Đối với thông tin được loan đi, không chỉ những người dân thường mà chính Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ, cũng phải lên tiếng thừa nhận trường hợp như của bà Trương Thị Lan không phải là cá biệt. Cả mấy trăm giáo viên phải nhận mức lương hưu mà ai cũng thấy là không thể đủ sống trong khoản đời còn lại sau bao năm lao động.
Sau 37 năm dạy học, cô giáo mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh đã bật khóc không thành tiếng khi cầm quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng, khiến cả tập thể giáo viên khóc theo.
Bà Đặng Bích Phượng – một cán bộ hưu trí trong ngành giao thông cho biết, mức lương hưu phụ thuộc vào số năm đóng và mức lương tính bảo hiểm xã hội. Mức lương trong các ngành nghề dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội có sự khác nhau về hệ số, dẫn đến sự khác nhau về lương hưu. Theo bà, sự khác biệt có thể có, nhưng phải đảm bảo được cuộc sống của người lao động và mức lương 1,3 triệu/tháng của bà Lan là "quá thấp", "dưới mức tiêu chuẩn" của người dân Việt Nam.
"Anh cũng cùng một công việc đó. Tại sao ở các nước khác người ta vẫn có thể đủ sống. Một người trông trẻ người ta vẫn có thể đủ sống được. Nhưng mà đây, một người trông trẻ ở Việt Nam này lại có mức lương quá thấp. Không cứ người trông trẻ đâu, mà rất nhiều người về hưu, lương hưu quá thấp. Thế thì tôi chỉ thấy rằng, cái điều đó chỉ nói lên một điều về mức sống của người lao động Việt Nam dưới mức tiêu chuẩn".
Ông Hoàng Tiến Cường – một người từng làm trong cơ quan nhà nước, đã bỏ ngang, bỏ sổ hưu, không nhận lương hưu, có cùng cảm nhận với bà Đặng Bích Phượng trong trường hợp cô giáo Lan. Ông chia sẻ thêm, trong khu ông sinh sống, có những vị sĩ quan quân đội về hưu với mức lương hưu 13 triệu/tháng, chưa kể các khoản khác trong các dịp dễ tết.
"Chắc là do điều hành xã hội, người ta muốn rằng là có những ngành nghề ưu việt hơn, để cho người đang công tác sẽ cố gắng, nỗ lực làm những công việc nhiều khi không được đúng lắm, nhưng người ta vẫn cố gắng làm, ví dụ như công an, quân đội".
Trong nhiều năm qua, giá cả, chi phí sinh hoạt, chi phí cho y tế, giáo dục và mọi mặt trong đời sống đã tăng lên nhiều lần. Lương cơ bản và lương hưu theo đó cũng được điều chỉnh với mục đích nhằm đảm bảo đời sống của người dân.
Theo bà Đặng Bích Phượng cảm nhận, mức tăng lương và mức tăng giá cả, chi phí trong đời sống hoàn toàn không có sự tương xứng.
"Nó không tương xứng ở chỗ, khi lương họ dậm dịch tăng có lộ trình, thì mới phong thanh như vậy thì tất cả mọi thứ giá cả đã tăng theo mức phi mã như thế. Thì khi người ta nhận được đồng lương hưu, tôi nghĩ nó chỉ còn có lẽ là 1/10. Đương nhiên nó sẽ không tương ứng giữa mức tăng lương và tăng giá cả. Mức tăng giá cả là tăng hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, trong khi đó mức lương chỉ tăng một lần vào cuối thời điểm giá cả ngoài thị trường đã tăng cả năm trời. Thì làm sao mà có thể tương ứng được".
Còn theo ông Hoàng Tiến Cường, trong bối cảnh lạm pháp ở Việt Nam, nếu chỉ sống với mức lương hưu như hiện nay thì chỉ có cuộc sống "chật vât, méo mó". Bên cạnh đó, ông Cường nêu lên vấn đề quản lý, điều hành của chính phủ - một chính phủ phải thực sự trong sạch.
"Chỉ nói dễ hiểu rằng là, để sống đủ không ấy mà, thì cần một chính phủ liêm khiết, tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Chứ không phải là một chính phủ chỉ nghĩ tăng thuế, tăng má để nuôi sống bộ máy chính phủ, trong khi người dân thì không cần biết người dân sống sao".
Trên mạng xã hội sau khi có thông tin về sự việc của cô giáo Lan, tài khoản facebook Vu Hai Tran – được cho là của Luật sư Trần Vũ Hải có nêu lên vấn đề về sự bất bình đẳng về lương hưu giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân trong Luật Bảo hiểm Xã hội 2014. Luật này quy định tính lương hưu của người làm tư nhân trên cơ sở trung bình lương đóng BHXH trong cả quá trình đóng, còn khu vực Nhà nước trên cơ sở trung bình lương 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Theo ông Hải, quy định về cách tính lương hưu này là vi phạm nguyên tắc bình đẳng giữa mọi công dân trong Hiến pháp.
Tuy mức lương hưu và hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam còn nhiều bất cập, nhưng để cải thiện nó là một vấn đề hết sức khó khăn, không hề đơn giản, bởi nó là kết quả của sự phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm liền.
"Thì thí dụ, cái này nó tốt, thì cái khác nó sẽ tốt theo, nó sẽ được lên đồng mức với nhau. Trong khi sản xuất trì trệ, tham nhũng tràn lan, làm sao mà anh có thể đòi hỏi an sinh xã hội nâng cao lên được. Trước hết anh phải nâng cơ sở, tức là đầu vào phải tăng lên đã. Nhưng bây giờ, nền kinh tế của chúng ta đang đứng ở đâu, thì làm sao chúng ta đòi hỏi cái an sinh xã hội cải thiện được".
Ông Hoàng Tiến Cường thì cho rằng, để cải thiện an sinh xã hội, mức lương hưu thì cần phải minh bạch việc thu – chi quỹ bảo hiểm xã hội.
"Cái quỹ bảo hiểm xã hội người ta chẳng lấy tiền ở đâu ra đâu, đấy là tiền của chúng ta để nuôi lại chúng ta thôi. Còn nói là đủ hay không, thì tôi nghĩ là đủ, nhưng sự minh bạch là không có. Ví dụ như, bảo hiểm xã hội Việt Nam lại quay sang cả vấn đề kinh doanh tài chính, kinh doanh bất động sản, rồi nhiều thứ lắm. Tôi biết đến cái ví dụ là công ty Việt Long cũng thuộc bảo hiểm Việt Nam đi xin đất, làm biệt thự ở khu Quang Minh. Bây giờ ông Quang đấy bị đi tù, tiền mất, ông ấy đang bị điều tra thôi. Nhưng tiền mất hàng nhiều tỷ đồng của quỹ bảo hiểm xã hội làm sao đòi được ông ấy".
Qua vụ việc cô giáo Trương thị Lan như vừa nêu, nhiều ý kiến chỉ ra bao thiếu sót lớn trong luật cũng như chính sách Nhà nước về an sinh- xã hội, bảo hiểm của Việt Nam. Công tác chỉnh sửa sao cho hợp lý, đáp ứng được yêu cầu của người lao động thuộc về các nhà quản lý đất nước hiện nay.