Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thăm dò dư luận : Gần 80% dân Việt Nam không tin vào Trung Quốc (RFI, 17/01/2020)

Theo thăm dò dư luận do một học viện có uy tín của Singapore tiến hành, gần 80% dân Việt Nam không tin tưởng là Trung Quốc, với tư cách siêu cường, sẽ "hành động đúng đắn" đóng góp cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị.

dat1

Báo cáo thăm dò dư luận tại 10 nước Đông Nam Á 2020 của Học viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore (Chụp từ internet) RFI tiếng Việt

Ngày 16/01/2020, Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc Học viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, đã cho công bố báo cáo khảo sát các quốc gia Đông Nam Á. Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 12/11 đến 01/12/2019. Tổng cộng có 1308 người, ở 10 nước thành viên ASEAN đã tham gia trả lời 58 câu hỏi trong bản thăm dò. Những người được hỏi thuộc 5 lĩnh vực : nghiên cứu, kinh doanh và tài chính, lĩnh vực công, xã hội dân sự và truyền thông.

Trong câu hỏi thứ 41 : "Bạn có tin tưởng là Trung Quốc sẽ "làm đúng" để đóng góp vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị ?" Hơn 60% số người được hỏi tại 10 quốc gia Đông Nam Á cho biết chỉ "tin tưởng một chút" và 18,7% "không tin tưởng". Riêng tại Việt Nam, đối với năm 2020, có tới 38,2% "không tin tưởng" và 38,8% "tin tưởng một chút". Trong năm 2019, tỉ lệ này lần lượt là 37,9% và 35,5%.

Câu hỏi thứ 43 "Tại sao bạn không tin tưởng vào Trung Quốc ?" nêu ra những lý do, giúp hiểu rõ hơn thái độ "không tin tưởng" vào Trung Quốc : Tại Việt Nam, 56,4% số người được hỏi giải thích : Vì "sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc có thể được sử dụng để đe dọa lợi ích và chủ quyền của nước tôi". 31,6% khẳng định : "Tôi không coi Trung Quốc là một cường quốc đáng tin cậy".

Đối với các tác giả bản khảo sát, cái nhìn bi quan về Trung Quốc bao gồm thái độ "không tin tưởng" và "tin tưởng một chút", theo đó, tại Đông Nam Á, Philippines là nước có tỉ lệ bi quan về Trung Quốc cao nhất, 78,9%, đứng hàng thứ hai là Việt Nam 77%, tiếp theo là Indonesia 70,3%, Thái Lan 62,5% và Singapore 59%.

Đức Tâm

*******************

Đồng Nai : Kiên quyết xử lý tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp (RFA, 17/01/2020)

Trước tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp tại tỉnh Đồng Nai có những diễn biến phức tạp trong năm 2019, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường trong năm 2020 phải kiên quyết xử lý triệt để tình trạng bị cho là mua bán trái phép này.

dat2

Năm 2019 Đồng Nai là điểm nóng về phân lô, bán nền đất trái phép khi công ty Alibaba bị người dân khiếu kiện - Courtesy of Báo Đồng Nai

Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 17/1 trích chỉ đạo của Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, ngoài việc xử lý tình trạng mua bán đất trái phép, ông Võ văn Chánh còn yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện theo Luật Quy hoạch những quy hoạch ngành hết hạn vào cuối năm nay như Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khoáng sản và quy hoạch tài nguyên nước…

Được biết, năm 2019, Đồng Nai là một trong những địa phương nóng nhất về tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp trái phép. Đơn cử là các dự án "ma" của Công ty địa ốc Alibaba, khiến chính quyền đã đưa ra nhiều biện pháp cưỡng chế các dự án sai phạm.

Vào ngày 13/1 Đại tá Nguyễn Mạnh Kim Phó giám đốc công an Đồng Nai cũng thừa nhận hiện nay tỉnh Đồng Nai có nhiều vụ khiếu kiện tranh chấp đất đai, cộng với tình hình công nhân diễn biến phức tạp do địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn. Do đó, cũng trong ngày 13/1 Bộ Công an đã điều động 400 cảnh sát về tỉnh Đồng Nai để tăng cường hỗ trợ, trấn áp tội phạm từ nay đến hết tháng 2/2020.

******************

Khoảng 300 công nhân may cầu cứu công an vì công ty không trả lương (RFA, 17/01/2020)

Gần 300 công nhân thuộc Công ty cổ phần May xuất khẩu Kỳ Anh ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào chiều ngày 17/1 đã kéo lên trụ sở Công an Thị xã Kỳ Anh cầu cứu vì công ty này đã nhiều lần thất hẹn trả lương cho công nhân.

dat3

Các công nhân Công ty cổ phần May xuất khẩu Kỳ Anh tập trung trước công xưởng vào ngày 13/1/2020. Coutersy of báo Hà Tĩnh

Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày trích lời ông Dương Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần May xuất khẩu Kỳ Anh, nói rằng đơn vị này mới đi vào hoạt động nên không đủ nguồn vốn huy động, dẫn đến khó khăn trong việc chi trả lương cho công nhân.

Trước đó vào ngày 13/1, gần 300 công nhân nói trên đã đình công, tập trung trước cổng công ty này để đòi lương.

Một công nhân nói với báo trong nước rằng công ty may Kỳ Anh cam kết việc trả lương cho công nhân theo quy định sẽ diễn ra từ mùng 5 đến mùng 10 hàng tháng nhưng từ 2 tháng nay họ vẫn chưa được trả.

Công ty may Kỳ Anh bị nói đã thất hẹn rất nhiều lần, hai lần gần đây nhất là mùng 8/1 và 16/1.

Bản cam kết mà công ty may Kỳ Anh hứa trả lương cho công nhân vào ngày 16/1 có chữ ký của người đại diện công ty là ông Dương Quốc Thịnh. Tuy nhiên đến ngày 17/1, ông Thịnh lại nói bản thân không ký hẹn trả lương vào ngày 16/1 mà là do Phó giám đốc công ty ký và ông không biết.

Ông Trần Quang Hạnh, Trưởng phòng Lao động, thương binh và xã hội thị xã Kỳ Anh cho hay đơn vị này đã nắm được thông tin vụ việc và đã lập biên bản với các bên. Công ty Kỳ Anh thêm một lần nữa hứa sẽ trả lương cho công nhân đến ngày 24/2.

Toàn bộ tài sản của công ty như máy may, nguyên liệu được cho biết đã bị niêm phong để tránh bị tuồn tháo ra ngoài.

Người đại diện phòng Lao động, thương binh và xã hội thị xã Kỳ Anh cho biết những công nhân đòi lương đang làm việc theo hợp đồng miệng chứ chưa có giấy tờ ký kết và nói sẽ kiểm tra, xử lý công ty nếu sử dụng sai lao động.

Công ty cổ phần May xuất khẩu Kỳ Anh đi vào hoạt động từ tháng 7/2019.

Published in Việt Nam