Phụ nữ và trẻ em bị buôn đi làm mãi dâm hoặc gả bán cho người nước ngoài vẫn là chuyện khó kiểm soát. Đó là thực trạng của vấn đề buôn người ở Việt Nam bất kể mọi nỗ lực của chính phủ bao năm qua.
Một bé gái dân tộc H'mông được giải cứu hôm 9/5/2014 do chính anh trai lừa bán qua biên giới. AFP photo
Phức tạp, khó kiểm soát
Trong mục đích giảm thiểu tệ nạn buôn người sang các nước mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thường khuyến cáo trong phúc trình buôn người thường niên, Việt Nam đã ban hành luật phòng chống và nghiêm khắc áp dụng hơn một thập niên nay.
Cũng trong vòng 15 năm trở lại đây, cảnh sát trong nước đã phá vỡ nhiều đường dây, nhóm hoặc cá nhân chuyên dụ dỗ lường gạt phụ nữ và trẻ em sang Kampuchia, Trung Quốc, Mã Lai, buộc họ hành nghề mãi dâm hoặc bán họ đi làm vợ cho đàn ông bản xứ.
Nhiều nạn nhân, trong đó cả những em trai hay em gái dưới tuổi vị thành niên, được giải cứu từ các động mãi dâm ở Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Kampuchia.
Tuy nhiên một viên chức công an ở Cần Thơ cho rằng tình hình buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài vẫn phức tạp và rất khó kiểm soát, trong lúc thủ đoạn của bọn buôn người càng ngày càng tinh vi, đặc biệt dưới chiêu bài du lịch, hôn nhân hoặc kiếm việc làm tốt với đồng lương cao hơn trong nước.
Đó là báo cáo của đại tá Công An Nguyễn Văn Thuận với đoàn khảo sát thuộc Ủy Ban Tư Pháp của quốc hội khi đoàn xuống Cần Thơ để tìm hiểu việc chấp hành các qui định pháp luật về phòng chống mua bán người ở địa phương.
Báo cáo cũng cho thấy trong vòng 5 năm qua nhà chức trách và công an thành phố Cần Thơ đã nhận được 16 tin tố giác về đường dây mua bán người, trong đó 8 vụ bị khởi tố với 16 can phạm. Mặt khác, con số nạn nhân 5 năm qua được ghi nhận là 55, bao gồm những trường hợp bị mua bán và những trường hợp nghi vấn.
Ngoài ra, công an thành phố Cần Thơ còn kết hợp với các ban ngành hữu trách, giải cứu được 24 nạn nhân trong đó 12 người bị bán sang Malaysia, 7 người bị bán sang Trung Quốc, 3 người bị lừa sang Kampuchia, 1 người bị đưa sang tận nước Nga.
Đó là kết quả phòng chống nạn buôn bán người tại Cần Thơ nói riêng trong thời gian qua, còn ở những nơi khác của Việt Nam thì sao ? Trả lời đài Á Châu Tự Do trong một lần nói chuyện trước đây, bà Diệp Vương, giám đốc Pacific Links Vòng Tay Thái Bình với chương trình ADAPT và hai Nhà Tạm Trú cho nạn nhân buôn người trở về từ Kampuchia ở An Giang và nạn nhân trở về từ Trung Quốc ở Lào Cai, cho biết cảnh sát công an Việt Nam được huấn luyện nghiệp vụ để biết đâu là những trường hợp bị lừa gạt :
Vấn đề giải cứu này là đối với những người thực sự bị bán, và khi bước qua bên kia biên giới họ không dè là họ sẽ phải đi lấy chồng hay không dè sẽ phải đi vào trong một ổ điếm. Chuyện này tuy là tế nhị nhưng thực sự rất rõ ràng, định nghĩa về buôn bán người của Liên Hiệp Quốc rất là rõ, theo đó là có sự gạt gẫm.
Chuyện bán người qua Trung Quốc hiện thời bây giờ giá cao hơn ngày xưa. Tuy không ai biết được bao nhiêu người đã bị bán sang Trung Quốc, nhưng những câu chuyện người trở về thì đầy dẫy trên báo chí Việt Nam, chỉ cần mở ra xem là mình sẽ thấy thiên hình vạn trạng chuyện người ta bị lừa gạt như thế nào.
Bị lừa bằng nhiều cách
Hai bé gái là nạn nhân buôn người được giải cứu ở Lào Cai hôm 9/5/2014. AFP photo
Phụ nữ và trẻ em Việt Nam không chỉ bị lừa sang Malaysia, Trung Quốc hay Kampuchia mà còn bị gạt đi xa hơn nữa, là nhận định của bà Marie Watson, chuyên gia tâm lý học của Hope Unending, tạm dịch Hy Vọng Không Ngừng, tổ chức phi lợi nhuận được cấp phép hoạt động tại Việt Nam từ 2010 đến giờ :
Trong 167 nước có tệ nạn buôn người trên thế giới thì Việt Nam đứng thứ 17 tính từ trên xuống dưới, tức là nước có tỷ lệ người bị buôn bán rất cao qua hình thức đi lao động hay đi làm mãi dâm.
Đây là vấn đề của Việt Nam mà Hope Unending và một số tổ chức NGO khác đang cố gắng đối phó bằng cách vận động, giáo dục nhằm nâng cao ý thức cũng như tinh thần cảnh giác cho người dân.
Với địa bàn hoạt động là tỉnh Vĩnh Long, trong gần 7 năm qua chuyên gia tâm lý xã hội Marie Watson thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo tại 9 địa phương thuộc những khu vực mà buôn người là một vấn nạn nghiêm trọng :
Số liệu cho thấy mỗi năm có 700.000 người Việt đi ra nước ngoài. Không có nghĩa là tất cả đều bị buôn bán, thực tế thì cũng rất khó tìm ra con số chính xác về nạn nhân buôn người vì rất nhiều trường hợp không được báo cáo.
Người bị buôn ra nước ngoài có thể do môi giới hôn nhân, môi giới kiếm việc làm, và cũng không loại trừ những trường hợp bà con thân thích lừa gạt đưa nạn nhân ra khỏi nước rồi buộc họ vào đường mãi dâm. Thực sự rất khó và cũng cần thận trọng khi nói về con số chính xác những trường hợp buôn người đã xảy ra dưới những hình thức như vậy.
Được hỏi bà nhận xét thế nào về nỗ lực của các chính quyền địa phương, điển hình như Cần Thơ mới đây, trong kế hoạch kiểm tra và phòng chống tệ nạn buôn người, bà Watson trả lời :
Tôi nghĩ họ đã cố gắng hết sức trong khả năng của mình nhưng khó thì phải nói là rất khó. So với quốc gia cũng có nạn buôn người như Hoa Kỳ với luật phòng chống rất nghiêm khắc chẳng hạn, dù cố gắng bằng mọi cách thì cũng không dễ dàng để mà nhận diện những thủ phạm buôn người ở đất nước này. Có thể nói Việt Nam cũng có luật khắt khe như vậy, chính phủ đã có rất nhiều tiến bộ trong lãnh vực phòng chống tệ nạn buôn người nhưng đấy là vấn nạn không dễ xóa sạch.
Trở lại với báo cáo của Cần Thơ về kết quả phòng chống buôn người cũng như thực thi những qui định pháp luật trong lãnh vực này, bà Marie Watson nói bà đồng tình với khuyến cáo của một viên chức công an địa phương, thiếu tá Nguyễn Minh Kiệm, rằng có những cơ sở núp bóng giới thiệu việc làm ở nước ngoài để rồi thực hiện hành vi buôn bán người tại những quốc gia đó.
Hiện còn 17 nạn nhân bị buôn qua Malaysia và Trung Quốc đang được công an thành phố Cần Thơ đề nghị Cục Cảnh Sát Hình Sự của Bộ Công An phối hợp giải cứu.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 17/04/2017