Thành phố Đà Nẵng, nơi mà trước đây vài năm được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam nhưng chẳng bao lâu sau đó, mọi sự trở nên tệ hại hơn người ta tưởng tượng rất nhiều. Ngoài các vấn đề như bờ biển lở lói, sản phẩm và người Trung Quốc xuất hiện đầy rẫy thành phố, giờ lại thêm nạn các kênh rạch ở thành phố ngày càng dơ dáy, hôi thối và cá chết hàng loạt, nước bẩn đen ngòm, môi trường ô nhiễm trầm trọng.
Kênh Tân Trào ở Đà Nẵng. RFA
Một cư dân Đà Nẵng tên Nghinh, chia sẻ : "Chuyện cá chết này xảy ra hôm Mồng Một âm lịch kia, cá chết nhiều lắm, các anh bên môi trường vớt rồi chở đi chôn. Nhưng cũng không hết đâu, vì nó còn nằm lẫn trong bèo rất là nhiều. Nước không phải do bị ao tù dẫn đến cá chết mà do bị dầu nhớt ở đâu chảy ra đây rất nhiều. Cách đây vài hôm, nhớt từ chỗ cống ngầm chảy ra làm đen cả một vùng nước và đóng váng nên cá rô phi chịu không nổi, chết hàng loạt. Trước đây mỗi chiều các anh em câu ở đây nhiều lắm nhưng bữa nay họ không câu nữa vì không khí ô nhiễm, thối quá. Tôi thì đứng cậu ráng con cá tràu (cá lóc) vì nó chưa chết, mình câu vô tư…"
Ông Nghinh khẳng định vụ cá chết ở kênh Tân Trào, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng trong mấy ngày vừa qua là do nước thải công nghiệp chứ không do gì khác. Ông cho thêm là nếu bây giờ, một chuyên gia nào đó về lấy mẫu nước, sau đó nghiên cứu rồi công bố là do tảo hay gì đó thì điều này hoàn toàn không thuyết phục được ông.
Bởi hằng ngày ông câu cá trên con kênh này, ông biết từng ngóc ngách của con kênh. Và chỗ mà ông quan tâm nhất là một cống ngầm chảy ra từ một cụm công nghiệp ở Hòa Khánh, nước từ chỗ cống ngầm này chảy ra thường đen đúa và nổi váng dầu. Trong đợt cá chết vừa qua, khu vực cá chết nặng nhất cũng trùng với khu vực mà nước đen từ cống ngầm này chảy ra nhiều nhất.
Mà theo kinh nghiệm của một người câu cá lâu năm, hiểu được đặc tính của từng loài cá thì nếu như nước bị nhiễm độc, tất cả các loài cá đều bị chết. Trường hợp nước bị nhiễm hàm lượng dầu mỡ nào đó không quá dày nhưng cũng đủ làm cho lượng oxy trong nước bị thiếu hụt bởi trao đổi không khí trên mặt nước bị cắt đứt thì cá rô phi sẽ là loại bị chết đầu tiên và chết hàng loạt.
Cá rô phi chết ở kênh Tân Trào, Đà Nẵng. RFA PHOTO
Và trong đợt cá chết vừa qua, chỉ có cá rô phi bị chết hàng loạt, số lượng cá rô phi chết nổi trên mặt nước có thể lên đến hàng chục tấn. Riêng cá lóc và cá rô đồng hầu như không con nào bị chết. Điều này chứng tỏ nước bị thiếu oxy và hàm lượng dầu nổi trên mặt nước đã vượt quá sức chịu đựng của cá rô phi nhưng chưa thể làm cho các loài cá khác phải chết.
Ông Nghinh than phiền với chúng tôi là hầu hết các kênh, rạch tại Đà Nẵng đã bị ô nhiễm trầm trọng. Bởi chỉ trong vòng ba năm, số lượng nhà cửa, công xưởng và khách sạn ở Đà Nẵng tăng lên gấp ba lần nhưng có một số kênh rạch bị lấp đi để lấy mặt bằng xậy dựng, các con sông bị lấn dòng bởi công trình xây dựng. Lưu lượng rác thải tăng nhanh và hầu như chưa có phương án xử lý rác thải cũng như chất thải công nghiệp hợp lý cho Đà Nẵng. Và có vẻ như càng ngày, lượng rác thải tập trung ở các góc đường, các bãi đất làm trạm trung chuyển còn sót lại càng nhiều. Người ta dọn đi một cách qua loa chiếu lệ, thậm chí lượng bao nilon và các bịch chứa rác thải trôi lềnh bềnh trên mặt nước ở các kênh rạch ngày càng thêm nhiều.
Một người dân sống ven biển Đà Nẵng, yêu cầu giấu tên, chia sẻ : "Môi trường Đà Nẵng hiện nay là áp lực hơi nhiều, tiền thuế tăng, lộn xộn và các khoản phí cũng nhiều hơn. Nhìn chung, dân cư nhiều hơn, xây dựng nhiều hơn, khách du lịch Trung Quốc nhiều hơn và mọi thứ trở nên lộn xộn…".
Theo vị này, vấn đề môi sinh ở thành phố thuộc vào diện sạch và đẹp nhất Việt Nam này đã bị khủng hoảng trầm trọng. Từ các kênh rạch đến bờ biển và an ninh thành phố đều có vấn đề. Nếu như trước đây, Đà Nẵng không có trộm cắp, không có xì ke ma túy, không có cướp giật thì hiện nay, những thứ đó đã xuất hiện và nguy cơ có từng ổ lớn đang ẩn mình trong thành phố, đến khi nó vỡ ra thì không biết đâu mà lường.
Vị này chia sẻ thêm là hiện tại, khi mà lượng khách du lịch chiếm con số đông nhất luôn là người Trung Quốc, đi bất kì hang cùng ngõ hẻm nào trong thành phố này đều có thể gặp người Trung Quốc đi lang thang, lượng rác thải do khách du lịch xả ra nhiều vô kể. Điều này khác hẳn với Đà Nẵng trước đây vài năm, hầu hết khách du lịch đều đến từ các nước Châu Âu, Nhật Bản và Sài Gòn, Hà Nội, thành phố sạch, đẹp hơn bây giờ rất nhiều.
Vị này tỏ ra tiếc nuối khi đưa ra nhận định rằng Đà Nẵng đã phát triển nóng, nếu không muốn nói là quá nóng. Nghĩa là thành phố này cũng rơi vào tình trạng giống như rất nhiều thành phố khác ở Việt Nam, chú trọng vào các công trình xây dựng, mở rộng thương mại, dịch vụ với tốc độ chóng mặt. Trong khi đó, vấn đề văn hóa và lựa chọn đối tượng du lịch bị bỏ lơ. Điều này dẫn đến tình trạng Đà Nẵng bị những trận gió độc từ văn hóa đến lối sống, cách hành xử với thiên nhiên đã liên tục thổi vào khiến cho thành phố này nhanh chóng nhiễm bệnh, từ vật chất đến tinh thần.
Hiện tại, theo như nhận định của vị giáo sư về hưu này, thành phố Đà Nhẵng chẳng còn đáng sống, đáng ca ngợi hay đáng tự hào như trước đây. Bởi khói bụi, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, bởi biển lở lói, nhiễm độc đỏ… Dường như tất cả những dấu hiện của sự xuống cấp đều có ở thành phố ông đang sống.
Có thể nói rằng, hiện nay, không riêng gì thành phố Đà Nẵng mà hầu hết các thành phố, tỉnh thành có bờ biển ở miền Trung đang rơi vào tình trạng khốn đốn và kiệt quệ bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó nổi cộm nhất vẫn là biển nhiễm độc trầm trọng, người Trung Quốc sang làm ăn, sinh sống và mang theo những thói quen kì lạ của họ khiến cho các thành phố này nhanh chóng bị thay đổi, trở nên lạ lẫm và trần trụi hơn.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
***********************
Điều tra, kỷ luật quan chức vi phạm vụ Formosa (RFA, 02/03/2017)
Cuộc họp báo chính phủ thường kỳ vào tối ngày 1 tháng 3 tại Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn
Việt Nam tiếp tục điều tra và sẽ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm những cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung do công ty Formosa gây ra hồi tháng 4 năm ngoái.
Phát biểu tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ vào tối ngày 1 tháng 3, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc nghiêm túc, cung cấp đầy đủ hồ sơ cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo đúng tinh thần không có ngoại lệ, vùng cấm.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục xem xét các nội dung thẩm quyền trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, nếu có vi phạm sẽ xem xét theo quy định của pháp luật.
Hôm 22 tháng 2 vừa qua, Ủy ban kiểm tra Trung ương cũng đã có kết luận đối với Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cá nhân liên quan giai đoạn 2008 đến 2016. Ngoài ra ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và một số cá nhân liên quan trong nhiệm kỳ 2004 – 2011, 2011 – 2016 cũng bị quy trách nhiệm. Hơn chục người bị nêu danh, trong đó có hai người đứng đầu là ông cựu bộ trưởng Tài Nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang và ông cựu bí thư, chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự.
Cũng liên quan đến kỷ luật đảng, tại buổi họp báo chính phủ vào tối ngày 1 tháng 3, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết các cơ quan chức nang đang điều tra xác minh thông tin liên quan đến tài sản của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.
Ông Dũng cho biết, Tổng Bí Thư đã có ý kiến chỉ đạo và Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Công thương khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo.
Các vấn đề được điều tra liên quan đến bà Hồ Thị Kim Thoa bao gồm việc tái cơ cấu doanh nghiệp nơi bà Thoa công tác trước đây, công tác cổ phần hóa, bán phần vốn nhà nước, bổ nhiệm cán bộ.
Ông Dũng cho biết đây là chỉ đạo của Tổng Bí Thư trong vụ việc của bà Thoa là nhằm chống lợi ích nhóm, lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Trước đó báo giới đưa tin bà Hồ Thị Kim Thoa là cổ đông lớn của Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang với khoảng một triệu 700 ngàn cổ phiếu, tương đương 5,30% vốn. Tông tài sản của bà được ước tính khoảng 90 tỷ đồng. Ngoài ra, theo báo chí trong nước, con gái, em trai và mẹ bà Thoa đều đang nắm giữ số lượng cổ phiếu lớn của công ty. Tổng tài sản do cả gia đình bà nắm giữ tính đến ngày 13 tháng 2 được ước tính lên đến 672 tỷ đồng chưa kể tiền cổ tức.
Đại diện Bộ Công thương cho biết toàn bộ số cổ phần bà Thoa có được từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Bà Hồ Thị Kim Thoa đã có 18 năm công tác tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Bà là Bí thư đảng ủy công ty từ năm 2000 đến 2005, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty từ năm 2005 đến 2010.
Bộ Công thương hôm nay cho biết Bộ này đã thu hồi quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải vào Cục Xúc tiến thương mại của Bộ.
Theo quyết định đề ngày 29 tháng 5 năm 2013 của Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, ông Vũ Quang Hải được tiếp nhận và bổ nhiệm chức Trưởng phòng, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Xuất khẩu thuộc Cục Xúc tiến thương mại.
Việc hủy quyết định được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của PHó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.
Trước đó, Bộ Công thương cũng thu hồi quyết định bổ nhiệm kiểm soát viên kiêm nhiệm tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và quyết định bổ nhiệm hàm Phó Vụ trưởng đối với ông Hải.
Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn – SABECO cũng đã miễn nhiệm tư cách thành viên Hội đông quản trị đối với ông Hải. Trước đó, công ty đã bãi nhiệm ông này khỏi vị trí PHó Tổng Giám đốc.
Ông Hải được Bộ Công thương được điều động về SABECO hồi đầu năm 2015 khi bố của ông là ông Vũ Huy Hoàng còn đang nắm chức Bộ Trưởng Công Thương. Hồi cuối năm ngoái Ban bí thư đảng đã kết luật ông Vũ Huy Hoàng thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận và bổ nhiệm con trai là Vũ quang Hải, vi phạm quy định của ban chấp hành trung ương về những điều đảng viên không được làm và quy định định của Ban bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, vi phạm luật phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội. Hôm 24 tháng 1 vừa qua Thủ tướng chính phủ đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng.
**********************
Ông Phó chủ tịch quận nhất, Đoàn Ngọc Hải, chỉ huy dọn dẹp vỉa hè trung tâm Sài Gòn hôm 27/2/2017. Photo courtesy of baogiaothong.vn
Hai tuần lễ cuối tháng hai, trung tâm thành phố Sài Gòn rất nhộn nhịp. Nhộn nhịp không phải do một lễ hội hay do một nguyên thủ quốc gia nào đó thăm thành phố, mà nhộn nhịp vì những xe công trình do ông Phó chủ tịch quận nhất, Đoàn Ngọc Hải, chỉ huy dọn dẹp vỉa hè trung tâm thành phố một thời mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông.
Hình ảnh, video clip cho thấy không chỉ những gánh hàng rong, hay ghế ngồi của cà phê cóc bị quẳng lên xe của lực lượng dân phòng như mọi khi, mà lần này, những bảng hiệu lớn, những công trình kiên cố, kể cả những chốt gác của cơ quan nhà nước, cũng bị đoàn quân xa của ông Hải dẹp tan.
Tiếp theo một bài viết trên báo Tuổi Trẻ tại Sài Gòn ra ngày 1 tháng ba, về chiến dịch dọn dẹp vỉa hè của ông Hải, có đến 80 bình luận với tuyệt đại đa số ý kiến là hoan hô ông Hải. Sau đây là một ý kiến tiêu biểu :
Chú Hải cũng vì kiên quyết làm cho đến nơi đến chốn, việc làm này cũng chỉ có lợi cho dân cho nước, bao nhiêu năm rồi có ai làm được như chú ấy, vẫn đáng khen hơn đáng trách. Rất cần những người như chú ấy vì cái đất nước lộn xộn, thiếu ý thức, kém phát triển này.
Chỉ có hai bạn đọc bình luận thêm là làm thì cũng nên làm, nhưng cần có sự đồng thuận của dân, và phải để cho người dân có phương tiện sinh sống.
Trên các trang mạng xã hội, các trang blog trong và ngoài nước thì sự việc được nhìn nhận bằng nhiều góc độ đa dạng hơn.
Luật sư Trần Hồng Phong viết trên trang blog Bình Luận Án :
Vỉa hè vốn là đất công, mà lại giống như là đất tư, chỉ đem lại lợi nhuận, thậm chí siêu lợi nhuận cho những người lấn chiếm, mà họ chẳng mất đồng nào. Thế nên việc thu lại vỉa hè là đúng lắm, cho người đi bộ. Đó cũng là thực thi và bảo vệ lẽ công bằng. Chắc chắn không ai phản đối cả.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, dù là sai phạm, không đúng luật - thì những gì do con người đặt trên vỉa hè đều là tài sản, là mồ hôi, công sức. Thế nên thay vì đập phá, thu giữ ngay, thì chính quyền nhất thiết và nên thông báo trước, để người lấn chiếm có thời gian thu vén.
Lời cuối : tôi cũng muốn bày tỏ ở đây sự thông cảm, xót xa cho những người nghèo. Vì cuộc sống mưu sinh, không ít người già, phụ nữ, trẻ em phải bưng thúng bán rong, hàng ngày lê lết, lấn chiếm vỉa hè trên đường phố Sài Gòn. Tôi thấy trên báo có đăng ý kiến của một vị lãnh đạo quận : "đằng sau mỗi gánh hàng rong, là cả một gia đình" - điều ấy là sự thật.
Blogger Viết từ Sài Gòn nhìn thấy sự đập phá của đoàn giải tỏa vỉa hè mang một nét gì đó hằn học, thể hiện sự hung tợn, quyết liệt, nhiều hơn là kỷ cương pháp luật.
Trên trang blog Tạp chí Luật khoa, xuất hiện liên tục hai bài, phân tích nhiều khía cạnh của chiến dịch dọn dẹp vỉa hè. Tác giả Nguyễn Chế liên tưởng chuyện vỉa hè với khái niệm cách mạng, vốn hay được những người cộng sản đang cầm quyền ở Sài Gòn và cả Việt Nam nêu cao :
Hùa theo bầu không khí hăm hở dẹp vỉa hè của ông quận phó, dường như hình ảnh cái vỉa hè trống đã trở thành một lý tưởng cách mạng được tôn sùng, đáng để "đốt cả dãy Trường Sơn", đáng để hy sinh mọi quyền lợi, đáng để dẹp đi mọi âu lo thị dân thường nhật, mọi chuẩn mực cao cả sâu xa.
Cũng trên Tạp chí Luật khoa, Trịnh Hữu Long phân tích rằng sự "quyết liệt" đến mức bất thường của ông Phó chủ tịch quận sở dĩ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận, là vì có một sự khao khát của dân chúng về chuyện đó, do họ sống lâu ở một nơi không có một qui trình pháp luật bình thường. Anh viết tiếp về sự quyết liệt bất thường ấy :
Với tất cả sự quyết liệt đó, ông thổi một luồng gió mới vào cái không khí chính trị ngột ngạt và bế tắc triền miên của cả một đất nước, gieo cho người ta hy vọng về một lối thoát mới, mà khởi đầu là hy vọng về những vỉa hè thông thoáng. Ông gợi cho người ta về những hình mẫu lãnh đạo quyết liệt và hiệu quả như Lý Quang Diệu của Singapore hay Park Chung Hee của Hàn Quốc. Cái cảm hứng chính trị mà ông tạo ra lớn đến thế, hỏi sao mà người dân không thích ông cho được ?
Trong khi thủ phạm chính là chính quyền, thì nay người dân lại phải chịu trách nhiệm chính cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Điều này, trong một nền pháp trị, là không công bằng. Người ta cần phải thấy cán bộ nhà nước bị trừng phạt trước khi họ bị trừng phạt. Những anh dân phòng, trật tự phường, công an phường, cán bộ phường phải bị kỷ luật, cách chức, truy tố ra toà vì vô trách nhiệm trong việc quản lý vỉa hè, ăn tiền đút lót để bỏ qua vi phạm, trước khi chính những lực lượng này xông ra đường đập phá, tịch thu tài sản của người dân.
Người dân có thể khao khát những lãnh đạo mạnh mẽ và được việc trong bối cảnh hệ thống luật pháp đã bó tay trước những vấn đề xã hội đặt ra. Nhưng sau cùng, họ không muốn sự mạnh mẽ đó dẫn đến một xã hội vô pháp.
Người ta nói rằng không khéo ông Hải đã phạm luật.
Nhà báo Trung Bảo cho là cái tinh thần khao khát sự thay đổi làm cho nhiều người ủng hộ ông Hải, nhưng hóa ra lại đi ngược lại với tinh thần pháp quyền mà nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn lên tiếng mong muốn.
Ngày 1 tháng ba, sau hai tuần "quyết liệt" của ông Hải, chủ tịch thành phố là ông Nguyễn Thành Phong lên tiếng nhắc ông Hải rằng phải xử phạt đúng theo qui định, đúng trình tự pháp luật.
Phá bức tường lấn vỉa hè trước văn phòng của Bộ Công Thương tại Sài Gòn hôm 27/2/2017. Courtesy Zing
Tác giả Lê Nguyễn Duy Hậu so sánh hành động của ông Đoàn Ngọc Hải với Lương Sơn Bạc, những tay tướng cướp thời xưa bên Trung Quốc thay mặt vương quyền yếu kém mà hành xử pháp luật.
Khi những hành động Lương Sơn Bạc của ông phó chủ tịch Quận tại Thành Phố Hồ Chí Minh được tung hô và học hỏi thì đồng nghĩa với việc sự vô nguyên tắc, tùy tiện và độc đoán đang được tung hô. Ông Hải là một người kiên quyết, đúng. Ông đang có tâm rất tốt với chiến dịch của mình, không sai. Nhưng cách làm của ông thì thật sự không văn minh. Nó không văn minh vì nó sử dụng biện pháp thời chiến để áp dụng cho thời bình. Ông Hải từ chối mọi đối thoại, sẵn sàng dùng công an trấn áp những người phản đối ông, bất chấp lý lẽ họ là gì. Và miệng ông thì luôn nhắc đến Singapore, Singapore như một cái viễn cảnh đẹp để thu phục lòng người dân, mặc dù không ai biết cái Singapore của ông nó sẽ trông như thế nào.
Sống cả mấy chục năm trong cái lệ đó khiến họ tin rằng đó mới là cái luật họ phải tuân khi. Và khi một ông Hải nào đó xuống làm khác cái lệ, họ bất ngờ, họ phẫn nộ, và họ phản kháng. Âu đó cũng là tự nhiên khi một ai đó quyết định phá bỏ luật chơi.
Đã có những phản kháng sự quyết liệt của ông Hải, và đó chính là nguyên nhân làm cho cấp trên của ông Hải như ông Nguyễn Thành Phong phải lên tiếng.
Luật sư Lê Công Định chỉ trích rất mạnh mẽ rằng ông Hải chỉ có sự nhiệt tình, nhưng không biết gì về luật pháp, và luật sư Định gán cho ông Hải hình ảnh một thủ lĩnh Hồng Vệ Binh, những tay thủ lĩnh người Trung Quốc tuân lệnh chủ tịch Mao Trạch Đông, tiến hành đập phá, bắt bớ, thậm chí giết chóc khắp nơi trên lục địa Trung Hoa thời cách mạng văn hóa.
Hình ảnh những những người thi hành luật pháp kiểu Hồng vệ binh được luật sư Đặng Đình Mạnh gọi là Luật là tao, tao là luật.
Trong suốt chiến dịch tảo thanh vỉa hè của ông Hải người ta thấy hình ảnh ông là một người đàn ông năng nổ, mặc áo sơ mi bỏ ngoài quần, với phong cách rất quần chúng như những bậc tiền bối cách mạng của ông. Nhưng một tai nạn đã xảy ra là tay ông đeo một chiếc đồng hồ rất đắt tiền cũng như chiếc điện thoại mà ông dùng để chỉ huy chiến dịch được biết là loại Vertu rất thời thượng dành cho các đại gia.
Một nhà báo đã gửi thư chất vấn chuyện ông Hải xài đồ đắt tiền, vì rằng theo tính toán với tiền lương công chức phó chủ tịch quận ông khó có thể xài hàng như vậy. Nhà báo đó bị rút thẻ nhà báo với lý do là gửi văn bản không đúng qui trình.
Nhà báo Trung Bảo nói rằng chuyện ông Hải phải trần tình về điện thoại và đồng hồ của ông là một chuyện ông phải làm :
Việc đòi chất vấn một quan chức về món tài sản lớn như vậy là yêu cầu chính đáng của nhà báo. Quan chức phải bị giám sát bởi dư luận khi ông ta dùng những món trang sức vượt xa thu nhập chính thức của mình, nếu ông ta có được chúng từ các nguồn thu nhập hợp pháp khác thì việc lên báo giải bày càng nên chứ sao lại không.
Thê là trên mạng xã hội ông Hải được mệnh danh là Hải Vertu.
Luật sư Đặng Đình Mạnh viết tiếp về chuyện luật pháp, cho rằng dù hành xử bất cứ chuyện gì cũng phải trong khung của luật pháp. Ông phân tích thêm công chúng không nên vì những cảm xúc mà ủng hộ những hành động trái pháp luật, dù rằng nó có được biện minh là để đạt được những điều tốt đẹp đi nữa :
Hôm nay công chức Hải Vertu hành xử vô pháp cho mục đích tốt, công chúng được vuốt ve, mơn trớn cảm giác nên hả hê, không tiếc lời tán thưởng và cởi mở tấm lòng để sẵn sàng dung dưỡng điều vô pháp. Nhưng ngày khác, khi hành vi vô pháp sộc đến tận cửa nhà chúng ta không vì quyền lợi của chúng ta thì chúng ta có gì để bảo vệ mình ? Luật pháp ư, khi chính chúng ta đã từng từ chối để dung dưỡng sự vô pháp ? !
Sự vô pháp không bảo vệ chúng ta ! Chỉ có luật pháp mới bảo vệ chúng ta ! Và thực tế chúng ta cũng chẳng có gì khác ngoài luật pháp là lá chắn duy nhất bảo vệ cho chính mình trước cường quyền.
Vì thế, hãy cân nhắc đi ! Duy tình hay duy lý là tùy lựa chọn của chúng ta ! Một lá chắn bảo vệ chúng ta bằng luật pháp hay chúng ta phải trần như nhộng trước sự vô pháp là do sự quyết định của chúng ta lúc này đấy.
Giữa những xúc cảm ủng hộ ông Hải, và những phân tích duy lý của luật sư Mạnh, người ta lại thấy nổi lên nổi nhớ hoài niệm của blogger Trịnh Kim Tiến, những hoài niệm về gánh hàng rong và tuổi thơ của bao thế hệ người Việt Nam :
Tôi mê mệt những gánh hàng rong từ khi còn bé xíu, thế hệ trước tôi và chính tôi đã được nuôi lớn nhờ những gánh hàng đơn sơ ấy. Tôi từng bực lắm khi thấy cảnh dân phòng và công an kéo lê những quẩy hàng trên phố, từng chửi thề khi thấy những người đàn bà khốn khổ sấp ngửa chạy hàng và đau khổ cầu xin, giành giật từng quả cam, cái ghế. Họ bị xua đuổi, đối xử như những con ghẻ của xã hội vì chính sách công muốn hướng đến sự hiện đại và người ta cho rằng những gánh hàng ấy là hiện thân của sự nghèo nàn, lạc hậu và nhếch nhác.
Ghiền hàng rong nhưng tôi cũng thích sống trong một môi trường tiện nghi và sạch sẽ. Mơ ước được như Singapore là một mơ ước chính đáng của người Việt. Là con người ai mà không muốn được sinh sống ở một xứ sở xanh sạch và an toàn ? Tôi có được quyền tham lam, đòi hỏi cả 2 điều ấy ?
Chúng ta hoàn toàn có thể và còn có thể làm tốt hơn, nhưng phải xác quyết rằng việc kiến tạo đất nước đòi hỏi nhiều chủ thể phải tham gia đóng góp, từ ý kiến cho đến chuyên môn và trách nhiệm chứ không chỉ riêng một thành phần nào trong xã hội. Và trách nhiệm cao nhất trong việc không thể kiến thiết Quốc gia phải thuộc về những người cầm quyền.
Một người phụ nữ khác là Nguyễn Thị Bích Ngà viết tiếp mong muốn của Trịnh Kim Tiến về một xã hội trật tự nhưng vẫn duy trì truyền thống, không phải là không thực hiện được :
Rất dễ. Nhưng, chỉ có thể thực hiện được ở một thành phố, ở một đất nước quan chức tận tuỵ với chức trách và không tham lam, không làm trái luật do chính mình đặt ra và có trách nhiệm giữ gìn luật pháp, kỷ cương. Dễ mà thành khó đối với Việt Nam là vậy bởi lãnh đạo có giữ luật đâu và luật không áp dụng cho lãnh đạo, bảo sao dân không nhờn và cố tình làm sai luật vì coi thường lãnh đạo ngang với coi thường luật.
Bà viết tiếp rằng phải giải quyết cái gốc của vấn đề chứ không phải là cái phong cách đối phó như các vị lãnh đạo thành phố hiện nay. Bà làm người ta nhớ câu chuyện cách đây hơn 10 năm cũng tại thành phố Sài Gòn, phó chủ tịch Nguyễn Văn Đua đã từng ra lệnh đập nhà cao tầng, xóa sổ cả một khu phố của phường 14 quận Tân Bình, và rồi mọi chuyện lại trở lại như cũ, và bây giờ không phải ông Đua mà là ông Đoàn Ngọc Hải.
Kính Hòa, phóng viên RFA
*******************
Dư luận phản ứng chiến dịch giành lại vỉa hè tại Sài Gòn (RFA, 02/03/2017)
Ông Đoàn Ngọc Hải ra hiện trường "lấy lại" vỉa hè cho người đi bộ trên đường Nguyễn Trãi sáng 20/2/2017. Courtesy of news.zing.vn
Phó Chủ tịch Quận 1-thành phố Hồ Chí Minh, ông Đoàn Ngọc Hải cùng đoàn công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị đang ráo riết thực hiện chiến dịch lập lại trật tự đô thị với kỳ vọng biến khu trung tâm Sài Gòn "thành Singapore thu nhỏ". Dư luận đặc biệt quan tâm với những ý kiến trái chiều.
Người dân phản đối
Với tuyên bố "Không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn", ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Quận 1, vào những ngày cuối tháng 2, dẫn đầu đoàn nhân viên xử lý vi phạm trật tự đô thị hùng hậu bắt đầu thực hiện chiến dịch giành lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ mà theo ông công tác xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè trước nay trong khu vực của quận làm không đến nơi đến chốn, chỉ là "bắt cóc bỏ dĩa".
Kế hoạch lập lại trật tự đô thị vừa nêu của ông Đoàn Ngọc Hải được giữ bí mật cho đến lúc "ra quân" vào sáng ngày 20 tháng 2. Hàng loạt công trình lấn chiếm vỉa hè bị dẹp và phá dỡ. Bồn hoa của Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Quận 1 xây lấn ra vỉa hè bị đập. Trụ sở Khu phố 6-Phường Bến Thành nằm chiếm nửa vỉa hè bị bẻ khóa cửa và tháo dỡ. Bức tường trước tòa nhà thuộc Bộ Công thương choán hết vỉa hè cũng bị tháo dỡ. Xe hơi đậu không đúng nơi quy định, kể cả xe biển xanh do nhà nước quản lý, bị xe cẩu kéo đi. Những hàng quán và các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè đều bị tịch thu trong phạm vi sai phạm.
"Có giấy tờ gì đưa xuống để người ta coi thông báo trước. Bây giờ chưa thông báo mà lấy đồ của tôi là sao ?"
Đó là tiếng la thất thanh của một phụ nữ tại tiệm kinh doanh mắt kính khi tủ trưng bày hàng tràn ra vỉa hè gần chợ Bến Thành bị nhân viên của đoàn công tác khiêng đi.
Trước sự phản đối như thế, ông Đoàn Ngọc Hải ra lệnh :
"Bắt đầu từ ngày mai bất kể những hộ này còn lộn xộn thì phải xử lý, một hình thức chống đối người thi hành công vụ".
Trên tinh thần quyết tâm và nghiêm khắc xử lý vi phạm lấn chiếm lề đường, đoàn công tác của ông Đoàn Ngọc Hải làm việc ngày và đếm hơn một tuần qua. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong khen ngợi động thái này và yêu cầu 24 quận-huyện trong thành phố cần nói gương của Quận 1 để lây lại mỹ quan đô thị.
Về phía dân chúng, không riêng người dân tại Sài Gòn mà khắp nơi trên cả nước Việt Nam, đặc biệt theo dõi chiến dịch dẹp vỉa hè của ông Phó Chủ tịch Quận 1 được các cơ quan báo đài cũng như cư dân dân mạng liên tục cập nhật từng diễn tiến một. Rất nhiều người lên tiếng ủng hộ việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải. Một bạn trẻ từ Đà Nẵng chia sẻ với RFA rằng theo dõi thông tin trong tâm trạng thật thú vị :
"Thứ nhất là giữa lời nói và việc làm của ông ta đi đôi với nhau. Thứ hai ông ta không phân biệt chổ buôn bán của người dân và trụ sở của quan chức, vi phạm vỉa hè thì ông ta đều dọn sạch hết. Hiện tại mình vẫn đang chờ kết quả. Mấy ngày hôm nay theo dõi tin thấy rằng có một số báo chí nói ông ta làm việc hơi bị quá tay hoặc phản ứng về việc của ông làm. Tuy nhiên trước mắt, em tán thành việc làm của ông".
Ông Hải sai hay đúng ?
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1, chỉ đạo phá bức tường cao 3 m, chiếm vỉa hè trước cơ quan đại diện phía nam của Bộ Công Thương. Courtesy of baomoi.com
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong số những người ủng hộ ông Đoàn Ngọc Hải bày tỏ sự e ngại kết quả của chiến dịch này rồi đâu cũng sẽ vào đó qua vụ việc Quận 1 trả lại các chốt công an tại Ngân hàng Nhà nước vào tối 27 tháng 2 mà ông Hải ra lệnh cho đoàn liên ngành phá dỡ và cẩu đi trong chiều cùng ngày. Nhiều người lý giải rằng việc dựng lại vọng gác tại Ngân hàng Nhà nước là do Quận 1 phải chịu một áp lực nào đó mặc dù ông Hải khẳng định với truyền thông ông không làm gì sai nhưng trả lại để lấy chổ cho cảnh sát bảo vệ nơi trọng yếu.
Trong suốt thời gian thực hiện chiến dịch giành lại vỉa hè, Đài RFA cũng ghi nhận có một luồng dư luận phản đối mạnh mẽ vì cho rằng ông Phó Chủ tịch Quận 1 đã làm sai luật. Điển hình là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú yêu cầu lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương xem xét sự việc vì lực lượng chức năng của Quận 1 tiến hành tháo dỡ mà không có thông báo. Trao đổi với chúng tôi liên quan việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải là đúng hay sai xét theo quy định của pháp luật, Luật sư Hà Huy Sơn cho biết :
"Theo thủ tục pháp lý thì có quy định về luật xử lý vi phạm hành chính. Tức là trước khi cưỡng chế thì phải có quyết định cưỡng chế. Trước nữa thì phải có biên bản rồi sau đó là quyết định xử phạt. Nếu không tự khắc phục thì người ta sẽ ra quyết định cưỡng chế và sau đó phải có thông báo. Sau một quá trình như thế thì mới có thể mang lực lượng đến phá dỡ được. Còn chuyện ông ấy làm như thế thì rõ ràng ông ấy sai. Bằng chứng là qua việc tài sản ông phá đi, bê đi và ông phải bê lại cái bục. Khôi phục lại như thế thì rõ ràng là sai rồi".
Thế nhưng, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan khẳng định trong cuộc họp báo thường kỳ rằng ông Đoàn Ngọc Hải làm đúng trách nhiệm được giao, thực thi và xử lý vi phạm hoàn toàn căn cứ vào pháp luật.
Mới đây nhất, Bộ trưởng Công an-Thượng tướng Tô Lâm vào ngày 28 tháng 2 chỉ đạo công an phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng để xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm trật tự giao thông.
Để kết thúc phần ghi nhận của Hòa Ái, mời quý vị nghe chia sẻ của người bán hàng rong, một trong những đối tượng chịu tác động trực tiếp từ chiến dịch giành lại vỉa hè của chính quyền ở Sài Gòn, khi đáp câu hỏi rằng có lo lắng cho cuộc sống trong những ngày tới hay không :
"Giờ cũng lo. Lo sợ bị đuổi hoài không bán được. Bán bậy bạ để kiếm sống qua ngày mà bán đâu cũng bị đuổi chứ không có chỗ nào không đuổi".
Hòa Ái, phóng viên RFA