Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc : Việt Nam cần đẩy mạnh an ninh trật tự xã hội (RFA, 15/05/2017)
"Chính quyền và cơ quan chức năng cần đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho người dân và đảm bảo xã hội công bằng, minh bạch, phòng ngừa và đấu tranh tội phạm để giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân".
Công an kêu gọi người dân không biểu tình gần Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 18 tháng 5 năm 2014. AFP photo
Đó là lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo một số bộ ngành và 63 tỉnh thành về tình hình an ninh trật tự, diễn ra vào ngày 15/5.
Mục đích của buổi làm việc được báo giới cho biết là về công tác đảm bảo an ninh trật tự.
Trong buổi thảo luận với các lãnh đạo, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong thời gian qua tình hình an ninh trật tự nhìn chung là tốt, tuy nhiên một số địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt như vuệc lợi dụng vụ việc Formosa để gây rối, tụ tập bắt giữ người trái luật, chống người thi hành công vụ. Một số nơi còn xuất hiện tình trạng tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng, các tội phạm khác như ma túy, tham nhũng, môi trường, phá rừng, khai thác cát trái phép, xâm hại tình dục trẻ em, bán hàng đa cấp, tội phạm Internet.
Tin cho biết thêm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do việc giải quyết của cơ quan chức năng còn thiếu kinh nghiệm, chưa phát huy được vai trò của quần chúng. Một số cơ quan còn lúng túng, xử lý thiếu chuyên nghiệp và chưa thực hiện nghiêm pháp luật.
Trước tình hình trên, Thủ tướng chỉ đạo các lãnh đạo, địa phương, các cấp, ngành cần phối hợp để đảm bảo tốt an ninh trật tự cho người dân. Chỉ đạo bộ Thông tin và Truyền thông cần ngăn chặn, phản bác các luồng tin xuyên tạc sai sự thật và cung cấp thông tin chính thống cho người dân.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trong đó, 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 được nêu rõ, bao gồm việc chấm dứt mọi hình thức nghèo ở khắp nơi, đảm bảo an ninh lương thực cải thiện dinh dưỡng, đảm bảo nền giáo dục chất lượng, đạt được bình đẳng giới, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, quản lý tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho mọi người…
Thủ tướng xác định rõ để đạt được mục tiêu trên, giai đoạn 2017-2020 cần hoàn thiện thể chế phát triển bền vững. 2018 sẽ hoàn thành kế hoạch hành động cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan. Đến giai đoạn 2021-2030 sẽ bắt đầu triển khai. Đồng thời, cần thực hiện tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thực về chương trình này.
*******************
Công an bắt nhà hoạt động Hoàng Đức Bình (VOA, 15/05/2017)
Người dân biểu tình phản đối vụ bắt nhà hoạt động Hoàng Bình ; Diễn Châu, Nghệ An, 15/5/2017
Công an đã bắt nhà hoạt động Hoàng Đức Bình sáng 15/5 tại Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trong một năm trở lại đây, ông Bình tích cực tham gia các hoạt động phản đối vụ hãng Formosa gây thảm họa ô nhiễm biển miền trung Việt Nam, nhất là tại một số vùng có đông giáo dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
Ông Bình, 34 tuổi, là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, tổ chức được thành lập năm 2008 với mục tiêu giúp người lao động đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của họ. Chính quyền Việt Nam không công nhận tổ chức này.
Trực tiếp chứng kiến vụ bắt bớ, Linh mục Nguyễn Đình Thục, cho VOA biết cảnh sát giao thông đã chặn xe ô tô chở linh mục và ông Bình trên đường quốc lộ, tiếp đến hàng chục nhân viên công an mặc cảnh phục lẫn thường phục đã "tấn công một cách thô bạo và mở cửa" chiếc xe, "lôi" ông Bình ra rồi "đưa đi mất".
Linh mục Thục nói tại thời điểm đó công an "không đọc lệnh bắt", "không giải thích lệnh", "không có biên bản" và như vậy họ đã không làm đúng pháp luật. Ông nói thêm :
"Bắt anh Hoàng Bình buổi sáng hôm nay là như kiểu mà họ bắt một con vật vậy đó. Họ bắt người mà như hành động của bọn côn đồ vậy đó. Chúng tôi cảm thấy rất là đau lòng trước hành động của họ và cảm thấy rất là tức giận. Họ quá coi thường pháp luật và coi thường người dân của họ, trong đất nước Việt Nam mà họ là chính quyền".
VOA không liên lạc được với công an Diễn Châu để có thông tin hai chiều từ phía họ.
Ảnh được cho là chụp ông Hoàng Đức Bình sau khi bị công an bắt ngày 15/5/2017
Vị linh mục quản xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An, cho hay ngay sau vụ bắt giữ những người đi cùng xe với ông Bình đã loan tin trên mạng xã hội. Hàng nghìn người dân, gồm cả giáo dân và lương dân, cùng một số linh mục đã đổ về nơi vụ bắt bớ diễn ra, gần Đền Cuông trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Diễn Châu.
Các hình ảnh và thông tin do người dân và các nhà hoạt động chia sẻ trên mạng xã hội khẳng định quốc lộ đã "tê liệt" khi ước chừng 10.000 người dân đổ về phản đối vụ bắt giữ.
Theo Linh mục Thục, đến 3 giờ chiều, mọi người đã di chuyến đến trụ sở công an huyện Diễn Châu để "đòi người". Thông tin trên mạng xã hội cho hay phía chính quyền đã đối phó bằng cách bố trí "hàng ngàn" cảnh sát cơ động và công an quanh trụ sở.
Đã không có đụng độ giữa người dân và công an. Vào lúc 6h chiều 15/5, giờ Việt Nam, Linh mục Thục giải thích với VOA :
"Khi chúng tôi về đến đó thì thấy gần tối rồi. Chúng tôi nghĩ rằng là cần phải có sự an toàn đối với người dân là trên hết. Hơn nữa, chúng tôi cũng nhận được sự góp ý của anh em linh mục và của bề trên thì chúng tôi quyết định để cho bà con ra về. Và hơn nữa là chúng tôi biết buổi chiều hôm nay họ đã có một cái lệnh bắt người của tỉnh Nghệ An đối với trường hợp anh Hoàng Bình. Chúng tôi nghĩ rằng một khi họ ra lệnh như vậy thì việc đòi người xem ra là không có nhiều hy vọng".
Các báo Việt Nam đưa tin chiều ngày 15/5 rằng công an Nghệ An đã bắt ông Bình với cáo buộc ông "chống người thi hành công vụ" và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Các bài báo không nêu chi tiết những vụ việc cụ thể mà ông Bình có liên quan.
Trong nhiều tháng nay, ông Hoàng Đức Bình thuộc Phong trào Lao Động Việt và nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền, thành viên của Con Đường Việt Nam, đã giúp đỡ nhiều hoạt động truyền thông cho người dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh bị ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm biển do hãng Formosa của Đài Loan gây ra.
Formosa đã chấp nhận đền bù cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla sau vụ nhà máy của hãng xả thải gây cá chết hàng loạt ven biển miền trung. Người dân nhiều nơi, nhất là Hà Tĩnh và Nghệ An, cho rằng họ chưa nhận được đền bù thỏa đáng và vẫn đấu tranh đòi đóng cửa Formosa do lo ngại các nguy cơ môi trường về lâu dài.
Cách đây 4 ngày, công an Hà Tĩnh đã ra lệnh bắt và sau đó truy nã nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền về tội "gây rối trật tự công cộng". Một số báo Việt Nam nói ông Quyền có vai trò "cầm đầu" một số cuộc biểu tình chống Formosa ở Hà Tĩnh.
Dường như hiện nay ông Quyền vẫn đang tự do. Một trang Facebook mang tên ông hồi 4h30 chiều ngày 15/5 có một bài ngắn viết : "Hôm qua anh còn nói là ‘nếu em bị bắt, anh sẽ ra cơ quan công an để nhận tội chung với em’. Giờ em vẫn đang bình an mà anh đã bị bắt là sao Bình ơi. Mong anh được bình an trong tay quỷ dữ".
Linh mục Nguyễn Đình Thục nói với VOA các linh mục và các giáo xứ sẽ bàn bạc để tìm con đường đấu tranh phù hợp nhằm đòi trả tự do cho ông Hoàng Đức Bình.
********************
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị bắt theo điều 258 (RFA, 15/05/2017)
Các nhà hoạt động dân chủ Bạch Hồng Quyền (trái) và Hoàng Đức Bình. Courtesy of chantroimoimedia.com
Anh Hoàng Đức Bình, một nhà hoạt động xã hội tại tỉnh Nghệ An bị cơ quan công an tỉnh này bắt giữ vào ngày hôm nay.
Báo chí nhà nước Việt Nam trích lời công an tỉnh Nghệ An, nói rằng anh Bình bị bắt vì hành vi chống người thi hành công vụ, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, qui định tại điều 257, và 258 bộ luật hình sự Việt Nam.
Báo Công An Nghệ An nói rằng anh Bình và một số người khác đã đưa những tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ lên mạng xã hội, và anh Bình đã lợi dụng sự cố Formosa, cùng các linh mục cực đoan tổ chức biểu tình gây mất trật tự xã hội tại Hà Tĩnh và Nghệ An.
Theo trang mạng Dân Làm Báo, không do nhà nước Việt Nam kiểm soát, thì anh anh Hoàng Đức Bình bị một nhóm người mặt thường phục bắt khi đang đi cùng xe với linh mục Nguyễn Đình Thục, tại địa phận huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Chúng tôi đã liên lạc được với ông Hoàng Đức Hòa, cha của anh Hoàng Đức Bình và được ông cho biết :
"Hiện nay người nhà không biết, chính quyền thì họ không cho biết đâu. Anh em bạn bè đang đi tìm. Công an giả dạng côn đồ họ bắt".
Một người có mặt trên xe lúc anh Hoàng Đức Bình bị bắt là chị Emily Page Le, cho chúng tôi biết :
"Chúng tôi đi từ giáo xứ Song Ngọc ra, thì có hai người an ninh ngầm đi theo. Cha Thục định chụp hình họ thì họ dừng xe. Họ đã theo dõi chúng tôi từ trong giáo xứ. Khi đi được khoảng 40 cây số, thì cảnh sát giao thông dừng xe lại để xem giấy tờ, khi tài xế mở cửa xuống để đưa giấy tờ, thì họ ập vô đẩy tài xế ra, an ninh ập đến lôi anh Bình ra".
Theo các nguồn tin chưa được kiểm chứng thì nhiều người dân đã đến trụ sở huyện Diễn Châu biểu tình phản đối việc bắt giữ anh Hoàng Đức Bình, và một lực lượng lớn anh ninh và công an được huy động để ngăn chận cuộc biểu tình.
Hôm 12 tháng năm, một nhà hoạt động xã hội khác là Bạch Hồng Quyền cũng bị công an Hà Tĩnh truy nã, vì cho là đã kích động khoảng 2000 người dân phản đối Formosa và hành xử bạo lực của công an, dẫn đến việc chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vài giờ đồng hồ, vào ngày 3 tháng tư năm 2017.
******************
Công an Nghệ An phát lệnh truy nã nhà hoạt động Thái Văn Dung (RFA, 15/05/2017)
Báo mạng Nghệ An hôm nay thứ Hai 15/5/2017 công bố lệnh truy nã toàn quốc một nhà hoạt động xã hội tại Nghệ An là ông Thái Văn Dung.
Lệnh truy nã này được công an tỉnh Nghệ An ký vào ngày 8 tháng 3, năm 2017 tức là cách đây hơn hai tháng.
Bản tin về lệnh truy nã nhà hoạt động Thái Văn Dung trên báo Nghệ An ngày 15/05/2017. screenshot
Tuy nhiên, lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do RFA ông Dung cho biết :
"Tôi chưa nhận được lệnh bắt, và gia đình cũng không có thông tin gì. Hôm nay do sự kiện ở đền Cuông Diễn Châu, nên nhà cầm quyền đưa cái đó lên các trang mạng, mà lại không đến gặp trực tiếp tôi để đưa lệnh. Nếu nhà cầm quyền ra lệnh bắt, thì tôi sẵn sàng để nhà cầm quyền bắt, vì trước khi ra tù tôi đã tuyên bố, là tôi, Thái Văn Dung vẫn tiếp tục đấu tranh cho công lý và hòa bình, cho các quyền con người, quyền mà con người đáng được thụ hưởng".
Theo lệnh truy nã này thì ông Thái Văn Dung can tội không thi hành án qui định ở điều 304 bộ luật hình sự Việt Nam.
Báo Nghệ An nói rằng vào năm 2013, ông Thái Văn Dung bị kết án tù 4 năm về tội danh "hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân", và phải chịu 4 năm quản chế sau khi ra tù.
Báo này nói rằng ông Dung đã không chấp hành lệnh quản chế và đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú vào ngày 1 tháng 3 năm 2017.
***************
Việt Nam truy nã nhà hoạt động Thái Văn Dung (VOA, 16/05/2017)
Lệnh truy nã nhà hoạt động Thái Văn Dung (Ảnh chụp màn hình)
Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định truy nã toàn quốc đối với nhà hoạt động Thái Văn Dung, 29 tuổi, về tội "không chấp hành án", theo truyền thông trong nước ngày 15/5.
Quyết định được ban hành từ đầu tháng 3 nay được phía công an nhắc lại dường như để chứng tỏ quyết tâm đi đến cùng việc này.
Thời gian gần đây, liên tục có những lệnh bắt hoặc truy nã các nhà hoạt động liên quan đến những cuộc biểu tình chống Formosa ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
Cùng ngày 15/5, nhà hoạt động Hoàng Bình bị công an bắt bất ngờ ở Diễn Châu, Nghệ An, với cáo buộc "chống người thi hành công vụ" và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước".
Trước đó ít ngày, chính quyền ra lệnh bắt và truy nã nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền về tội "gây rối trật tự công cộng". Anh Quyền bị tố cáo "cầm đầu" một số cuộc biểu tình chống Formosa ở Hà Tĩnh.
Anh Thái Văn Dung, quê ở xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, là một nhà hoạt động chống bất công xã hội, từng tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Cách đây 6 năm, anh Dung bị bắt cùng một số thanh niên Công giáo với cáo buộc "âm mưu hoạt động lật đổ chính quyền". Anh lãnh 4 năm tù giam và 4 năm quản chế và mãn hạn tù vào tháng 8/2015.
Truyền thông nhà nước nói kể từ khi ra tù, anh Dung "không chấp hành hình phạt quản chế" 4 năm, "không chịu trình diện" cũng như "không xin phép khi đi khỏi địa phương".
Theo các báo, cuối tháng 2 năm nay, công an tỉnh Nghệ An đã ra lệnh bắt tạm giam đối với anh Dung về tội "không chấp hành án".
Với lý do anh không có mặt tại nơi đăng ký hộ khẩu lẫn nơi đăng ký tạm trú, ngày 8/3/2017, công an Nghệ An đã ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Dung.
Một số báo Việt Nam mô tả rằng anh Thái Văn Dung "từng là đối tượng" có nhiều hoạt động "kích động, gây rối an ninh trật tự", "chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc", thường xuyên "xuyên tạc chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước".
Kể từ ngày ra tù, anh Dung khẳng định sẽ tiếp tục "dấn thân đấu tranh bằng con đường công khai" cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam "dù có phải mất đi tính mạng này".