Trong thời gian lễ hội Tết vài năm qua, miền Bắc rộ lên những hình ảnh bị cho là quá bạo lực trong khi thực hiện các nghi lễ truyền thống. Hình ảnh một chú lợn được mang ra giữa làng, người đại diện cầm thanh đao thật dài chặt ngang mình nó, máu lợn được dân làng cầm tiền nhúng vào để lấy may mắn làm cho nhiều tổ chức văn hóa thế giới lên án vì quá dã man trong một nghi thức được xem là văn hóa.
Trò chơi cờ người trong một lễ hội mùa xuân hàng năm tại đình làng Triều Khúc, Hà Nội vào ngày 16 tháng 2 năm 2016. AFP photo
Những hành động dã man
Năm nay người dân cả nước lại được xem những khúc phim video quay cảnh treo cổ chú trâu lên cây đến chết rồi sau đó dân làng xẻ thịt chia nhau. Hình ảnh con vật hiền lành dãy giụa khi bị xử tử đã gây không ít giận dữ trong dư luận và hàng ngàn ý kiến xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy sự không đồng tình ngày càng cao và hầu như mọi ý kiến đều lên án một cách gay gắt, đôi khi đi tới chỗ cực đoan, đạp đổ.
Chưa hết, con trâu vốn là bạn của người nông dân từ nhỏ cho tới khi chết già, bị đem ra giữa làng cột chặt vào cột, một người cầm rìu bổ thằng vào sọ của nó. Trong khi còn đang loay hoay với chiếc lưỡi rìu trong óc, con vật đáng thương tiếp tục bị một người làng cầm rựa chặt phăng sợi gân chân khiến nó sụm xuống và lết trên mặt đất trước khi tắt thở. Hình ảnh gây sốc này không thể biện minh bằng bất cứ ngôn ngữ nào trong thời đại mà loài người cấm kỵ hành hạ những vật nuôi, kể cả con vật ấy được dùng vào việc giết thịt.
Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa đang công tác tại Viện Khoa học xã hội miền Trung và Tây Nguyên, tại Đà Nẵng cho biết :
Thật ra những lễ hội nó có những tính chất cá biệt như là chém lợn hoặc là treo cổ trâu. Ngay cả tại Tây nguyên những lễ hội ăn trâu thì đó là những lễ hội mang tính tiều vùng hoặc từng địa phương của làng thật ra nó không có gì mang tính man rợ cả. Trên thế giới có rất nhiều lễ hội liên quan đến việc sát sinh như lễ hội tàn sát cá voi ở Nhật chẳng hạn. Hoặc là ở vùng Bắc Âu cũng có lễ hội liên quan đến giết cá voi. Thật ra nó liên quan đến tín ngưỡng cổ xưa người ta dùng những con vật ấy làm vật hiến trưng, thay thế cho con người. Về truyền thống thì vật hiến trưng chết thế cho con người. Đấy là một cách lý giải. Cách lý giải thứ hai nó có tính chủ quan của các nhà nghiên cứu đó là những con vật ấy có tính thông linh giữa con người với trời đất tổ tiên.
Truyền thông
Báo chí là nơi lan truyền tất cả những hình ảnh không đẹp về cung cách tham gia lễ hội của quan chức và người dân. Trong những lễ hội có tính cách tâm linh như giật phết, xin ấn, hay ban phát lộc đã cho thấy hình ảnh những con người chồng đạp lên nhau để giành giật những thứ chỉ có ý nghĩa biểu tượng. Tất cả cách hành xử này đi tới kết luận của người quan sát rằng nền văn hóa lễ hội của Việt Nam đặc biệt tại miền Bắc đã tiến tới tận cùng của sự tha hóa nhân cách và điển hình cho sự tàn ác tiềm ẩn trong dân chúng.
Nam thanh niên Việt Nam tham gia lễ hội cướp phết hàng năm ở Phú Thọ hôm 20/2/2016. AFP photo
Nhận xét vai trò báo chí truyền thông trong cách đưa tin, Tiến sĩ Mai Thanh Sơn cho biết :
Câu chuyện ấy nó sẽ không là cái gì cả, không thành vấn đề nếu như nó chỉ trong phạm vi thôn làng thôi, thế nhưng trong câu chuyện này nó liên quan tới sự thổi phồng của báo chí. Nó liên quan đến việc can thiệp từ phía chính quyền. Liên quan đến sự dòm ngó, hiếu kỳ của số đông và bình phẩm từ bên ngoài để nó trở thành một vấn đề xã hội. Tuy nhiên những tục tranh cướp này khác trong những hội có tính chất mô phỏng lại việc đấu tranh giữa con người với thiên nhiên hay giữa các thể lực xã hội với nhau thì nó có từ xưa chứ không phải bây giờ mới có. Đặc biệt là với thông tin nhanh nhạy của các phương tiện nghe nhìn, rồi Internet thì nó trở thành những câu chuyện xã hội mà đôi khi người ta phê phán nó với cách phê phán của người ngoài cuộc.
Cá nhân tôi thấy rằng chuyện ấy cũng không có gì quá đáng cả, chuyện ấy hết sức bình thường. Tố cáo nó vô văn hóa là như thế này. Cái chính là những phương tiện mới phát sinh gần đây như tranh cướp ấn, tranh cướp lộc hay tranh cướp những linh vật trong các lễ hội như Hội Đền Gióng chằng hạn... những cái đó thật đáng phê phán. Tiến sĩ Trần Trọng Dương có viết một bài cho rằng đây là cuộc khủng hoảng các giá trị nhân văn và tôi cho rằng đây là một quan điểm rất đúng.
Khi chúng ta nhìn vào những gì mà báo chí gọi là tiêu cực hiện nay thì nó không hẳn hoàn toàn là tiêu cực và ta cần có một cái nhìn khách quan hơn. Với tư cách là một nhà nghiên cứu tôi nghĩ chúng ta cần khách quan trong việc nhìn nhận cái nào là cái tiêu cực, nó bắt đầu từ sự khủng hoàng giá trị nhân văn như Tiến sĩ Trần Trọng Dương nói mà chúng cần được phê phán. Cái gì là hiệu ứng số đông, phản cảm vô văn hóa... còn những cái gì liên quan đến tín ngưỡng của buôn làng, của cộng đồng có liên quan tới truyền thống cổ xưa thì người ta cần xem lại cách quản lý của nó dựa trên pháp luật. Quản lý nó phải dựa trên pháp luật chứ không phải dựa những phê phán hay dựa vào hiệu ứng số đông.
Sẽ không tái diễn ?
Về mặt nhà nước, vai trò của các cơ quan văn hóa đã tỏ ra trách nhiệm khi UBND tỉnh Yên Bái ra lệnh cấm tục lệ treo cổ trâu trong những lần tới. Lễ hội chém lợn cũng bị ngay tại địa phương phản ảnh và người dân đã không còn tổ chức giữa làng như mọi năm mà khoanh vùng lại ở một nơi kín đáo hơn.
Người dân đi lễ chùa trong ngày năm mới. Ảnh chụp tại một ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/3/2016. AFP photo
Nói về việc cấm đoán Tiến sĩ Mai Thanh Sơn cho biết :
Trong tất cả các bộ luật ấy thì chúng ta cần những tiêu chí rõ ràng cái nào nó phù hợp với những tiêu chí văn minh nhân loại cái nào phù hợp với nguyên lý cơ bản của quyền con người, cái nào phù hợp với nguyên tắc bảo tồn thiên nhiên thì chúng ta được phép bảo vệ, tôn vinh còn cái gì vi phạm những cái đó thì nhà nước phải đưa ra cái bộ luật quản lý cho phép hay không cho phép. Đấy là cái điều rất quan trọng
Các bộ luật Việt Nam hiện nay liên quan đến lễ hội liên quan đến chấp hành văn hóa tâm linh và liên quan đến các quyền con người về cơ bản nó còn nhiều lổ hỗng và chính vì thế cho nên đôi khi chúng ta phê phán không dựa trên các cơ sở về quyền con người hay các cơ sở luật pháp mà chủ yếu dựa vào cảm tính và hiệu ứng số đông đấy là những gì đang diễn ra tại Việt Nam
Một tin khác có lẽ quan trọng và ý nghĩa nhất lại xảy ra trên Tây nguyên khi có tới 90 làng của tộc người Cơ Tu bỏ tục đâm trâu, mặc dù truyền thống này không thể thiếu trong văn hóa của họ hàng trăm năm qua.
Người Cơ Tu tuy đâm trâu vào dịp lễ nhưng cách mà họ tổ chức đâm trâu khiến cho người Kinh phải tham khảo và nhất là các chuyên gia nghiên cứu văn hóa lễ hội khó thể xem đây là hình thái bạo lực qua cách mà họ đối xử với con trâu trước khi bị đâm giữa làng.
Theo báo Tuổi Trẻ ghi lại thì "đêm trước lễ đâm trâu người Cơ Tu thường làm lễ Nơơi, tức là lễ khóc tế trâu. Các cụ già thức đến sáng để khóc tế con trâu của mình. Nội dung tế trâu là nói lên câu chuyện đời ẩn uất, đau xót, khổ ải, cả đời lam lũ vẫn nghèo khó...
Cũng theo Tuổi Trẻ thì "khóc tế trâu là thể hiện lòng yêu thương con người với con người, thương trâu cả đời cực nhọc nay phải hiến xác thịt cuối cùng cho con người. Thường 5-6 người ngồi khóc tế thương tiếc trâu bên ngọn lửa cháy giữa sân làng với tiếng trống ngắt nhịp 1-2-1 đến khi trời sáng".
Người Kinh không có những nghi thức tế nhị và nhân văn như thế. Con trâu bị treo cổ, bị bổ vào đầu bị chặt nhượng chân trong tiếng cười nói ồn ào phấn khích của đám đông, không ai để ý tới sự đau đớn của nó huống chi lòng biết ơn sự trắc ẩn công lao của nó đối với vựa thóc nhà mình.
Nhận xét về điều này Tiến sĩ Mai Thanh Sơn chia sẻ :
Việc phê phán văn hóa hay phê phán hiện tượng phản cảm vô văn hóa thì tôi luôn nghĩ rằng nó mang dấu ấn chủ quan. Cái mà mình cho là phản cảm thì cộng đồng người ta lại nghĩ khác. Cần những tiêu chí rõ ràng và cách quản lý lễ hội mà dựa trên luật pháp thì chúng ta phải đặt ra tiêu chí thế nào là phản cảm, Thế nào là những tiêu chí thuộc về văn hóa mà được phép thực hành còn những cái gì không thuộc tiêu chí văn hóa, tiêu chí quốc tế thì chúng ta không được phép thực hành.
Câu chuyện thứ ba mà tôi muốn nói đến là chúng ta nhìn nhận vấn đề dưới góc độ người Việt hay dưới góc độ của phương Tây thì chúng ta đều phải dựa trên một tiêu chí rất cơ bản đó là tiêu chí quyền về văn hóa, tiêu chí về nhân quyền. Trong 5 cái quyền cơ bản của con người có cái quyền về văn hóa. Nhà nước trước đây cấm các quyền văn hóa liên quan đến tâm linh thì chúng ta phê phán họ là vi phạm nhân quyền. Thế bây giờ nhà nước cho phép thực hành tái tạo hoặc là tái thực hiện lại quyền văn hóa tâm linh. Từ khi người ta khôi phục lại hoặc sáng tạo hay khôi phục nhân bản thì chúng ta lại cho là thái quá, đẩy từ thái cực này sang thái cực kia và rồi chúng ta nghĩ đến chuyện cấm. Ta quên điều này cấm hay không cấm anh phải dựa trên vấn đề rất cơ bản đấy là cái quyền về văn hóa của cá nhân và của các cộng đồng.
Câu chuyện đang đặt ra ở đây theo quan điểm của tôi thì chúng ta phải xác định, trước hết chúng ta phải tôn trọng cái quyền văn hóa. Thứ hai nữa không phải nhà nước cấm hay không cấm mà nhà nước phải dựa vào cái hệ thống luật pháp liên quan đến di sản, liên quan đến văn hóa, liên quan đến việc thực hành văn hóa.
Nhìn ở một khía cạnh khác về văn hóa, không thể kết luận đám đông một cách tùy tiện mà nên xem xét nội dung cùng ý nghĩa thật sự phía sau những nghi thức dã man khó chấp nhận trong thế kỷ 21, khi con người văn minh và tiếp cận nhiều hình ảnh nhân đạo hơn đặc biệt là đối với súc vật, không riêng một loại nào.
Theo Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, người ta cần xem xét lại từng góc cạnh của vấn đề và đừng nên dựa vào cảm tính, ông chia sẻ :
Điều quan trọng nhất ở đây là nó luôn luôn dựa vào cảm tính. Nó luôn luôn chủ quan của người viết hoặc người quan sát và khi nó đưa ra rồi thì phản ứng của số đông bắt đầu hình thành lên những nhóm khác nhau nhưng người ta quên mất một điều rằng là những nhóm ấy nó chưa phải là đại diện cho bất kỳ một cái gì có tính cách chính thống cả nó chỉ là các nhóm xã hội không chính thức. Điều nó hơi bất cập ở Việt Nam đôi khi từ phía nhà cầm quyền lại dựa vào hiệu ứng số đông. Người ta quên mất là nhà cầm quyền điều hành đất nước phải dựa trên hiến pháp, luật pháp và hiến pháp luật pháp ấy phải phù hợp thông lệ quốc tế, nó phải phù hợp tuyên ngôn về nhân quyền và công ước quốc tế về quyền con người.
Cả hai thái độ đều có mặt tích cực và tiêu cực. Lựa chọn đúng bao giờ cũng khó khăn nhất là cho một hướng hành xử hợp lý về văn hóa truyền thống trong lễ hội, điều mà xã hội cần vài trăm năm để định hình không lẽ chỉ một vài năm để tiêu diệt hay cải cách chúng, nhất là những phạm trù tâm linh đầy tranh cãi ?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Nguồn RFA tiếng Việt, 11/02/2017
Cướp lộc, 'phóng sinh' cá dữ, chen nhau mua vàng Thần tài : Khi niềm tin u mê chi phối con người
Hồ Hùng, Một Thế Giới, 09/02/2017
Những đoàn người chen chúc giành lộc, rồi xếp hàng rồng rắn, thậm chí cãi tranh nhau chí chóe để mua cho bằng được miếng vàng Thần tài cầu may, hay hớn hở mua cá dữ phóng sinh... Than ôi !
Háo hức tranh giành lộc ở lễ chùa
Vào ngày Thần tài (mùng 10 tháng giêng), trong clip mà báo Tuổi Trẻ đăng tải, trong đoàn người xếp hàng chờ mua "lộc" là miếng vàng Thần tài, người ta thấy có cả một quân nhân, đeo quân hàm, mặc quân phục, cười toe toét, thản nhiên xếp hàng chờ mua "lộc". Mà ngày Thần tài nhằm ngày thứ hai, ngày làm việc đầu tuần. Bao nhiêu người đã bỏ hết công ăn việc làm, bỏ nhiệm sở, gia đình… cả buổi sáng, sang trưa để đi hứng nắng, hít bụi chờ mua "niềm tin" như vậy ?
Rồi những ngày qua, báo chí thông tin, người ta chở hàng tấn cá mua từ nơi này, đổ sang nơi khác để… phóng sinh, mong được phước. Trong số đó, có cả cá chim trắng, rất nguy hại cho môi trường vì khả năng sinh sản khá nhanh và bản năng hung bạo của nó. Trước đó, ở An Giang, người ta phóng sinh cả… rắn độc.
Không ai và luật pháp nào cấm mơ ước, cấm tin tưởng và tín ngưỡng. Nhưng một đất nước mà nhiều con người chỉ tin vào lộc trời, vào thánh thần để hy vọng đổi đời, thay vì dốc tâm làm việc, thì đất nước, con người ấy sẽ về đâu ?
Chuyện ngụ ngôn kể rằng, có chú chim chiền chiện làm tổ trên một cánh đồng lúa mì non. Ngày ngày trôi qua, khi những thân lúa đã vươn cao thì bầy chim con mới nở ngày nào, đã lớn nhanh như thổi. Rồi một ngày, khi những ngọn lúa chín vàng, bác nông phu và những người con đi ra đồng.
"Lúa này bây giờ gặt được rồi đây", bác nông phu nói, "chúng ta phải kêu cả những người hàng xóm và bạn bè đến giúp cho chúng ta thu hoạch". Bầy chim chiền chiện con nghe vậy hết sức sợ hãi, vì chúng biết rằng chúng sẽ gặp nguy hiểm nếu không kịp dời tổ trước khi thợ gặt đến.
Khi chim chiền chiện mẹ kiếm ăn trở về, lũ chim con kể lại cho mẹ những gì chúng nghe được. "Đừng sợ, các con ạ", chiền chiện mẹ nói, "nếu bác nông phu bảo rằng ông ấy sẽ kêu hàng xóm và bạn bè của ông ấy đến giúp, thì đám lúa này cũng còn một thời gian nữa họ mới gặt được".
Vài ngày sau, khi lúa đã quá chín, và khi có gió lay động thân lúa, một loạt các hạt lúa rào rào rơi xuống đầu lũ chiền chiện con. "Nếu không gặt gấp đám lúa này, chúng ta sẽ thất thoát đến cả nửa vụ mùa. Chúng ta không thể chờ đợi bạn bè được nữa. Ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu tự gặt lấy", bác nông phu nói.
Khi lũ chiền chiện con kể lại với mẹ những gì chúng nghe ngày hôm nay, mẹ chúng bảo : "Thế thì mình phải dọn tổ đi ngay. Khi người ta đã quyết định tự mình làm mà không trông nhờ vào ai khác nữa, thì chắc chắn là họ chẳng trì hoãn gì nữa đâu". Và đến khi mặt trời mọc sáng hôm sau, lúc bác nông phu và những người con ra đồng gặt lúa, họ chỉ gặp một cái tổ rỗng không.
Điều mà câu chuyện ngụ ngôn này muốn nói, là trong cuộc sống, khi đã quyết định tự mình làm việc gì, đừng quá trông mong vào sự giúp đỡ người khác. Tự lo cho mình là tốt nhất.
Nhờ cậy và tin tưởng vào bạn bè còn chưa chắc gì, hà cớ gì chúng ta cứ tin vào những miếng vàng Thần tài, những miếng lộc ở lễ chùa mà những ngày qua người ta tranh nhau cướp. Báo chí đăng tải, người ta chen lấn, giẫm đạp, thậm chí "móc mặt", đè nghiến nhau chỉ vì những miếng lộc tại lễ chùa như vậy.
Tương lai chúng ta giàu hay nghèo, lộc nhiều hay ít là do chính chúng ta quyết định, bằng chính trí óc và sức lao động của mình, chứ không bằng những miếng lộc, những miếng vàng Thần tài, những loại động vật được bắt rồi mua lại thả đi để mang danh "phóng sinh" ấy, chắc chắn vậy !
Cũng trong ngày Thần tài, trên thị trường vé số ở cả nước, các số 39, 79 liên quan đến Thần tài và được dân chơi số đề gọi là số "Thần tài", cũng được săn lùng ráo riết. Một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngày thường vé số chỉ 10.000đ nhưng vào ngày Thần tài, chị ta phải bỏ ra 30.000đ để mua tấm vé có số đuôi 79. Và kết quả xổ số miền Bắc, miền Nam cuối giờ ngày 6.2 đó, không có giải đặc biệt của đài nào mang 2 con số cuối là 39 hay 79, như những gì mà dân chơi số mơ ước về sự đổi đời bằng con số Thần tài ! Rốt cuộc, chỉ có các công ty kinh doanh vàng và các công ty xổ số, các tay cơ hội… bỏ túi khẳm tiền.
Phó giáo sư Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh từng lắc đầu ngao ngán khi nói về việc người miền Tây ào ạt mua vé số để cầu may : "Cả vùng mà người dân chỉ biết phó mặc tương lai mình vào sự may rủi của tờ vé số, thì họ sẽ về đâu ?".
Cũng như chuyện ngày Thần tài, người dân và cả cán bộ công chức cứ đổ xô chen lấn đi mua vàng để cầu cho cả năm có vàng vào nhà hay may mắn gì đó, là một điều hết sức viển vông. Vậy mà đám đông lại hùa nhau đi chen lấn, xô đẩy mua. Rồi đến vé số… Niềm tin, hay sự tin tưởng mê muội vào thần thánh và những điều viển vông, có nguy cơ đưa cả dân tộc này ngày càng tụt hậu.
Một dân tộc được dẫn dắt bởi thần thánh chưa hẳn là một dân tộc thất bại, bởi họ có niềm tin, và làm theo những điều đúng đắn mà tôn giáo thờ phụng thần thánh ấy răn dạy, để sống và làm việc cho tốt. Đạo nào cũng hướng tín đồ của mình về những điều hay lẽ phải, như có hiếu với cha mẹ, anh em, bạn bè, giúp đỡ người nghèo, chú tâm làm việc...
Nhưng không đạo nào dạy tín đồ mình phải bỏ hết tất cả, suốt ngày chỉ lo thắp hương cúng bái hay đọc kinh, cầu nguyện. Tin tưởng quá đến mức u mê nên đánh mất cả chính mình, gia đình, công việc vì thần thánh, mới là con đường dẫn đến thất bại !
Hồ Hùng
Nguồn : Một Thế Giới, 09/02/2017
*****************
Lương Duy Cường, Người Lao Động, 09/02/2017
Những người "đi lễ chùa trong giờ làm việc" được xác định là công chức của Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương), có cả giám đốc trung tâm này.
Cùng ngày 8/2, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội chỉ đạo tập thể Phòng Quản lý hồ sơ và cá nhân liên quan giải trình rõ nội dung thông tin báo chí nêu về việc cán bộ của cơ quan này đi lễ chùa trong giờ làm việc trước đó.
Nêu ra để thấy tình trạng công chức bỏ giờ công, việc công đi lễ chùa dù năm nào cũng có người vi phạm, cũng xử lý nhưng vẫn không chấm dứt. Điều này không chỉ vi phạm kỷ luật lao động ; Luật Cán bộ, công chức ; Luật Viên chức mà đặc biệt còn vi phạm những nội dung trong Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 cũng như Công điện ngày 2/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thực tế, không chỉ công chức, viên chức ở 2 đơn vị nêu trên vi phạm mà còn nhiều nơi khác nữa.
Trong một diễn biến khác, cũng chiều 8/2, lãnh đạo Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ đã ký báo cáo tình hình tặng quà, nhận quà không đúng quy định trong dịp Tết nguyên đán 2017. Theo đó, qua báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty 91 thì chưa phát hiện trường hợp sử dụng tiền, tài sản công không đúng quy định, lãng phí ; tặng quà, nhận quà không đúng quy định. Văn bản nói rõ đây là báo cáo qua tổng hợp từ "báo cáo chưa đầy đủ" và kết quả là "chưa phát hiện" chứ không khẳng định là "không có" vi phạm.
Nói như vậy là đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Thế là đúng, vì mới qua Tết vài ngày thì khó tổng kết tình hình cho đúng thực chất. Vả lại, việc "tặng quà, nhận quà" nếu đã theo cái nghĩa không lành mạnh là hối lộ, đút lót… thì vốn nó đã không minh bạch nên người tặng và cả người nhận đều tìm cách giấu, dại gì công khai giữa bàn dân thiên hạ để rơi vào vòng kiểm soát khi Chính phủ đã tuyên bố sẽ quyết liệt trị.
Nhưng như vậy cũng đã có tín hiệu để kỳ vọng vào quyết tâm của Chính phủ là xây dựng Chính phủ liêm chính. Về hình thức, dân chúng đã thấy vừa qua không còn tình trạng xe xếp hàng lũ lượt trước nhà một số quan chức để "chúc Tết" như trước và ít nhất cũng đã có 2 thành viên Chính phủ tuyên bố công khai trên báo chí là "Tết này tôi không nhận quà của bất cứ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào".
Bỏ việc công đi lễ chùa hay tặng - nhận quà không đúng quy định trong các dịp lễ, Tết thì nhiều người biết nhưng xử lý triệt để quả là điều khó. Với các chế định pháp luật cũng như những chỉ đạo liên tục của Thủ tướng mà tình trạng bỏ việc công đi lễ chùa còn khó trị như thế thì để trị dứt điểm việc tặng - nhận quà không đúng quy định trong các dịp lễ, Tết hẳn còn khó gấp vạn lần.
Lương Duy Cường
Nguồn : Người Lao Động, 09/02/2017
************************
Xuân Lực , Dân Việt, 09/02/2017
Người dân đổ về bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) tham dự lễ phóng sinh ngày 5/2 (ảnh : L.A.D)
Trước thông tin hơn 10 tấn cá được phóng sinh trước cửa đình làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) hôm 5.2 (tức mùng 9 tháng Giêng), sư thầy Thích Đàm Thu, trụ trì chùa Linh Ứng (nhà chùa tổ chức lễ phóng sinh) cho biết, lễ phóng sinh có khoảng 1.000 người tham dự nhưng không có chuyện 8 xe chở cá rồi phóng sinh. Nhà chùa không mua cá về phóng sinh, cá do người dân mang tới thả. Tổng trọng lượng chỉ khoảng vài chục cân.
Liên quan đến sự việc trên, ngày 9/2, trao đổi với PV, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, sau khi nắm được thông tin phản ánh, tại lễ phóng sinh, nhiều cá được thả xuống sông Hồng, sở đã giao Chị Cục thủy sản kiểm tra.
"Tôi đã giao Chi cục thủy sản sang làm việc với xã và nhà chùa. Mọi năm người dân chỉ thả một vài con cá chép, năm nay không hiểu sao năm nay họ thả nhiều như vậy", ông Mỹ nói.
Về công tác quản lý thả cá xuống ao, hồ, sông, suối ở Hà Nội, ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, hiện không có quy định nào cấm thả người dân thả cá, phóng sinh cá xuống ao, hồ hay sông. Tuy nhiên, nếu thả với số lượng lớn, sở sẽ kiểm tra.
"Khi thả phóng sinh, người ta thường thả cá chép nên sẽ làm mất cân bằng sinh thái. Thả cá chép ở ao, hồ có thể gây mất cân bằng ở tầng mặt nước vì cá chép ăn ở phần đáy. Còn thả ở sông Hồng thì không ảnh hướng lắm vì diện tích nước lớn. Hiện chưa có quy định nào cấm người dân thả cá cả nên cái này chỉ khuyến cáo thôi.
Thành phố hằng năm vẫn thực hiện việc tái tạo nguồn lợi thủy sản. Việc tái tạo dựa trên cơ sở cân đối các loài. Chi cục thủy sản sẽ mua cá giống thả xuống sông Hồng, các hồ lớn để tái tạo nguồn lợi thủy sản", ông Đăng nói.
Xuân Lực
Nguồn : Dân Việt, 09/02/2017
******************
Lưu Nhi Dũ, 07/02/2017
Hên đâu không thấy, ngay hôm sau, giá vàng đâm đầu đi xuống, lỗ chỏng gọng !
Vía Thần Tài - Ảnh minh họa
Vía Thần Tài là chuyện của người Trung Quốc. Trước năm 1975, người Hoa ở Chợ Lớn thường cúng vía này, sau đó lan sang những người Việt làm nghề kinh doanh, còn giờ đây nó lan cả nước, thành mê tín. Ngày Thần Tài nảy sinh lắm việc mê tín, như cúng bái, mua vàng, thậm chí vé số đuôi 39, 79 - được xem là những số thần tài - bị "cháy" từ hôm trước !
Đó là chuyện mê tín "đời mới" ! Ngay cả chuyện ngày đầu tiên ngân hàng làm việc trở lại sau Tết, tại Hà Nội và nhiều địa phương, nhiều người rồng rắn xếp hàng để tìm cách giao dịch, gửi tiền vào tài khoản để lấy hên, cũng là một kiểu mê tín "đời mới" ! Chuyện tranh nhau cướp lộc mà mấy ngày qua mạng xã hội sôi sục, ầm ĩ cũng vậy, biểu hiện thái độ mê tín mông lung, vô bổ.
Ngay cả chuyện ngày nay người ta đi lễ đền, chùa để cầu lợi với hy vọng được buôn may bán đắt, trở nên giàu có... cũng là dạng "mê tín đời mới", tính thực dụng rất cao chứ không còn ý nghĩa tâm linh nào cả. Việc xin ấn đền Trần, chẳng hạn, cũng chẳng phải vì tâm linh, vì tấm lòng thành kính nào đó mà vì lợi danh của chính mình, của gia đình mình. Vụ lợi nên bất thiêng.
Một vị khách nước ngoài trố mắt ngạc nhiên khi biết chùa Hương trẩy hội đến 3 tháng ròng rã, thu hút gần 1,5 triệu khách hành hương, thu về khoảng 100 tỉ đồng ! Họ còn rất ngạc nhiên khi thấy nước ta có nhiều chùa quá lớn.
Trong tác phẩm "Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX" của thiền sư Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha, xuất bản năm 1952, tác giả kêu gọi tăng sĩ phật tử nên lao động tự nuôi sống mình bằng các nghề làm ruộng, công nghệ, giáo dục, y tế ; học và thực hành Phật giáo nhân gian, giúp dân, giúp người. Lời kêu gọi ấy cho đến nay vẫn rất thời sự, khi mà giờ đây những cơ sở tôn giáo hoành tráng ở những vị trí đắc địa ; những đền thờ nguy nga, tráng lệ đã làm cho niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng cũng rất khác so với trước đây.
Đi quá, bước qua khỏi niềm tin, đó là sự mê tín. Chuyện tranh cướp lộc ở đền Gióng, chùa Hương, chuyện mê mẩn thần linh (điều mà chính Khổng Tử cũng khuyên "kính quỷ thần nhi viễn chi") là biểu hiện của sự thiếu tự tin khi cậy vào thế lực siêu nhiên để cầu lợi ích về vật chất.
Đi chùa, viếng đền mà vụ lợi thì bất minh. Chỉ nên đến đó để tự nhìn lại mình, hướng thiện, cầu an, để tâm được tịnh. Bên cạnh đó, nên quy hoạch lại hệ thống lễ hội, không nên nâng tầm nhiều lễ hội địa phương lên tầm quốc gia, không kéo dài thời gian lễ hội, đặc biệt là không được thương mại hóa lễ hội. Phải biến lễ hội thành hoạt động văn hóa đích thực, chùa chiền là nơi thờ Phật chứ không phải là nơi cầu danh, cầu lợi. Còn về tài lộc, hãy tin vào bàn tay, khối óc của chính mình.
Lưu Nhi Dũ
Nguồn : Người Lao Động, 07/02/2017
3 người đeo mặt nạ nhận thưởng trúng số độc đắc 127 tỷ (VietnamNet, 08/02/2017)
3 vị khách may mắn trong những lần quay thưởng thứ 76, 83 và 85 đầu năm 2017 giải Jackpot - Mega ngày 8/2 vừa được Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) tổ chức trao giải, với tổng giá trị gần 127 tỷ đồng.
Đây là 3 vị khách may mắn trong những lần quay thưởng đầu năm 2017. Theo đó 3 người trúng giải thưởng khủng đều ở các tỉnh thành phía Nam, cụ thể ông L.T.H và ông T.Đ.H đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và ông T.C.D đến từ Long An. Những khách hàng trên lần lượt trúng giải Jackpot là 28,7 tỷ đồng ; 75,8 tỷ đồng và 22,2 tỷ đồng.
Các vé này xác định, đều được bán ra tại các điểm bán hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Như thường lệ, theo yêu cầu của người trúng thưởng, Vietlott bảo đảm giữ bí mật việc tổ chức trao thưởng và chỉ được phép công bố một1 số thông tin cơ bản về khách hàng như : chữ cái đầu tên của người trúng thưởng, nơi cư trú và hình ảnh che mặt.
1 trong 3 khách hàng trúng giải Jackpot chia sẻ niềm vui với báo chí
Tham gia chứng kiến tại lễ trao thưởng có các đại diện như : ông Nguyễn Văn Hưng - Phó vụ trưởng, đại diện văn phòng Bộ Tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh ; đại tá Phạm Minh Hòa - đại diện Cục An ninh Tài chính tiền tệ Đầu tư (A84) - Bộ Công an, ông Lê Đình Tứ - Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam (đơn vị kiểm toán độc lập), đại diện của các đại lý phát hành vé trúng thưởng và đại diện cơ quan báo chí.
Đại diện 1 trong 3 khách hàng trúng thưởng giải Jackpot của Vietlott, ông T.D.H, (ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ông rất bất ngờ khi thần tài gọi tên, trúng giải thưởng trị giá hơn 75 tỷ đồng. Ông H. tiết lộ, số tiền này ông sẽ giành vào việc kinh doanh. Ngoài ra, ông cho biết thêm ông sẽ tiếp tục mua vé số Vietlott để cầu may mắn trong lần tiếp theo.
Đại tá Phạm Minh Hòa, đại diện cục A84 – Bộ Công an nhấn mạnh, "với chức năng và nhiệm vụ của Bộ Công an, chúng tôi sẽ giám sát công tác quay mở thưởng của Vietlott đảm bảo tính minh bạch, trụng thực".
Còn ông Lê Đình Tứ - Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, xác nhận "quy trình và thủ tục trả thưởng của tất cả giải Jackpot của Vietlott đến nay được thực hiện theo quy định về tài chính và pháp luật có liên quan".
Văn Châu - Anh Sinh
*******************
Đáng sợ tôm hùm đỏ, gián đất Trung Quốc đổ vào Viêt Nam (VietnamNet, 08/02/2017)
Lén lút nuôi tôm hùm đỏ ở Đồng Tháp
Gần gây, nhiều loại sinh vật ngoại lai gây hại từ Trung Quốc đã du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế cũng như môi trường. Một số con vật đã bị cấm nuôi ở Việt Nam nhưng nhiều người vẫn lén lút nuôi, mua bán, thậm chí "hô biến" chúng thành đặc sản.
Dư luận đang xôn xao với việc sinh vật ngoại lai được cho là tôm hùm đỏ, hay còn gọi là tôm hùm đất (tên khoa học Procambarus clarkii) được nuôi lén lút ở Đồng Tháp. Những con tôm này khá hung dữ, có thể đi tới và đi lùi. Người dân còn gọi đó là loại "tôm 10 càng", 2 càng trước chỉ cần kẹp cái "tách" là cây lúa đứt làm đôi...
Loại tôm này hiện được nuôi ở hơn 20 quốc gia như Mỹ, Australia, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc,....
Tôm hùm đỏ được nuôi tại trang trại ở Đồng Tháp do người dân phát hiện
Tại Việt Nam, tôm hùm đỏ bị cấm nhập khẩu về nuôi. Tuy nhiên, nó vẫn được rao bán tràn lan với giá sỉ 180.000-250.000 đồng/kg (chưa sơ chế), giá lẻ 300.000-400.000 đồng/kg. Thậm chí, chúng còn được "hô biến" thành đặc sản, giá hơn 600.000 đồng/kg sau chế biến.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, cho biết, loại tôm này bị "cấm" tại Việt Nam vì chúng không có giá trị kinh tế cao, thậm chí có thể phá hoại mùa màng nếu quản lý không tốt.
Còn Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) từng cho rằng loại tôm này vừa phá hại lúa, kênh mương, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật, kể cả người.
"Xách tay" gián đất Trung Quốc về Việt Nam
Cách đây không lâu, dư luận xôn xao về việc một số hộ dân ở Bắc Ninh nhập khẩu "giống" gián đất Trung Quốc về nuôi. Thậm chí, chuyên gia Trung Quốc còn sang tận nơi giúp họ xây dựng chuồng trại và hướng dẫn kỹ thuật nuôi.
Những con gián con nở từ trứng được "tuồn" từ Trung Quốc về nuôi ở Bắc Ninh.
Một số người cho rằng gián đất có khả năng chữa bệnh, làm đẹp. Vì vậy, giá thành của chúng khá cao. Cộng thêm việc dễ nuôi và sinh sản cực nhanh, có thể trong một thời gian ngắn, vài cặp gián đất bố mẹ đã nhân giống lên hàng ngàn con khiến chúng thành món hàng béo bở.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định, đây là động vật ngoại lai còn xa lạ với người dân Việt Nam, chưa có tài liệu chính thức khẳng định tính có lợi và hiệu quả của việc nuôi gián. Tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất là việc làm bị nghiêm cấm.
Trên thực tế, gián là loài côn trùng có thể làm trung gian truyền một số bệnh như tiêu chảy, dịch tả và là thủ phạm gặm nhấm làm hư hỏng các vật dụng gia đình.
Tuồn sâu lạ Trung Quốc vào Việt Nam
Vào đầu năm 2015, lực lượng chức năng liên ngành khu vực cửa khẩu biên giới Lạng Sơn và Quảng Ninh đã bắt giữ một số vụ vận chuyển sâu rồng từ Trung Quốc về Việt Nam, để bán cho các điểm nuôi chim cảnh và người nuôi chim.
Sâu lạ bị cấm nuôi, cấm nhập khẩu nhưng được bày bán công khai.
Còn tại Hà Nội, loại sâu này đã được bày bán tràn lan từ khá lâu trên một số tuyến phố như Hoàng Hoa Thám, Phùng Hưng... Giá nhập tại Trung Quốc khoảng 3-4 Nhân dân tệ/kg, tương đương 13.000-14.000 đồng và khi vào Việt Nam, đến tay người có nhu cầu khoảng 25.000-26.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho hay, đây là loại sâu được xếp vào nhóm đối tượng dịch hại và có nguy cơ lây lan cao, phá hoại mùa màng nên từ lâu đã bị cấm nhập khẩu, cấm nuôi.
Hiện các loại sâu người nuôi chim mua về để làm thức ăn cho sinh vật cảnh đều được coi là sinh vật lạ, thuộc hệ đa thực hoặc "siêu sâu" - ăn rất nhiều thứ khác nhau nên rất nguy hiểm cho môi trường và mùa màng nếu để phát tán ra tự nhiên.
Nuôi chuột hamster - thú chơi nguy hại
Khoảng chục năm trước, giới trẻ cả nước rộ lên phong trào nuôi và chơi chuột Hamster, đặc biệt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ưu điểm của giống chuột này là kích thước nhỏ, nhiều màu sắc, hay ngủ ngày, có thể làm trò. Việc mua bán chuột Hamster diễn ra công khai.
Nuôi chuột Hamster là vật nuôi gây hại.
Thế nhưng, theo khẳng định của các cơ quan chức năng, chuột Hamster trên thị trường đều là hàng nhập lậu, chưa qua kiểm soát dịch bệnh, do vậy có thể gây dịch bệnh, tàn phá mùa màng...
Chuột Hamster được cho là họ hàng của chuột đồng, sinh sản nhanh, khó kiểm soát số lượng. Lo ngại loài chuột có tốc độ sinh sản nhanh trên có thể vượt ra khỏi giới hạn con vật nuôi chơi trong nhà, Việt Nam đã "cấm cửa" loài vật này từ đầu năm 2008.
Thế nhưng, bất chấp lệnh cấm, những con chuột Hamster vẫn được nhập vào Việt Nam từ Singapore, Trung Quốc.
Sâu róm Trung Quốc tràn vào Việt Nam
Vào những năm 1965-1970, sâu róm thông gây ra những trận dịch lớn đối với rừng thông ở Quảng Ninh, Bắc Giang và từ đó trở thành đối tượng gây hại nghiêm trọng. Công tác phòng trừ sâu róm thông ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, loài sâu róm hại thông thuộc họ bướm, có vùng phân bố tự nhiên ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Sâu róm thông xâm nhập vào Việt Nam từ những năm 1950.
Sự lan rộng của sinh vật ngoại lai hiện nay được ghi nhận như một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sinh thái và nền kinh tế thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Đặc biệt, nó càng trở nên nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu và những xáo động về vật lý, hóa học đối với các loài.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
******************
Phát hoảng với "tôm 10 càng" người Trung Quốc nuôi ở Đồng Tháp (Dân Việt, 08/02/2017)
Mấy ngày qua, người dân ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) xôn xao trước sự xuất hiện của những con tôm hùm đỏ hung dữ, có thể đi tới và đi lùi. Người dân gọi đó là loại "tôm 10 càng", 2 càng trước chỉ cần kẹp cái "tách" là cây lúa đứt làm đôi...
Trao đổi với phóng viên, ông Bảy Liêm, nhà ở ấp 6, xã Tân Hội Trung kể : "Tháng 4/2016, khi chúng tôi đang chuẩn bị thu hoạch lúa thì một người đàn ông nói giọng Bắc và những người Trung Quốc đến đây bàn việc thuê đất. Họ thuê giá cao gấp rưỡi giá vùng này, là 35 triệu đồng/ha/năm, thời hạn thuê 3 năm, nói để trồng sen.
Tôi có hơn 5ha, nhưng không cho thuê vì thấy cách nói chuyện của họ không đáng tin. Nhưng những người hàng xóm của tôi là ông Út Lủi, ông Hai Cạc, ông Ba Liêm thì cho họ thuê khoảng 5ha. Riêng tại vị trí xây dựng kho, họ thuê thêm hơn 20ha nữa, nói là trồng sen".
Tôm hùm đỏ tại trang trại của ông Hòa do người dân phát hiện.
Ông Liêm nói thêm : "Điều bất thường là họ muốn lập tức phá bỏ lúa, chấp nhận thuê đất giá cao và bồi thường thiệt hại cho việc phá lúa nên nhiều người dân đã phá luôn lúa rồi giao đất. Doanh nghiệp chịu bồi thường 10 tấn/ha, với giá bán thị trường thời điểm này là 6.000 đồng/kg. Thật không thể tin nổi".
Được biết, cơ sở trên của Công ty TNHH Sen Hoàng Giang, do ông Trần Văn Hòa làm Giám đốc. Ngày 6/2, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngay trong Chủ nhật (5/2), Sở này và đại diện các ngành chức năng tỉnh đã đến cơ sở của Công ty TNHH Sen Hoàng Giang kiểm tra quá trình hoạt động của công ty. Tuy nhiên, toàn bộ cơ sở làm ăn của công ty này vắng tanh không một bóng người.
Gần một năm trôi qua, mảnh đất rộng hơn 5ha giáp ranh đất ông Bảy Liêm không có cây sen nào. Chỉ cho chúng tôi xem mảnh đất bỏ hoang, ông Bảy Liêm kể : "Họ trồng sen rồi đem cái máy cày bự tổ chảng lại để xới bỏ. Họ bơm nước vào rồi lại bơm trở ra, chẳng biết để làm gì.
Hồi trước Tết, tôi đi thăm ruộng thấy bờ ranh giữa ruộng của tôi và dự án của họ có con gì lạ lạ. Tôi dòm kỹ thì thấy nó là con tôm giống như con bò cạp, có màu đỏ. Nó có thể đi kiểu tiến lẫn lùi, hai cái càng lớn búng tách tách. Đưa thử cây mạ vô thì nó kẹp đứt ngang. Kinh dị hơn là hai bên hông mỗi bên có 4 cái càng nhỏ. Tôi gọi là con "tôm 10 càng". Tôi thấy ghê quá nên chụp con tôm đem lên báo công an xã".
Bà Tám Phụng - chủ quán giải khát đối diện trụ sở Công ty Sen Hoàng Giang cho biết, những người đàn ông Trung Quốc đã rời khỏi công ty từ ngày 10 tháng Chạp (Âm lịch). Còn ông Trần Văn Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Sen Hoàng Giang và vợ rời khỏi Tân Hội Trung từ ngày 20 tháng Chạp, nói là về miền Bắc ăn Tết. "Anh Hòa nhờ gia đình tôi buổi tối bật công tắc đèn, ban ngày thì tắt" - bà Tám Phụng nói.
Trao đổi với phóng viên, bà Tám kể thêm : "Ông Sáu Hồng xóm tôi thấy mấy con tôm này bò trên bờ ruộng, bắt thử về nuôi được mấy ngày thì nó chết. Con tôm này nó hung dữ lắm, mấy cái càng cứ kẹp lia lịa à. Nhưng dân cảnh giác lắm, thấy lạ là báo chính quyền liền. Công ty này bỏ nhiều tỷ đồng về đây đầu tư, tới giờ chưa thu lại một cái gì hết".
"Tôm hùm đỏ đã bị cấm nuôi từ lâu, nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào nuôi lén lút, ngoài việc buộc tiêu hủy còn xử lý mạnh tay" - ông Công khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết tôm hùm đỏ hay tôm hùm đất là động vật ngoại lai nguy hại không được phép nuôi. Trường hợp ông Trần Văn Hòa - Giám đốc Công ty Sen Hoàng Giang - nuôi loại tôm này là nuôi một cách lén lút, khi người dân phát hiện thì các cơ quan chức năng đã phối hợp tiêu hủy ngay.
Ông Phạm Minh Chí - Phó Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, loài tôm mà ông Hòa nuôi là tôm hùm đỏ (hay tôm hùm đất), tên khoa học là Procambarus clarkii, một loại giáp xác nước ngọt, nguồn gốc ở nam Hoa Kỳ, có nhiều khả năng còn nguy hại hơn cả ốc bươu vàng.
Theo các tài liệu nghiên cứu, tôm hùm đỏ lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện ít nước. Mùa khô chúng có thể chịu đựng khô hạn đến 4 tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm. Tác hại của tôm hùm đỏ rất lớn, chúng đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virút gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.
Phương Dung
*****************
Nhiều cơ hội "xuất ngoại" lao động có chuyên môn (TBKTSG, 08/02/2017)
Bộ Lao động, thương binh và xã hội đang xây dựng đề án đưa lao động có trình độ cao sang làm việc ở những thị trường khó tính, tạo cơ hội cho những lao động có chuyên môn và khả năng ngoại ngữ tốt.
Hoạt động tuyển dụng tại một ngày hội việc làm của các doanh nghiệp Nhật tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : THÀNH HOA.
Theo đó, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đang giao Cục Quản lý Lao động ngoài nước (cơ quan thuộc bộ) và các đơn vị liên quan xây dựng đề án "Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025" để sớm trình Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, đề án dự kiến sẽ định hướng đưa lao động ngành điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và Cộng hòa liên bang Đức. Lao động trong ngành công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, sinh học, nông nghiệp sang làm việc tại Nhật Bản. Đối với lao động trong lĩnh vực cơ khí có thể sang làm việc tại Hàn Quốc và một số nước Châu Âu, Trung Đông. Lao động trong ngành đầu bếp, công nghệ thông tin, điện tử đi Hàn Quốc. Ngoài những thị trường trên, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng đang xúc tiến khai thác các thị trường mới như Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel...
Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, thương binh và xã hội), cho hay năm 2017 có nhiều cơ hội cho lao động có chuyên môn đi làm việc ở những thị trường khó tính, trong đó có Nhật Bản.
Cuối năm 2016, Nhật Bản thông qua luật mới, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các lao động nước ngoài. Tương tự, năm 2016, Việt Nam đã có thỏa thuận với Đức liên quan đến việc tuyển chọn, đào tạo điều dưỡng sang làm việc trong các bệnh viện tại nước này.
Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam VAMAS, năm 2016, lao động là điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhiều nhưng các ngành nghề khác như công nghệ thông tin, kỹ thuật, cơ khí… lại rất thấp. Mới chỉ có một số kỹ sư công nghệ thông tin đi làm việc ở Singapore nhưng số lượng rất ít. Thậm chí, nhiều lao động chấp nhận làm việc ở nước ngoài với công việc thấp hơn chuyên môn được đào tạo để lấy kiến thức, kinh nghiệm. Vì vậy, cần phải có một kế hoạch dài hơi để đào tạo bài bản lao động có chất lượng đi làm việc ở nước ngoài.
Còn ông Hương thì cho hay, các nước ngày càng khắt khe hơn, yêu cầu chất lượng, tay nghề cao hơn. Do đó, người lao động có ý định ra nước ngoài làm việc, ngoài sức khỏe cần phải chuẩn bị thêm những kỹ năng cần thiết như ngoại ngữ, chuyên môn nghề nghiệp, tác phong trong công việc… Không chỉ người lao động, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng cần phải đầu tư nhiều hơn cho cơ sở đào tạo, qua đó sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe từ những thị trường khó tính.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế, cho rằng trở ngại lớn nhất của lao động Việt Nam là trình độ ngoại ngữ. Do đó, ngoài kiến thức chuyên môn, các bạn trẻ muốn tìm cơ hội làm việc ở nước ngoài cần trau dồi ngoại ngữ ở nước tiếp nhận. Đây là yếu tố quyết định liệu lao động có được chấp nhận ở nước ngoài hay không.
Còn ông Tân của VAMAS cho rằng các bạn trẻ không nên quá nóng vội, cần phải xác định muốn đi làm việc ở những thị trường khó tính phải có tối thiểu 6-7 tháng để học ngoại ngữ, phong cách làm việc, văn hóa nước tiếp nhận... Hơn nữa, cũng cần phải học các kỹ năng để khi về nước có thể sớm hòa nhập vào thị trường lao động trong nước.
Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, năm 2016 đã có hơn 126.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vượt 26% so với kế hoạch năm và tăng gần 9% so với năm 2015. Trong đó có hơn 68.000 lao động đi Đài Loan, chiếm hơn 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Kế đến là thị trường Nhật Bản, với gần 40.000 lao động, chiếm khoảng 30% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài và tăng gần 48% so với năm 2015. Ngoài ra còn có các thị trường khác như Malaysia (hơn 2.000 lao động).
Năm 2017, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đặt mục tiêu đưa 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thùy Dung
***************
Khi Việt Nam ‘ngoạn mục’ lên thứ 3 trên bản đồ… uống bia (VietnamNet, 08/02/2017)
Năm 2008, thứ hạng Việt Nam trên bản đồ tiêu thụ bia Châu Á xếp thứ 8. Vậy mà, năm 2016, Việt Nam đã leo lên xếp thứ 3 rất ngoạn mục, chỉ sau Nhật Bản siêu giàu và Trung Quốc siêu dân số.
Vậy là dịp tết Đinh Dậu, hơn 90 triệu người Việt uống hơn 320 triệu lít bia. Con số này nhiều hay ít ? Chỉ biết, với chừng đó bia, tết này người Việt uống nhiều hơn tết năm ngoái 9%.
Tết là dịp bia rượu được tiêu thụ nhiều nhất. Tháng giêng – tháng ăn chơi – rượu bia sẽ được tiếp tục uống, cứ để vào môi sẽ trôi vào bụng theo các lễ hội và dịp tân niên. Một nền kinh tế bia, bất chấp sự khó khăn kinh tế, từ vĩ mô đến vi mô, đang phát triển, và phát triển mạnh mẽ.
Thống kê cho thấy cả năm 2016, người Việt uống hết 3,8 tỉ lít. Tính trung bình, mỗi người Việt uống hết 42 lít bia, tăng 4 lít so với năm trước đó. Năm 2017, dự báo mức sản xuất bia trong nước gần 4 tỉ lít, cộng thêm bia nhập ngoại, người Việt sẽ uống nhiều hơn nữa.
Nền kinh tế bia đang chứng kiến cảnh các nhà máy bia tràn ngập khắp cả nước. Nhưng bia – rượu không thể tự mình phát triển mà kéo theo các nhà hàng, cùng với mồi nhậu, đủ thứ thượng vàng hạ cám. Đáng nói hơn, hệ quả của bia – rượu cũng đã kích thích các ngành khác, từ y tế đến chăm sóc sức khoẻ, và dĩ nhiên, nhiều sự bi thảm khác không muốn nhắc tới…
Hiện tượng uống bia đang tràn ngập khắp cả nước - Ảnh minh họa
Ngành bia đang phát triển, và phát triển rất mạnh. Năm 2008, thứ hạng Việt Nam trên bản đồ tiêu thụ bia Châu Á xếp thứ 8. Vậy mà, năm 2016, Việt Nam đã leo lên xếp thứ 3 rất ngoạn mục, chỉ sau Nhật Bản siêu giàu và Trung Quốc siêu dân số. Ở Đông Nam Á, Việt Nam đã là số một từ năm trước đó. Ở cấp độ thế giới, Việt Nam lọt vào tốp 25 quốc gia uống rượu bia giỏi nhất.
Nhắc tới bia và thứ hạng để nói tới nhiều chuyện. Đầu tiên là đo mức độ giàu nghèo. Ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital, quỹ đầu tư thành lập từ năm 1994 tại Việt Nam, đi xuyên qua các cơn sóng kinh tế buồn vui, ví von sự phát triển của xã hội qua bốn thức uống : đầu tiên là rượu đế, tức khi dân còn nghèo, sau đó là bia khi có chút tiền đủng đỉnh, sang hơn nữa thì xài whisky – rượu tây và giới có tiền thì uống vang – dĩ nhiên là vang ngoại nhập, chứ không phải Đà Lạt.
Vậy là, sự phát triển của kinh tế đi theo chiều bia rượu như vậy. Có thể nhìn thấy gì ? Ở thị trường nông thôn, năm 2015, theo các nhà nghiên cứu thị trường, dân ở khu vực này, uống khoảng 2 tỉ lít bia trong tổng số 3,5 tỉ lít. Điều đó có nghĩa là một người dân nông thôn đã uống bia xấp xỉ dân thành thị, vì xét theo cơ cấu dân số, khoảng 68% người Việt vẫn sống ở nông thôn, 32% là ở thành thị. Điều đáng nói là, trong khi thị dân như ở Sài Gòn bước ra ngõ hẻm là gặp quán nhậu, thì người nông thôn lại mua về uống. Dân quê ùn ùn mua từng thùng, và thay vì nhấm nháp ly đế, họ chuyển qua uống bia, như một cách nâng cấp đời…
Năm 2016 con số đang tăng, và năm nay cũng vậy. Vui cũng uống, buồn cũng uống, không vui không buồn cũng uống, và bằng cách ấy, ngành bia cứ phát triển. Có một thời, lãi suất ngân hàng được khuyến mãi thêm bằng bia, nghĩa là người có tiền đem tiền đến ngân hàng gửi, ngoài việc nhận lãi suất, khi đó cao, vì lạm phát cao, còn được rinh thêm mấy thùng bia về nhà uống nữa.
Cuộc cạnh tranh trong nền kinh tế bia đang chứng kiến sự lớn mạnh của Sabeco, bất chấp những lùm xùm về nhân sự hay quản trị. Kết thúc năm 2016, Sabeco có doanh thu 30.642 tỉ đồng, lãi sau thuế 4.655 tỉ, vô địch từ trước đến nay… Cổ phiếu Sabeco trong đợt lên sàn mới đây được chào bán 110.000 đồng. Các nhà đầu tư tranh mua, và rồi trên thị trường, thị giá được đẩy lên gấp đôi, hơn gấp đôi, vì tiềm năng phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Vậy mà, trước đó hai năm, ngân hàng BIDV chào bán nửa triệu cổ phiếu hãng bia này với giá 70.000 đồng, bằng giá lên sàn đầu tiên vào năm 2008, vậy mà để mấy tháng không ai đoái hoài tới. Thế là đành ôm, và hóa ra BIDV lại vớ bẫm.
Sau mức độ giàu nghèo, nền kinh tế bia đang làm rạng danh vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới về mức độ tiêu thụ. Thử đặt trong kinh tế bia trong bức tranh công nghệ sẽ thấy một sự tương phản : Bia đang lao như tên bắn về phía trước, trong khi trình độ công nghệ đang bị lôi tụt lại phía sau.
Nếu nhìn cuộc cách mạng công nghiệp đang bước vào giai đoạn 4, thì nền kinh tế Việt Nam, khổ thay, lại đang ở giai đoạn 2 – vừa là bia trong nền kinh tế bia, vừa là giai đoạn điện khí hóa trong cuộc cách mạng công nghiệp. Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, chương trình Fulbright, Việt Nam cũng chỉ mới giai đoạn 2. Nhắc lại để thấy, cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên là máy hơi nước thay thế sức người, cuộc cách mạng giai đoạn hai là điện khí hóa. Giai đoạn ba, vốn xảy ra từ rất lâu, là kỹ thuật số, với sự vào cuộc của máy tính, và giai đoạn 4 đang xảy ra là trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, kỹ thuật số… Để chứng minh, ông Tự Anh dẫn số liệu nghiên cứu của Fulbright mười năm với hãng Intel, rằng trong giá trị hàng tỉ USD xuất khẩu của hãng này, phía Việt Nam chỉ đóng góp một phần rất ít. Phần ít ỏi đó, theo ông Tự Anh, là phần mà Intel không thể nhập khẩu được như cắt tỉa hoa lá cành, túi đựng quà… "Nếu nhập khẩu được, hẳn họ cũng làm luôn"…
Trần Phi Tuấn
******************
Tín hiệu đáng mừng từ lễ hội (PetroTimes, 08/02/2017)
Mùa xuân là mùa lễ hội diễn ra khắp đất nước. Hàng chục triệu lượt người đã hành hương về các chùa chiền, di tích lễ bái cầu may cho một năm mới. Dịp tết Đinh Dậu vừa qua, ban tổ chức ở một số địa phương đã có những biện pháp hữu hiệu, thể hiện được nét văn hóa lễ hội, khiến khách thập phương hài lòng hơn.
Tại thủ đô Hà Nội, ngay từ đêm giao thừa, hàng vạn lượt người đã đến các đền chùa nổi tiếng làm lễ. Tuy lượng người đông hơn mọi năm nhưng an ninh, trật tự được bảo đảm ; không xảy ra cảnh chen lấn, tranh cãi, trộm cắp. Lực lượng thanh niên tình nguyện đã luân phiên trực trong những ngày tết đảm nhiệm việc trông giữ xe miễn phí ở Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc. Ở nhiều ngôi chùa và đền khác, hoạt động lễ bái đều diễn ra an toàn, thể hiện được nét văn minh, thanh lịch.
Khai hội chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng ở thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) là ngôi chùa mới được xây dựng mấy năm nay nhưng cũng thu hút lượng khách rất đông từ các tỉnh thành về vãn cảnh và chiêm bái. Ban tổ chức đã xây dựng 6 bãi đỗ xe miễn phí, có lực lượng bảo vệ và hướng dẫn chu đáo. Đặc biệt là nhà gửi xe máy, xe đạp được xây dựng kiên cố, có mái che mưa nắng. Ngày cao điểm khai hội, xe ca từ 24 chỗ trở lên phải dừng trả khách cách chùa gần 1 km. Trong ngày khai hội (mồng 8 tháng Giêng), nhà chùa chuẩn bị hàng ngàn xuất cơm trưa cấp miễn phí cho khách thập phương về dự lễ. Suốt dọc đường vào chùa và các khu vực trong chùa đều không có hàng quán, lều bạt, ô che của các loại dịch vụ tư nhân nên lối đi thông thoáng, khách không bị gây phiền hà bởi sự chèo kéo, ép mua bán. Đó là diểm mới mà tất cả các đền chùa, di tích trong cả nước cần phải học tập để giữ cho môi trường lễ hội được văn minh, tôn nghiêm và sạch đẹp.
Từ ngày đất nước đổi mới, việc đi lễ đầu xuân phát triển mạnh nhưng người đi lễ thường rất khó chịu với cảnh chùa chiền bị thương mại hóa. Khắp đường đi, lối lại trong khu vực đền chùa, di tích đều bị hàng quán chiếm dụng với các loại ô dù, lều lán bủa vây. Cảnh đeo bám, ép khách mua vàng mã, lễ vật và đi xe ôm diễn ra lộn xộn. Nạn chặt chém vô tội vạ khiến khách hành hương bị tra tấn đến khốn khổ. Rồi cảnh tranh giành khách, cãi lộn, đánh nhau liên tục xảy ra. Ban tổ chức xây dựng thêm chùa, đặt thêm nhiều hòm tiền công đức để tăng thu cho địa phương cũng diễn ra phổ biến. Vì vậy, tổ chức dịch vụ gửi xe miễn phí và cấm hàng quán, dịch vụ của một số địa phương như nêu trên là việc đáng làm và cần làm ngay.
Bên cạnh những nhân tố mới mang lại sự bình yên và hài lòng cho du khách thì hiện nay vẫn tồn tại một số lễ hội gây phản cảm.
Trong 6 ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, lượng khách thập phương về trẩy hội Chùa Hương (Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội) đạt trên 20 vạn người, cao nhất từ trước tới nay. Nhưng cảnh hàng trăm du khách và phật tử chen lấn để giành lộc đã làm hỗn loạn một góc chùa Thiên Trù sáng mồng 6 tháng Giêng. Màn cướp hoa tre tuy được cho là tục lệ nhưng đã bị đẩy lên một cách thái quá khiến cho cảnh tượng được chờ đợi ở lễ hội Đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) xấu xí, lộn xộn.
Vàng mã ở đền Kiếp Bạc (Hải Dương)
Hội chém lợn ở giữa sân đình làng Ném Thượng (Phường Khắc Niệm, Thành phố Bắc Ninh) tạo cảm giác rùng rợn cho nhiều người mà đã có chỉ đạo của cấp trên nhưng bàn đi, tính lại nhiều lần, làng Ném Thượng vẫn "trảm" hai con lợn như thường lệ. Lý do là nhiều người dân trong làng đều muốn giữ lại truyền thống lễ hội của làng. Tuy nhiên, thay vì chém lợn ở sân đình như mọi năm thì năm nay cử hành bên trong che bạt kín. Chưa biết đến khi nào Ném Thượng mới xóa bỏ được chất bạo lực của lễ hội này ?
Có ý kiến đã nêu : lễ hội mà có dính đến "Cướp", "Giật", "Giành", "Chọi", "Đâm" ở là thế nào cũng đông thanh niên trai tráng xả thân lao vào cả. Ngày xưa người ta chơi cho vui, ai giành được thì may, ai không giành được thì mừng cho người giành được. Đó là phong tục, là nét văn hóa đẹp. Còn bây giờ lao vào, giẫm đạp lên nhau, đổ máu mới chịu. Nó tạo nên thứ văn hóa hung hăng và cướp giật. Tâm lý đám đông thể hiện ở thái độ cầu xin thật nhiều quan lộc, may mắn cho bản thân gia chủ, nhưng lại bất chấp việc có hại cho người khác, sẵn sàng chen lấn, dẫm đạp, lạng lách.
Đền Bảo Lộc (thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) thu hút hàng vạn du khách thập phương đi lễ đầu năm cầu an lành. Tuy nhiên, điều bức xúc đối với không ít du khách đến đây là nạn "chặt chém" giá trông giữ xe. Bảng giá trông giữ xe của UBND xã quy định 4.000 đ/xe máy nhưng ban tổ chức vẫn thu 10.000đ và đối với các loại xe khác cũng thu cao hơn gấp đôi như thế.
Đốt vàng mã quá nhiều vẫn diễn ra ở nhiều đền chùa do quan niệm sai lầm "trần sao âm vậy", mong sẽ có nhiều tài lộc quanh năm, tạo nên sự lãng phí quá lớn.
Những tín hiệu đáng mừng từ lễ hội của một số địa phương cần được nhân rộng ra khắp cả nước. Điều đó phụ thuộc vào quyết tâm và sự tự giác của chính quyền các địa phương. Chớ vì tư tưởng thực dụng, tăng thu mà làm mất đi ý nghĩa trong sáng và an lành của lễ hội.
Hoài Anh
Hy vọng người ta đến chùa với tấm lòng thanh tịnh chứ không phải với tâm thế của người sẵn sàng cướp lộc.
Vov.vn ngày 30/1/2017 cho biết : "Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước đốt hơn 40.000 tấn vàng mã, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng".
Riêng tại thủ đô Hà Nội, báo VnExpress.net ngày 25/8/2015 viết : "Có đến 50 ngàn tấn vàng mã được người dân thủ đô đốt mỗi năm, tương đương với 400 tỷ đồng" [1].
Con số mà báo chí nêu lên tuy có chút khập khiễng song nó cho thấy một sự lãng phí ghê gớm trong một đất nước mà không ít người, không ít địa phương ngày Tết vẫn cần gạo cứu đói.
Bốn, năm vạn tấn vàng mã, tức là bốn, năm vạn tấn giấy, tre nứa bị đốt, tro, bụi, khói bay vào môi trường và hậu quả là chính con cháu chúng ta gánh chịu.
Tiền đốt vàng mã là tiền dân, không phải tiền nhà nước, phải chăng vì thế chính quyền không thấy xót ?
Không bắn pháo hoa xuân Đinh Dậu, Hà Nội tiết kiệm được 10 tỷ đồng, con số ấy được báo chí, ti vi hết lời khen ngợi, nếu so với 400 tỷ vàng mã thì 10 tỷ chỉ là "muỗi".
Giống như đứa trẻ cướp bánh mì tí nữa bị tù còn "đứa lớn" bỏ túi hàng tỷ tiền ngân sách thì không ai nhắc đến.
Nói về vàng mã, ngoài những thứ như nón, quần, áo, tiền vàng… được làm bằng giấy "sạch", các loại khác chủ yếu làm bằng giấy đã qua sử dụng (in một mặt).
Đem những thứ đã qua sử dụng mà lại chưa chắc đã sạch dâng cho tiền nhân có phải là hợp đạo lý, có phải là tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với đấng sinh thành ?
Đốt vàng mã là tín ngưỡng dân gian, không phải là giáo điều nhà Phật.
Hơn nửa thế kỷ trước, Hòa thượng Tố Liên, một bậc danh tăng đã viết thế này :
"Nếu không tìm thấy tục đốt vàng mã do Phật giáo hay Nho giao truyền dạy, một lần nữa bần tăng thiết tha yêu cầu các ngài bỏ tục vàng mã đi, lại sẽ khuyến hóa mọi người bỏ tục đốt vàng mã đi, vì tục đốt vàng mã là do Vương Dũ và Vương Luân đầu độc dân Trung Quốc làm cho dân Việt Nam chúng ta cũng bị hại lây" [2].
Hàng ngàn người tranh cướp lộc ở lễ khai hội chùa Hương 2017. (Ảnh cắt từ clip của Vtc14)
Trong một video clip trên kênh Vtc14HD, một vị sư ở chùa Hương đứng trên cao ném lộc xuống cho người hành hương tranh cướp.
Đốt vàng mã và cướp lộc đầu năm chỉ là hai trong rất nhiều hiện tượng năm nào cũng xảy ra và năm nào cũng gây phản cảm trong dư luận xã hội.
Sự phản cảm không chỉ đến từ những người tranh nhau cướp "lộc" mà còn đến từ chính người phát lộc.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng và lãnh đạo Phật giáo chùa Hương không phải là "nên" mà là "phải" rút kinh nghiệm, phải chấm dứt hành động "phát lộc" theo kiểu bề trên bố thí đó.
Vì sao hành động tranh cướp (lộc) xấu xí đó vẫn cứ tiếp diễn ở đa số lễ hội, từ đền Trần đến chùa Hương, từ hội làng đến hội tầm cỡ quốc gia ?
Liệu con cháu ở nhà nhìn thấy cảnh người mẹ, người cô của mình xông đến trước mặt nhà sư, miệng mở hết cỡ kêu gào có cảm thấy tự hào ?
Liệu có phải một bộ phận người Việt hôm nay cho rằng những thứ tranh cướp (hoặc chặt chém) với chính đồng bào của mình mới là thứ quý, mới mang lại cho họ "phúc, lộc, thọ" ?
Hỏi thế vì ngày Tết, ăn bát bún hoặc phở ở Hà Nội, có người bị "chém" với giá 100.000 đồng, nghe đồn tại Hà Nam còn có giá tới 200.000 đồng, giá trông giữ xe máy lên tới 20.000 đồng một xe.
Thói xấu ấy có phải là bản chất vốn có của một bộ phận dân cư hay nó sinh ra trong một xã hội mà nền tảng đạo đức xuống cấp nghiêm trọng ?
Trong một xã hội mà "một bộ phận không nhỏ" quan chức xem vơ vét công quỹ là lẽ sống, đến mức có vị tướng đã phải thốt lên :
"Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỷ thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng ?".
Khi quan tham ở đâu cũng gặp mà đòi hỏi dân không tham thì thật là khó, vậy nên trước khi trách dân, có nên trách người nêu gương xấu cho dân học tập ?
Bên cạnh việc tranh cướp, chặt chém, cứ mỗi dịp Tết đến lại rộ lên chuyện "vác rá đi xin".
Năm 2016, Nghệ An thu ngân sách hơn 10.300 tỉ đồng, thế nhưng tỉnh này vẫn xin trung ương trợ cấp 1.700 tấn gạo - trị giá khoảng hơn 20 tỷ - số tiền này là quá nhỏ so với nguồn thu hằng năm của tỉnh nhưng "của chùa" tội gì mà không xin ?
So với chuyện tranh cướp lộc chùa, chuyện một số địa phương đến hẹn lại… đi xin cũng là một mảng tối trong bức tranh toàn cảnh mùa xuân.
Chắc chắn sẽ có những người tham gia cướp lộc cảm thấy xấu hổ, cảm thấy đã tự hạ thấp phẩm giá chính mình song những người năm nào cũng "xin gạo cho dân" có cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương ?
Có ai cho rằng phấn đấu không phải đi xin chính là một nét văn hóa mà con người văn minh cần phải hướng tới ?
Ngày xuân người Việt thường chúc nhau điều tốt lành, cũng có người chúc nhau gặp nhiều may mắn.
Hy vọng sẽ không xuất hiện trên mặt báo những hình ảnh xấu xí trong các lễ hội đầu xuân, hy vọng người ta đến chùa với tấm lòng thanh tịnh chứ không phải với tâm thế của người sẵn sàng cướp lộc
Xuân Dương
Nguồn : GDVN, 04/02/2017
Tài liệu tham khảo :
[1] http://hanoimoi.com.vn/Media/Doi-song/794392/ha-noi-dot-400-ty-dong-vang-ma-moi-nam
[2] http://phatgiao.org.vn/van-hoa/201401/Nguyen-nhan-tuc-dot-vang-ma-13113/
***********************
Đoạn clip của một nhà sư tung lộc trong ngày khai hội Chùa Hương diễn ra hôm qua (2/2) khiến dư luận xã hội bức xúc. Hành động này cũng khiến các nhà sư khác không khỏi chạnh lòng.
Thượng tọa Thích Nhật Từ
Văn hóa Phật giáo là văn hóa từ bi
Trao đổi với phóng viên Infonet, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Trưởng ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc cướp lộc ở chùa Hương hay ở bất cứ lễ hội văn hóa nào thì chẳng những không thể mang lại may mắn mà ngược lại có thể dẫn đến sứt đầu mẻ trán, đánh đập, chà đạp thậm chí dẫm đạp nhau mà chết người như các lễ hội hành hương ở nước ngoài.
"Tôi cho rằng đã đến lúc nhân dân VN và những nơi tổ chức lễ hội phải có ý thức cộng đồng về việc xếp hàng như một văn hóa.
Việc phát lộc đầu năm ở các chùa như một truyền thống nhiều thế kỷ rồi, nhưng ở nhiều nơi làm bài bản - tất cả quần chúng phật tử phải hoan hỷ xếp hàng, ai xếp hàng trước nhận trước ai xếp hàng sau nhận sau. Để làm được công việc đó, nơi tổ chức phát lộc phải có bộ phận tổ chức tạo ra những đường tránh, ví dụ một làn 10 hàng đi lên, 10 hàng đi xuống để phát và nhận … có những cách thông thoáng làm sao vừa đảm bảo sự trang nghiêm của nhà chùa vừa đảm bảo an toàn cho người tiếp nhận lộc.
Điều này có thể nằm trong tầm tay được nhưng rất tiếc chúng ta chưa nghiêm túc trong việc tổ chức phát lộc chẳng hạn như ở Chùa Hương mới xảy ra hay cướp ấn ở đền Trần Nam Định rất phản cảm"- Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.
Nói về hành vi tung lộc của nhà sư tại Chùa Hương, thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định, "không đúng với văn hóa phật giáo". Bởi, theo văn hóa phật giáo, lộc được trao tặng với thái độ trân trọng chứ không phải quăng đi.
Hình ảnh một người thầy quăng lộc, biểu cảm gương mặt vui mừng khi thấy người ta tranh giành, dẫm đạp lên nhau như vậy đi ngược lại thái độ nghiêm túc, trang nghiêm của văn hóa trao tặng của Phật giáo.
"Văn hóa Phật giáo là văn hóa từ bi chứ không phải mua vui. Trong từ bi là làm cho người ta thông cảm một cách sâu sắc với nỗi khổ niềm đau với người được trao tặng, còn nếu phát lộc là thông cảm với nguyện vọng chân thành của người đón nhận lộc, ở đó người thầy phải gửi đến với thái độ chân thành.
Người trao tặng cho người tiếp nhận niềm vui cái đó như sự may mắn. Người tiếp nhận cũng cảm thấy hân hoan vì đến chùa đầu năm nhận được lộc …Theo tôi đã đến lúc các nhà chùa khi tổ chức dù là lễ hội hay sinh hoạt văn hóa thông thường ở chùa mình cần tạo ý thức đó là văn hóa xếp hàng như là một văn hóa ứng xử" - Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh.
Cần thay đổi ý thức
Đồng tình với quan điểm trên, Thương tọa Thích Thành Huân, Phó chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Pháp Vân (Hà Nội) cũng cho rằng, chuyện tranh cướp lộc phụ thuộc nhiều yếu tố.
"Việc phát lộc tồn tại nhiều năm và tranh cướp lộc nhìn thì thấy không hay nhưng đã tồn tại hàng trăm năm nay rồi. Nói như thế thì hơi võ đoán nhưng ở mình hay có chuyện tranh cướp lộc và một số cho rằng phải tranh cướp thế mới vui, phải tranh cướp thế mới có lễ để xin lộc. Việc tranh cướp lộc này tồn tại ở nhiều nơi, nhiều vùng không chỉ riêng ở Chùa Hương"- Thượng tọa Thích Thành Huân nói.
Quan điểm cá nhân của Thượng tọa Thích Thành Huân cho rằng "cho lộc và nhận lộc là cả vấn đề mà mình cần phải tổ chức thực hiện ra sao có ý nghĩa để người nhận trân trọng lộc ấy. Do đó, những lễ đông như vậy thì phải tính toán trước để cho người ta nhận lễ ở một nơi nào đó … giãn khoảng cách ra tránh hiện tượng tranh cướp".
"Nơi phát lộc, người nhận lộc cần có ý thức và mình thay đổi thói quen nhận lộc và cho lộc thể hiện nếp sống văn hóa đẹp. Bởi, cho và nhận lộc thể hiện trân trọng vật phẩm mình cho và mình nhận nên cần thành kính trang nghiêm. Nếu nhìn vào chiều sâu, việc tranh cướp lộc chẳng hay. Nếu tạo hình thức để chơi vui thì cũng được nhưng vui tranh cướp nó khác chuyện thực sự muốn tranh cướp để được phần lộc đó, phần quà đó mà tranh với người khác xảy ra chuyện xô đẩy nhau thậm chí ngã, tử vong thì hoàn toàn không hay"- thượng tọa Thích Thành Huân lưu ý.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo thượng tọa Thích Thành Huân là do ý thức của người dân chưa cao. Do đó, trước khi diễn ra lễ hội Ban tổ chức phải lường trước, tính đến giải pháp ban phát lộc một cách tốt nhất.
"Chúng tôi thường phân ra nhiều người phát… làm sao không trở thành tranh cướp, xô bồ, huyên náo trong nơi thực hiện nghi lễ nhất là chỗ tôn nghiêm càng không nên.
Cái này đòi hỏi nhiều người cùng chung ý thức, phải cải tiến… nếu không lường trước chuyện đó đáng ra rất vui, hay trở thành phản cảm, nhìn sâu hơn nữa thấy văn hóa không lành mạnh. Ở đây còn nhiều vấn đề tồn tại trong nghi lễ và cách ứng xử với nghi lễ của người dân mình nên khi hành lễ cả Ban tổ chức và quần chúng phải có cách chuyển đổi làm sao trang nghiêm.
Ở Chùa Hương có thể Ban tổ chức không lường trước được cũng có thể cứ quen như thế nên trở thành chuyện không hay. Theo tôi nghi lễ phát lộc nên trang trọng, người cho lộc và người tiếp nhận lộc dù là lộc gì đi nữa bên cho và nhận cần thành kính nhất là lộc gắn với nghi lễ thiêng liêng. Để làm sao người nhận được lộc ấy nhận được nhiều chứ không chỉ vật tượng trưng như thế. Tuy rằng mất thời gian hơn nhưng họ cảm thấy có ý nghĩa và chiều sâu hơn sau khi nhận lộc" - Thượng tọa Thích Thành Huân nói.
Đưa ra giải pháp, Thượng tọa Thích Thành Huân cho rằng, Ban tổ chức có thể chia thành nhiều điểm thậm chí khi nhận lộc phải tĩnh lặng. Nếu số lượng ít có thể cho từng người một để làm sao tất cả cùng thấy nhiều niềm vui hơn là việc cầm tung như thế rất phản cảm dù đó là thứ lộc gì.
Nhà sư tung lộc đã bị phạt
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2017 khẳng định, việc tung lộc của sư thầy Thích Đạo Trụ trong ngày khai mạc là sai và đã bị nhắc nhở.
Theo ông Hậu, trong kế hoạch khai hội chùa Hương năm 2017 không hề có chương trình phát lộc cho các phật tử, du khách về dự. Còn thời điểm diễn ra sự việc, các lãnh đạo, đại biểu đang làm lễ ở trong chùa nên không biết bên ngoài đang phát lộc.
"Khi sư thầy Thích Đạo Trụ phát lộc cho các du khách thì lúc đó lễ khai hội đã diễn ra xong. Lộc được phát là biểu tượng Phật bà làm bằng nhựa có dây đeo. Đầu tiên nhà sư phát một cách bình thường, đưa cho từng người, nhưng sau đó đám đông hiếu kỳ, chen lấn xô nhau. Và khi thấy cảnh tượng đó thì nhà sư đã tung lộc ra cho mọi người. Việc phát lộc nếu diễn ra đúng lúc, đúng chỗ, hình thức phát một cách trang trọng thì không có vấn đề gì. Còn việc sư Trụ tung lộc như vậy là sai", ông Hậu nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cũng thông tin thêm, ngay sau khi đoạn clip và những hình ảnh về việc tung lộc được đưa lên, ông đã có văn bản gửi Thượng toạ Thích Minh Hiền, Trụ trì chùa Hương, Phó Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2017.
"Tôi đã đề nghị Thượng tọa Thích Minh Hiền chấn chỉnh lại sư Trụ, cần rút kinh nghiệm và không để xảy ra những việc nằm ngoài chương trình lễ hội, tạo ra những hình ảnh không đẹp. Chúng tôi cũng đã có văn bản yêu cầu sự Trụ kiểm điểm, giải trình. Về phía nhà chùa, Trụ trì Thích Minh Hiền đã yêu cầu sư Trụ sám hối, phạt quỳ hương ngay từ đêm 2/2", ông Hậu nêu rõ.
Đồng thời, ông Hậu cũng khẳng định : "Việc phát lộc nếu ở một thời điểm và hoàn cảnh thuận lợi thì không sao nhưng để xảy ra cảnh tranh giành thì phải rút kinh nghiệm. Năm sau, chúng tôi kiên quyết không để tái diễn cảnh tượng trên".
Trong khi đó, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cũng trao đổi với báo giới, đơn vị này đã lập đoàn kiểm tra để xem xét cụ thể về sự việc để có hướng xử lý.
N. Huyền