những quá trình và thảo luận minh bạch, càng mang tính văn minh đa nguyên dân chủ càng tốt", nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam này nhận định. "Như thế Việt Nam mới cất cánh".
Theo ghi nhận của VOA tiếng Việt, các cuộc biểu tình của người Việt còn diễn ra ở nhiều nước như Nhật Bản, Pháp, Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ.
Viễn Đông
*******************
Bình Thuận : Dân cảnh báo ‘lại biểu tình’ nếu CA ‘truy bắt’ (VOA, 11/06/2018)
Một đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và một người dân thị trấn Phan Rí Cửa xác nhận với VOA hồi 6h chiều ngày 11/6 rằng tình hình "tạm ổn", "tạm lắng xuống" sau cuộc biểu tình đông đảo với nhiều hình ảnh bạo lực diễn ra kể từ cuối tuần vừa qua.
Cảnh sát và người biểu tình đối mặt nhau trên quốc lộ 1 ở Bình Thuận, 11/6/2018
Một người dân đề nghị giấu tên đưa ra lời cảnh báo rằng một cuộc xuống đường lớn sẽ "bùng nổ trở lại" nếu công an "truy tìm, bắt bớ" những người biểu tình.
Báo chí Việt Nam và thông tin trên mạng xã hội cho hay hàng ngàn người ở Phan Rí Cửa đã tràn xuống quốc lộ 1 từ sáng ngày 10/6 để phản đối dự luật về đặc khu kinh tế, vốn bị xem là có thể mở đường để người Trung Quốc di dân, thôn tính biển đảo của Việt Nam.
Tin cho hay đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát, làm tê liệt tuyến quốc lộ huyết mạch cho đến đêm cùng ngày. Bên cạnh đó, nhiều người biểu tình đã xông vào trong trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đặt tại thành phố Phan Thiết và một số cơ sở khác của chính quyền.
Hình ảnh và chú thích trên báo chí do nhà nước kiểm soát cho thấy một số xe cộ và căn phòng đã bị đốt bởi "những người quá khích" hay "những đối tượng bị kích động".
Xe máy bị đốt trước cửa UBND tỉnh Bình Thuận, 10/6/2018
Trên mạng xã hội có nhiều đoạn video cho thấy xô xát giữa người biểu tình với cảnh sát cơ động trên quốc lộ, trong đó cảnh sát bắn lựu đạn khói về phía đoàn biểu tình, còn người biểu tình ném gạch, đá về phía cảnh sát.
Tình hình bạo động đã kéo dài ít nhất đến nửa đêm ngày 10/6, theo lời một phó bí thư Bình Thuận được báo chí trong nước dẫn lại. Trong khi đó, thông tin trên mạng xã hội nói biểu tình còn kéo dài sang cả ngày 11/6.
Chiều muộn ngày 11/6, một cán bộ không nêu tên thuộc Văn phòng Đảng ủy Bình Thuận trả lời VOA khi phóng viên gọi vào số máy di động của ông Bí thư Nguyễn Mạnh Hùng :
"Hiện nay Bí thư Hùng đang chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình. Tình hình cũng hơi ổn. Các cấp các ngành cũng vào cuộc. Tình hình hơi ổn, dịu xuống".
Một người dân Phan Rí Cửa, tâm điểm của cuộc bạo động, xác nhận với VOA rằng người dân đã "về nhà", cảnh sát đã "rút quân", tình hình "yên ắng" và quốc lộ 1 đã "thông suốt".
Một bài báo của Tiền Phong hôm 11/6 trích lời bí thư Bình Thuận nói rằng nhà chức trách đang "rà soát, sàng lọc các đối tượng" mà ông gọi là người bị kích động. Ông Hùng nói thêm "hành vi vi phạm pháp luật là phải xử lý nghiêm minh".
Các báo nhà nước đưa tin công an tỉnh cho biết vào sáng cùng ngày rằng họ đã "tạm giữ 102 người" để điều tra việc "đập phá trụ sở UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành xung quanh".
Xe cảnh sát bị đốt cháy ở một trụ sở thuộc công an tỉnh Bình Thuận, 10/6/2018
Bí thư Hùng thận trọng nhận định với báo chí rằng "không loại trừ khả năng vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề không lường trước được".
Người dân Phan Rí Cửa không muốn lộ danh tính đưa ra cảnh báo vào chiều tối 11/6 rằng nếu chính quyền triển khai thêm cảnh sát và truy bắt người biểu tình, hoạt động phản đối sẽ lại nổ ra :
"Chỉ cần họ [cảnh sát] rút, họ không đến đây nữa thì người dân sẽ không chống trả gì. Hồi sáng nay cũng vậy. Ngày hôm trước xảy ra, buổi tối họ rút về, và buổi sáng có sự tiếp viện [bên cảnh sát] thì người dân họ mới tiếp tục chống lại. Bây giờ chỉ cần chính quyền không có tăng cường gì nữa thì tự động mọi chuyện sẽ yên thôi".
Trong dịp cuối tuần, ngoài Bình Thuận, nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ đã diễn ra ở một loạt các tỉnh thành của Việt Nam, trong đó có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương, Mỹ Tho.
Dù nhiều người chia sẻ các bài viết và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy đã có việc nhà chức trách bắt bớ người biểu tình hoặc xảy ra xô xát nhẹ tại các địa phương kể trên, song nhìn chung các cuộc biểu tình đó không đạt mức độ bạo động như ở Bình Thuận.
Nam cư dân Phan Rí Cửa lý giải với VOA rằng anh và đồng hương của mình đã bị dồn nén quá lâu vì ba nguyên nhân gồm : nhiệt điện Vĩnh Tân gây ô nhiễm môi trường, việc xả chất thải xuống biển làm chết thủy sản, và kiểm ngư bảo kê cho tàu giã cào làm ngư dân không còn kiếm sống được nữa. Anh nói thêm :
"Nó tạo ra tệ nạn xã hội, công việc không có. Chính quyền chỉ có hứa suông rồi sau đó đâu vẫn vào đấy. Thì cuối cùng nó gây sự mất niềm tin. Bây giờ dù có nói gì [người dân] họ cũng không nghe".
Một số người sử dụng mạng xã hội chia sẻ các hình ảnh cho thấy dường như cảnh sát đã và đang điều động thêm người của họ từ các địa phương khác đến Bình Thuận. VOA không thể kiểm chứng độc lập thông tin này. Khi được hỏi rằng người dân địa phương có phản ứng gì nếu diễn biến này là sự thật, nam cư dân Phan Rí Cửa nói :
"Đừng dùng đàn áp hay là bạo lực này kia. Tại vì người dân đi biển họ đối mặt với cái chết hàng ngày họ còn không sợ, bây giờ họ không có sợ".
*********************
Bạo động tại Bình Thuận : 100 người bị bắt giữ (RFA, 11/06/2018)
Biểu tình chống hai dự luật Đặc Khu và An Ninh Mạng nổ ra tại một số thành phố ở Việt Nam trong các ngày 9, 10 và 11 tháng 6.
Người biểu tình đứng trước Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ngày 10/6/2018. AFP
Bản tin của AFP vào chiều tối ngày 11 tháng 6 cho biết cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ ít nhất 100 người trong vụ biểu tình tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Cuộc biểu tình tại đây được biết đến sáng ngày 11 tháng 6 vẫn còn tiếp diễn sau khi vào tối trước đó xảy ra tình trạng người biểu tình dùng bom xăng tự chế phóng hỏa đốt một số trụ sở cơ quan Nhà nước ; cũng như ném gạch đá vào lực lượng cảnh sát cơ động khiến hằng chục nhân viên công lực bị thương.
Tỉnh Bình Thuận vào chiều ngày 11 tháng 6 tổ chức buổi họp báo thông tin về vụ việc vừa nêu tại địa phương thuộc tỉnh. Cuộc họp báo do Cơ quan tuyên giáo của Tỉnh Bình Thuận chủ trì.
Ông Huỳnh Thái Dương Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói rằng ông không thể hình dung nổi tình trạng diễn ra tại Ủy ban nhân dân tỉnh vào tối 10/6 và ông nói có thể gọi đó là một cuộc bạo loạn.
Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận là ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng những hành vi đó là vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng.
Xin được nhắc lại là vào ngày chủ nhật 10/6 trên cả nước đã vùng nổ những cuộc biểu tình lớn tại Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Bình Thuận, qui tụ đến hàng ngàn người tham gia để phản đối dự luật đặc khu cho nước ngoài thuê đất 99 năm. Dự luật này đã được hoãn thông qua hai ngày trước đó nhưng những cuộc biểu tình vẫn nổ ra, đại đa số là ôn hòa, nhưng cuộc biểu tình tại Phan Thiết và Tuy Phong tỉnh Bình Thuận đã trở thành bạo lực.
Truyền thông trong nước dẫn nguồn từ cơ quan chức năng rằng vào sáng ngày 10/6 người dân tại Tuy Phong, Bình Thuận đã tràn ra đường ngăn chận xe cộ để phản đối dự luật đặc khu mà Quốc hội Khóa 14 đưa ra vào đầu kỳ họp thứ năm đang diễn ra ở Hà Nội.
Đến tối 10/6, cũng theo báo chí trong nước hàng trăm người dân đã tràn vào trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh tại thành phố Phan Thiết, dùng bom xăng phóng hỏa và đập phá. Ngoài ra có nhiều xe hơi và xe gắn máy bị đốt cháy. Công an đã dùng vòi rồng để giải tán đám đông nhưng không thành. Cho đến rạng sáng ngày 11/6 công an phải tăng cường lực lượng để giải tán đám đông.
Đến trưa ngày 11/6 dân chúng lại đổ ra chận Quốc lộ 1 tại Ngã ba Cầu Nam, huyện Tuy Phong. Theo một quan chức của huyện thì dân chúng cũng đã đập phá cơ sở của cơ quan phòng cháy chữa cháy của huyện này.
Tại các thành phố khác ở Việt Nam gồm Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương cũng nổ ra những cuộc biểu tình chống hai dự luật Đặc Khu và An Ninh Mạng.
Một số người tham gia biểu tình cho biết họ vì lòng yêu nước mà tham gia biểu tình. Hoạt động tuần hành với các biểu ngữ phản đối được tiến hành trong tinh thần ôn hòa ; tuy nhiên lực lượng chức năng cố tình ngăn trở và có xảy ra biện pháp trấn áp, bắt bớ người biểu tình và gây thương tích đổ máu.
*****************
Người dân trong nước đón nhận thông báo từ Văn phòng Chính phủ về quyết định lùi Dự thảo Luật Đặc khu đến kỳ họp kế tiếp được loan đi vào lúc 3 giờ sáng ngày 9/06/2018 với mấy luồng ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng Chính phủ đã "lắng nghe" dân. Một số khác thẳng thắng cho rằng đó là cách duy nhất để tránh một cuộc biểu tình lớn. Cũng không thiếu một số ý kiến bày tỏ nghi ngờ đây là "kế hoãn binh" vì "chỉ hoãn chứ không phải lùi".
Lực lượng an ninh bị người dân quá khích ném đá tại Phan Rí.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Độc Lập Phạm Chí Dũng nói với RFA, ông cho rằng thông cáo đó bắt nguồn từ một "sự bất ngờ hoàn toàn" của Bộ Chính trị Việt Nam vốn luôn trong tâm thế rất chủ quan.
"Do bất ngờ như vậy nên mới có việc là chỉ đạo lại, yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công văn vào lúc 3 giờ sáng gởi cho các nơi là Chính phủ đề nghị hoãn Luật Đặc khu. Chúng ta biết ông Phúc trước giờ không làm những chuyện này nếu không có chỉ đạo từ Bộ Chính trị. Và đặc biệt Chính phủ cũng không có thói quen minh bạch hoá những chuyện này vào lúc 3 giờ sáng.
Cho nên họ làm như vậy chẳng qua là họ cố gắng dập tắt cuộc biểu tình".
Trước ngày 10-6 vài ngày, trong lúc diễn ra những họp Đại biểu Quốc hội, mạng xã hội và báo chí tràn ngập những bài viết cũng như phản ứng của người dân cả nước về Dự thảo Luật Đặc khu trong đó có nội dung cho thuê đất 99 năm. Nổi bật nhất là những lời kêu gọi xuống đường tuần hành vào ngày 10-6 trên cả nước.
Người dân Việt Nam đã từng "nói là làm". Chính quyền Việt Nam từng chứng kiến cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra trên khắp cả nước phản đối Formosa vào năm 2016 ; chống Trung Quốc năm 2015. Chính vì vậy, nếu cho rằng những người lãnh đạo nhà nước e ngại một cuộc tuần hành mang tính lan rộng vào ngày 10-6 thì hoàn toàn có cơ sở.
Có thể như vậy, quyết định "hoãn lại" vào rạng sáng ngày 9-6 đã nhanh chóng được đưa ra. Thế nhưng, với kinh nghiệm quan sát chính trường Việt Nam của ông Phạm Chí Dũng, thì ông gọi đó chỉ là "kế hoãn binh".
"Lùi lại luôn luôn là một kế hoãn binh. Khi mà họ không tiến lên được thì họ chấp nhận lùi. Lùi đó là một cách âm thầm tổ chức lại và sẽ có một số động tác không công bố và sau đó sẽ trình dự luật y như cũ, và thậm chí có thể âm thầm lén lút thông qua.
Với Quốc hội như thế này thì tôi chẳng kỳ vọng gì".
Quan sát của ông Phạm Chí Dũng không khác với một số đông người dân trong nước. Họ thể hiện rõ sự nghi ngờ thông cáo của Văn phòng Chính phủ. Những trạng thái họ bày tỏ trên mạng xã hội đã chứng minh lòng tin với chính phủ của họ hầu như không còn, cho dù đó là một quyết định do chính người đứng đầu nhà nước là ông Thủ tướng.
Đặc biệt, có một ý kiến từ Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường ông Đặng Hùng Võ trả lời báo trong nước về lĩnh vực bất động sản ở 3 đặc khu khi Chính phủ hoãn Luật Đặc khu đã khẳng định : "Việc thành lập các đặc khu chỉ là việc sớm hay muộn".
Để hiểu rõ thêm về hàm ý của việc "sớm hay muôn", RFA liên lạc với ông Đặng Hùng Võ, và được ông chia sẻ nhận định :
"Theo tôi quyết định đó có tính hợp lý, ở chỗ là khi nghe được nhiều ý kiến từ nhiều phía thì việc chính phủ đề nghị cho nghiên cứu thêm để thông qua kỳ họp sau thì tôi cho rằng đó là một cách tiếp cận hợp lý.
Ngay bản thân cũng có ý kiến rằng tìm động lực nào để các động lực phát triển là vấn đề chính chứ tôi không nói thời hạn sử dụng đất là vấn đề chính.
Tuy không trực tiếp đề cập đến lời kêu gọi biểu tình trên mạng xã hội của người dân cả nước, nhưng giáo sư Đặng Hùng Võ có nhắc đến "an ninh" trong lý do hoãn lại Luật đặc khu.
"Tôi cho rằng dừng lại để nghiên cứu thêm thậm chí có những ý kiến nói rằng về quốc phòng an ninh cần phải bảo đảm thì tôi cho rằng những ý kiến đó cũng hợp lý".
Ngược lại, các nhà hoạch định chiến lược, các chuyên gia kinh tế, các quan chức chính phủ thì nhìn nhận đây là một thể hiện tích cực của lãnh đạo nhà nước.
Báo chí trong nước trích dẫn ý kiến của giới tri thức, chuyên gia kinh tế, những người từng lên tiếng phản đối Dự Luật đặc khu về quyết định này. Chuyên mục Kinh doanh của trang điện tử soha.vn dẫn lời Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết : "Điều này thể hiện Đảng, Lãnh đạo và Chính phủ đã lắng nghe các ý kiến mang tính xây dựng chân thành của người dân, các hiệp hội và giới tri thức, chuyên gia".
Thế nhưng cuối cùng, nỗ lực của Văn phòng Chính phủ vào lúc 3 giờ sáng ngày 9-6 cũng không thể ngăn cản những bước chân xuống đường của người dân. Điều này được ông Phạm Chí Dũng giải thích là do người dân đã được hứa hẹn, đã chờ đợi quá nhiều. Thực tế cho thấy cho đến giờ này, Việt Nam chưa thực hiện 1 điều gì để lo cho ngư dân trong việc đối phó với Trung Quốc ; BOT vẫn sách nhiễu đủ thứ…
"Chính quyền gần như không làm gì cả. Chỉ hứa hẹn thôi và sau đó làm ngược lại. Chính vì sự mất hẳn niềm tin vào Đảng Cộng sản và chế độ cầm quyền nên cuối cùng người dân phải xuống đường biểu tình, hy vọng bằng biểu tình bằng tiếng la, tiếng hét, bằng những bước chân đi rầm rập của họ thì mới có thể thay đổi tình thế. Nước không bị bán đi".
Hơn chục ngàn người dân mỗi nơi ở khắp trên 30 tỉnh thành đồng loạt xuống đường làm nên một ngày lịch sử sau hơn 43 năm. Không một tổ chức xã hội dân sự nào dẫn dắt. Tất cả được cho là bắt nguồn từ nỗi phẫn uất quá lâu và niềm tin đã hoàn toàn bị bóp nghẹt.
Đối với Giáo sư Đặng Hùng Võ, ông có cách nhận định khác về cuộc tổng biểu tình của người dân cả nước ngày 10-6 vừa qua, cho rằng "nếu phản kháng thì chúng ta cũng nên bình tĩnh nhìn vào sự thật của vấn đề, là một câu chuyện khá phức tạp".
"Tôi có thể nói thẳng người dân Việt Nam dân trí chưa cao. Cách tư duy độc lập về một vấn đề nào đó cũng không mang tính chủ động. Hơn nữa, quan điểm mang tính tiếp cận của người Việt Nam cũng mỗi người hiểu 1 khác. Ở đây có 1 yếu tố tôi cho là hiệu ứng đám đông, người này lôi kéo người khác. có những người yêu nước nhưng mù quáng".
Có phải hiệu ứng đám đông như lời Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận xét hay không ? Câu trả lời đúng nhất có lẽ dành cho cậu thanh niên trẻ có mặt bên cạnh nhà sư Thích Đồng Long, vị sư thầy đã ngồi thiền trước Lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn trong ngày Chủ nhật 10-6. Cậu thanh niên ấy là người khiếm thị.
"Từ nhỏ tới lớn là ngày đầu tiên em đi theo đó. Cái khiến em phải biểu tình là vì đồng bào của mình, dân tộc của mình. Em thì hồi đó tới giờ em chưa tham gia như vậy bao giờ hết, nhưng em luôn theo dõi tin tức. Em không ngờ lại bán nước cho người ta 99 năm. Sau 99 năm dân tộc sẽ như thế nào ?".
Những gì diễn ra từ buổi sáng Chủ nhật 10-6 ở khắp tỉnh thành Việt Nam đã cho thấy phía sau quyết định hoãn luật đặc khu vào lúc 3 giờ sáng của Văn phòng Chính phủ là một sự kiện mà lịch sử Việt Nam sẽ phải khắc ghi.
Cát Linh