Trong chế độ một đảng, không phải lá phiếu cử tri mà kỷ luật đảng mới là thứ quyết định sinh mệnh chính trị của chính khách.
Trường hợp kỷ luật Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn
Việt Nam là một trường hợp như thế, nơi mà đảng cộng sản cầm quyền trừng phạt đảng viên của họ theo 4 mức kỷ luật : khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.
Trong 4 bước này, từ mức cảnh cáo đến cách chức là một sự thay đổi quan trọng, vậy nên, thuộc thẩm quyền của các cấp ủy đảng khác nhau. Chẳng hạn, theo Điều lệ đảng cộng sản, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có quyền cảnh cáo Ủy viên Trung ương Đảng nhưng cách chức trở lên thì cần sự chuẩn thuận của Ban Chấp hành Trung ương.
Đã từng có một thời gian dài hiếm khi đảng cộng sản dùng mức kỷ luật cách chức đối với cán bộ vi phạm của họ, nhất là với cán bộ cấp cao. Những trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng thường được cho nghỉ bằng hình thức ‘thôi giữ chức’.
Tuy nhiên, thực tiễn ‘giơ cao đánh khẽ’ này thường xuyên bị các cấp ủy đảng lạm dụng để bảo vệ cán bộ sai phạm, nên không khỏi gây hoài nghi trong dư luận về quyết tâm trừng trị sai phạm của đảng cầm quyền.
Có lẽ bởi thế nên từ Quy định 181 năm 2013 đến Quy định 102 năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên đều quy định rằng nếu đảng viên ‘vi phạm tới mức cách chức thì cần phải cách chức, không cho thôi giữ chức’.
Thế nhưng có vẻ như vẫn còn khoảng cách từ nghị quyết đảng đến thực tiễn cuộc sống, thể hiện qua trường hợp kỷ luật Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn mới đây.
Hình thức kỷ luật chính thức mà Trương Minh Tuấn phải chịu là cảnh cáo, cho thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng của Bộ. Chiếu theo Quy định 102 hiện hành có thể đặt ra câu hỏi là sai phạm của Trương Minh Tuấn đã tới mức cách chức chưa ? Nếu chưa thì vì sao lại ‘cho thôi giữ chức’ ? Còn nếu đã tới mức đó thì sao không cách chức theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quy định 102 ?
Hay Bộ Chính trị lo lắng rằng lúc đưa ra Ban Chấp hành Trung ương sẽ không có đủ số phiếu kỷ luật cách chức đối với Trương Minh Tuấn như cái dớp đồng chí X năm nào ? Và rồi số phận Trương Minh Tuấn liệu có giống Đinh La Thăng không khi mà Bộ Chính trị có thể đi đường vòng, không cần thông qua Ban Chấp hành Trung ương, mà dùng công cụ đình chỉ sinh hoạt đảng để khởi tố, kết án rồi dựa vào đó buộc Trung ương phải khai từ theo Điều lệ đảng ? [Dù rằng việc Bộ Chính trị đình chỉ sinh hoạt đảng một Ủy viên Trung ương là trái thẩm quyền theo Quy định 30 năm 2016].
Với tầm quan trọng của kỷ luật đảng trong thể chế chính trị hiện hành, việc công cụ này đang được sử dụng như thế nào có thể thành thang đo đáng tin cậy đối với thời tiết chính trị Ba Đình. Theo đó, có thể nói từ sau Đại hội 12, Bộ Chính trị đang từng bước khuynh loát Ban Chấp hành Trung ương để có tiếng nói quyết định đối với sinh mệnh chính trị của cán bộ cấp cao, nhờ vào hàng loạt các quy chế được sửa đổi theo hướng tập trung quyền lực, kèm theo đó là việc Bộ Chính trị vận dụng linh hoạt - đôi khi tới mức vi phạm - các quy chế mà họ chưa thể sửa được vì còn vướng khuôn khổ mà Điều lệ đảng đặt ra.
Tuy nhiên, chính việc buộc phải đi đường vòng không qua Ban Chấp hành Trung ương một khi muốn chấm dứt sinh mệnh chính trị của cán bộ cấp Ủy viên Trung ương trở lên, Bộ Chính trị cho thấy họ vẫn chưa tự tin hoàn toàn đã kiểm soát toàn diện Ban Chấp hành Trung ương theo kiểu cấp trên-cấp dưới. Nghĩa là, mặc dù xu hướng tập quyền đã tăng lên đáng kể từ sau Đại hội 12, mức độ tập quyền của chính trị nội bộ Việt Nam vẫn còn khoảng cách đáng kể so với Trung Quốc, và bởi thế, mối quan hệ Bộ Chính trị-Ban Chấp hành Trung ương vẫn là một trong những chủ đề phức tạp nhất của chính trị đương đại Việt Nam.
Nguyễn Anh Tuấn
*********************
Ông Trương Minh Tuấn lại làm Phó ban Tuyên giáo (VOA, 28/07/2018)
Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 27/7 công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Trương Minh Tuấn làm một trong những phó trưởng ban của ban này.
Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn - Photo Thanh tra Chính phủ
Quyết định của Bộ Chính trị, bộ phận của đảng có quyền lực lớn nhất trên thực tế, cũng khẳng định ông Tuấn “thôi giữ chức” Bí thư Ban cán sự đảng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông.
Trước đó, hôm 23/7, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Bộ trưởng của ông Tuấn vì ông "có vi phạm, khuyết điểm và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về đảng" hôm 16/7.
Hồi cuối tháng 6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng nói ông Tuấn và một cựu bộ trưởng khác, ông Nguyễn Bắc Son, đã có vi phạm "rất nghiêm trọng" trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone thuộc bộ mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu AVG, một công ty tư nhân.
Theo ủy ban này, các sai phạm của hai ông “làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước”. Hồi tháng 3, thanh tra chính phủ cho rằng vụ mua bán đó “dẫn đến nguy cơ thiệt hại vốn nhà nước hơn 7.000 tỉ đồng".
Nhà văn Phạm Viết Đào, cựu tù nhân lương tâm am hiểu cơ cấu hoạt động của Ban Tuyên giáo, nói với VOA rằng việc ông Tuấn được bổ nhiệm làm phó ban này không phải là diễn biến gì đặc biệt.
Ông Đào, từng là thanh tra chống tham nhũng tại Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, lưu ý rằng quyết định bổ nhiệm vừa rồi thực chất là đưa ông Tuấn về vị trí ông đã từng làm, không phải là bổ nhiệm mới.
Theo ông Đào, động thái này có tính tạm thời, trước khi có thể diễn ra những hành động pháp lý khác đối với cựu bộ trưởng Tuấn, như từng có tiền lệ đối với một cựu quan chức cao cấp khác là ông Đinh La Thăng.
Vào tháng 5/2017, đảng “cho” ông Đinh La Thăng “thôi chức” bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và điều về làm Phó trưởng Ban Kinh tế của đảng, sau khi ông Thăng bị đảng kỷ luật vì những sai phạm từ thời ông còn lãnh đạo một tập đoàn nhà nước.
Cuối năm 2017, ông Thăng bị bắt và sau đó nhận tổng cộng 31 năm tù trong các phiên tòa vào tháng 1 và tháng 3/2018.
Ông Phạm Viết Đào nhận định với VOA rằng ông Trương Minh Tuấn “phải bị truy tố” về các sai phạm, nhưng do ông Tuấn là một ủy viên trung ương đảng, nên các cơ quan pháp luật còn phải chờ đợi một quyết định từ hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ diễn ra cuối năm nay.
***********************
Hai tướng CA đối mặt kỷ luật vì 'vi phạm rất nghiêm trọng' (VOA, 27/07/2018)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 27/7 ra thông cáo nói họ đề nghị Bộ Chính trị “xem xét, thi hành kỷ luật” đối với 2 tướng công an có những vi phạm “rất nghiêm trọng”.
Hai tướng công an Bùi Văn Thành (trái) và Trần Việt Tân (phải) đối mặt với hình thức kỷ luật của Đảng Cộng sản
Một trong hai viên tướng là Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đương nhiệm. Người kia là Thượng tướng Trần Việt Tân, cựu Thứ trưởng Công an.
Trung tướng Thành từng là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần–Kỹ thuật của Bộ Công an, còn gọi là Tổng cục IV.
Theo thông cáo được báo chí trong nước trích dẫn, ông Thành bị quy là “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Tổng cục IV”.
Ngoài ông Thành, năm sĩ quan cấp trung tướng khác nắm các vai trò lãnh đạo khác nhau trong Tổng cục IV cũng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu danh vì họ đã sai phạm “nghiêm trọng” trong quản lý, sử dụng đất an ninh và quản lý tài sản công, bao gồm cả chuyển nhượng quyền sử dụng đất, liên kết kinh doanh, cho thuê đất an ninh không đúng luật.
Ủy ban Kiểm tra nói các ông Lê Văn Minh, Bùi Xuân Sơn, Nguyễn Văn Chuyên, Ksor Nham và Vũ Thuật cần phải bị “kiểm điểm, xem xét trách nhiệm theo quy định”.
Theo cách phân bố quyền lực trong cơ chế chính trị do đảng cộng sản lãnh đạo ở Việt Nam, điều này hàm ý rằng bộ máy đảng tại bộ chủ quản sẽ xử lý 5 viên trung tướng nêu trên, trước khi các cơ quan pháp luật tiến hành các hành động khác.
Thông cáo của Ủy ban Kiểm tra nhấn mạnh rằng sai phạm của Trung tướng Thành và các sĩ quan liên quan “làm thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành công an, gây bức xúc trong xã hội”.
Ủy ban cho biết thêm rằng ông Thành “còn vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và Quy chế làm việc của Bộ Công an”.
Về viên tướng công an thứ hai bị Ủy ban Kiểm tra đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật, lý do được ủy ban đưa ra là trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, ông Trần Việt Tân đã “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Ông Tân nghỉ hưu hồi tháng 3/2016.
Những nguồn thạo tin ở Việt Nam nói việc một loạt tướng công an đối mặt với kỷ luật là do họ dính líu tới vụ đại gia Phan Văn Anh Vũ thao túng các dự án đất đai lớn ở Đà Nẵng trong nhiều năm. VOA chưa thể xác minh độc lập thông tin này.
Ông Phan Văn Anh Vũ, 42 tuổi, còn có biệt danh là “Vũ Nhôm”, đã bị bắt hồi đầu năm nay và sẽ ra tòa về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước” trong một phiên xử kín ở Hà Nội vào hai ngày cuối cùng của tháng 7 này.
Sau phiên tòa đó, ông Vũ sẽ còn ra tòa ít nhất hai lần nữa vì tội “trốn thuế” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đại gia này từng khét tiếng về khả năng thao túng các lãnh đạo cấp cao nhất của Đà Nẵng nhờ mác “thượng tá công an mật”.
Hiện chưa rõ một loạt tướng công an vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật dính líu đến mức nào với “Vũ Nhôm”, nhưng hồi tháng 4 năm nay, Bộ Công an đã bắt một trung tướng nghỉ hưu, ông Phan Hữu Tuấn, vì liên quan đến vụ án của “Vũ Nhôm”.
Ông Tuấn, người từng làm đến chức Tổng cục phó Tổng cục Tình báo của bộ, bị cáo buộc có hành vi “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.
Tương tự ông Tuấn, một cán bộ công an khác có tên Nguyễn Hữu Bách, 55 tuổi, cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.
Bên ngoài ngành công an, cùng thời điểm đó, nhà chức trách đã bắt ông Trần Văn Minh, cựu chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng từ 2006 đến 2011, do có liên quan đến vụ án.
Ông Minh, 63 tuổi, bị cáo buộc đã “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai”.
*******************
Hàng loạt tướng Công an Việt Nam bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại kỳ họp 28 kết luận có sai phạm trong công tác, quản lý ở mức độ từ nghiêm trọng cho đến rất nghiêm trọng. Đáng chú, trong số tướng Công an này có nhắc đến tên Trung tướng Bùi Văn Thành và Thượng tướng Trần Việt Tân mà dư luận thời gian qua nói khá nhiều liên quan đến vụ án đại gia bất động sản ở Đà Nẵng ông Vũ “nhôm”, tức Phan Văn Anh Vũ…
Trung tướng Công an Bùi Văn Thành (ảnh ; VTC News Online)
Vậy là phải đợi thời gian nhiều tháng những lời đồn đoán về Trung tướng Bùi Văn Thành-Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (Tổng cục IV) và Thượng tướng Trần Việt Tân, nguyên Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an bị đưa vào “lò lửa” chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng chính thức thành hiện thực. Một lần nữa, những đồn đoán của dư luận liên quan đến chính sự Việt Nam lại chính xác.
Theo tờ VTC News Online cho biết, từ ngày 24-26/7/2018 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 28 do ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ủy ban Kiểrm tra Trung ương Trung ương) chủ trì kỳ họp. Ở kỳ họp này, Ủy ban Kiểrm tra Trung ương Trung ương đã xem xét các nội dung kiểm tra, kết luận Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục IV, Bộ Công an đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc như ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo ; thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất an ninh và quản lý tài sản công ; bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, liên kết kinh doanh, cho thuê đất an ninh không đúng quy định pháp luật.
Cụ thể đã có hàng loạt tướng Công an ở Tổng cục này bị Ủy ban Kiểrm tra Trung ương Trung ương kết luận có sai phạm mà tờ VTC News Online nêu :
-Trung tướng Lê Văn Minh, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
-Trung tướng Bùi Xuân Sơn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác tham mưu thực hiện quản lý, sử dụng đất an ninh của ngành Công an khi được giao phụ trách lĩnh vực này.
-Trung tướng Bùi Văn Thành cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy.
-Trung tướng Nguyễn Văn Chuyên, Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểrm tra Trung ương Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng ; Trung tướng Ksor Nham, Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểrm tra Trung ương Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng ; Trung tướng Vũ Thuật, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, cần phải tiến hành kiểm điểm, xem xét trách nhiệm theo quy định.
Điểm nhấn của kết luận Ủy ban Kiểrm tra Trung ương Trung ương tại kỳ họp 28, người viết thấy trọng tâm là hướng đến những sai phạm của Trung tướng Bùi Văn Thành. Cá nhân ông Thành bị kết luận đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Tổng cục IV. Ngoài ra qua kiểm tra, Trung tướng Thành còn vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và Quy chế làm việc của Bộ Công an ; ký văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật ; ký một số văn bản không đúng thẩm quyền được phân công phụ trách.
Trong khi những vi phạm của Trung tướng Lê Văn Minh và Bùi Xuân Sơn tại Tổng cục IV bị Ủy ban Kiểrm tra Trung ương Trung ương kết luận là nghiêm trọng thì những vi phạm của Trung tướng Thành bị kết luận là rất nghiêm trọng. Vì vậy, Ủy ban Kiểrm tra Trung ương Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với Trung tướng Thành.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểrm tra Trung ương Trung ương còn đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với Thượng tướng Trần Việt Tân, nguyên Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an vì trong thời gian giữ cương vị ông Tân đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Việc Trung tướng Thành và Thượng tướng Tân bị Ủy ban Kiểrm tra Trung ương Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ngay tại lúc này, khi mà chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày 30-31/7/2018, Tòa án Hà Nội sẽ đưa đại gia bất động sản Vũ “nhôm” tức là ông Phan Văn Anh Vũ ra xét xử trong vụ án làm lộ bí mật nhà nước đã khiến dư luận có nhiều chiều phân tích, chia sẻ bởi có sự trùng hợp hợp ở đây là trong phần kết luận của Ủy ban Kiểrm tra Trung ương Trung ương nhắc đến việc Trung tướng Thành và Thượng tướng Tân có vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Một sự trùng hợp khác là vào thời điểm cận và sau khi Vũ “nhôm” bị bắt trên cộng đồng mạng Internet đã xuất hiện nhiều văn bản “mật”, “tuyệt mật” và “tối mật” liên quan đến việc làm ăn của Vũ “nhôm” có dính dáng đến Trung tướng Thành, Thượng tướng Tân và nhiều tướng lĩnh khác trong Bộ Công an. Cho nên, lời đồn đoán sẽ có nhiều tướng lĩnh Công an chứ không riêng hai tướng Công an này sẽ theo chân Vũ “nhôm” đi vào “lò lửa” do Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng tập trung xuất hiện dồn dập vào thời điểm này.
Vì có khả năng là nhờ những sự “giúp sức” đáng kể này mà Vũ “nhôm” mới thể hiện uy quyền làm chao đảo chính trường Đà Nẵng, thâu tóm hầu hết dự án, nhà và đất công sản ở Đà Nẵng thông qua việc mua bán giá rẻ một cách bất hợp pháp. Ở đây cũng xin nói thêm, cho đến hiện tại đông đảo dư luận vẫn chỉ biết thân phận Vũ “nhôm” là đại gia kinh doanh bất động sản nhưng thắc mắc tại sao lại bị khởi tố và đưa ra xét xử tội “làm lộ bí mật nhà nước”. Rất ít chia sẻ của đông đảo dư luận tin Vũ “nhôm” chính là sĩ quan tình báo của Bộ Công an, người của Tổng cục V. Số ít này lại có cơ sở hơn khi mà vào ngày 17/4/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Tướng Phan Hữu Tuấn, cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục V về hành vi “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” quy định tại điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015 và có liên quan đến những sai phạm của Vũ “Nhôm.”. Đồng thời trong kết luận của Ủy ban Kiểrm tra Trung ương Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Thượng tướng Trần Việt Tân, cũng là người của Tổng cục V. Rõ ràng, thân phận Vũ “nhôm” là người của Tổng cục V hoặc chí ít phải là người có mối quan hệ rất sâu rộng, rất mật thiết với Tổng cục V. Điều này dẫn đến việc đồn đoán cho rằng hàng loạt tướng lĩnh và sĩ quan cấp cao của Bộ Công an nằm Tổng Cục IV và Tổng cục V bị dính đến vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” của Vũ “nhôm” nhưng về phần tướng thì mới thấy có tướng Phan Hữu Tuấn bị khởi tố, bắt tạm giam. Trong khi công cuộc chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đang cho thấy không có vùng giới hạn nhưng quá trình điều tra Vũ “nhôm”, không thấy báo chí Việt Nam nhắc đến tướng Thành, tướng Tân và tướng lĩnh Công an khác có dính đến vụ án Vũ “nhôm” hay là không ? Ở đây có hai trường hợp xảy ra : Trường hợp thứ nhất, những tướng lĩnh Công an này không liên quan đến những sai phạm của Vũ “nhôm”, những văn bản “mật” “tuyệt mật” và “tối mật” tung lên mạng như nói ở trên là không chính xác. Trường hợp thứ hai là, những tướng lĩnh Công an này có liên quan đến những sai phạm trong vụ án Vũ “nhôm” nếu không là bị can thì cũng là người có nghĩa vụ liên quan sẽ phải có mặt tại Tòa vào ngày 30-31/7 sắp tới, ở cấp độ này thì cho thấy vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” này quá nghiêm trọng, tác hại khá lớn cho nên Tòa án Hà Nội xử kín là điều dễ hiểu. Cũng ở trường hợp hai, một khả năng rất nhỏ nhoi có thể xảy ra ở phút chót mà theo suy đoán của người viết là xét vào tình hình hiện tại qua kết luận của Ủy ban Kiểrm tra Trung ương Trung ương kỳ họp 28, Tòa án Hà Nội sẽ hoãn lại phiên xử làm lộ bí mật nhà nước của Vũ “nhôm” vào ngày 30-31/7 tới đây để tiếp tục điều tra tướng Thành, tướng Tân và những tướng lĩnh Công an khác để bổ sung thêm hồ sơ, đúng với tinh thần của công cuộc chống tham nhũng là không có vùng giới hạn đang diễn ra ở thời gian qua.
Trung tướng Bùi Văn Thành sinh năm 1958. Quê quán : xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Ngày 13/8/ 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Công an, phụ trách lực công tác ở Tổng cục IV. Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Quyết định thăng quân hàm từ Thiếu tướng lên Trung tướng.
Quê Hương