Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quốc hội Việt Nam tranh luận về luật liên quan rượu bia (BBC, 24/05/2019)

Một đại biểu quốc hội Việt Nam gọi dự luật Phòng, chống tác hại rượu, bia là "cực đoan" và nói cách tiếp cận vấn đề "bị sai".

ao2

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên thảo luận.

Đại biểu Dương Trung Quốc được dẫn lời nói : "Theo dõi các phiên thảo luận liên quan đến luật này, tôi cảm nhận được một điều là chúng ta tiếp cận sai, lẽ ra chúng ta phải tiếp cận từ văn hóa.

"Bản báo cáo trình Quốc hội là của Chính phủ, nhưng rõ ràng dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng và có xu hướng hơi biệt lập, thậm chí là hơi cực đoan".

Theo ông Quốc, nên đổi tên thành luật Kiểm soát rượu bia, thay vì luật Phòng chống tác hại rượu bia và khuyến nghị giao Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch soạn thảo thay vì Bộ Y tế.

Trong khi đó, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến nói về sự cần thiết ban hành luật nhằm "đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri về phòng, chống tác hại rượu bia về tai nạn giao thông, bạo lực gia đình và vấn đề sức khỏe lâu dài của người dân".

Phiên thảo luận diễn ra trong bối cảnh có nhiều quan ngại gia tăng các ca tử vong từ tai nạn giao thông do tác động của bia rượu.

ao3

Đại biểu Dương Trung Quốc nói nên đổi tên thành luật Kiểm soát rượu bia, thay vì luật Phòng chống tác hại rượu bia.

Đại biểu Dương Trung Quốc nói không nên "đổ vấy" tất cả cho rượu bia.

"Đồng ý rằng tai nạn giao thông một phần là do rượu bia, nhưng còn có nhiều nguyên nhân khác như đường sá, công tác đào tạo lái xe…".

"Chúng ta cần điều chỉnh hành vi con người chứ không phải điều chỉnh hành vi rượu".

Vị dân biểu thuộc trong số ít phản đối dự luật này cũng nói về nhu cầu bảo vệ ngành sản xuất rượu bia Việt Nam, khi nó là ngành sản xuất gắn liền với rất "nhiều người lao động, nguồn lực cho đất nước".

Trong khi đó Đại biểu Quàng Thị Vân nói về thực trạng rượu bia bị lạm dụng quá mức trong thời gian dài và gây hại cho sức khỏe con người.

Còn Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nói trong bối cảnh Việt Nam đã đang và sẽ ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước thì "việc quy định nội dung này trong luật cần cân nhắc thấu đáo", .

Kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng được dẫn lời "bày tỏ tin tưởng với trách nhiệm của người đại biểu, Quốc hội sẽ sáng suốt khi quyết định thông qua luật này".

******************

Hà Nội : Đoạn đường 720 mét, ‘cõng’ 20 tòa chúng cư chứa 6.000 căn hộ (Người Việt, 23/05/2019)

Con đường Nguyễn Tuân dài vỏn vẹn 720 mét ở Hà Nội đang phải "cõng" 20 tòa nhà chúng cư, chứa 6,000 căn hộ, đang rao bán khiến người ta "choáng váng".

ao4

Các dự án chúng cư trên đường Nguyễn Tuân che hết khoảng không. (Hình : Zing)

Theo báo Zing hôm 23 Tháng Năm, các dự án xây dựng chúng cư ở đây được tiến hành từ nền những nhà máy cũ, tất cả đều không có tiện ích như sân chơi, khuôn viên,…

Báo Zing mô tả : "Các dự án hầu như chỉ là tòa nhà xây sát mặt đường, không có cảnh quan, thế nhưng vẫn được bán với giá cao ngất, khoảng 30 triệu đồng ($1,270/mét vuông) nhờ được quảng cáo có vị trí nằm tại quận Thanh Xuân, gần các trục đường lớn như vành đai 3, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương… Nếu tính toàn khu vực này, số căn hộ có thể lên tới trên 10,000 và chủ yếu nằm ở phường Thanh Xuân Trung. Hiện phường này đang có diện tích khoảng 11.3 hécta".

Vẫn theo báo Zing : "Đường Nguyễn Tuân rộng 21 mét, có đoạn chưa được mở rộng chỉ khoảng 8 mét. Đó là chưa kể nhiều cơ quan công sở, doanh nghiệp, nhà mặt đất vẫn tồn tại dọc đường. Dự trù khi các chúng cư hoàn thành, sẽ có khoảng 25,000 dân sẽ dọn về ở, khiến đường Nguyễn Tuân trở thành điểm đen về giao thông, gây quan ngại về chất lượng sống".

Hồi Tháng Sáu 2018, tờ Tiền Phong dẫn lời Kiến Trúc Sư Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia Công Ty CPG Consultants Singapore, nói : "Đối với Singapore, đất đai là tài nguyên quý nên họ rất tiết kiệm trong việc sử dụng đất. Với họ gia tăng mật độ là việc không có lựa chọn. Song so sánh với Hà Nội, mật độ ở Hà Nội vẫn cao gấp đôi Singapore mặc dù Hà Nội xây nhiều nhà thấp tầng, còn ở quốc đảo này có nhiều nhà chọc trời".

ao5

Chúng cư mọc lên san sát từ nền những nhà máy cũ trên đường Nguyễn Tuân. (Hình : Zing)

Blogger An Mai bình luận bên dưới bài báo của tờ Zing : "Tôi thấy rất rất nể vị nào đã cấp phép xây dựng khu này. 25,000 dân mà cứ đổ ra đường lúc sáng và đổ về nhà lúc chiều tối thì còn kinh khủng hơn khu nhà ông Thản ‘điếu cày’ ["đại gia địa ốc Lê Thanh Thản được cho là chuyên xây chúng cư "giá rẻ"]. Sự đã rồi, để xem thành phố xử lý thế nào".

Hồi đầu năm 2017, ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội từng được một loạt báo nhà nước dẫn phát ngôn : "Chúng ta phải trả giá vì đã quy hoạch băm nát Hà Nội. Quy hoạch thành phố đang có phần chệch hướng, không minh bạch dẫn tới những con đường "uốn lượn".

Tuy vậy, tính từ thời điểm đó đến nay, người ta không thấy ông Chung có những quyết sách gì để thay đổi hiện trạng. Vị lãnh đạo Hà Nội nay có lẽ không còn thời gian để bận tâm chuyện các tuyến đường quá tải chúng cư vì ông đang bị dính một loạt cáo buộc : Bảo kê cho Nhật Cường Mobile, tạo điều kiện cho ông Bùi Quang Huy, chủ doanh nghiệp này bỏ trốn trước khi có lệnh bắt ; Chỉ định siêu thị Minh Hoa do con trai đứng tên chủ sở hữu được độc quyền cung cấp hóa chất cho thành phố Hà Nội… (T.K.)

***************

Bắt 6 tấn vảy tê tê tại Cảng Cái Mép (RFA, 24/05/2019)

Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Cái Mép ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vào chiều ngày 23 tháng 5 cho biết họ phát hiện được hơn 5 tấn vảy tê tê trong hai container nhập từ Nigeria về Việt Nam qua cảng này.

ao6

Vảy tê tê bị tịch thu ở cảng Cái Mép, Bà Rịa - Vũng Tàu hôm 23/5/2019 - Photo by Báo Hải Quan

Reuters loan tin ngày 24 tháng 5 dẫn nguồn từ chính phủ Việt Nam. Theo đó số vảy tê tê được giấu trong hai container bên ngoài ghi mặt hàng được vận chuyển là hạt điều.

Như thế đây là vụ bắt giữ buôn lậu vảy tê tê vào Việt Nam với số lượng lớn thứ hai chỉ trong vòng 10 ngày.

Vào ngày 15 tháng 5 vừa qua, Tổng Cục Hải quan thông báo Đội Kiểm Soát Chống Buôn lậu Khu vực Miền Bắc tại Hải Phòng bắt được hơn 8 tấn vảy tê tê. Cụ thể số vảy tê tê này được vận chuyển từ Châu Phi trên tàu Mia Schulte về cảng VIP Green ở Hải Phòng từ ngày 22 tháng 3. Đơn vị nhận hàng theo vận đơn là Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Giao Nhận Quốc Tế Hòa Bình tại Hà Nội.

Lô hàng gồm 311 bao đựng vảy tê tê tổng trọng lượng 8,3 tấn được đóng trong một container 20 feet. Phía ngoài các bao tê tê được ngụy trang với 120 bao đựng hạt muồng.

Reuters dẫn lời Ông Nguyễn Văn Thái, giám đốc tổ chức Save Vietnam’s Wildlife, đưa ra vào tháng 12 năm ngoái rằng hầu hết số vảy tê tê bắt được tại Việt Nam có xuất xứ từ Châu Phi và địa chỉ cuối cùng là Trung Quốc.

Việt Nam hiện là điểm trung chuyển lớn trong khu vực các sản phẩm động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng như tê giác, hổ…

Published in Việt Nam