Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trẻ em bán vé số (RFA, 16/02/2017)

banveso1

Trẻ em trong độ tuổi đi học bán vé số ở Việt Nam. Ảnh chụp tại Long Xuyên ngày 7/9/2016. AFP photo

Trẻ em cần được chăm sóc, học tập để phát triển đầy đủ về mặt thể chất cũng như trí não. Đó là lý thuyết ; còn trong thực tế nhiều trẻ em ở Việt Nam phải ra đời mưu sinh để nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình.

Dù còn ở độ tuổi cắp sách tới trường, nhiều trẻ em ngày ngày phải lang thang khắp các hè phố lớn nhỏ, mời chào vé số kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Hình ảnh này rất dễ bắt gặp tại những nơi đông đúc như tại quận 5, vì dường như theo các em chỗ càng đông thì càng có nhiều khách.

Cường 14 tuổi, cha đã mất, mẹ em bệnh nặng. Em phải đi bán vé số để kiếm sống để đỡ đần nuôi những đứa em nhỏ phụ với bà ngoại. Đi cùng với Cường là Trung 12 tuổi, hai em cùng nhau lang thang trên những con phố để bán vé số. Trung hiện đang sống cùng ông bà nội, sau khi ba mẹ đã rời bỏ em, Trung chia sẻ :

"Mẹ con bỏ con rồi, ba con ở tù, giờ con sống với ông bà nội".

"Mẹ con về quê chữa bệnh rồi, còn cha con chết, con sống với ông bà ngoại".

Chúng tôi hỏi về cuộc sống hằng ngày của các em thì được chia sẻ :

"Con bán xong con về con nghỉ, ăn cơm, tới chiều đi bán tiếp".

"Còn con đi bán từ sáng đến giờ xong về tắm rửa, 4-5 giờ chiều con đi bán nữa".

Chúng tôi tiếp tục dạo quanh các phố và bắt gặp được một bé gái rất hồn nhiên , chúng tôi tiếp xúc bé và được biết :bé tên Ngọc sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, anh trai của em cũng bán vé số . Em chia sẻ : "Con nghỉ học từ năm lớp 2, đi bán vé số đã 4 năm rồi".

Gặp ba mẹ em đang bán bánh tiêu, mẹ của Ngọc tâm sự rằng cuộc sống gia đình vô cùng vất vả. Vì trước đây làm ăn thất bại nên anh nhà phải đi bán bánh tiêu. Chị còn hai đứa con nhỏ nên phải ở nhà chăm sóc. Đành lòng phải để Ngọc và anh trai đi bán vé số phụ giúp cho anh chị kiếm sống.

Chị chua xót khi kể lại rằng : "Chị còn 2 cháu nữa, anh nó cũng đi bán, trung bình tháng kiếm được mấy trăm à, bán bị gạt hoài, bị giựt. Hiện còn đang nợ tiền đại lý vé số".

Nhìn Ngọc – Trung – Cường đang ở tuổi ăn tuổi học, lẽ ra các em phải được tung tăng trên hè phố cùng bạn bè trang lứa cắp sách đến trường, vui chơi cùng sau những giờ học.

Ước mơ của các em là gì, Ngọc cho biết :

"Được về quê đi học, đi bán bánh tiêu với Ba, không muốn đi học nữa vì giờ cũng quá muộn rồi".

Việt Nam có Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em từ năm 2004. The Điều 5 của luật này việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu".

Thực tế cuộc sống của nhiều cháu nhỏ tại Việt Nam cho thấy luật này vẫn chưa được thi hành đúng đắn.

***************

Việt Nam trao kỷ vật thời chiến cho Mỹ (RFA, 16/02/2017)

banveso2

Bức tường tưởng niệm tại Washington, DC ghi tên những quân nhân Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam chụp hôm 11 tháng 11 năm 2010. AFP photo

Việt Nam vừa trao hiện vật chiến tranh cho phía Hoa Kỳ như là một cử chỉ tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia từng đứng bên hai chiến tuyến trong cuộc chiến trước đây.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát đi hôm nay cho biết việc trao cho phía Mỹ hiện vật trưng bày trong bảo tàng Việt Nam liên quan đến tù nhân chiến tranh người mất tích trong khi làm nhiệm vụ trước đây được diễn ra sau cuộc gặp hôm thứ hai giữa phó giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người Mất tích, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, trung tướng Mark Spindler, với giám đốc Văn phòng Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam, đại sứ Lê Thanh Tùng ở Hà Nội hôm thứ hai 13 tháng 2 vừa qua.

Trung tướng Mark Spindler cho hay Cơ quan mà ông hiện phụ trách trông cậy nhiều vào sự hợp tác với phía Văn phòng Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam để có thể tiến hành nhiệm vụ nhân đạo được giao phó.

Published in Việt Nam