Mỹ đánh thuế nặng mặt hàng thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc (RFI, 06/12/2017)
Hôm 05/12/2017, Bộ Thương Mại Mỹ thông báo áp thuế chống phá giá và trợ giá ở mức cao đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam nhưng có nguồn gốc nguyên liệu Trung Quốc.
Một xưởng thép của Trung Quốc ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Reuters/Stringer
Thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ khẳng định các sản phẩm thép chế biến ở Việt Nam nhập vào Mỹ chính là hình thức đi đường vòng để né tránh thuế phạt của Washington từ năm 2015 đối với các sản phẩm thép Trung Quốc.
Cơ quan quản lý thương mại Mỹ cho biết : Trị giá các lô hàng thép chống ăn mòn từ Việt Nam nhập vào Mỹ đến thời điểm này đã tăng từ 2 triệu lên 80 triệu đô la. Mặt hàng thép cán nguội cũng tăng từ 9 triệu lên 215 triệu đô la.
Chính quyền Mỹ khẳng định các sản phẩm nói trên sẽ bị áp mức thuế chống phá và chống trợ giá bước đầu có thể từ 265% đến trên 500%.
Mức thuế mới áp cho sản phẩm thép Việt Nam dựa trên các kết quả sơ bộ của một cuộc điều tra đang tiến hành sau khi có đơn kiện của 6 công ty Mỹ. Tháng Hai năm tới sẽ có kết luận điều tra cuối cùng.
Các nhà sản xuất Việt Nam có thể được miễn trừ mức thuế chống phá giá nếu họ chứng minh được các sản phẩm của họ hoàn toàn sử dụng nguyên vật liệu trong nước hoặc của bất kỳ nước nào khác ngoài Trung Quốc.
Mục tiêu của quyết định trên là các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Tháng trước Bộ Thương Mại Mỹ cũng đã mở hồ sơ điều tra xem liệu sản phẩm nhôm tấm Trung Quốc xuất sang Mỹ có được Nhà nước trợ giá hay không.
Anh Vũ
****************
Thép Việt Nam 'xuất xứ Trung Quốc' bị Mỹ trừng phạt (BBC, 06/12/2017)
Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp thuế trừng phạt lên một số sản phẩm thép từ Việt Nam bị cho là có xuất xứ Trung Quốc.
Công nhân một nhà máy sản xuất thép tại Bắc Kinh, Trung Quốc
Thông báo hôm 5/12 đưa ra sau khi Hoa Kỳ nói đã phát hiện các sản phẩm này né các lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ.
Bộ Thương mại Mỹ đồng ý với quan điểm của các nhà sản xuất Mỹ rằng 90% giá trị sản phẩm thép nhập vào Hoa Kỳ bắt nguồn từ Trung Quốc.
Thép cuộn cán nguội Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá của Mỹ là 531%, trong khi thép chống ăn mòn sẽ đối mặt với mức thuế 238%.
Năm 2016, Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ áp lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ, với mức thuế 266% với sản phẩm thép.
Nhưng sau đó, thép không gỉ từ Việt Nam vào Mỹ đang từ 2 triệu USD/năm đã tăng lên 80 triệu USD/năm, thép cuộn lạnh tăng từ 9 triệu USD lên 215 triệu USD/năm, theo phía Mỹ.
Công nhân xếp càng vòng thép để xuất khẩu tại một nhà máy ở Giang Tô, Trung Quốc
Các mức thuế cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 16/2 năm 2018.
Quyết định này được đưa ra sau khi Liên minh Châu Âu vào tháng 11 cũng đã phát hiện ra các chuyến hàng thép từ Việt Nam vào EU phá vỡ nguyên tắc thuế.
Theo hãng AFP, các nhà nhập khẩu thép từ Việt Nam có thể được miễn thuế nếu như họ chứng minh được vật liệu sử dụng có xuất xứ ở nơi khác ngoài Trung Quốc.
Trong khi hôm 24/11, theo VTV, Tổng cục Hải quan Việt Nam nói số liệu 90% thép của Việt Nam vận chuyển qua Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc là chưa chính xác, chỉ có 11 mặt hàng thép, tức 34% sản lượng thép Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ có mã phân loại hàng hóa trùng với mã nhập khẩu thép từ Trung Quốc.
Việt Nam là quốc gia nhập khẩu thép lớn thứ 6 trên thế giới. Theo báo cáo của Cục thống kê thép thế giới (ISSB), thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ giảm mạnh ngay sau khi có quyết định áp thuế.
Nhưng trong cùng kỳ số lượng thép Việt Nam nhập từ Trung Quốc lại tăng gấp 10 lần.
***********************
Mỹ áp thuế cao với thép Việt xuất xứ từ Trung Quốc (RFA, 06/12/2017)
Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm 5 tháng 12 quyết định áp thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá lên một số sản phẩm thép của Việt Nam với lý do các sản phẩm này được sản xuất với vật liệu phải chịu thuế trừng phạt từ Trung Quốc.
Công nhân tại một xưởng tư nhân sản xuất thép dùng cho xây dựng ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội hôm 14/11/2014. AFP
Theo quyết định mới, thép cán nguội của Việt Nam sẽ phải đối mặt với mức thuế là 531%, trong khi thép chống ăn mòn sẽ phải chịu mức thuế 238%.
Các mức thuế cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 16/2/2018.
Hồi năm 2016, thép của Trung Quốc cũng bị Hoa Kỳ áp lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp với mức thuế là 266%.
Tuy nhiên theo Bộ Thương Mại Mỹ, ngay sau đó, thép nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ đã tăng vọt. Cụ thể thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam tăng từ mức 2 triệu đô la một năm lên 80 triệu đô la một năm, thép cuộn lạnh tăng từ 9 triệu đô la lên 215 triệu đô la một năm. Bộ Thương mại Mỹ cho rằng các công ty Trung Quốc đã tìm cách tránh thuế trừng phạt của Mỹ để vào thị trường Mỹ qua ngả Việt Nam.
Các công ty Việt Nam vẫn có thể nộp đơn xin cứu xét nếu họ chứng minh được các sản phẩm họ dùng cho sản phẩm của mình xuất xứ từ bên ngoài Trung Quốc.
Không chỉ có Mỹ phát hiện thép Trung Quốc ‘đội lốt’ thép Việt Nam nhập khẩu mà EU hồi tháng 11 cũng đã phát hiện trường hợp này.
Cơ quan chống gian lận của Ủy ban Châu Âu (OLAF) hồi tháng 11 cho biết họ đã phát hiện ra thép Trung Quốc được vận chuyển qua Việt Nam và gắn mác ‘Made in Vietnam’ để tránh bị đánh thuế cao.
OLAF cho biết với cách này thép Trung Quốc đã trốn được khoảng hơn 8 triệu euro thuế chống bán phá giá từ EU.
Một số báo trong nước trước đó đưa ra số liệu cho thấy có đến 90% thép của Việt Nam vận chuyển qua Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng Tổng cục Hải quan mới đây nói đây là số liệu chưa chính xác. Theo Tổng cục Hải quan chỉ có 34% sản lượng thép Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ xuất xứ từ Trung Quốc.
Hiện Hoa Kỳ cũng đang điều tra một trường hợp liên quan đến 1 triệu tấn nhôm Trung Quốc bị cho là đã được chuyển tới Việt Nam và sau đó đến Mexico để trốn thuế chống bán phá giá của Mỹ.