Nhận định về vụ 'xem xét kỷ luật' Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng (BBC, 27/04/2017)
"Diễn biến rất lớn" xảy ra khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.
Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đang là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
Đó là nhận xét với BBC hôm 27/4 của Giáo sư Zachary Abuza, Học viện Quân sự Quốc gia (National War College), Hoa Kỳ.
"Trước đây có vẻ như ông Thăng được cơ cấu cho những vị trí to hơn", ông Abuza nói sau khi hôm 27/4 Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói ông Đinh La Thăng "chịu trách nhiệm người đứng đầu" về các vi phạm, khuyết điểm của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trong giai đoạn 2009 - 2011.
Ông Thăng từng là Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN.
Tiến sĩ Abuza nhận định : "Nhiều vụ xử hay điều tra tham nhũng gần đây liên quan tay chân hay đệ tử của ông Thăng".
"Đây đúng là nguyên tắc của chính trị Việt Nam : Nếu đối thủ quá mạnh, anh nhắm vào người của họ".
"Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sống sót qua các vụ thua lỗ và bê bối tham nhũng còn lớn hơn, nhưng vẫn tồn tại được".
"Ông Dũng có vốn chính trị nhiều hơn, có mạng lưới lớn hơn để vây quanh và bảo vệ ông ta".
"Quan trọng hơn, ông Dũng còn có những đảng viên lão thành bảo vệ, vì tôi đoán họ cho rằng nếu ông Dũng đổ thì sẽ gây hại cho tiến trình và tầm mức cải tổ".
Ông Abuza cho rằng trường hợp ông Đinh La Thăng khác.
Hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng
"Ông Thăng có thể bị cho xuống mà chẳng ảnh hưởng đến tương lai chương trình cải tổ kinh tế. Ban lãnh đạo hiện nay họ quyết tâm có thêm cải cách".
"Đảng Cộng sản rõ ràng lo ngại về tham nhũng. Đó là nhược điểm của Đảng, họ biết".
"Nhưng nếu họ không cho truyền thông có tự do, thì cứ phải dùng biện pháp cổ điển 'rung cây dọa khỉ', tức là chọn vài cá nhân mà chém".
Chuyên gia Zachary Abuza cũng lưu ý Hội nghị Trung ương 5 sắp diễn ra đầu tháng Năm.
"Thời điểm loan báo hôm nay không phải là tình cờ. Nó là một phần của chuyện to hơn".
"Tôi không tin rằng đây chỉ là một vụ điều tra tham nhũng thông thường", ông Abuza nói.
******************
Bí thư Đinh La Thăng 'bị đề nghị kỷ luật' (BBC, 27/04/2017)
Thông báo đưa ra vài ngày trước lúc Hội nghị Trung ương 5 diễn ra đầu tháng Năm.
Ông Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị kỷ luật, Thông báo của Ủy ban nói sau kỳ họp thứ 14, diễn ra trong thời gian 24-26/4/2017.
Ông Thăng hiện đang giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số thông tin về ông Đinh La Thăng
Sinh 10/09/1960, quê Nam Định
1983-1988 : Thủy điện Sông Đà : các chức vụ kế toán, Đảng uỷ, Công đoàn
1989-1994 : Ủy viên Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Min
1995-3/2001 : Bí thư Đảng uỷ, Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Sông Đà
4/2001-10/2003 : Đại biểu Quốc hội Khoá XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội
11/2003-12/2005 : Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa thiên-Huế
1/2006-12/2008 : Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PetroVietnam, Ủy viên Trung ương Đảng
2011-2016 : Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Giao thông Vận tải
Từ 1/2016 đến nay : Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội khóa XIV
Trước đó, ông từng đảm nhiệm các vị trí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trong thời gian từ 2009 đến 2011.
Lý do khiến ông bị đề nghị kỷ luật lần này, theo nội dung Thông báo, liên quan tới vai trò của ông trong thời gian lãnh đạo PVN.
Các sai phạm tại PVN bị Ủy ban xem xét diễn ra từ 2009 đến 2015, gồm việc thiếu trách nhiệm của dàn lãnh đạo PVN trong việc chỉ đạo, kiểm tra giám sát, quản lý người, đặc biệt là trong công tác luân chuyển cán bộ đối với các cá nhân gây thua lỗ, hoặc thậm chí vi phạm pháp luật.
Trong số các sai phạm lớn của PVN được nhắc tới có việc làm thất thoát vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, mà chủ yếu là do việc góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank), mất 800 tỷ đồng.
Việc một công ty con của PVN là Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng cũng bị Ủy ban điều tra, với trách nhiệm nay được kết luận là do ban lãnh đạo Đảng của PVN "chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng".
Trách nhiệm cá nhân
Riêng cá nhân ông Đinh La Thăng bị quy trách nhiệm về việc ký quyết định 'chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật', 'tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật', và 'vi phạm quy chế làm việc' trong vụ để PVN tham gia OceanBank.
Ông Thăng cũng bị gắn trách nhiệm với các hoạt động thua lỗ của PVC, do ông đã cho phép công ty này 'được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án' mà PVC được chỉ định thực hiện, theo nội dung Thông báo.
Hiện chưa rõ đề nghị "bị kỷ luật" liệu ông Đinh La Thăng "có hạ cánh" thế nào ?
Ngoài ra, ông Thăng bị nhắc tới trong việc "có vai trò trong các sai phạm" ở một số công ty con khác của PVN, và bị quy trách nhiệm cá nhân trong việc 'ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải', nguyên nhân chính dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả hoặc thua lỗ, thất thoát, 'gây hậu quả rất nghiêm trọng'.
Ủy ban Kiểm tra Đảng nay "đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng theo thẩm quyền", Thông báo viết.
Ngoài ông Đinh La Thăng, Ủy ban cũng đề nghị kỷ luật, cách chức đối với bốn quan chức cao cấp khác của PVN.
*******************
Chức bí thư của Đinh La Thăng lung lay do sai phạm quá khứ ? (VOA, 27/04/2017)
Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. (Ảnh tư liệu)
Một ủy ban của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 27/4 đã ra thông cáo nói họ đề nghị các cơ cấu cấp cao nhất của đảng xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng do có những sai phạm khi còn đứng đầu một tập đoàn lớn của nhà nước.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia am hiểu kinh tế và chính trị Việt Nam, nhận định động thái này đe dọa lớn đến chức vụ hiện nay của ông Thăng là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Thông cáo trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho hay ủy ban đã họp từ 24 đến 26/4 về các sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nơi ông Thăng từng là bí thư đảng ủy và chủ tịch hội đồng thành viên từ 2009-2011.
Giới quan sát cho rằng những động thái mới nhất này cho thấy Đảng Cộng sản đang nỗ lực làm trong sạch bộ máy vào lúc kinh tế Việt Nam phát triển chậm lại một phần vì nạn tham nhũng và sự thao túng của các nhóm lợi ích. (Ảnh tư liệu)
Ủy ban này xác định rằng Ban Thường vụ Đảng ủy của PVN trong những năm từ 2009-2015 đã có nhiều yếu kém trong lãnh đạo và quản lý cả về mặt đảng lẫn điều hành doanh nghiệp. Một số sai phạm nghiêm trọng được nêu ra là lãnh đạo tập đoàn và các đơn vị thành viên chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật ; nhiều đơn vị thua lỗ trong nhiều năm, để mất vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, trong đó góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank) mất 800 tỷ đồng ; nhiều cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mắc vi phạm, khuyết điểm không bị kỷ luật, thậm chí có trường hợp được bổ nhiệm chức vụ cao hơn.
Riêng về ông Đinh La Thăng, Ủy ban khẳng định ông có những sai phạm gồm ký một nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn hồi năm 2009 "không phù hợp với quy định pháp luật" để tập đoàn và các đơn vị thành viên chỉ định nhiều gói thầu "trái pháp luật" ; hành động quá quyền hạn khi ký thỏa thuận góp vốn hồi năm 2008 với Oceanbank ; quyết định đầu tư tràn lan nhưng lại thiếu kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp ; một số dự án bị dở dang, thua lỗ kéo dài, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ủy ban dẫn ra trong số đó có dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
Một số cựu lãnh đạo khác của PVN cũng là mục tiêu của Ủy ban Kiểm tra. Thông cáo nói các cựu phó bí thư Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu, cũng như các cựu bí thư Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Quốc Khánh trong những giai đoạn khác nhau từ 2008 đến 2015 đã có những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hai ông Thực và Hậu vi phạm trong công tác cán bộ khi nhận xét về ông Trịnh Xuân Thanh để ông này chuyển về Bộ Công thương.
Ông Thanh bị cáo buộc gây ra thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng ở một công ty thành viên của PVN. Ông đã bị truy tố hồi năm ngoái khi đang giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, song ông đã tuyên bố từ bỏ đảng và trốn ra nước ngoài. Đến nay ông Thanh vẫn chưa bị bắt.
Theo thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong giai đoạn 2010- 2015, cựu bí thư Sơn từng có lúc là người đại diện vốn của PVN tại Oceanbank. Ông đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hiện nay ông Nguyễn Xuân Sơn đang bị Bộ Công an tạm giam để điều tra.
Cũng trong giai đoạn 2010-2015, cựu bí thư Khánh bị xác định có dính líu đến những quyết định trái luật về chỉ định thầu xây lắp một số nhà máy nhiệt điện, cũng như có trách liên quan đến những vi phạm tại dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
Khẳng định rằng những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng PVN và các cá nhân nêu trên là "rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng", Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra quyết định "cách chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015" đối với ông Phùng Đình Thực ; "cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015" đối với ông Đỗ Văn Hậu ; "khai trừ" đảng đối với ông Nguyễn Xuân Sơn ; "cảnh cáo" đối với ồn Nguyễn Quốc Khánh.
Riêng về ông Đinh La Thăng, hiện cũng là một ủy viên Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra đề nghị Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng - hai cơ cấu quyền lực cấp cao nhất của đảng - "xem xét, thi hành kỷ luật" đối với ông Thăng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, người am hiểu về chính trị và kinh tế Việt Nam, nhận xét với VOA về diễn biến mà ông gọi là "rất đặc biệt" này :
"Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ đại hội này [của đảng cộng sản], và cũng là lần đầu tiên của nhiều nhiệm kỳ đại hội, có một đương kim ủy viên Bộ Chính trị bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng xem xét kỷ luật. Điều này chứng tỏ rằng tình hình kém hiệu quả, sử dụng lãng phí và các sai phạm khác nữa đã trở nên rất nghiêm trọng cho nên đã có những hình thức kỷ luật đến cấp cao như vậy. Theo tôi đấy là điều đáng mừng. Và điều này cần kết hợp với cải cách cả về thể chế".
Tiến sĩ Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 5 sắp tới, còn gọi là Hội nghị Trung ương 5, sẽ bàn đến hình thức kỷ luật đối với ông Thăng. Ông Doanh đưa ra tiên liệu chiếc ghế hiện nay của ông Thăng :
"Theo tôi nghĩ, với những hình thức kỷ luật ở mức độ nhất định, có lẽ vị trí bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh sẽ không còn thích hợp. Và có lẽ sẽ có những sự sắp xếp về vị trí công tác khác cho ông Đinh La Thăng. Và chắc chắn sẽ có một người khác về làm bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh".
Giới quan sát cho rằng những động thái mới nhất này cho thấy Đảng Cộng sản đang nỗ lực làm trong sạch bộ máy vào lúc kinh tế Việt Nam phát triển chậm lại một phần vì nạn tham nhũng và sự thao túng của các nhóm lợi ích.
Hồi cuối tháng 2 năm nay, tại một hội nghị về kiểm tra, giám sát của đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "vì sự tiến bộ chung … chúng ta phải kỷ luật ; kỷ luật một vài người để cứu muôn người".
*******************
Ủy viên Bộ Chính trị nào ở Việt Nam từng bị kỷ luật ? (BBC, 27/04/2017)
Trong hệ thống chính trị của Việt Nam sau 1975, thành viên Bộ Chính trị là những nhân vật cao cấp nhất của Đảng Cộng sản cầm quyền và việc kỷ luật họ là rất hiếm khi xảy ra.
Kỷ luật các lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều rất hiếm khi xảy ra
Vì vậy, dư luận rất quan tâm việc hôm 27/4 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.
Tuy vậy, kể từ Đại hội 6 của Đảng cầm quyền ở Việt Nam năm 1986 cũng đã có một số trường hợp ủy viên Bộ Chính trị nhận những hình thức kỷ luật khác nhau.
Trần Xuân Bách
Tại Đại hội 6 của Đảng Cộng sản năm 1986, ông Trần Xuân Bách được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Ông cũng là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương.
Nhưng tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám năm 1990, ông nhận quyết định cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Uý viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng "vì đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây ra nhiều hậu quả xấu".
Cuốn sách Nguyễn Văn Linh - Tiểu sử (NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 2007) cho biết thêm hội nghị này "xử lý kỷ luật đối với đồng chí Trần Xuân Bách" "vì đã tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây nhiều hậu quả xấu".
Ông Nguyễn Văn Linh là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1986 đến 1991.
Nguyễn Hà Phan
Ông Nguyễn Hà Phan từng là Phó Chủ tịch Quốc hội và trở thành Ủy viên Bộ Chính trị năm 1993, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư.
Nhưng trước khi Đại hội Đảng diễn ra năm 1996, xuất hiện đơn thư tố cáo ông Hà Phan "đã từng khai báo nghiêm trọng" khi bị bắt năm 1958 trong thời chiến tại miền Nam.
Ngày 17/4/1996, Trung ương Đảng họp biểu quyết khai trừ ông Nguyễn Hà Phan ra khỏi Đảng.
Trương Tấn Sang
Ông Trương Tấn Sang được bầu vào Bộ Chính trị năm 1996, giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2000, ông trở thành Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Năm 2001, ông tiếp tục vào Bộ Chính trị và giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Nhưng tại Hội nghị Trung ương 7 năm 2003, ông bị kỷ luật "bằng hình thức khiển trách".
Thông cáo chính thức khi đó nói việc kỷ luật là vì "trong thời kỳ làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (khóa VI) chưa làm tròn trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều tra, ngăn chặn những hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam cùng đồng bọn và có những khuyết điểm trong công tác cán bộ".
Tuy vậy, đến Đại hội Đảng X năm 2006, ông tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Thường trực Ban Bí thư.
Tại Đại hội XI năm 2011, ông tiếp tục ở trong Bộ Chính trị, trở thành Chủ tịch nước.
Năm 2016, ông xin không tái cử tại Đại hội XII và thôi chức Chủ tịch nước.