Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bốn tháng đầu năm : Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung đạt mức kỷ lục

RFA, 19/05/2021

Trong bốn tháng đầu năm nay, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đã lên tới mức kỷ lục là17,6 tỷ USD. Đây là mức thâm hụt cao nhất trong vòng ba năm qua. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 19/5.

tqvn1

Các container hàng của Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh chụp ngày 20/2/2020. Ảnh : Reuters

Tin trích nguồn Tổng cục Hải quan Việt Nam cho hay con số thâm hụt thương mại nói trên của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2021 đã tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm 2020 và hơn 665% so với cùng kỳ năm 2019.

Xét về tổng kim ngạch nhập khẩu, trong bốn tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh, đạt 33,9 tỷ USD, tăng hơn 11 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và hơn 20 tỷ USD so với năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 16 tỷ USD.

Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, máy móc, thiết bị và phụ tùng là các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, với kim ngạch đạt 7,45 tỷ USD, tăng gần ba tỷ USD so với năm trước. Đứng thứ hai là máy vi tính, linh kiện với kim ngạch hơn 6,3 tỷ USD, tăng gần ba tỷ USD so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, nguyên liệu dệt may và dày dép đã tăng trưởng mạnh trong số các nguyên phụ liệu nhập khẩu, sử dụng cho sản xuất trong nước. Kim ngạch nhập khẩu sợi từ Trung Quốc lên tới 2,68 tỷ USD, tăng 680 triệu USD, trong khi đó kim ngạch nguyên liệu may mặc và da đạt một tỷ USD, tăng hơn 300 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Theo giới chuyên môn, mức tăng các loại nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may, da giày cho thấy đà hồi phục của các doanh nghiệp dệt may, da giày sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu lớn cũng cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nặng nề của Việt Nam vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc.

Việc Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc trong việc nhập khẩu các sản phẩm máy vi tính, linh kiện và điện thoại, chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch nhập khẩu, cũng được giải thích là vì hầu hết các tập đoàn lớn có mặt tại Việt Nam như Samsung, LG, Panasonic hay Foxconn đều có nhà máy sản xuất nguyên liệu, linh kiện cỡ lớn tại Trung Quốc. 

RFA, 19/05/2021

********************

Bốn tỉnh biên giới Việt Nam tiếp tục hợp tác với Vân Nam Trung Quốc

RFA, 18/05/2021

Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu của Việt Nam và Vân Nam của Trung Quốc tổ chức hội nghị trực tuyến hôm 18 tháng 5. Mục đích hội nghị được cho biết nhằm đánh giá kết quả hợp tác thời gian qua và đề ra kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.

tqvn2

Hội nghị trực tuyến Bí thư bốn tỉnh biên giới của Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tại Thành phố Lào Cai. Photo : nhandan.com.vn

Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, đây là lần đầu tiên, bốn tỉnh biên giới Tây Bắc của Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc tổ chức Hội nghị giữa các Bí thư Tỉnh ủy. Hội nghị được tổ chức tại thành phố Lào Cai, Tỉnh ủy Lào Cai.

Ngoài việc đánh giá những kết quả hợp tác giữa các địa phương trong thời gian qua, hội nghị còn tập trung vào những vấn đề tồn tại cần tập trung giải quyết thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Tống Đào, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc cho rằng, hội nghị được tổ chức góp phần giữ gìn, củng cố tình hữu nghị, phát huy lợi thế của các địa phương hai bên ; thúc đẩy giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa các địa phương hai nước.

Ông Lê Hoài Trung, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam bày tỏ mong muốn thời gian tới hai bên sẽ xây dựng mô hình phối hợp, gắn kết hơn nhằm khai thác, tận dụng có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, sự ổn định, phát triển và phồn vinh chung của hai nước.

Kết thúc hội nghị, hai bên đã ký kết Biên bản Hội nghị giữa Bí thư bốn tỉnh Tây Bắc của Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Thống nhất tiếp tục thực hiện tốt ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các biên bản phiên họp của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Hai bên cũng đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức Hội nghị lần thứ hai vào quý 1 năm 2022.

********************

Gần 200 lao động Trung Quốc làm việc không phép tại Tây Nguyên

RFA, 18/05/2021

Khoảng 200 lao động và chuyên gia Trung Quốc chưa có giấy phép nhưng vẫn đang làm việc tại các dự án điện gió tại các tỉnh Đắc Lắk, Đắc Nông và Kon Tum. Báo nhà nước Việt Nam đưa tin trong hai ngày qua.

tqvn3

Công nhân đi làm về từ nhà máy gang thép Formosa ở Hà Tĩnh hôm 3/12/2015 - AFP

Tin cho biết, tại Đắc Lắk, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh này phát hiện 69 lao động, chuyên gia Trung Quốc chưa được cấp phép nhưng đã đang làm việc ở bốn dự án nhà máy điện gió tại huyện Krông Búk, bao gồm : Dự án Nhà máy điện gió Krông Búk 1, Dự án Nhà máy điện gió Krông Búk 2, Dự án Nhà máy điện gió Cư Né 1 và Dự án Nhà máy điện gió Cư Né 2.

Giới chức tỉnh Đắk Nông phát hiện 102 người lao động người Trung Quốc đang làm việc tại Dự án điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 thuộc huyện Đắk Song nhưng chỉ có duy nhất một người được cấp phép lao động.

Tại Kon Tum, 28 lao động Trung Quốc đang làm việc tại một nhà máy điện gió tại huyện Đăk Glei cũng chưa có giấy phép lao động.

Một số chủ đầu tư của các dự án nói trên cho biết họ đã có văn bản gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị hướng dẫn việc cấp phép cho các chuyên gia, lao động Trung Quốc đến địa phương để thực hiện dự án nhưng vẫn còn đang chờ Sở hướng dẫn để hoàn tất thủ tục. Trong khi đó, Sở Lao đông Thương binh và Xã hội lại đổ lỗi cho các chủ dự án nộp chưa đủ hồ sơ giấy tờ.

Việc để lao động Trung Quốc vào làm việc không có giấy phép đang làm dấy lên lo lắng trong công luận, đặc biệt trong bối cảnh tình hình Covid diễn ra phức tạp.

Trước đó, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Việt Nam đã đề xuất chính quyền các tỉnh thành cân nhắc việc trục xuất lao động nước ngoài làm việc không có giấy phép hoặc những người không tuân thủ các quy định định về xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài ở Việt Nam.

*******************

Lào Cai : 5 người bị bắt vì đưa 200 người Trung Quốc xuất nhập cảnh trái phép

RFA, 18/05/2021

Công an tỉnh Lào Cai hôm 18/5 cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam năm người bị xác định đã giúp khoảng 200 người Trung Quốc xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới ở địa phương.

tqvn4

Bà Giàng Mỉ và ông Vũ Minh Toàn tại cơ quan điều tra - Courtesy of Công an Lào Cai

Truyền thông Nhà nước cùng ngày cho biết, nhóm người này đã tổ chức đưa 90 lượt xuất nhập cảnh trái phép qua địa phận thôn Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai từ ngày 13 đến 20/4/2021.

Cơ quan điều tra xác định bà Giàng Mỉ (sinh năm 1990, trú xã Bản Lầu) là người cầm đầu đường dây này. 

Ngoài ra, ông Vũ Minh Toàn (sinh năm 1998, trú tại xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) là người cầm đầu đường dây ở phía Trung Quốc. Ông Toàn bị bắt khi đang trốn ở Lào Cai hôm 23/4. Hai người liên lạc với nhau qua WeChat và mỗi lượt đưa khách thành công, Toàn trả cho Mỉ 3 triệu/người.

Bà Giàng Mỉ bị nói liên lạc thêm ba người khác để dò đường, cảnh giới, giúp đưa người Trung Quốc trái phép vào Việt Nam. Mỗi lượt đưa người trót lọt, bà Mỉ trả cho những người này từ 600 ngàn đến một triệu đồng/khách.

Ông Lý Chừ bị xác định là một trong nhóm ba người nói trên. Ông này là cán bộ tổ tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch cùng lực lượng biên phòng nên biết rõ lịch sinh hoạt của an ninh biên giới.

Trong diễn biến liên quan, bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng cho biết vừa bắt được 36 người Trung Quốc tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong 2 ngày 16 và 17/5.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, công an địa phương hôm 18/5 cho biết, đang điều tra vụ ba người nước ngoài nhập cảnh trái phép, trú tại chung cư Rivergate, Quận 4. 

Cơ quan điều tra nói những người nước ngoài này không có giấy tờ tuỳ thân lẫn hộ chiếu. Báo Nhà nước không nói những người này thuộc quốc tịch nước nào nhưng cho biết nhập khẩu vào Việt Nam từ cửa khẩu phía Bắc.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa những người nước ngoài nói trên đi cách ly theo quy định.

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam