Luật sư trả thẻ nếu phải tố giác thân chủ (VOA, 05/06/2017)
Các luật sư và nhiều người Việt Nam đang phản đối dự thảo sửa đổi một điều trong luật hình sự đòi luật sư tố cáo thân chủ nếu biết người đó phạm tội nghiêm trọng. Có những luật sư nói sẽ trả thẻ hành nghề cho liên đoàn luật sư nếu điều khoản sửa đổi được thông qua.
Thẻ luật sư Việt Nam
Dự thảo sửa đổi khoản 3 của điều 19 trong Bộ luật Hình sự 2015 viết : "...Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điều 389". Có tới 80 tội danh trong danh sách những tội đặc biệt nghiệm trọng.
Vấn đề này được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Việt Nam cách đây hơn một tuần, từ đó đến nay đã có nhiều phản ứng bức xúc từ giới luật sư lẫn nhiều người trong công chúng.
Sau khi nhiều luật sư đã bày tỏ quan điểm riêng trên cả báo chí chính thống lẫn trên mạng xã hội, hôm 4/6, khoảng 40 luật sư đã tổ chức tọa đàm tại trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam ở Hà Nội.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng ở Hà Nội, cho VOA biết cuộc tọa đàm có mục đích thu nhận các ý kiến để gửi một kiến nghị "một cách tích cực" lên quốc hội, đề nghị xem lại dự thảo về khoản 3 điều 19 Bộ luật Hình sự.
Theo ông Hướng, việc buộc luật sư tố cáo thân chủ là "hoàn toàn không đúng với tôn chỉ, mục đích của nghề". Ông phân tích thêm về những điểm bất hợp lý :
"Nó cũng không phù hợp với bản Hiến pháp 2013 của Việt Nam. Mục tiêu của Hiến pháp là bảo vệ quyền con người. Quyền bào chữa và quyền được bào chữa là quyền của con người. Trên góc độ về khoa học pháp lý, chưa bao giờ vai trò của người bào chữa lại đi làm cùng một hướng với người thú tội. Và chúng tôi cũng có tìm hiểu luật của những nước đi trước, đã hoàn thiện, thường thường người ta chỉ điều chỉnh vai trò luật sư chỉ đưa vào quy tắc mẫu về đạo đức, chứ điều chỉnh hẳn bằng luật hình thức của hình sự thế này thì rõ ràng là không phù hợp".
Tại cuộc tọa đàm, luật sư Đinh Việt Thanh, cũng thuộc Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, đã yêu cầu những luật sư đang là đại biểu quốc hội và lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt nam "tìm mọi cách thuyết phục" quốc hội không thông qua điều luật dự thảo đang gây tranh cãi
Ông Thanh tuyên bố nếu quốc hội vẫn thông qua điều luật được gọi tắt là 19.3, ông sẽ trả thẻ hành nghề cho liên đoàn vì ông không muốn "làm điều thất đức". Những người có mặt tại buổi tọa đàm cho VOA biết rất nhiều luật sư đã vỗ tay sau khi ông Thanh phát biểu. Có những luật sư cũng khẳng định sẽ làm như ông.
Luật sư Thanh nói rõ thêm về chính kiến của ông :
"Đoàn luật sư đại diện cho tôi. Nếu đoàn không bảo vệ được tôi thì tôi trả lại cho đoàn cái thẻ đoàn đã cấp cho tôi. Phản ứng của tôi là phản ứng đối với tổ chức nghề nghiệp của tôi. Đương nhiên khi nhà nước thông qua [điều 19.3], tôi thấy không phù hợp với tôi. Nếu pháp luật bắt buộc phải tham gia một đoàn luật sư thì mới được hành nghề luật sư, thế thì bây giờ tôi trả lại cho đoàn, có nghĩa là thôi. Nếu như vậy thì tôi hoạt động làm gì nữa, bởi vì cái điều đó mang lại rất là nhiều rủi ro cho tôi. Vì là luật sư, tôi nghĩ rằng mình phải có ý chí của mình. Mình không thể im lặng".
Giới luật sư cho rằng nếu điều 19.3 được thông qua, đó sẽ là một "bước thụt lùi" trong nền tư pháp Việt Nam, dù trong hơn một thập niên trở lại đây hệ thống pháp luật Việt Nam được giới luật sư đánh giá là "đã hoàn thiện tương đối tốt".
Trong các thảo luận trên mạng xã hội, một số người nêu ý kiến các luật sư có thể nộp đơn kiện chống lại điều luật mới, nếu nó được thông qua, với lập luận rằng nó trái Hiến pháp.
Tuy nhiên, luật sư Hoàng Văn Hướng không lạc quan về khả năng này :
"Không thiết thực vì ở Việt Nam chưa có tòa Hiến pháp. Chắc chắn là không làm được. Không có phương pháp tài phán đối với cái vi hiến như thế này".
Theo các luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần đăng ký một cuộc gặp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thậm chí có thể mời các nhà khoa học tham gia, để phân tích và thuyết phục phía Quốc hội cân nhắc.
Các luật sư khẳng định nếu so sánh với hầu hết các hệ thống luật pháp trên thế giới hiện nay, sẽ thấy việc ép luật sư phải tố cáo hành vi phạm tội của thân chủ là "lạc lõng" và "phi lý".
Họ nhấn mạnh rằng trong rất nhiều hệ thống tư pháp nước ngoài, việc trao đổi thông tin giữa luật sư và thân chủ được bảo vệ bởi "đặc quyền của mối quan hệ giữa luật sư và thân chủ". Đặc quyền này bắt buộc luật sư phải bảo vệ thông tin của thân chủ một cách tuyệt đối.
********************
Quốc hội Việt Nam : Súng kíp, đám ma và khỉ (BBC, 05/06/2017)
Một đại biểu quốc hội Việt Nam, ông Giàng A Chu (Yên Bái) được trích lời nêu ra nhu cầu để đồng bào dân tộc thiểu số "dùng súng để báo đám hiếu" hoặc "đón lãnh đạo về thăm".
Người Hmong tại vùng núi phía Bắc Việt Nam làm việc trên nương - hình minh họa
Ông Giàng A Chu, dân tộc H'mong cho hay đồng bào dân tộc "hiện vẫn dùng tiếng nổ, vũ khí thô sơ trong một số phong tục tập quán và đời sống hàng ngày".
"Chẳng hạn như khi có người chết, đặc biệt là người có uy tín, bà con dùng tiếng súng để báo tin ; khi có lãnh đạo đến viếng thì người dân cũng dùng tiếng súng để báo".
Trong cuộc thảo luận tại diễn đàn Quốc hội về việc dùng vũ khí thô sơ, chất nổ, đại biểu Giàng A Chu, sinh năm 1959 ở Mù Cang Chải, Yên Bái nói :
Khỉ má đỏ bị nhốt tại nhà dân ở Văn Chấn, Yên Bái : loài này sắp tuyệt chủng vì săn bắn quá nhiều
"Nếu Luật cấm người dân dùng vũ khí thô sơ, nay mai nếu già làng, trưởng bản qua đời, bà con dùng tiếng súng để báo trong đám hiếu thì sau đó có khi cả gia đình mấy chục người đi tù hết. Quy định như vậy không ổn".
Ông cũng nói : "Đồng bào có khẩu súng kíp trong nhà là chuyện thường, không gây nguy hiểm cho cộng đồng".
Vị đại biểu Quốc hội còn kể rằng ngày xưa ông đi thăm nương, "nếu không có súng thì phải cầm một cái mõ để gõ, phòng khi có con khỉ xuất hiện, gõ cho nó chạy".
"Đó là con khỉ ở trong rừng, chứ nó chạy ở hội trường này thì đoàn chủ tịch sẽ làm kiểu gì đây ?"
Đề nghị của ông Giàng A Chu được các báo Việt Nam hôm 02/06/2017 trích lời đã thu hút nhiều bình luận trên các trang mạng xã hội ở Việt Nam, gồm cả các ý kiến coi đây là chuyện lạ.
Tuy nhiên, những gì ông Giàng A Chu nêu đã đề cập đến nhu cầu khá quan trọng của nhiều cộng đồng địa phương, nhất là ở các vùng núi, trên thế giới muốn có súng để săn bắn, tự vệ và duy trì tập quán của họ.
Vấn đề súng tại Châu Âu
Sau vụ các tay súng cực đoan tấn công bằng tại Paris tháng 11/2015, Liên hiệp Châu Âu cũng mở cuộc thảo luận tại Brussels về nhu cầu có luật chung bao trùm toàn EU để kiếm soát súng và chất nổ.
Người ta nêu ra nhu cầu thắt chặt nạn buôn lậu vũ khí sát thương cao (tiểu liên AK-47, lựu đạn...) từ vùng Balkans, Liên Xô cũ và Trung Đông vào EU.
Bán đấu giá súng săn tại Gleneagles Hotel hồi tháng 8/2015 tại Auchterarder, Scotland
Nhưng các báo Châu Âu cũng nêu ra rằng, các nước ở Châu lục này có luật khác nhau, không đồng nhất về quản lý súng và chất nổ.
Chuyện lực lượng vũ trang và các cơ quan được ủy quyền dùng súng thì đã rõ nhưng vấn đề là việc quản lý súng mà người dân có thể mua hợp pháp.
Nhìn chung, các nước EU đều cấm thường dân mua bán, tàng trữ và sử dụng súng đạn, chất nổ quân sự (military grade), nhưng cho phép các cộng đồng vùng núi dùng súng săn (hunting guns).
Anh Quốc có luật kiểm soát và cấm súng, chất nổ gần như tuyệt đối nhưng các nước Đông Âu (Ba Lan và Slovakia) lại có luật dễ dãi hơn và công dân có nhu cầu riêng có thể mua súng ngắn để tự vệ.
Nhưng cũng tại Anh Quốc, vùng Bắc Ireland có luật khác, phù hợp với truyền thống của người dân tại đây là thường có súng săn và các loại súng khác.
Theo báo The Guardian, tính đến năm 2012, có chừng 59 nghìn công dân tại Bắc Ireland được cấp giấy phép trang bị các loại súng khác nhau.
Tại Pháp, các loại súng quân sự đã hết sử dụng và bị đổ chì vào nòng có thể được mua bán làm kỷ niệm hoặc để diễu hành (salute guns).
Một số loại súng hơi chỉ gây tiếng nổ (acoustic guns) để dùng trong lễ hội cũng được phép sở hữu và sử dụng tại Châu Âu.
Đây có lẽ là quy định gần nhất với nhu cầu bắn súng kíp để tạo tiếng nổ vì tập quán dân tộc H'mong mà đại biểu Giàng A Chu nêu ra tại Quốc hội Việt Nam.
**********************
Phát triển kinh tế gây ô nhiễm môi trường đáng báo động (RFA, 05/06/2017)
Giới chức môi trường Việt Nam vào ngày 5 tháng 6 tham gia Hội nghị đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững tại khu vực phía nam tổ chức ở Vũng Tàu.
Mật độ giao thông cao cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. AFP photo
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi Trường Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại Hội nghị rằng Việt Nam đang chịu nhiều áp lực lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.
Báo trong nước dẫn lời ông Ngọc cho biết cụ thể cả nước có 67 khu công nghiệp, 532 cụm công nghiệp đang hoạt động chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung, hơn 5000 làng nghề còn sử dụng công nghệ lạc hậu.
Theo ông Ngọc, Việt Nam còn nhiều các cơ sơ có nguy cơ ô nhiễm môi trường đang hoạt động, đặc biệt việc khai thác khoáng sản đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước do khí thải phát sinh trong quá trình khai thác.
Cũng trong buổi đối thoại, vấn đề sửa đổi hoàn thiện Luật Bảo vệ Môi trường được nhắc đến.