Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bạo loạn Bình Thuận : Vì sao tuyên giáo nói ‘có động cơ chính trị’ ? (CaliToday, 16/07/2018)

Tại cuộc giao ban báo chí tháng 7/2018 tại Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, khi đề cập đến “17 bị cáo chuẩn bị được đưa ra xét xử. Các cơ quan điều tra tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục củng cố hồ sơ, sàng lọc thêm các đối tượng”, ông Hồ Trung Phước – trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận lý giải : “Đa phần các bị cáo này là có học vấn thấp, chưa hết cấp 1, gia đình hoàn cảnh ngặt nghèo, có tiền án tiền sự, việc làm không ổn định… Khi bị bắt, họ ít nhận thức được việc làm mình vừa gây ra. Vì thế, đây không phải là vụ án gây rối trật tự đơn thuần mà là có động cơ chính trị”.

baoloan1

Hồ Trung Phước – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận – là quan chức đầu tiên tiết lộ ‘có động cơ chính trị’ trong cuộc bạo loạn Bình Thuận ngày Mười tháng Sáu năm 2018. Ảnh : Tuổi Trẻ

Vậy ‘có động cơ chính trị’ nào trong cuộc bạo loạn Bình Thuận ? Phải chăng đó là động cơ chính trị của Việt Tân hay ‘các thế lực thù địch’ ?

Hãy so sánh Bình Thuận và Sài Gòn

Ngay sau cuộc biểu tình cực lớn lên đến ung ung ngàn người ở Sài Gòn vào ngày Mười tháng Sáu năm 2018, một quan chức công an là phát ngôn viên cho Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã nói không ấp úng rằng ‘Việt Tân kích động biểu tình’. Nhưng phát ngôn này lại một lần nữa gây nghi ngờ lớn nơi công luận, bởi đã không kèm theo bất cứ một bằng chứng nào về sự hiện diện của đảng Việt Tân trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn trước và trong ngày Mười tháng Sáu năm 2018. Lối phát ngôn không cần thuyết minh bằng chứng như thế lại giống hệt tuyên bố cũng của Công an Thành phố Hồ Chí Minh về Việt Tân sau cuộc biểu tình của người dân phản đối thảm họa xả thải của Formosa. Sau cuộc biểu tình đó, trong khi công an không thể trưng ra bất kỳ bằng chứng nào về Việt Tân thì người dân biểu tình lại có quá nhiều bằng chứng về việc công an đã bắt lôi người biểu tình lên xe bus và tập trung khoảng 500 người về sân vận động Hoa Lư ở quận Nhất rồi đánh đập họ cực kỳ dã man.

Còn ở Phan Thiết, ngay sau cuộc bạo loạn, chỉ thấy giới dư luận viên của đảng và công an tố cáo ‘thế lực phản động giật dây biểu tình ở Phan Thiết’, nhưng lại không hề nói rõ thế lực nào. Cho đến nay, vẫn chưa thấy Công an Bình Thuận hay những quan chức Bộ Công an tuyên bố là ‘Việt Tân kích động’.

Trong khi đó, nhiều người dân Phan Rí Cửa và Phan Thiết khẳng định là người dân nơi đây rất hiền hòa, chỉ phản ứng với chính quyền và công an do bị Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân xả thải gây ô nhiễm cả trên bờ lẫn trên biển làm kiệt đường sinh nhai của bà con ngư dân. Cách phản ứng thông thường của người biểu tình là tuần hành, còn khi bị công an ngăn chặn thô bạo và đánh đập thì họ mới ném đá lại. Nhưng không có chuyện người dân Phan Thiết hung hãn và cực đoan đến mức đốt phá xe hơi và trụ sở…

Vài bài phóng sự của báo nhà nước, như tờ Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh, đã mô tả nhiều người dân Phan Thiết nói về ‘nó đấy’, tức những thanh niên lạ mặt ở nơi khác kéo đến. Số thanh niên này bịt mặt và rất hung hãn.

Số thanh niên này là ai, từ đâu đến ? Không ai biết.

Một điểm đồng dạng đang hiện ra giữa hai cuộc biểu tình đập phá năm 2014 ở Bình Dương và năm 2018 ở Phan Thiết : đều xuất hiện những người cầm đầu là người lạ mặt. Trong vụ việc Bình Dương năm 2014, thậm chí số người lạ mặt này còn không phải là công nhân và đã được một số nhân chứng mô tả là giang hồ. Thế nhưng khi những kẻ giang hồ này cầm đầu đám đông lao đi đốt phá các nhà máy thì hoặc không thấy bóng dáng cảnh sát đâu, hoặc có cảnh sát nhưng không có bất kỳ hành động ngăn chặn nào. Vì thế, rất nhiều dư luận đã cho rằng chính lực lượng công an đã nhận được mật lệnh làm ngơ cho những kẻ lạ mặt cầm đầu biểu tình đập phá và đốt phá ở Bình Dương và Đồng Nai…

Cho tới tận giờ đây, 4 năm sau vụ bạo động Bình Dương, hành tung và ung thế của những kẻ lạ mặt trên vẫn là một ‘bí mật quốc gia’. Đã không có bất kỳ cơ quan nào của chế độ cầm quyền hé môi về bí mật này.

Điều lạ lùng là mặc dù Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã tung một lực lượng đông đảo để đàn áp cuộc biểu tình của người dân Phan Thiết, đã bắt bớ gần 200 người, song cho tới nay báo ngành công an vẫn chỉ thông tin “Hé lộ có nhiều “kẻ đứng sau” kích động, xúi giục người gây rối”, và “Theo lời khai của một số đối tượng, trong hai ngày gây rối họ đã được “tiếp sức” từ nhiều người bằng hình thức cho tiền và hứa hẹn sẽ “có thưởng” nếu như đạt được “thành tích” cao…”, mà không thể chỉ rõ nhóm nào đã chủ trương ung tiền để kích động việc này.

Nhưng trùng với tiết lộ ‘có động cơ chính trị’ của Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận Hồ Trung Phước vào ngày 11/7/2018, một vài tờ báo ngành công an đã bắt đầu đăng tải hình ảnh của những ‘người lạ’ đã đốt phá xe hơi và trụ sở cơ quan ở Bình Thuận – có kẻ bịt mặt và có kẻ lộ mặt – và kêu gọi những kẻ này ‘ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng’. Chi tiết đáng chú ý không kém là lời kêu gọi này cũng không đề cập đến ‘thế lực thù địch’ hay Việt Tân.

Vậy thế lực nào đã bảo kê cho những kẻ bịt mặt gây bạo loạn ở Phan Thiết ? Liệu bàn tay đạo diễn cho cuộc biểu tình khổng lồ ở Sài Gòn có nối kết với bàn tay đạo diễn vụ đốt phá xe và trụ sở công quyền ở Phan Thiết, từ đó vừa tạo cớ để công an đàn áp nặng nề đối với người dân nơi đây, vừa nhắm tới một mục đích chính trị nào đó ? Nếu câu hỏi này là cơ sở, phải chăng vụ đốt phá này không phải do người dân gây ra, cũng chẳng phải Việt Tân, mà do chính một thế lực nào đó trong nội bộ đảng Cộng sản ‘kiến tạo’ ?

Bạo loạn không thể là dân, mà chỉ có thể từ những bàn tay đen đúa trong nội bộ đảng.

Thiền Lâm

**********************

‘Sẽ có kết luận thanh tra Thủ Thiêm ngày 15/7’ lại thất hứa ! (CaliToday, 16/07/2018)

baoloan2

Đúng vào ngày 15 tháng Bảy năm 2018 – thời điểm được chính phủ Việt Nam hứa hẹn sẽ công bố chính thức bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm vốn đã kéo dài suốt hai chục năm trời của nước mắt, máu và cả nhiều cái chết uất nghẹn của dân oan nơi đây, không phải hệ thống báo đảng và báo nhà nước công bố bản kết luận này, mà nội dung kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ dài 17 trang lại được đăng tải trên… FB Lê Nguyễn Hương Trà.

Trên FB Lê Nguyễn Hương Trà, bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm có nội dung cập nhật tình hình và rất cụ thể, dường như không phải là văn bản ngụy tạo hay bị làm giả. Tuy nhiên, bản kết luận đăng tải bị xóa số văn bản, ngày phát hành và chữ ký và không có những phụ lục kèm theo.

baoloan3

Trang đầu của bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm đăng trên FB Lê Nguyễn Hương Trà ngày 15/7/2018.

Tuy chưa thể khẳng định về tính xác cứ của bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm trên FB Lê Nguyễn Hương Trà, nhưng trong quá khứ gần vào những tháng đầu năm 2018, Lê Nguyễn Hương Trà là người đầu tiên đã đưa tin tức chính xác về hai vụ việc bắt Vũ ‘Nhôm’ và bắt hai tướng công an là Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh, bất chấp tướng Lương Tam Quang – người phát ngôn Bộ Công an – luôn không thừa nhận những tin tức của Lê Nguyễn Hương Trà.

Cho đến hết ngày 15 và sang đầu ngày 16 tháng Bảy năm 2018, báo chí nhà nước vẫn tuyệt đối im lìm mà không có bất cứ một thông tin nào về kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Mặc dù được hứa hẹn sẽ công bố vào ngày 15/7, nhưng về thực chất kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm còn bị trễ hẹn đến một tháng, mà thời điểm hứa hẹn trước đó là ngày 15/6/2018.

Trước đây vào năm 2015, vụ Thủ Thiêm đã từng bị Thanh tra chính phủ tổ chức thanh tra, do Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh ‘cầm đầu’. Nhưng cho tới nay, vẫn chẳng ai thấy mặt mũi kết luận thanh tra mà Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh đã thực hiện tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Vào thời gian đó, có những dấu hiệu khuất tất khiến nhiều người dân Thủ Thiêm nghi ngờ rằng đã có một sự móc ngoặc giữa đoàn thanh tra chính phủ của Ngô Văn Khánh với giới quan chức nhiều tiền lắm của ở Thành phố Hồ Chí Minh. Rốt cuộc, hàng núi hồ sơ khiếu kiện và tố cáo của dân oan Thủ Thiêm đã bị quẳng vào một xó xỉnh nào đó, nước mắt dân oan vẫn tiếp tục tuôn ra, máu của dân oan vẫn tiếp tục đổ, còn Ngô Văn Khánh trở về Hà nội, để từ đó báo chí càng bất ngờ khi phát hiện những tài sản ngồn ngộn mới cứng của nhân vật này.

Trong số những quan chức liên quan và phải chịu trách nhiệm hình sự một khi vụ Thủ Thiêm được khởi tố điều tra, cựu phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh là một cái tên không thể bỏ qua. Cho dù vào thời gian đó Ngô Văn Khánh có cho công bố kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm chăng nữa, dư luận vẫn tin chắc rằng ông Khánh đã làm nhẹ đi rất nhiều các sai phạm ghê gớm của giới quan chức từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các bộ ngành trung ương mà do đó bản kết luận này về thực chất là ‘ăn bẩn’.

Nhưng với bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm được công bố trên FB Lê Nguyễn Hương Trà vào tháng Bảy năm 2018, tình hình có vẻ không bớt đen tối hơn là bao.

Kết luận trên vẫn ghi nhận ‘thành tích’ của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong việc giải tỏa 99% ‘đất sạch’, trong khi chỉ đề cập một cách hết sức sơ sài đến diện tích giải tỏa lố 160 ha theo tố cáo của người dân Thủ Thiêm. Còn phần Kiến nghị xử lý của bản kết luận này lại hoàn toàn không nêu ra, như thể cố tình tránh né, bất kỳ cái tên nào của giới quan chức ‘ăn đất’, đặc biệt là bí thư Thành phố Hồ Chí Minh thời đó là Lê Thanh Hải, bí thư quận 2 thời đó là Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua – Phó chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thời đó…

Vụ giải tỏa Thủ Thiêm diễn ra trong suốt chiều dài thời gian mà Lê Thanh Hải đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh (2001-2006) và 2 nhiệm kỳ liên tiếp giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (2006-2015).

Lê Thanh Hải lại là quan chức bị dân oan Thủ Thiêm tố cáo ghê gớm nhất về ‘cướp đất vàng’ ở Thủ Thiêm. Vào thời đó, người được xem là ‘đệ tử ruột’ của ông Hải là Tất Thành Cang là bí thư quận 2 đã có nhiều biểu hiện tiếp tay rất đắc lực cho các nhóm lợi ích để cưỡng chế đẩy đuổi dân nghèo Thủ Thiêm ra khỏi mảnh đất duy nhất của họ.

Nguyễn Văn Đua bị ‘tố’ là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của Thủ tướng chính phủ.

Trước kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2018, nước mắt dân oan và áp lực quá lớn của dư luận xã hội cùng cái lò lây lất khói của Tổng bí thư Trọng đã buộc đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không thể nhắm mắt làm ngơ. Thế nhưng, bản báo cáo của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho Chính phủ về vụ Thủ Thiêm đã hoàn toàn ‘xù’ trách nhiệm. Bản báo cáo này đã hoàn toàn không giải thích thỏa đáng về những dấu hỏi rất lớn mà dư luận xã hội và báo chí công phẫn nêu ra. Bản báo cáo này cũng không thừa nhận bất kỳ cái sai nào thuộc về trách nhiệm của đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, mà chỉ thòng một câu ‘UBND thành phố đang xem xét, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ’.

Nếu bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm được công bố trên FB Lê Nguyễn Hương Trà là thật, một giả thiết đáng sợ được đặt ra từ khi vụ Thủ Thiêm bùng phát đang lao nhanh đến hiện thực : phải chăng đã có sự thỏa hiệp, hay nói trắng ra là ‘đi đêm’ giữa các nhóm quyền lực – lợi ích mới với nhóm quyền lực – lợi ích cũ để ‘chuyển giao lợi ích’ và đương nhiên cho chìm xuồng vụ Thủ Thiêm cùng đổ sạch biển nước mắt của dân oan ?

Thiền Lâm

**********************

Bí thư Sài Gòn tiếp tục ‘hứa hẹn’ với người dân mất đất ở Thủ Thiêm (Người Việt, 16/07/2018)

Hôm 16 Tháng Bảy, tin cho hay bí thư Thành Ủy Sài Gòn, ông Nguyễn Thiện Nhân, đi “thăm hỏi” người dân Thủ Thiêm lần thứ hai trong vòng một tháng.

baoloan4

Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân (áo trắng, giữa) với đoàn “tiền hô hậu ủng” đi gặp người dân. (Hình : Zing)

Hình ảnh trên truyền thông nhà nước cho thấy ông Nhân được một đội liên ngành mặc thường phục, đi cùng nhóm phóng viên ảnh đông đảo theo sát từng bước chân trong lúc ông này đến chung cư Bình Khánh (nơi chỉ một số người khiếu kiện được đưa đến ở tạm thời gian gần đây) và khu tạm cư của phần lớn người dân Thủ Thiêm đang khiếu kiện từ hơn chục năm qua.

Báo Zing tường thuật : “Bí Thư Nhân ghi nhận ý kiến, khẳng định rất muốn giải quyết ngay các kiến nghị của bà con nhưng vẫn phải giải quyết đúng quy định, cần có thời gian và hướng xử lý.”

Tờ báo cũng dẫn lời một số người dân Thủ Thiêm “bày tỏ lòng biết ơn” và “cám ơn bác Nhân rất nhiều.”

Tuy vậy, trên mạng xã hội lan truyền clip cho thấy cảnh giằng co, la lối, gào khóc khi vệ sĩ của ông Nhân cản và lôi một số dân oan ra xa trong lúc ông này ra xe để đi về.

Chuyến đi gặp người dân hôm 16 Tháng Bảy của Bí Thư Nhân được xem là hành động nhằm “kéo dài thời gian” trong lúc các vụ khiếu kiện liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.

baoloan5

Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân (áo trắng, giữa) và dàn phóng viên ảnh đứng sau. (Hình : Tuổi Trẻ)

Theo truyền thông “lề phải,” hiện người dân Thủ Thiêm vẫn chỉ biết trông chờ vào lời hứa miệng “không gạt và không bỏ rơi bà con” của ông Nhân hồi tháng trước.

Hơn nữa, chuyến thăm diễn ra trong lúc đã qua hạn chót 15 Tháng Bảy về việc công bố kết luận chính thức về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm theo chỉ đạo của Thủ Tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Trong một diễn biến khác, báo InfoNet của Bộ Thông Tin Truyền Thông cho hay, sau bảy năm từ khi Thanh Tra Chính Phủ công bố kết luận thanh tra về những sai phạm đất đai ở thành phố Sài Gòn, đến nay các tổ chức, cá nhân vi phạm “vẫn chưa bị xử lý trách nhiệm.”

Đáng lưu ý, theo báo này, những viên chức đã để xảy ra sai phạm đất đai tại các quận 2 (trong đó có một loạt vụ khiếu kiện về khu đô thị mới Thủ Thiêm), quận 7, quận 9 và quận Bình Tân, chỉ bị “phê bình” hoặc “rút kinh nghiệm.”

Blogger Lê Dũng Vova bình luận trên trang Facebook cá nhân : “Người dân còn khổ dài dài khi nhận thức pháp luật còn kém như thế này : Đi kêu và trông chờ vào một anh bên đảng lo cho quyền lợi của mình ! Người dân không biết ai đại diện cho tư cách công dân của mình khi bỏ tiền đóng thuế nuôi đám ‘đại biểu Quốc Hội’ đại diện cho mình, nuôi đám hội đồng nhân dân đại diện cho mình tại địa phương.

Ông Nhân chỉ là một chức sắc của đảng tại địa phương, không có tư cách pháp lý giải quyết các vấn đề đất đai hay quyền lợi của dân chúng nơi đây, không có tư cách làm việc thay bộ máy chính quyền do dân bầu ra. Khi nào từng người dân còn chưa nắm chắc luật về tổ chức nhà nước và thực thi luật thì còn tồn tại nhiều băng nhóm bất chấp pháp luật để cướp tài sản của dân ở khắp nơi.” (T.K.)

Published in Việt Nam