Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vấn đề liêm chính tại Việt Nam

Vào cuối tháng 10/2023, dư luận xôn xao khi báo chí nhà nước đăng tải thông tin về một ‘báo cáo vi phạm liêm chính khoa học của Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Công Hướng’ đã được gửi đến hội đồng ngành toán của Quỹ Nafosted và nhiều cơ quan, cùng nhiều nhà khoa học.

banbai01

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Công Hướng - Ảnh : Thương Nguyễn / Tuổi Trẻ online

Theo nội dung báo cáo, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Công Hướng trước đây là giảng viên cơ hữu của Trường đại học Quy Nhơn. Nhưng theo thống kê của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ - MathSciNet, tác giả Đinh Công Hướng có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 13 công trình đứng tên Trường Đại học Tôn Đức Thắng và bốn công trình đứng địa chỉ của Trường Đại học Thủ Dầu Một.

Thành tích và thành tựu

Sau những lùm xùm liên quan đến tố cáo vi phạm liêm chính học thuật, mới đây Tiến sĩ Hướng đã đưa đơn xin rút khỏi Hội đồng Khoa học ngành Toán.

Có ý kiến về sự vụ liên quan đến Tiến sĩ Hướng, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, giảng viên Khoa xây dựng thủy điện thủy lợi Đại học Bách khoa Đà Nẵng, hôm 15/11 nói :

"Theo tôi nhận xét vấn đề này, vị giáo sư đó (Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Công Hướng - pv) bán nhưng vẫn để tên ổng, chứ không phải để tên người khác đứng tên. Nhưng thay vì để tên ổng với cơ quan công tác là Đại học Quy Nhơn, thì ổng lại để Đại học Tôn Đức Thắng hay đại học gì đó. Tôi cho rằng việc này không nghiêm trọng gì hết, thay vì ổng để tên trường này, thì để tên trường khác và trường khác phải bồi dưỡng cho ổng. Cái trường đó mang tiếng thôi, chứ ông này không mang tiếng gì cả. Khi nào mà ổng để tên bài của ổng mà người khác đứng tên, tức là ông bán công trình của ổng mới nói. Nên tôi thấy cũng chả có vấn đề gì, chỉ là vấn đề là cái trường đó họ muốn có thành tích".

Mặc dù vậy, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng khẳng định, hiện nay giáo dục Việt Nam có rất nhiều tiêu cực :

"Tiêu cực thì đầy dẫy, tôi biết rất nhiều, nhưng không thể nói được, vì mình không thể bẻ gậy chống trời, mình mà nói ra là nó ném đá mình chết. Tụi tôi biết giới khoa học Việt Nam hoạt động như thế nào, nhất là chuyên ngành của tôi thì tôi nắm trong tay mình, biết lực lượng nào, người nào làm cái gì trong ngành của mình… nhưng không thể nói được".

Trả lời với truyền thông sau nhiều tranh cãi liên quan đến mình, ông Hướng xác nhận, ông có 69 bài báo thuộc ISI/Scopus, trong đó có 15 bài đứng tên Đại học Tôn Đức Thắng và sáu bài Đại học Thủ Dầu Một. Ông cũng cho biết những bài này đều công bố trước khi ông công tác tại Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Công Hướng đồng thời nói rõ khi đang là giảng viên cơ hữu của Trường đại học Quy Nhơn, thì ông đã ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với hai Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Thủ Dầu Một.

Đi ngược tiêu chuẩn liêm chính cơ bản

Nhìn nhận tình hình thực tế liên quan đến giảng dạy, nghiên cứu tại Việt Nam trong thời gian gần đây, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nguyên là giảng viên đại học Liège - Bỉ, từng có hơn 15 năm làm việc trong ngành giáo dục tại Việt Nam, hôm 15/11 nói với RFA :

"Tôi cũng lăn lộn với đại học Việt Nam và tôi cũng có thấm thấu những sự việc, những tình trạng xảy ra cho các sinh hoạt đại học, đặc biệt các sinh hoạt của các nhà nghiên cứu ở Việt Nam. Tôi cho rằng cái ông giáo sư đó (Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Công Hướng - pv) đã làm, đều do tình trạng học thuật Việt Nam mất đi những cơ sở căn bản của tính trung thực, của liêm chính khoa học".

Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, sự việc có tính chất rất trầm trọng, bởi vì nó gần như phát triển và không có gì dừng lại được. Ông nói tiếp :

"Có một số trường đại học lớn ở Việt Nam đã mua những bài công bố của các giáo sư, các nhà khoa học… không ăn nhập gì với trường mình, chỉ cần thấy cái tên có cộng tác, nhưng trên thực tế chưa bao giờ thăm trường. Thế mà họ đã làm được như vậy và họ đã nâng cao được uy tín của trường mình, để được đánh giá cao bởi một hành động thiếu liêm chính, một hành động có thể nói là lừa đảo. Cái đó đã xảy ra không chỉ ở một trường lớn ở Sài Gòn, mà còn một trường khác ở Đà Nẵng và từ đó nó xuất hiện ở nhiều nơi".

Với trường hợp của Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Công Hướng, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, một nghiên cứu sinh ở Na Uy khi trả lời RFA hôm 15/11, cho rằng, nếu nhà nghiên cứu có hợp đồng hợp tác nghiên cứu hay giảng dạy với một hay nhiều đại học thì khi công bố bài báo, bài báo ghi các cơ sở làm việc của nhà nghiên cứu thì đó là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, theo ông Vũ, nếu một nhà nghiên cứu không có những hợp đồng làm việc với các trường đại học mà vì một lý do nào đó để tên của các trường đại học vào các bài báo của mình để xuất bản thì dù bất kể lý do gì nó cũng đi ngược lại những tiêu chuẩn liêm chính cơ bản của học thuật. Tiến sĩ Vũ nói tiếp :

"Nếu một trường đại học tham gia vào một vụ việc như vậy nó chỉ chứng tỏ một điều rằng trường đó chỉ muốn mua bài để nổi tiếng chứ không phải là đầu tư nghiêm túc vào học thuật. Một việc làm như vậy của bất kỳ trường đại học nào cuối cùng cũng sẽ bị đánh giá bởi cộng đồng học thuật".

Ở Việt Nam, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, khi văn hóa nghiên cứu và học thuật chưa được hình thành một cách rõ nét và theo thông lệ quốc tế, trường hợp các trường đại học mua bài của các nhà nghiên cứu không phải là chuyện hiếm. Ông nhận định thêm :

"Về lâu về dài, các trường đại học Việt Nam cũng phải đi theo tiêu chuẩn chung của thế giới, đó là mời các nhà nghiên cứu về hợp tác làm việc và tài trợ cho các nghiên cứu của họ để từ đó các trường đại học hãnh diện có tên trong các xuất bản của những nhà nghiên cứu, nhưng điều quan trọng hơn nữa đó là những nhà nghiên cứu này sẽ giúp lan toả văn hóa nghiên cứu khoa học".

Nguồn : RFA, 15/11/2023

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam

Một lần nữa những lùm xùm xung quanh việc xét ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2022 lại khiến dư luận bàn tán xôn xao khi truyền thông đăng tải thông tin nhiều ứng viên xét giáo sư, phó giáo sư trước đó đã đăng bài trên tạp chí quốc tế giả mạo.

khoahoc0

Một ứng viên nhận giấy chứng nhận Phó giáo sư trong một buổi lễ được tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội trước đây. AFP Photo.

Giáo sư Ngô Việt Trung khi trả lời báo Nhà nước vào ngày 18/2/2022 cho biết đã đề nghị Hội đồng cho rà soát lại việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư ở các Hội đồng ngành vì có biểu hiện vi phạm liêm chính khoa học.

Trường Đại học Thủ Dầu Một cùng thời điểm đó cũng cho biết, số lượng bài báo đăng ở các tạp chí phi pháp, giả mạo ở nước ngoài trong hồ sơ ứng viên năm 2021 cũng bị phát hiện trong hồ sơ ứng viên nhiều ngành như Tâm lý học, Luật học, Y dược, Kinh tế…

Trước đó, vào tháng 10 năm 2020, truyền thông Nhà nước đã đăng tin cho biết có 31/40 ứng viên Giáo sư, Phó giáo sư bị tố cáo khai gian bài báo khoa học để qua mặt Hội đồng xét duyệt. Trong đó bao gồm các ứng viên ngành Y và một ứng viên ngành Hóa học - Công nghiệp thực phẩm.

Vào năm 2018, Hội đồng chức danh Giáo sư đã phải hoãn, không xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư của năm đó với lý do tương tự.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nguyên Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA 23/2 cho biết, vấn đề học hàm và học vị ở VN trong 10 năm qua đã trở thành một vấn nạn mà xã hội lên tiếng rất nhiều. Đó là bệnh sính bằng cấp, ai cũng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ... và sau đó là cuộc chạy đua giành học hàm giáo sư, phó giáo sư.. Liên quan việc hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư đăng bài ở tạp chí mạo danh, ông Phúc nhận định :

"Có điều vô lý là ngay cả những bà giáo sư tiến sĩ, chủ tịch hội đồng học hàm của ngành giáo dục học lại cho rằng vấn đề đó là bình thường, không phải ai cũng biết tạp chí đó là giả hay thật... Theo tôi đó là một câu trả lời ngụy biện, bao che, cá mè một lưới... Thực tế tôi từng thấy một người có học vị giáo sư với yêu cầu bắt buộc phải biết một trong năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Nga, Hoa... thì một chữ bẻ đôi cũng không biết, thậm chí không sử dụng thành thạo máy tính. Đó là sự giễu cợt với nền khoa học, giáo dục của Việt Nam. Một ông thầy toàn giả đứng giảng cho sinh viên thì không biết ở đây là kiến thức gì ? Có tiến sĩ, phó giáo sư mà không phân biệt được kiến thức và tri thức thì tôi nghĩ đó là học giả, bằng thật".

Vị giáo sư cho rằng vấn đề vừa nêu là bình thường, không phải ai cũng biết tạp chí đó là giả hay thật... mà nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhắc đến là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Giáo dục học. Khi trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 23/2/2022, bà Lộc đã cho rằng : "Không phải ứng viên biết tạp chí giả mạo mà vẫn gửi đăng, không ai dại dột thế ! Ứng viên đăng bài trên những tạp chí không được công nhận là do không may, không đủ căn cứ quy kết vấn đề về đạo đức".

Tuy nhiên Thạc sĩ Phan Thế Hoài, trong bài viết đăng trên Giáo dục Việt Nam trong cùng ngày đã cho rằng, phải hủy vĩnh viễn hồ sơ của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư gian lận đã được xác minh, chứ không cho rút hồ sơ rồi lại đăng ký năm sau thì mới đủ sức răn đe về liêm chính học thuật.

Về đề nghị những ứng viên giáo sư, phó giáo sư... nếu gian lận trong các bài báo khoa học, thì phải đình chỉ không được xét học vị nữa... Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho biết ông ủng hộ đề xuất này :

"Tôi nhất trí quan điểm này, anh không thể nào lừa dối một lần, rồi nếu không bị phát hiện thì nghiễm nhiên trở thành giáo sư, phó giáo sư... còn nếu bị bắt tại trận thì anh có đủ các lý do tại, bị, thì, mà, là... rồi chờ đợt tiếp nộp hồ sơ. Một nền giáo dục như thế sẽ đẻ ra nhiều quái thai, chỉ có hại cho sự phát triển của nước nhà. Nhìn ra thế giới ai cũng biết rằng lực lượng giáo sư tiến sĩ của VN rất đông, nhưng từ nghiên cứu khoa học đem lại sản phẩm thực tế giúp đất nước thì không có bao nhiêu".

Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, họ chỉ chạy đua để có chức có quyền, để ngồi hội đồng này, hội đồng nọ… để nắm chức vụ này nọ mà thôi. Chứ không nhằm mục đích đam mê khoa học, nghiên cứu... không nhằm mục đích trang bị cho mình kiến thức thật, để đủ sức truyền đạt lại cho thế hệ trẻ.

22222222222222222222

Một ứng viên nhận giấy chứng nhận Phó giáo sư trong một buổi lễ được tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội trước đây. AFP Photo.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một chuyên gia giáo dục Việt Nam, nguyên là giảng viên đại học Liège - Bỉ, khi trả lời RFA hôm 23/2, giải thích thêm về việc này :

"Có một thời gian rất dài ở VN không để ý tới những bài báo quốc tế khi mà tìm cách phong hàm giáo sư, phó giáo sư cho các nhà khoa học Việt Nam. Nhưng VN là một nước mà những giá trị thực khó xuất hiện mà thường là những giá trị ảo, hay những giá trị không hay xuất hiện. Cái này một phần ảnh hưởng từ Trung Quốc, có nghĩa thay vì đăng báo một cách nghiêm túc, thì họ làm một cách rất xằng bậy. Họ tổ chức những tờ báo dỏm để đăng những bài báo không có giá trị, những tờ báo đó lần lần bị phát hiện và dẹp đi, nhưng nó như hoa dại, dẹp cái này lại có cái kia. Thì những nhà khoa học hay không phải nhà khoa học VN không nghiêm túc lại đăng trên những tờ báo đó để tính điểm".

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết ông hiện có tham gia một phong trào của những nhà nghiên cứu trẻ đã tốt nghiệp tại Mỹ, Anh, Pháp, Châu Âu... và lập lên một nhóm gọi là ‘Bảo vệ sự liêm khiết trong khoa học’ để tìm cách giới hạn bớt những tiêu cực như ông vừa nêu.

Trao đồi với RFA từ Sài Gòn hôm 23/2, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già dưới một góc nhìn khác, cho biết nguyên nhân thật sự liên quan vấn nạn này :

"Nguyên nhân căn bản và quan trọng nhất là không có tự do tư tưởng. Chính vì yếu tố này nên tất cả những tiêu chuẩn phẩm chất để được phong giáo sư, phó giáo sư... theo quyết định 37 ban hành năm 2018 của ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng lúc đó... thì tôi cho rằng nó đều mang nặng tính thành tích như cách nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ban tặng ở nhiều lĩnh vực khác như Nghệ sĩ Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân... Trong mắt tôi, học hàm giáo sư không khác gì vật trang sức mắt tiền hơn là trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của một giáo sư…".

Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, ở các nước văn minh thường để việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư cho những nhà chuyên môn thực hiện... Nhưng trong chế độ độc đảng toàn trị ở VN hiện nay thì không thể được. Ông Nguyễn Ngọc Già dẫn chứng :

"Bởi vì đảng cộng sản Việt Nam quy định họ lãnh đạo trực tiếp và toàn diện thì việc phong hàm giáo sư không thể ngoại lệ, nhất là trong lãnh vực tư tưởng. Nên việc đề nghị hủy vĩnh viễn hồ sơ ứng viên giáo sư vi phạm thì tôi nghĩ không có tính khả thi. Theo tôi, việc đề nghị hủy này có lẽ do có những người giáo sư có đủ chuyên môn, phẩm chất... cảm thấy phẫn uất, hổ thẹn khi đứng chung với những người không xứng đáng, nên kêu lên. Chứ tôi cho rằng đó là việc bất khả thi, cho đến bao giờ có tự do tư tưởng thì việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư mới được giản quyết".

Ngày 31 tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo quyết định này, ứng viên phó giáo sư phải là tác giả chính của ba bài báo khoa học, ứng viên giáo sư phải là tác giả chính của năm bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Hội đồng Giáo sư nhà nước sau đó đã ban hành danh mục các nhà xuất bản có uy tín và các nhà xuất bản của top 100 các trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Nguồn : RFA, 23/02/2022

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam