Nhận định về phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam : "Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu… !"
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây cho rằng Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu. Ông Vũ Đức Đam phát biểu như vừa nêu khi công bố Nghị quyết về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 hôm 6/12/2022.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. (Ảnh minh họa chụp trước đây) - AFP PHOTO
Theo lời ông Đam, các chuyên gia nước ngoài rất đồng tình với định hướng là Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu, cần vừa phải nhưng có cuộc sống an toàn, hạnh phúc và có nhiều tình yêu thương giữa con người.
Một người dân Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nói về thực tế hiện nay :
"Làm gì có hạnh phúc, người dân một số ít nào đó giàu có nhưng cũng không hạnh phúc được, vì bây giờ thực phẩm bẩn, thậm chí người giàu cũng không biết ung thư chết lúc nào, tai nạn giao thông xảy ra lúc nào. Đó là người giàu, chưa nói người nghèo chạy ăn từng bữa khổ te tua".
Cũng hôm 6/12, dù nói Việt Nam không cần giàu, nhưng ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi nói về y tế cho rằng, quan trọng là tỉ lệ bác sĩ chứ không phải là tỉ lệ giường bệnh. Bên cạnh đó, tỉ lệ về điều dưỡng cũng rất quan trọng. Thế giới có một bác sĩ thì có 3 - 4 điều dưỡng viên, còn ở Việt Nam chỉ có 1,5 người. Ông Đam nói : "nguyên nhân căn bản nhất là do chúng ta nghèo" và mệnh giá bảo hiểm y tế của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/30 các nước phát triển, 1/10 các nước đang phát triển, trung bình cao như Việt Nam.
Trả lời RFA từ Việt Nam hôm 7/12, chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết ý kiến :
"Việt Nam cũng như mọi nước không nên sống trong thế giới nghèo, phải phát triển như thế nào để dân giàu nước mạnh, chứ không thể nào chấp nhận một đất nước nghèo nàn được. Trong khi mình trở thành một nước mạnh, người dân sẽ giàu cùng, chứ không có vấn đề quá giàu hoặc một thành phần quá nghèo so với thành phần khác. Vì vậy cái chữ "giàu" là cần phải có, càng đồng đều càng tốt".
Tuy rằng theo ông Thành, vẫn sẽ có một thành phần tích tụ tiền để kinh doanh, nhưng nói chung ông Thành cho rằng Việt Nam không thể nào chấp nhận một nước nghèo được. Liên quan ý kiến cho rằng Việt Nam nên giữ mức nghèo để được ưu đãi, ông Thành nói :
"Không thể nào chấp nhận một quốc gia nghèo, để đi xin ưu đãi. Những vấn đề giúp đỡ của nước ngoài là bất đắc dĩ, trong tình trạng nào đó mình cần có sự giúp đỡ của bạn bè nước ngoài, nhưng đó là trong thời kỳ mình đang gặp khó khăn. Mình phải vươn lên để mình tự túc, vươn lên để mình có thể giúp cho những nước khác nữa, chứ không phải nghèo để mà đi tiếp nhận giúp đỡ của nước ngoài".
Trở lại với phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 7/12 cho rằng, khi một quan chức cầm đầu Chính phủ Việt Nam nhắn nhủ rằng Việt Nam không thể nghèo và không cần quá giàu thì nó xác nhận một điều rằng Việt Nam hiện đang rất nghèo và Chính phủ này đang thất bại trong việc tạo ra một đất nước giàu mạnh. Ông Vũ nói tiếp :
"Trở thành một quốc gia văn minh, giàu mạnh, hùng cường, và nơi mà người dân sống hạnh phúc là ước mơ của tất cả người dân Việt Nam, và cả những người dân của thế giới. Đó là lý do mà người Việt ngày nay vẫn tìm cách di cư ra các nước phát triển, giàu mạnh, để tìm kiếm cơ hội ; thậm chí nhiều người tìm mọi cách ra đi bất chấp nhiều rủi ro".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, một quốc gia giàu chưa chắc làm cho tất cả mọi người dân đều hạnh phúc. Nhưng, một quốc gia nghèo sẽ làm cho hầu như tất cả mọi người dân mất hạnh phúc. Nhiệm vụ của một người lãnh đạo quốc gia do đó phải là làm cho quốc gia giàu mạnh, hùng cường. Ông Vũ nói tiếp về hiện trạng Việt Nam :
"Việt Nam hiện nay vẫn là một quốc gia rất nghèo theo tiêu chuẩn của thế giới. Người dân ở các vùng xa đang thiếu đói những ngày giáp Tết. Trẻ em không được đến trường. Trường học tạm bợ. Giáo dục không đạt chất lượng. Thiếu giáo sư có trình độ. Công nhân lương không đủ sống, thất nghiệp tràn lan. Bệnh viện không đủ giường. Thiếu thuốc men. Thiếu bác sĩ. Trình độ khoa học kỹ thuật không có. Lao động không có tay nghề. Doanh nghiệp thiếu công nghệ. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào gia công. Ngân sách nghèo nàn. Đường xá, cầu cống, hệ thống hạ tầng…đều cần phải cải thiện rất nhiều để đạt tới mức trung bình của thế giới hầu đáp ứng nhu cầu cơ bản của Việt Nam".
Người thu gom rác tái chế bán các vật đã nhặt được từ rác cho những người thu mua ở Hà Nội. AFP.
Ông Vũ cho rằng, việc mà chính quyền cộng sản Việt Nam cần làm hiện thời đó là phải nhanh chóng đẩy mạnh sự phát triển của quốc gia để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân, trước khi thuyết phục người dân Việt Nam rằng họ không cần quá giàu. Và bởi rằng nhu cầu của con người là vô hạn. Không ai có thể biết được liệu rằng một quốc gia giàu bao nhiêu thì đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, nhiệm vụ của những người cầm quyền do đó phải luôn đưa đất nước tiến lên. Không chỉ tiến lên khi so với mình, mà còn là tiến lên khi so với các nước trên thế giới. Bởi sự giàu mạnh nó sẽ đảm bảo quốc gia được trang bị tốt hơn, để đảm bảo an ninh quốc phòng, và để đảm bảo mức sống chung của người dân không ngừng được thăng tiến trên mặt bằng chung của thế giới.
Dưới một góc nhìn khác, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nhận định với RFA hôm 7/12 :
"Trước đây ông Nguyễn Minh Triết tại Cuba cũng tuyên bố được người ta ví von "Việt Nam Cuba như trời đất sinh ra, một anh ở đằng Đông một anh ở đằng Tây, thay phiên nhau ngủ nghỉ để canh giữ hòa bình thế giới"… Giờ tới ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nói có chuyên gia nước ngoài nói với ổng rằng đồng tình cách Việt Nam phát triển không thể nghèo, cũng không cần quá giàu, chỉ cần vừa đủ miễn sao sống có tình yêu thương con người.v.v… Tôi cho rằng các quan chức cấp cao của Việt Nam họ chọn cách nói vo tròn, mơ hồ như vậy bởi vì họ không tự tin, họ nói là những điều mà chính thâm tâm của họ cũng không tin".
Bởi lẽ theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nếu thật sự có người nào nói như vậy sao ông Đam không chịu nói một cái tên cụ thể để tỏ ra khách quan. Điều này cho thấy quan chức Việt Nam không ý thức được việc họ tuyên bố như vậy sẽ làm cho danh dự phẩm giá của họ càng thêm mất đi và người dân càng thêm chê cười… Ông nói tiếp :
"Thứ hai với tư cách là Phó Thủ tướng như ông Đam thì chỉ cần nói nhà nước khuyến khích làm giàu, càng giàu càng tốt. Bởi vì cái đó là chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam bấy lâu nay là ‘Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’… thì cứ việc làm càng giàu càng tốt, miễn sao không phạm pháp là đủ. Nhưng tại sao không đem từ ‘phạm pháp’ ‘tham nhũng’ ? Bởi vì vừa rồi, ông Phan Đình Trạc trưởng ban nội chính trung ương cũng đã tuyên bố : "Những người tham nhũng toàn những người giàu". Quả thật vậy, trong xã hội Việt Nam hiện nay chỉ có tham nhũng mới giàu có, càng giàu có thì càng tham nhũng… đó là một thực tại không thể chối cãi trong xã hội Việt Nam ngày nay".
Thứ ba theo ông Già, vì vừa rồi trợ lý của ông Đam là ông Nguyễn Văn Trịnh bị bắt vì liên quan công ty Việt Á… nên ông Đam muốn dùng diễn đàn này để chuyển một thông điệp ngầm tới lãnh đạo cấp cao trong bộ chính trị là ‘không có liên quan gì’. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói tiếp :
"Thứ tư là cái cách phát biểu của ông Đam đúng ra mang tính chất buổi nói chuyện trong gia đình khuyên nhủ lẫn nhau về đạo đức. Còn đằng này ông ta nói khi đang truyền đạt Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia. Nên cách nói của ông Đam thể hiện thêm một sự bất an trong lòng ông ta, trên mạng xã hội kể từ lúc ông ta phát ngôn đã đầy dãy những đàm tiếu".
Nói tóm lại, theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, cách phát ngôn của ông Đam nói riêng và kể cả những nhân vật cấp cao và cấp cao nhất trong nội bộ Chính quyền Việt Nam không bao giờ đạt được tính chất chuyên nghiệp của một chính trị gia cần có.
CIVICUS Monitor : Không gian dân sự Việt Nam 2022 ‘bị đóng kín’
VOA, 08/12/2022
Tổ chức CIVICUS Monitor đánh giá rằng không gian dân sự tại Việt Nam trong năm 2022 tiếp tục ở tình trạng "bị đóng kín" (closed) do chính quyền hạn chế chặt chẽ quyền tự do hội họp ôn hòa.
CIVICUS Monitor : Không gian dân sự Việt Nam 2022 ‘bị đóng kín’
Tại Việt Nam, nơi không gian dân sự được đánh giá là "bị đóng kín", "quyền tự do hội họp ôn hòa bị hạn chế chặt chẽ về mặt luật pháp lẫn thực tiễn", CIVICUS Monitor cho biết trong một thông cáo báo chí vào ngày 7/12.
Theo tổ chức này, trên khắp khu vực Châu Á Thái Bình Dương, các cuộc biểu tình đã được ghi nhận tại ít nhất 27 quốc gia trong năm ngoái. Người dân được huy động để cải cách chính trị và kinh tế, để tìm kiếm công lý và đòi quyền lợi của mình.
"Các cuộc biểu tình này được tổ chức ở các quốc gia được đánh giá là bị cản trở và đàn áp, nhưng cũng xảy ra ở các chế độ độc tài nơi không gian dân sự được đánh giá là bị đóng, chẳng hạn như Trung Quốc và Việt Nam", báo cáo cho biết.
Chính quyền đã phản ứng với những cuộc biểu tình này theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc quấy rối và bắt giữ tùy tiện những người biểu tình cũng như sử dụng vũ lực quá mức và đôi khi gây chết người, bao gồm cả việc sử dụng súng, để phá vỡ các cuộc biểu tình, báo cáo cho biết thêm.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị cho ý kiến phản hồi về đánh giá của CIVICUS Monitor, nhưng chưa được phản hồi.
Liên minh các Tổ chức Xã hội Dân sự Toàn cầu (World Alliance for Citizen Participation - CIVICUS) – một tổ chức chuyên thiết lập một mạng lưới có ảnh hưởng gồm các tổ chức ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế, và mở rộng phạm vi xã hội dân sự - cho biết rằng hiện tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có 4 quốc gia có tình trạng không gian dân sự bị đóng kín, bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Lào và Việt Nam.
Trong các năm qua, Việt Nam liên tục bị CIVICUS đánh giá trong tình trạng này do các nhóm nhân quyền trong mạng lưới báo cáo về tình hình vi phạm nhân quyền nghiêm trọng dưới chế độ độc đảng của Đảng cộng sản Việt Nam, theo đó chính quyền hình sự hóa có hệ thống và bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền, hạn chế quyền tự do đi lại, đàn áp phương tiện truyền thông, và duy trì sự kiểm duyệt mạng xã hội.
Đánh giá của CIVICUS về không dân sự tại Việt Nam cũng tương tự như đánh giá của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp quốc trước đó.
"Ở Việt Nam, những hạn chế ngày càng tăng của chính phủ đối với không gian dân sự và các quyền tự do cơ bản, cũng như việc kết án những người bị buộc tội liên quan đến hoạt động nhân quyền của họ và nỗ lực thúc đẩy một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững là điều đáng lo ngại", bà Nada Al-Nashif , Quyền Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết tại phiên họp thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Bà Al-Nashif kêu gọi chính phủ đảm bảo sự tham gia đa dạng và mạnh mẽ của xã hội dân sự, bao gồm cả những người bảo vệ nhân quyền, và trả tự do cho những người đã bị giam giữ hoặc bỏ tù một cách tùy tiện vì những hoạt động nhân quyền của họ.
Đánh giá của CIVICUS dựa trên mức độ bảo vệ 3 quyền tự do dân sự cơ bản ở mỗi nước, bao gồm : quyền tự do lập hội, tự do hội họp ôn hòa và tự do biểu đạt. Theo đó, từng nước được xếp vào 1 trong 5 nhóm : đóng kín (closed) ; bị đàn áp (repressed) ; bị cản trở (obstructed) ; bị thu hẹp (narrowed) ; và cởi mở (open).
Trong thời gian qua, CIVICUS liên tục lên tiếng về tình hình nhân quyền Việt Nam, nói rằng chính phủ nước này đã sử dụng một loạt các điều luật được định nghĩa một cách mơ hồ như "tuyên truyền chống nhà nước" và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" để buộc tội và bỏ tù các nhà hoạt động và các blogger, một số bị kết án tù dài hạn.
Từ trước đến nay, các quyền tự do hiệp hội bị kiểm soát chặt chẽ ở Việt Nam với các nhóm xã hội dân sự độc lập vấp phải những rào cản về thủ tục đăng ký phức tạp và bị hạn chế nhận tài trợ nước ngoài, thậm chí một số thành viên bị giam cầm vì các báo buộc "vi phạm an ninh quốc gia", trong khi báo chí tư nhân bị cấm hoạt động và chính quyền kiểm duyệt gắt gao các nền tảng mạng xã hội.
Nguồn : VOA, 08/12/2022