Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bãi rác Đa Phước ngày càng ô nhiễm (RFA, 12/12/2017)

Sau một năm, chúng tôi quay lại bãi rác Đa Phước, nơi mà dân chúng địa phương than phiền phải hứng chịu mùi hôi, nước rỉ mất vệ sinh từ khu xử lý rác thải này. Những người này đang chờ được bồi thường thỏa đáng để di dời đến nơi khác sinh sống.

onhiem1

Bên trong Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước. Photo courtesy of cafef.vn

Nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn

Mặc dù nhiều lần lên trụ sở Công ty trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) chất vấn việc xả thải trộm ra nguồn nước, biểu tình phản đối cũng như đâm đơn kiện lên các cấp chính quyền về hoạt động của bãi rác Đa Phước, người dân nơi đây vẫn không nhận được hành động hay thay đổi nào cụ thể.

Một phụ nữ ngụ ở tổ 9, ấp 3 xã Đa Phước, Bình Chánh, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng từ bãi rác cho biết, cho tới nay, chính quyền và doanh nghiệp đã nhiều lần dời việc đưa ra mức giá đền bù giải tỏa dù đã có quyết định và tiến hành đo đạc.

Đồng ý hết ráo rồi á, giờ chưa mức giá là thôi. Giống như giờ xong hết ráo rồi á. Giờ chỉ chờ nó gửi giấy mình lên, nó ra giá bao nhiêu coi dân đồng ý ký tên rồi lấy tiền vậy thôi mà nó làm lơ luôn. Hôm hổm nó nói tháng 8, đã rồi tháng 10, tháng 11, rồi tới giờ im re luôn.

Về lý do người dân muốn di dời khỏi nơi này, bà cho biết, đã từ lâu cuộc sống của người dân tại đây trở nên khó khăn hơn vì những hoạt động của bãi rác. Bên cạnh đó, nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn khiến mọi người cũng không an tâm tiếp tục sống tại đây. Chưa kể hiện tại, bãi rác ngày càng chất đống như núi, lại mới mở rộng địa bàn tập kết rác lại gần nhà bà chừng không xa khiến tình trạng càng thêm tồi tệ.

Người ta bệnh quá trời luôn. Đây 10 nhà bệnh hết 4,5 nhà rồi nên là tôi không muốn vậy nữa. Tôi muốn làm sao mà đưa lên trên phụ đặng cho dân ở đây đi rồi cho người ta làm ăn. Ở đây hồi xưa toàn dân lao động không à. Rồi tối hả, ầm ì xe chạy sáng đêm rồi sao mà nghỉ ngơi được. Nhà người ta ở đây cũng như tôi lớn tuổi rồi, đâu còn tuổi lao động gì đâu. Nhờ nuôi cá nuôi tôm bây giờ không có một con để mà sống. Giờ đóng đá đóng đồ cũng không có. Giờ nước nó thúi nó ra thì có con gì để mà nuôi. Giờ không có hồ cá gì, chết hết ráo. Giờ không có ai nuôi có con gì hết á.

Hôi thối suốt ngày đêm

Một người trông nuôi tôm ở ấp 3, xã Đa Phước cho biết, cứ mỗi buổi tối là mùi hôi nồng nặc lại tại qua khu anh ở, khiến mọi người phải bịt khẩu trang ngay cả trong khi ngủ.

Hôi cái mùi kỳ lắm, khó chịu, cái mùi rác, kỳ lắm. Chiều xuống cái mùi nó cứ bốc ngược theo chiều gió xuống. Ngày nào nó cũng đổ vậy hết. Nó cũng vậy nó đâu có hết lúc nào đâu.

Ông Chúng, ngụ ở Quốc lộ 50, cách bãi rác Đa Phước chừng 1,5km đường thẳng cũng khẳng định tình trạng hôi thối của bãi rác.

Tháng 10 bắt đầu hôi rồi đó. Gió Bắc hôi rồi đó.Gió trên nó xuống vầy nè, thấy hôi chát rồi đó. Hôi, thúi, hôi. Gió Bắc mới hôi chứ gió chướng này kia là hết àNgây chát luôn, nó xuống tới cầu ông Thịnh luôn mà.

Với tình trạng ô nhiễm nhiều năm kéo dài và ngày càng đe dọa đến cuộc sống, một phụ nữ sinh sống trong khu vực chịu ảnh hưởng mong muốn chính quyền có câu trả lời cụ thể và tránh lần khất về việc hỗ trợ di dời người dân tại khu vực tổ 9, ấp 3 xã Đa Phước khỏi bãi rác khổng lồ tại đây để họ có thể đến nơi khác tìm kế sinh nhai.

Trả lời cho có tiếng, giờ hủy bỏ thì báo cho dân biết. Đợt này tính viết đơn nói vậy. Giờ mấy ổng làm thì làm, không thì nói không. Làm khi nào, tháng nào năm nào phải nói cho chính xác.

Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước đi vào hoạt động vào tháng 11 năm 2007, thời gian dự kiến của dự án là 24 năm trên diện tích 138ha. Mười năm qua, người dân địa phương phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm không thể chịu nổi. Và trong thời gian 14 năm sắp tới, liệu những hứa hẹn về biện pháp khắc phục cũng như bồi thường thỏa đáng di dời dân đến nơi ở mới không ô nhiễm có được thực hiện kịp thời hay không ?

Tường trình từ Việt Nam

********************

Dòng kênh đen ngòm, bốc mùi vẫn khả quan trong mắt người dân (RFA, 11/12/2017)

Mùi hôi bốc lên nồng nặc trên đại lộ Võ Văn Kiệt và dòng kênh nước đen nháy là điều chúng tôi chứng kiến khi đi dọc con đường này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì một số người dân sống quanh khu vực lại có những đánh giá khá khả quan về dòng kênh.

onhiem2

Người dân tập trung trên cầu phía trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. RFA

Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé

Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé là một trong năm lưu vực kênh, rạch lớn của thành phố Hồ Chí Minh. Kênh dài khoảng 9,3km bắt đầu từ sông Sài Gòn đến kênh Lò Gốm chảy qua quận 1, 4, 5, 6, và 8. Một thời gian dài tuyến đường thủy Tàu Hủ - Bến Nghé bị bỏ hoang, bùn đất bồi lắng làm dòng kênh cạn dần.

Theo báo Lao Động, giai đoạn 3 của dự án cải thiện môi trường nước TP. HCM, nhằm chống ngập úng và cải thiện môi trường cho lưu vực này có tổng vốn triển khai lên đến 9.782 tỉ đồng.

Cá nhân phóng viên chúng tôi khi tìm hiểu khu vực tại đây có bắt gặp nhiều hình ảnh ô nhiễm trên kênh rạch thuộc hệ thống sông Sài Gòn kèm với mùi hôi khó chịu. Chiếc ghe chở than xua nước để ra giữa kênh khi đó làm lộ rõ màu đen của dòng kênh Tàu Hủ.

Một người thuộc nhóm ghe thường xuyên qua lại lưu vực kênh tại khu vực phường 16, Quận 8 cho chúng tôi biết, hiện tại mùi của kênh vẫn còn hôi, đặc biệt là những lúc nước xuống.

"Bình thường nước nhiều thì không ô nhiễm, không có mùi hôi nhiều. Nhưng lúc nước cạn thì nước thải ra đây có mùi khó chịu, mùi nồng, nhất là khi đi bên đại lộ Đông Tây, nhiều khi có gió thì gió phất cái mùi cảm thấy khó chịu.

Tại vì nước thải mấy khu đó nó thải sông này để ra sông ngoài mà".

Cái nhìn của người tham gia giao thông ngang khu vực là ở đây ô nhiễm, mùi khó chịu như vậy, nhưng những người sinh sống lâu năm tại khu vực này lại đánh giá tích cực về độ ô nhiễm đã giảm dần của dòng kênh.

Ý kiến người dân

Chị Sau, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 10 năm sinh sống tại khu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé nhận định trước đây khu vực này thường bốc lên mùi khó chịu, kênh rạch cũng nhỏ và không thông thoáng như hiện tại.

"Hồi trước tới đây là thấy thối, mấy năm trước khi vô ở hẳn là biết rồi. Hồi xưa cây cối um tùm chứ đâu được sạch sẽ như bây giờ".

Theo chị Sau, nguyên nhân khiến tình trạng kênh hiện tại được cải thiện là do hệ thống cống ngăn triều và bơm xả.

Biết cái kênh này cũng tầm 13, 14 năm rồi. Nước thì trước kia làm cống thì đen và thối. Giờ làm cống rồi thì đỡ rồi, không thối như ngày xưa nữa. Nghĩa là mình đứng đây thì mình không ngửi thấy mùi thối nữa.

Bây giờ thì nước cứ ra vô ra vô hoài thì thí dụ như ở ngoài kia đóng cổng, mở ra mở vô thì nước ra nước vô rồi, không có thối.

Làm xong rồi người ta múc hết bùn đất, khai sông khai rạch múc hết bùn thối rồi. Làm cống kia rồi nhiều khi lâu lâu người ta xả bọt lên thì nó không thối nữa".

Cùng chia sẻ cái nhìn khả quan về dòng kênh, Ông Phùng Văn Tiễn, 80 tuổi sinh sống tại Quận 8 nhận định tình trạng nước ngập đã giảm hẳn, kèm theo đó là mức ô nhiễm cũng bớt dần là những thay đổi có thể nhận thấy về dòng kênh.

"Bởi vì nước ra thì họ xả ra, nước vô thì cho vô. Thành ra nước thủy triều vô được thì nước nó trong.

Ngay ở đây cũng còn dơ chỗ cầu Bà Lài bắt đầu sạch trước. Rồi tới đây từ từ tới đây nó sạch. Nhiều người tới đây chiều chiều còn ra đây ngồi chơi được. Chứ còn trước đây hôi lắm, không có ra đây ngồi được".

Ông Tiễn cho hay, trước đó, vào khoảng sau năm 1975, dòng nước ở đây ô nhiễm tới mức không loài cá nào sống được ngoài cá lóc, cá trê, người dân cũng không ai dám tắm.

"Thời kỳ mới thì người ta tắm được. Hồi kỳ 75 trở về đây thì nước nó đen, nước nó đục, không ai tắm được hết. Chỉ cá trê cá lóc sống được thôi chứ không cá nào sống được hết á.

Cách mấy năm trước thì nó ô nhiễm nhiều lắm. Đen, nước đen. Bởi vì người ta làm cơ sở nhiều, xả hóa chất này kia đó. Nước đen bởi vậy cá sống không nổi".

Cải thiện

Theo ông Tiễn, phía chính quyền đã có những biện pháp tích cực cải thiện khu vực này, kèm theo đó, việc người dân ý thức hơn trong việc xả thải cũng góp phần làm hệ thống kênh rạch đỡ ô nhiễm hơn trước.

"Nhưng mà nói là nó đỡ hơn nhiều hồi xưa là bởi vì chính phủ bây giờ không cho đổ rác xuống với vớt rác hàng ngày thành ra là nó trong sạch. Rác không có đổ ở dưới chứ hồi trước rác nó đầy nghẹt. Nilon rồi lục bình đủ thứ hết. Bây giờ vớt đi với người ta có ý thức nhiều nữa. Không có ném xuống dưới thì hi vọng sau này nó cũng sạch hơn.

Bị nhà nước dọn dẹp bày ra cái rác không đổ dưới sông nữa. Có người thu, mỗi tháng thu 15 ngàn, tự dưng có người đi thu rác, đi đổ thành ra không có đổ rác nhiều nữa. Chẳng hạn mấy người cần giục rác họ chút đỉnh vậy chứ không nhiêu nữa".

Mặc dù tương đối hài lòng với mức độ ô nhiễm hiện tại, ông Tiễn vẫn mong chính quyền tăng áp lực để cải thiện chất lượng kênh rạch nơi đây.

"Nước vẫn đen nhưng mà nó không có hôi không có tanh nữa.

Tháng 9 này nước lớn vô, xả nước dơ ra, rồi nước sạch vô thì nó đỡ hơn nhiều. Còn tháng nắng thì mình không biết làm sao.

Hi vọng chính quyền thẳng tay xử phạt mấy người đổ rác dưới sông ném xuống dưới. Nhưng mà có cách nghiêm khắc như là mấy người đổ rác có thùng rác với người ta tới thu rác này kia nọ. Bây giờ 100% nhà nào cũng đổ rác hết. Hi vọng là có ngày nó cũng trong sạch hơn".

Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt không phải là dòng kênh duy nhất có màu đen nhánh vì ô nhiễm. Dòng kênh chạy dọc đường Trần Xuân Soạn, Quận 7, hay khúc kênh gần công viên nước Đầm Sen, Quận 11 và nhiều dòng kênh khác cũng chịu số phận tương tự. Những dòng kênh này đã ô nhiễm hơn chục năm qua nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để.

Thông tín viên RFA

Published in Việt Nam