Vỡ quỹ hưu đe dọa đến chế độ ? (VOA, 07/02/2017)
Ảnh minh họa
Báo chí Việt Nam hôm 6/2 đưa tin Kiểm toán Nhà nước mới đây đã hoành thành việc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 của cơ quan Bảo hiểm Xã hội.
Cơ quan kiểm toán cho hay trong vòng 30 năm nữa, nhiều quỹ của bảo hiểm Xã hội sẽ bị âm nghiêm trọng. Một chuyên gia kinh tế nói nếu vỡ quỹ lương hưu, điều này có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ cộng sản.
Theo dự báo được báo chí trong nước dẫn lại từ Kiểm toán Nhà nước, vào năm 2031, Quỹ hưu trí-tử tuất có thể bắt đầu rơi vào tình trạng chi nhiều hơn thu, với số chênh lệch là 35.962 tỷ đồng. Mặc dù vậy, đến cuối năm 2031 quỹ vẫn có số dư là 3.848.676 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu chênh lệch thu chi vẫn tiếp tục với cán cân nghiêng về phần chi, đến năm 2047 quỹ hưu bắt đầu mất cân đối và số dư quỹ sẽ là âm 625.540 tỷ đồng.
Tương tự, Quỹ ốm đau-thai sản được dự báo đến năm 2025 chênh lệch thu chi quỹ bắt đầu âm 1.421 tỷ đồng. Sau 10 năm, vào năm 2035, quỹ bắt đầu mất cân đối, số dư quỹ sẽ là âm 24.011 tỷ đồng.
Về Quỹ Bảo hiểm Y tế, số liệu của nửa đầu năm 2016 cho thấy số chi đã vượt quỹ khám chữa bệnh 3.404 tỷ đồng. Với tốc độ chi như vậy, từ năm 2017, Quỹ Bảo hiểm Y tế bắt đầu bội chi hàng năm và phải dùng quỹ dự phòng để bù đắp.
Dự báo đối với năm 2017 là quỹ dự phòng phải bù 14.464 tỷ đồng, năm 2018 phải bù 16.736 tỷ đồng, năm 2019 phải bù 18.354 tỷ đồng. Cuối năm 2019, quỹ dự phòng sẽ hết và âm 144 tỷ đồng.
Theo con số của cơ quan bảo hiểm xã hội, ước tính đến hết tháng 6/2016, có hơn 12,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một chuyên gia kinh tế ở Việt Nam, nói với VOA về tác động trên bình diện rộng nếu việc vỡ quỹ hưu trí xảy ra :
"Nó sẽ có một tác động vô cùng kinh khủng đối với xã hội và cũng có thể gây ra những hậu quả hết sức khó lường. Đến 2047 mà quỹ âm đến trên nửa triệu tỷ đồng, đấy thực sự là một tai họa. Đấy là một hệ quả dễ nhìn thấy, dễ tiên đoán của một hệ thống an sinh xã hội đã hết sức lạc hậu của Việt Nam".
Một phần đáng kể trong những người đóng bảo hiểm xã hội là cán bộ, nhân viên của các lực lượng an ninh, quốc phòng. Theo luật, họ được hưởng những ưu đãi như được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với các ngành nghề khác và hệ số lương hưu cao.
Trong quá khứ, một số sĩ quan đã phát biểu mang tính khuyên răn rằng những người trong hệ thống nhà nước cần trung thành, bảo vệ chế độ để "bảo vệ sổ hưu" hay "còn Đảng còn mình".
Lâu nay đã có những phàn nàn của một số chuyên gia và nhiều người trong công chúng rằng những ưu đãi hưu bổng dành cho các nhân sự của các lực lượng đó là một phần gây mất cân đối quỹ.
Liệu việc vỡ quỹ hưu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lực lượng "còn Đảng còn mình" cũng như chế độ cầm quyền ? Tiến sĩ Quang A, người cũng là nhà hoạt động dân chủ tích cực, đưa ra nhận định :
"Tôi nghĩ rằng chưa cần đến lúc nó vỡ quỹ, có thể là chế độ đã sụp đổ từ lâu rồi. Chỉ cần một lượng mấy trăm ngàn người [mất lương hưu] thôi thì đã có thể bục ra sự xáo động xã hội. Chuyện đấy chưa cần phải đến cái lúc hoàn toàn vỡ quỹ cho đến 2047".
Theo cách nhìn của vị tiến sĩ, nguyên nhân lớn hơn làm cho chế độ đứng trước nguy cơ sụp đổ là họ đã "vay vô cùng nhiều" và "chi tiêu bừa bãi, không hiệu quả". Ông cho rằng tương lai nhà nước bị vỡ nợ là "không xa lắm".
Khi xuất hiện thông tin các quỹ của bảo hiểm xã hội sẽ bị âm trong vài chục năm nữa, trên mạng XH, một số người nêu ra khả năng nhà nước sẽ tính đến các biện pháp cứu vãn như tăng thu qua các hình thức thuế, phí khác hoặc kéo dài độ tuổi làm việc. Về khả năng này, Tiến sĩ Quang A, có ý kiến :
"Họ có thể vá víu bằng những kiểu thí dụ là dâng tỉ lệ đóng góp lên rồi bắt càng nhiều người đóng bảo hiểm, thì nó sẽ kéo dài thêm được một chút cái sự vỡ quỹ đó. Nhưng mà về cơ bản đây là một hệ quả dễ tiên đoán của một hệ thống an sinh xã hội lạc hậu".
Hồi giữa năm 2016, một cán bộ của cơ quan bảo hiểm xã hội nói số người tham gia bảo hiểm xã hội đã tăng thêm khoảng 220.000 người so với năm 2015, tuy nhiên tốc độ tăng như vậy vẫn bị xem là "chậm" và "còn thấp so với yêu cầu đặt ra".
***************************
Mùa xuân qua làng chài biển chết (VOA, 07/02/2017)
Làng chài Lăng Cô nằm ở phía Bắc chân đèo Hải Vân, nơi có bề dày gần ba trăm tuổi với nghề chài lưới và lặn hải sản. Đây từng là một làng chài thịnh vượng, có khả năng cung cấp nguồn cá tốt nhất và ngon nổi tiếng miền Trung. Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một năm, sau sự cố Formosa xả độc ra biển miền Trung, làng chài Lăng Cô-Thừa Thiên Huế có nguy cơ đi vào quên lãng bởi mọi hoạt động đánh bắt bị đình trệ, ngư dân bỏ lưới và mất sinh kế.
Ông Tí, ngư dân trẻ làng chài Lăng Cô-Thừa Thiên Huế, chia sẻ : "Nếu chưa xảy ra sự cố môi trường biển thì như tháng này mình làm sắm Tết trong nhà đầy đủ, không dư nhưng cũng không thiếu. Không đi biển thì mình đi lưới, chài ở đầm. Nhưng từ lúc bị sự cố môi trường biển, làm ăn khó khăn hơn mấy năm. Như mấy năm trước thì giờ mấy anh em đi biển, đi chài hết chứ có đâu ở nhà thế này đâu, thành ra khó đủ thứ".
Một ngư dân tên Tuấn ngậm ngùi : "Như hồi chưa có sự cố môi trường biển thì mấy tháng Tết này chúng tôi lặn về bán được cả mấy chục triệu nhưng giờ ngồi không, không có gì hết trơn luôn".
Ông Thu, một ngư dân khác ở làng chài Lăng Cô, cho biết : "Tết thì giờ không được như ngày xưa. Bởi làm có được đâu mà có gì ăn Tết hay ăn Tết cho vui vẻ được..".
Xuân về Tết đến cũng là mùa đánh bắt khởi niên của làng chài Lăng Cô, nhưng các thợ lặn tôm sú, tôm hùm ở Lăng Cô không hề có động tịnh nào. Khác với nhiều năm trước đây, vào Mồng Hai Tết, cả làng chài sẽ làm lễ khai trương năm đánh bắt bằng cách đưa tàu thuyền ra khơi để lặn tôm hùm, tôm sú và đánh bắt cá. Nhưng từ khi biển bị nhiễm độc đến nay, dường như nguồn hải sản bị cạn kiệt và cái chết vì biển độc của một số thợ lặn ở Hà Tĩnh đã khiến cho các thợ lặn làng chài Lăng Cô cảm thấy lo sợ, không dám xuống nước. Công việc ngưng trệ kéo theo hàng trăm hệ lụy. Tết về, đời sống ngư dân trở nên eo hẹp và ngột ngạt. Mặc dù mọi hoạt động đón Tết vẫn phải diễn ra, nhưng dường như phía sau những hoạt động đón Tết của các gia đình ngư dân là một sự trống rỗng, tuyệt vọng, khó diễn tả thành lời. Bởi thêm một năm bất an và vô định đối với nghề biển đang chờ phía trước.
Ông Tuấn, ngư dân làng chài Lăng Cô-Thừa Thiên Huế, tiếp lời : "Như cá mình nuôi giờ cũng chết, cứ nuôi là chết, lồng cá vứt hết, tiền đâu mà bù nổi, vốn đâu ? Nhà nước bồi thường nếu phát được một lần thì người dân còn có thể dùng để sắm gì đó mà đổi nghề chài, nhưng đằng này họ chia làm mấy đợt, có sắm được gì đâu, mỗi lần phát còn không đủ để ăn thì lấy gì mà, không đủ ăn trước trả sau…".
Dường như các khoản tiền bồi thường nhỏ nhoi, có tính nhỏ giọt bởi chia ra quá nhiều đợt từ phía Formosa và chính phủ Việt Nam đối với ngư dân làng chài Lăng Cô nói riêng, và các làng chài Bắc miền Trung nói chung, không những không giúp ổn định kinh tế mà còn đặt lên vai ngư dân một gánh nặng trong tương lai, khi mà tiền đền bù của Formosa chẳng thấm vào đâu, nghề chài lưới lại tiếp tục khủng hoảng và kinh tế miền Trung cũng khủng hoảng dây chuyền. Tết về trên làng chài Lăng Cô như một dấu lặng, buồn và ảm đạm.