Mỹ chuyển giao Việt Nam 12 máy bay huấn luyện, sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực hiện đại hóa
VOA, 09/12/2022
Một tướng Không quân Hoa Kỳ hôm 9/12 cho biết Mỹ sẽ chuyển giao 12 máy bay huấn luyện T-6 cho Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến 2027.
Máy bay huấn luyện T-6 Texan của Hoa Kỳ.
"Ba chiếc đầu tiên sẽ được giao trong quý đầu năm 2024, hai hoặc ba chiếc nữa sẽ được giao vào cuối năm đó. Số còn lại sẽ được giao vào năm 2027", Tuổi Trẻ dẫn lời Chuẩn tướng Sarah Russ, Trợ lý Huy động lực lượng của Cục trưởng về Chiến lược, kế hoạch, chương trình và các yêu cầu, Không quân Thái Bình Dương Mỹ, cho biết trong cuộc họp báo tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội vào ngày 9/12, khi bà đang ở Việt Nam tham dự Triển lãm quốc phòng Việt Nam năm 2022. Đây là triễn lãm vũ khí quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam, kéo dài từ ngày 8/12 đến ngày 10/12, với sự tham gia của hơn 170 công ty, doanh nghiệp quân đội đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
T-6 là dòng máy bay cánh quạt do Hãng Raytheon chế tạo và ra mắt lần đầu năm 2000. Loại máy bay này được sử dụng cho mục đích huấn luyện sơ cấp và trung cấp trong không quân Mỹ.
"Chúng tôi rất vui mừng được phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam đào tạo kỹ thuật viên cho chương trình bảo dưỡng máy bay", Chuẩn tướng Russ nói thêm.
Bà Russ cho biết Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo tiếng Anh cho phi công, hậu cần, an toàn bay và y tế hàng không.
Cùng tham dự buổi họp báo tại Hà Nội, Thiếu tướng Jared Helwig - Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Duy trì lực lượng Quân khu 8, Lục quân Thái Bình Dương Mỹ nói dù Việt Nam lựa chọn thế nào về hoạt động mua sắm hoặc sản xuất vũ khí, thì phía Mỹ vẫn "lạc quan về tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới".
"Triển lãm Quốc phòng là bước khởi đầu mạnh mẽ. Chúng tôi mong được tiếp tục trao đổi để hợp tác với Việt Nam, ở tốc độ Việt Nam mong muốn, hỗ trợ cho quá trình này dễ dàng hơn", Lao Động dẫn lời Thiếu tướng Helwig nói.
Việt Nam đang tập trung cho kế hoạch "đa dạng hóa" nguồn cung vũ khí nhằm giảm bớt phụ thuộc vào Nga, nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam từ trước tới nay.
Tại cuộc triển lãm, cả phía Mỹ và Nga đều nỗ lực chào hàng để bán vũ khí cho Việt Nam, vốn là một trong 20 quốc gia mua vũ khí lớn nhất thế giới giữa bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc, với ngân sách nhập khẩu vũ khí hàng năm ước tính khoảng 1 tỷ USD và sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Kể từ khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vào tháng 5/2016, hai nước đã đạt được nhiều thỏa thuận quốc phòng, trong đó có 6 máy bay không người lái ScanEagle và 12 máy bay huấn luyện Beechcraft T-6 Texan II.
"Chúng tôi sẵn sàng giải quyết các lợi ích để mua các máy bay khác Hiện tại chúng tôi không có bất kỳ hình thức mua bán nào khác trong thời gian này, nhưng chúng tôi ở đây để hỗ trợ kế hoạch hiện đại hóa của Việt Nam", Chuẩn tướng Sarah Russ nói với CNA.
Các chuyên gia cho rằng việc Việt Nam mua máy bay huấn luyện phi công của Mỹ sẽ mở ra khả năng Việt Nam mua máy bay chiến đấu phản lực của Mỹ trong tương lai.
Nguồn : VOA, 09/12/2022
*****************************
Để mắt tiềm lực kinh doanh quân sự và không gian, Airbus muốn bán trực thăng cho Việt Nam
VOA, 09/12/2022
Tập đoàn Airbus đang tìm cách mở rộng quan hệ đối tác về hàng không vũ trụ với Việt Nam và tăng doanh số bán máy bay trực thăng trong lúc nhận thấy nhu cầu sử dụng về quân sự và thăm dò dầu khí ngày càng tăng của quốc gia Đông Nam Á.
Trực thăng của hãng Airbus.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 7/12, trước thềm Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, ông Fabrice Rochereau, Tổng giám đốc Kinh doanh và tiếp thị phụ trách mảng máy bay trực thăng của Airbus, cho biết tập đoàn này nhận thấy nhu cầu đổi mới đội trực thăng quân sự của Việt Nam trong tương lai. Ngoài phân khúc thăm dò và khai thác dầu khí, công ty này sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu cho dòng trực thăng dân dụng.
"Việt Nam là thị trường trọng điểm của Airbus, với định hướng cung cấp các sản phẩm máy bay thương mại, quốc phòng, trực thăng và hàng không vũ trụ", bà Hoàng Tri Mai, Tổng giám đốc Airbus tại Việt Nam, cho biết thêm.
Airbus là nhà sản xuất vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam, VNREDSat-1, được phóng lên quỹ đạo từ Pháp vào năm 2013. Sự kiện này đánh dấu điểm khởi đầu cho tham vọng thám hiểm không gian của Việt Nam.
Ngoài ra, Airbus cũng đang hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để sản xuất VNREDSat-2, được cho là có công nghệ tiên tiến hơn nhiều so với vệ tinh đầu tiên.
Tại triển lãm quốc phòng đầu tiên của Việt Nam, Airbus cũng giới thiệu nhiều loại máy bay trực thăng và máy bay vận tải quân sự có khả năng bay đường dài, chi phí vận hành và mức tiêu thụ nhiên liệu thấp.
Hiện máy bay trực thăng của Airbus chiếm 12% đội bay của Việt Nam. Hãng này đang nỗ lực thúc đẩy nhằm tăng thị phần máy bay trực thăng tại Việt Nam lên ngang thị phần trực thăng của Airbus trên toàn thế giới là 46%.
Nguồn : VOA, 09/12/2022