Việt Nạm tạm dừng xuất khẩu gạo từ 24/3 vì Covid-19 (RFA, 24/03/2020)
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan, vừa ký công văn hỏa tốc gửi các đơn vị chức năng trong ngành yêu cầu một số công tác liên quan đến việc tạm dừng xuất khẩu gạo.
Một nhà máy chế biến lúa gạo tại Cần Thơ. Reuters
Theo thông tin từ truyền thông trong nước ngày 24/3, Tổng cục Hải quan Việt Nam yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu từ 0g ngày 24/3 ; tuy nhiên, các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký trước thời điểm này vẫn được giải quyết theo quy định.
Cục Quản lý Rủi ro cũng được giao nhiệm vụ thiết lập tiêu chí đưa một số mặt hàng gạo vào diện cấm xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép mặt hàng gạo các loại qua biên giới và xử lý theo quy định pháp luật.
Vào ngày 18/3, trong Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020", ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự hệ trọng trong vấn đề an ninh lương thực đối với mọi quốc gia trong điều kiện dịch bệnh xảy ra trên thế giới và phải đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống.
Tổng Cục Hải quan thống kê trong hai tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu gần 930 ngàn tấn, kim ngạch hơn 430 triệu USD ; tang hơn 305 về lượng và tăng 38% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2019 là năm được báo ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam không thuận lợi khi xuất gần 6,26 triệu tấn mà chỉ thu về 2,75 tỷ USD. Số này giảm 300 triệu USD so với năm 2018.
******************
Thủ tướng Việt Nam chỉ đạo dừng xuất khẩu gạo giữa dịch Covid-19 (VOA, 24/03/2020)
Hải quan Việt Nam không cho phép xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3, theo các trang tin tức VietnamNet và Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một cuộc họp của chính phủ tại Hà Nội hồi tháng 1/2020.
Tin cho hay, động thái của hải quan là để thực thi quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một cuộc họp của chính phủ hôm 23/3 về đảm bảo an ninh lương thực, trong bối cảnh đất nước vật lộn với dịch Covid-19.
Thông tin trên cũng được những người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội chia sẻ, gọi đó là "tin vui".
Trong hai tháng đầu năm 2020, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng rất mạnh, với mức tăng 595% về lượng và tăng 724% về kim ngạch, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu đô la, báo chí trong nước cho hay.
Theo quan sát của VOA, các nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng, Lê Dũng Vova, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, và một số người khác trong những ngày gần đây kêu gọi chính phủ Việt Nam cần gấp rút ra lệnh "cấm bán gạo cho Trung Quốc".
Giờ đây, họ khẳng định lời kêu gọi đã có tác động đến quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sáng 24/3, ông Lê Trọng Hùng đưa lên trang cá nhân đoạn ghi âm một cuộc điện thoại mà ông nói là diễn ra giữa ông và thủ tướng của Việt Nam, trong đó, người đứng đầu chính phủ nói :
"Tôi cho dừng xuất khẩu gạo từ tối hôm qua, từ 0h hôm qua. Tôi lắng nghe ý kiến hết. Tôi họp ngay hôm qua, triệu tập Bộ trưởng Công thương lên họp chiều hôm qua, quyết định ngay tối hôm qua là 0h không được xuất khẩu nữa. Cái này tôi nói với bạn biết rằng không chỉ đơn thuần là vấn đề an ninh lương thực. Bọn đầu cơ kinh khủng lắm, lúc đấy là mình chao đảo luôn vì bọn xấu này. Xuất khẩu các thứ, mình bán hết gạo đi, mình không còn dự trữ nữa là dân mình gay go".
Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại, nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng tỏ ra không kìm được vui mừng, thốt lên "Ôi giời ơi, cảm ơn Thủ tướng, vâng, cảm ơn Thủ tướng !".
Trước khi kết thúc cuộc gọi, thủ tướng của Việt Nam "cảm ơn" và "chúc sức khỏe" ông Hùng, đồng thời hỏi thăm tên tuổi của bản thân ông Hùng và người con nhỏ mới hơn 2 tuổi của ông.
Trung Quốc đột ngột tăng kim ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam lên đến hơn 700% trong hai tháng đầu năm 2020, sau hai năm trầm lắng. Photo VietnamBiz
VOA cố gắng liên lạc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để kiểm chứng về cuộc gọi, cũng như hỏi thêm về vấn đề dừng xuất khẩu gạo, song Thủ tướng Phúc chỉ trả lời ngắn gọn :
"Tôi đang họp, đang trong hội nghị đây, đang bàn để xử lý cho tốt".
Đánh giá về hành động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong việc cấm xuất khẩu gạo, nhà bào độc lập Lê Trọng Hùng nói với VOA rằng việc người đứng đầu chính phủ không chỉ tiếp thu ý kiến mà còn dành thời gian gọi điện lại cho công dân là điều "chưa từng có" trong lịch sử gần 75 năm của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên, ngoài những lời lẽ tích cực về riêng Thủ tướng Phúc, ông Hùng vẫn nhận xét vớiVOA rằng việc lắng nghe người dân của công chức, quan chức Việt Nam nói chung là "rất tệ".
Một nhà báo độc lập khác, có biệt danh trên Facebook là Lê Dũng Vova, bày tỏ ý kiến trên trang mạng xã hội trong cùng ngày 24/3 rằng giới hoạt động vì tiến bộ xã hội, trong đó có ông và ông Hùng, "thường xuyên viết, nhắn tin, gọi điện" tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xảy ra để "góp ý" về các vấn đề liên quan đến dịch.
Trong bài viết của mình, ông Lê Dũng Vova công nhận rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người "nhận thông tin và phản hồi nhanh nhất". Ông Dũng nhận định rằng có thể thủ tướng Việt Nam có những trợ lý tốt.
Về cách ứng xử và đưa ý kiến đến chính quyền sao cho hiệu quả, nhà báo độc lập Lê Dũng Vova nhấn mạnh : "Cần những góp ý và phản biện xây dựng, chung tay xây dựng một xã hội chuẩn mực. Bạn không thể thay đổi xã hội hay xây dựng xã hội văn minh chỉ bằng cách cào phím hay chửi thề".
*********************
Trung Quốc ồ ạt mua gạo của Việt Nam giữa mùa dịch Covid-19 (VOA, 23/03/2020)
Trung Quốc đột ngột tăng kim ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam lên đến hơn 700% trong hai tháng đầu năm 2020, sau hai năm trầm lắng.
Giải thích về hiện tượng Trung Quốc đổ xô mua gạo của Việt Nam, giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường đại học Nam Cần Thơ, nói với VOA :
"Trước đây Trung Quốc xả kho dự trữ gạo cũ, bán ra giá rẻ nên Việt Nam bán gạo qua không được. Khi họ bán hết gạo cũ thì gặp ngay vụ cúm [Covid-19] - tôi nghĩ sản xuất của họ cũng bị trở ngại phần nào - vì vậy họ muốn trám vô phần thiếu trong kho dự trữ và đáp ứng nhu cầu xã hội đang cần".
Báo Dân Trí trích số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hôm 22/03 cho biết trong 2 tháng đầu năm 2020, gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh, với mức tăng 595% về lượng và tăng 724% về kim ngạch, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu đôla.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia thâm niên về cây lúa Việt Nam, cho VOA biết thêm :
"Ông Trung Quốc không giờ sản xuất đủ cho ổng ăn. Mỗi năm ổng phải trám lại lượng gạo cũ bán ra, mà trong nước lại không sản xuất đủ cho nên dứt khoát là họ phải mua thêm. Mỗi năm Trung Quốc mua của Việt Nam qua đường tiểu ngạch không chính thức ít nhất là 500 ngàn tấn".
Trang VietnamBiz trích lời ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho hay dịch bệnh do Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc không ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường lớn nhất thế giới này.
Trang này loan tin : "Xuất khẩu gạo [Việt Nam] năm 2020 dự báo sẽ là điểm sáng giữa đại dịch Covid-19".
Tuy nhiên, trang này dẫn lời ông Nam thừa nhận việc gạo Việt Nam bị Trung Quốc ép giá. Ông nói : "Lâu nay, chúng ta vào thị trường Trung Quốc là bán cái mình có nên thường xuyên bị ép giá".
Được hỏi liệu việc xuất khẩu quá nhiều gạo qua Trung Quốc và các nước có ảnh hưởng đến an ninh lương thực của Việt Nam hay không, giáo sư Võ Tòng Xuân nói :
"Không bao giờ ! Gạo của chúng ta rất nhiều. Mình chỉ cần sản xuất trong vòng 3 tháng là có 1 vụ mới. Không có ảnh hưởng gì đến an ninh lương thực của chúng ta".