Ngày 27/12, Tổng cục Thống kê đã công bố các số liệu về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2017.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn 2000-2017
Với một loạt chỉ số ấn tượng, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt mục tiêu 6,7% và cao nhất kể từ năm 2008 đến nay, cơ quan thống kê quốc gia xem ra đã xua tan những nghi ngờ trước đó rằng chính phủ phù phép số liệu hay báo cáo láo.
Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam, song các con số thống kê đã cho thấy những biến chuyển theo chiều hướng tích cực.
Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 93,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 35,3 tỷ USD (tăng 13,3 tỷ USD, tương đương 60,7%), và nhập khẩu từ thị trường này 58,5 tỷ USD (tăng 8,5 tỷ USD, tương đương 17%) so với cùng kỳ năm 2016. Tốc độ tăng nhập khẩu từ Trung Quốc là 16,8%, thấp hơn khá đáng kể so với tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu là 20,8%.
Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến, mức tăng cao nhất từ trước tới nay, cả về con số tuyệt đối lẫn tỷ lệ tương đối, đã góp phần chủ yếu giúp nhập siêu từ Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp (chỉ còn 23,2 tỷ USD, so với 28,1 tỷ USD năm 2016 và 32,39 tỷ USD năm 2015). Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu cũng giảm năm thứ hai liên tiếp, từ mức 29,9% năm 2015 và 28,9% năm 2016 xuống còn 27,7% năm 2017, tức thấp hơn cả mức của năm 2013. Nhờ vậy, Trung Quốc không còn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam nữa, mà thay vào đó là Hàn Quốc với 31,8 tỷ USD.
Biến động của tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc và nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu
Những con số về tình hình giao thương Việt - Trung hai năm qua có lẽ đã đủ để các fan của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải nhìn nhận lại "di sản" của nhân vật mà họ vẫn đinh ninh là "chống Tàu số 1 Việt Nam" suốt một thời gian dài. Điều này lại càng đặc biệt đáng ghi nhận trong bối cảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không những vẫn đang tại vị, mà còn ngày càng thể hiện rõ quyết tâm biến Việt Nam thành "một bộ phận của đại gia đình các dân tộc Trung Hoa", khi hết hợp tác với Bắc Kinh để đào tạo cán bộ cấp cao lại đến lượt giao cho "bạn" đào tạo cán bộ cho một loạt tỉnh biên giới.
Dù vậy, bóng ma Trung Quốc vẫn tiếp tục ám ảnh nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua những điểm sau :
1. Mặc dù thấp hơn so với tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu, song tốc độ tăng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2017 so với năm trước vẫn còn cao (16,8%), vượt tốc độ của năm 2015 (13,4%) và 2016 (1,1%).
2. Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu, mặc dù đã giảm năm thứ hai liên tiếp, nhưng vẫn ở mức cao (27,7%) và cao nhất so với các đối tác kinh tế khác. Điều này rõ ràng là nguy hại, bởi phần lớn hàng hóa "made in China" chất lượng thấp, độc hại hoặc tiềm ẩn những hiểm họa lâu dài về an ninh quốc phòng cho Việt Nam.
3. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến (60,7%) khiến tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này tăng từ 12,4% năm 2016 lên 16,5%. Đây cũng không phải hoàn toàn là tín hiệu tốt, bởi hàng hóa xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản và khoáng sản, trong khi Trung Quốc là một thị trường ẩn chứa nhiều rủi ro đối với nông dân Việt.
4. Sự kiện tàu container liên vận Việt - Trung bắt đầu hoạt động từ ngày 22/11 (dự kiến sẽ chạy đều đặn 1 chuyến/tuần, rồi nâng dần lên 3 chuyến/tuần) báo hiệu nếu chính phủ thiếu kiểm soát và ngăn chặn, một làn sóng hàng hóa "made in China" mới sẽ tràn vào Việt Nam thông qua cửa ngõ nhanh chóng và tiện lợi này.
5. Bên cạnh việc tiếp tục chiến lược hỗ trợ xuất khẩu để hàng hóa Trung Quốc bóp chết hàng hóa cũng như nền sản xuất của Việt Nam ngay trên sân nhà, Trung Quốc còn tăng cường thâu tóm các dự án bất động sản và đặc biệt là hàng loạt doanh nghiệp của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu tính cả Đài Loan và Hồng Kông thì chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, số vốn mà Trung Quốc bỏ ra để thâu tóm doanh nghiệp Việt lên tới 612 triệu USD, đứng đầu hoạt động thâu tóm doanh nghiệp Việt của các nhà đầu tư nước ngoài.
Người Trung Quốc vốn có "truyền thống" hoạt động chui tại Việt Nam, thông qua vỏ bọc người Việt hoặc người Việt gốc Hoa, nên con số thực tế chắc chắn là còn lớn hơn nhiều so với những gì mà cơ quan chức năng Việt Nam nắm được.
6. Sự kiện tỷ phú Jack Ma, ông chủ tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, sang Việt Nam từ ngày 4-8/11 báo hiệu Bắc Kinh bắt đầu đẩy mạnh cuộc xâm lăng kinh tế Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử.
Tóm lại, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đạt được những thành tích ấn tượng trong việc điều hành nền kinh tế cũng như xử lý mối giao thương vốn rất nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro với quốc gia láng giềng phương Bắc. Tuy vậy, nếu khẳng định rằng bóng ma Trung Quốc đã bớt ám ảnh nền kinh tế Việt Nam thì e là quá sớm. Tiếp nhận vô số "di sản" tai hại từ chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nhiệm vụ đặt trên vai chính phủ hiện nay rõ ràng là còn rất nặng nề.
Hiểm họa Trung Quốc vốn dĩ luôn rình rập Việt Nam, và nó chỉ có thể lớn hơn sau Đại hội 19 Đảng CSTrung Quốc, bởi "hoàng đế đỏ" Tập Cận Bình lúc này đã được ví như Mao Trạch Đông hay thậm chí là Càn Long của thế kỷ 21.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 29/12/2017
Không đánh đổi môi trường lấy dự án, quyết liệt tái cơ cấu, hội nhập quốc tế, quy hoạch và hạ tầng giao thông, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo là 5 "phép thử" năm 2017 theo phân tích của Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Thứ nhất là phép thử về vấn đề môi trường, năm 2016 Chính phủ đã tuyên bố không đánh đổi môi trường lấy các dự án đầu tư. Điều này cho thấy năm 2017 Chính phủ sẽ mạnh tay với các dự án gây ô nhiễm, xem xét lại quy hoạch các nhà máy nhiệt điện và thủy điện, đây là hai nguồn cực lớn gây ô nhiễm môi trường.
Nếu không quyết liệt, thảm họa về môi trường có thể xảy ra, vấn đề môi trường thực sự đã trở nên cấp bách đối với cuộc sống của biết bao nhiêu người dân, đặc biệt là với vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển, bà Phạm Chi Lan nói.
Thứ hai là thách thức trong việc thực hiện các đề án tái cơ cấu. Quốc hội cũng đã thông qua các đề án tái cơ cấu, Chính phủ cũng tuyên bố sẽ lập các nhóm "đặc nhiệm" để thực hiện. Nhóm "đặc nhiệm" đó phải đóng vai trò khách quan và độc lập để có thể thực hiện mục tiêu.
Thứ ba là phép thử về hội nhập quốc tế khi một loạt các vấn đề trên thế giới xảy ra đòi hỏi chúng ta phải ứng xử phù hợp với các mối quan hệ quan trọng với Mỹ, Trung Quốc, EU, với các nước ASEAN.
Thứ tư là phép thử về vấn đề quy hoạch gắn kết với xây dựng và hạ tầng giao thông. Tình trạng kẹt xe ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và vấn đề điều chỉnh quy hoạch Hà Nội cho thấy Chính phủ đang đứng trước thách thức phải xử lý xung đột nhóm lợi ích trong các ngành xây dựng, bất động sản với các vấn đề về quy hoạch phát triển chung, hay hạ tầng phục vụ đông đảo người dân.
Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng cuộc sống nhiều người dân
"Lợi ích của đông đảo người dân hay lợi ích của một nhóm các đại gia bất động sản sẽ thắng ? Việc này đặt ra thách thức cho Chính phủ trong việc xử lý xung đột lợi ích, bài toán này không hề dễ cho Chính phủ nhưng chắc chắn là phải làm," bà Phạm Chi Lan nói.
Thứ năm là các vấn đề xã hội. Báo cáo của tổ chức Oxfam mới đây cho thấy khoảng cách giàu nghèo đang diễn ra trong xã hội một cách mạnh mẽ, đòi hỏi phải giải quyết một cách căn cơ, bài bản hơn, chứ không phải chỉ xử lý từng việc có tính chất ngắn hạn.
Theo bà Phạm Chi Lan, để giải quyết được những thách thức trên, tất cả người dân và doanh nghiệp phải đồng lòng, sát cánh cùng Chính phủ mới có được kết quả như mong muốn : "Chúng ta có niềm tin vào Chính phủ mới, Chính phủ thực sự mong muốn cải cách, những cải cách này sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng vững chắc trong năm 2017 và tạo nền tảng cho phát triển dài hạn của Việt Nam. Sự đồng lòng, quyết tâm sẽ giúp tăng cường nội lực trong bối cảnh hội nhập. Chưa bao giờ bối cảnh thế giới đặt chúng ta vào bối cảnh phải có nội lực mạnh như bây giờ. Nội lực mạnh ở đây bao gồm sức mạnh của nền kinh tế và sức mạnh về mặt thể chế của Việt Nam cũng như sức mạnh của nhà nước trong việc dẫn dắt nền kinh tế".
Năm 2018 sẽ là năm WTO xóa cơ chế phi thị trường cho Việt Nam, nhưng phải nhìn lại là Trung Quốc năm 2016 đã đến hạn để các đối tác như Mỹ và EU xóa cơ chế phi thị trường, nhưng cả Mỹ và EU đều chưa thừa nhận Trung Quốc đã là một nước thị trường.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, mục tiêu tăng trưởng 6,7% và lạm phát 4% trong năm 2017 hoàn toàn có thể đạt được. Nhưng cần lưu ý rằng 10 năm trước chỉ vì mải mê với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên mà chúng ta phải trải qua bất ổn vĩ mô. Thành công nhất của năm 2016 là Chính phủ không chạy theo mục tiêu lạm phát để phải đổi lấy sự bất ổn vĩ mô. Nếu như năm 2017 chấp nhận mức tăng trưởng không cao nhưng giữ được ổn định kinh tế vĩ mô cũng có thể coi là thành công.