Đầu tư nước ngoài quan tâm việc Việt Nam chống tham nhũng (VOA, 19/01/2018)
Các nhà phân tích tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam sẽ hoan nghênh các thông lệ kinh doanh công bằng và khả đoán hơn khi chính phủ điều tra những người đứng đầu các công ty địa phương về tham nhũng.
Các công ty nước ngoài có cái nhìn tích cực về chống tham nhũng ở Việt Nam
Một số công ty nước ngoài có thể rà soát để đảm bảo là sổ sách kế toán sạch sẽ vào lúc các công tố viên điều tra các giám đốc điều hành tại các công ty Việt Nam do có nghi vấn về tham nhũng. Các nhà kinh tế dự đoán rằng hầu hết mọi người sẽ ca ngợi cuộc trấn áp đó như là bước tiến tới minh bạch, công bằng trong kinh doanh, và các công ty đối tác địa phương được điều hành tốt hơn.
Ông Song Seng Wun, nhà kinh tế thuộc bộ phận ngân hàng tư nhân của CIMB ở Singapore, nói : "Việc chống tham nhũng, theo tôi cho đến nay, dường như được đón nhận tốt. Ít nhất là trên bề mặt, có nỗ lực chống tham nhũng và làm cho minh bạch hơn trong cách thức kinh doanh như là một cách để đảm bảo nền tảng vững chắc hơn".
Sự tin tưởng gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, những người thích Việt Nam vì đất đai và lao động rẻ, sẽ giúp duy trì nền kinh tế tổng thể của đất nước Đông Nam Á.
Đầu tư nước ngoài góp phần ổn định GDP trị giá 202 tỷ đô la của Việt Nam. Ngân hàng Phát triển Châu Á kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
Các chuyên gia kinh doanh cho biết, các công ty nước ngoài có thể rà soát lại các thủ tục kế toán và xử lý tiền nội bộ để đảm bảo rằng họ tuân thủ các quy định, đề phòng trường hợp một nhân viên bất mãn liên lạc với nhà chức trách.
Ralf Matthaes, giám đốc điều hành của Infocus Mekong Research, một công ty nghiên cứu thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng các công ty phương Tây thường tuân theo luật chống tham nhũng nghiêm ngặt của Anh khi ở Việt Nam, mặc dù các nhà đầu tư từ các nơi khác ở Châu Á có thể sử dụng các tiêu chuẩn khác.
Hãng xe hơi Ford và Intel nằm trong số những nhà đầu tư nước ngoài nổi tiếng nhất. Nhưng phần lớn vốn đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Đài Loan. Các nhà máy của nước ngoài thường sản xuất hàng hóa, từ may mặc cho đến điện thoại thông minh, để xuất khẩu.
Dustin Daugherty, chuyên viên cao cấp về tình báo kinh doanh thuộc công ty tư vấn Dezan Shira & Associates ở thành phố Hồ Chí Minh, cho biết : "Có sự khác biệt giữa các quốc gia khác nhau".
Nói chung, ông nói, "Đến nay, họ theo hướng tuân thủ nhiều hơn. Họ quan tâm hơn đến việc tuân thủ các quy tắc, ít đi tắt hơn".
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tại Việt Nam đạt 29,68 tỷ đô la tính đến ngày 20/12, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2016.
Các công ty trong nước và nước ngoài thường hưởng lợi từ nhau hơn là cạnh tranh. Ví dụ, các nhà cung cấp địa phương cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà máy nước ngoài, hoặc hỗ trợ ở phần cuối chu trình sản xuất, kinh doanh.
Nhưng một công ty sạch có thể bị thua thiệt trong các giao dịch đất đai, trợ cấp hoặc mua sắm của chính phủ nếu cạnh tranh với một công ty dính dáng đến tham nhũng sẵn sàng trả công.
Theo Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales, Úc, rốt cuộc các công ty nhà nước cũng sẽ có thể đối đầu với các công ty nước ngoài. Sự thay đổi đó sẽ làm tăng tính cấp bách về việc cần có sự công bằng trong kinh doanh.
Theo ông, các quan chức Việt Nam đang "cố gắng một lần với nỗ lực mới nhằm cải thiện hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoá và tư nhân hóa chúng, làm cho chúng có hiệu quả hơn để chúng có thể cạnh tranh với nước ngoài, cũng như đi tới các nước khác và hoạt động".
Ông Thayer, người chuyên về các vấn đề Đông Nam Á, cho rằng tham nhũng "dường như không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài nhưng nó làm tổn thương Việt Nam".
Ralph Jennings
*******************
An ninh mạng Việt Nam bảo vệ an ninh quốc gia hay đàn áp đối lập ? (RFA, 18/01/2018)
Chỉ trong thời gian vài ngày đầu năm 2018, báo chí nhà nước Việt Nam chính thức loan tin là quân đội Việt Nam cũng như Bộ Công an Việt Nam có thành lập những lực lượng đặc biệt là lực lượng 47 của quân đội và bộ phận A68 của công an để thực hiện bảo vệ an ninh quốc gia trên mạng điện tử.
Một người sử dụng laptop trong một quán cà phê tại Hà Nội. 11/2013. AFP
Quan niệm về an ninh quốc gia
An ninh quốc gia được các cơ quan chức năng đưa ra như là lý do thành lập của lực lượng 47 hay cơ quan A68, nhưng lý do này tức khắc bị nhiều blogger, những nhà hoạt động cho dân chủ và giới bất đồng chính kiến lên tiếng bác bỏ, cho rằng các lực lượng này được nhà nước Việt Nam thành lập là chỉ để đàn áp những ý kiến khác với đảng cầm quyền trên không gian điện tử mà thôi.
Nhà báo về hưu Chu Vĩnh Hải, hiện sống tại Thành phố Vũng Tàu, cho rằng quan niệm của những người cộng sản về an ninh quốc gia khác với những quan niệm thông thường trên thế giới :
"Trong những nội dung an ninh quốc gia mà họ quan niệm thì có một quan niệm rằng khi những lợi ích của đảng cầm quyền, của chính quyền bị xâm phạm thì đó là xâm phạm lợi ích và an ninh quốc gia".
Đảng Cộng sản hiện là đảng duy nhất cầm quyền tại Việt Nam, và kể từ khi thông tin điện tử phát triển tại Việt Nam trong vài chục năm trở lại đây, Đảng Cộng sản đã bị nhiều chỉ trích trên không gian mạng, nơi mà họ không thể hoàn toàn kiểm soát như hệ thống báo chí, sách vở được in theo cách thức truyền thống.
Một nhà báo khác là ông Võ Văn Tạo sống ở Nha Trang cho rằng, ngoài những quan niệm thông thường như là bảo vệ quyền lợi kinh tế, bí mật quốc phòng của quốc gia, thì đối với những người cộng sản đang cầm quyền, một phần lớn trong vấn đề an ninh quốc gia chính là đối phó với sự phản đối của người dân trong nước. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra tại nước cộng sản láng giềng Trung Quốc, nơi ngân sách Bộ Công An lớn hơn Bộ Quốc phòng.
Chúng tôi đặt vấn đề an ninh quốc gia, hiểu theo nghĩa phòng chống hacker, bảo vệ những hệ thống tài chính, kinh tế,… với một chuyên gia tin học là ông Hoàng Ngọc Diêu, hiện sống tại Úc và đã từng làm việc tại Việt Nam cũng như quan tâm nhiều đến vấn đề này tại Việt Nam, thì ông cho rằng từ lâu Chính phủ Việt Nam đã có thành lập những nhóm kỹ thuật để phòng chống nạn tin tặc, nhưng đó không phải là những biện pháp hữu hiệu :
"Thì cũng có những động thái cảnh báo về chuyện virus, chuyện hacking,… Nhưng đó là những biện pháp có tính chất đối phó nhất thời, chứ không phải là những biện pháp có tính chính sách, nền tảng.
Việt Nam bây giờ là một ổ virus, spam, rất khủng khiếp ngày càng được các nhóm kỹ thuật quan tâm. Nhưng họ lại hoàn toàn không có biện pháp nào để triệt tiêu những cái đó. Ví dụ như là họ không có những chính sách chế tài, hay ngăn chận việc sử dụng những phần mềm bất hợp pháp.
Năm bảy năm gần đây, vấn đề an ninh mạng tại Việt Nam trở nên tồi tệ. Cách đây không lâu là một vụ hack vô sân bay Tân Sơn Nhất, thay đổi những nội dung trong đó. Có vô vàn những vụ hack vô các trang nhà của các ban ngành hay bộ này khác".
Sự việc sân bay Tân Sơn Nhất, lớn nhất Việt Nam, bị tấn công mạng xảy ra vào tháng Ba năm 2017. Khi đó báo chí Việt Nam có loan tải phát biểu của nhà chức trách rằng đây không phải là lần đầu tiên mà hệ thống máy tính của sân bay bị tấn công.
Trên trang nhà của công ty bảo mật tin học Securitybox có trụ sở tại Hà Nội, viết rằng qui mô các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam ngày càng trở nên lớn và mức độ nguy hiểm tăng lên. Cũng theo lời công ty này, mục tiêu tấn công đang ngày càng được chuyển hướng, nhắm vào các tập đoàn kinh tế lớn. Theo thống kê của Securitybox, trong 9 tháng đầu năm 2017 có 9964 vụ tấn công mạng vào các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam.
Hoạt động của lực lượng 47 và A68
Trở lại vấn đề xoay quanh lực lượng 47 và A68, nhà báo Chu Vĩnh Hải nói rằng những người làm việc cho hai lực lượng này hoạt động một cách ẩn danh :
"Chẳng bao giờ họ sử dụng tính chính danh của họ đâu, chỉ ẩn khuất vào các nick manes (biệt danh) nào đó thôi".
Theo ông Hải, ngoài hoạt động tranh luận trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, mạng xã hội được nhiều người dùng nhất Việt Nam, để bảo vệ Đảng Cộng sản, chống lại những quan niệm trái ngược với đảng như là đa nguyên chính trị, tam quyền phân lập, xã hội dân sự,… các lực lượng 47 và A68 cũng có thể có những hoạt động mang tính kỹ thuật :
"Tôi nghĩ là trong vấn đề này có thể là lực lượng 47, hoặc A68, có một bộ phận hacker để họ report (báo cáo) những tài khoản Facebook có uy tín đối với cộng đồng. Thứ hai là gửi những mã độc, phần mềm độc hại đến các cá nhân có tầm ảnh hưởng và bất đồng chính kiến với chính quyền".
Một trong những nạn nhân của việc báo cáo này là ông Võ Văn Tạo, có trang Facebook được nhiều người theo dõi. Ông nói :
"Cái chính là cãi cọ với nhau, tranh luận với nhau, còn cái nữa là làm những tiểu xảo kỹ thuật để dập tắt những trang mà họ thấy có ảnh hưởng xã hội nhiều, tức là report. Bản thân tôi cũng đã bị phạt mất ba ngày. Có gì đâu tôi chỉ mô tả lại vụ Vũ nhôm thôi. Tôi đặt vấn đề Vũ nhôm là ai, tại sao Bộ Công an không lên tiếng. Có vậy thôi mà cũng bị Facebook bảo là vi phạm qui chế cộng đồng. Chúng tôi thừa biết đó là người của bên công an quân đội, họ đông lắm, họ xúm xít vào để report, Facebook thì máy móc, thấy nhiều người report thì chặn, không biết nội dung như thế nào".
Câu chuyện Vũ nhôm mà ông Tạo đề cập liên quan đến một vụ án tham nhũng lớn, trong đó người bị tình nghi, ông Phan Văn Anh Vũ, biệt danh Vũ nhôm, được biết là một sĩ quan công an.
Vào năm 2014 đã có nhiều trang Facebook cá nhân bất đồng chính kiến nổi tiếng như blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Quang Lập,… đã bị đánh sập do bị report.
Nhà báo Chu Vĩnh Hải đánh giá tính hiệu quả của lực lượng an ninh mạng của Đảng Cộng sản :
"Theo tôi thì họ có phát huy được một ít, vì họ đông, và cũng có tính chuyên nghiệp, cho nên cũng có hiệu quả. Nhưng mà dần dần thì sự thật cũng phơi bày thôi. Vì bây giờ thông tin nhiều chiều cho nên người dân nhận thức được những vấn đề xưa nay họ tin họ yêu, không như trước nữa, họ hiểu hơn về mặt xã hội".
Theo tác giả Nguyễn Thế Phương, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, viết trên trang báo mạng Diplomat, thì việc chống lại cái gọi là diễn biến hòa bình, tức là thay đổi chế độ một cách hòa bình, trên mạng thông tin điện tử đã làm cho nhà cầm quyền thấy rằng phải huấn luyện một lực lượng chuyên nghiệp để thực hiện việc bút chiến trên mạng, nhưng theo ông thì còn sớm để đánh giá sự thành công của lực lượng này, vì cách thức tuyên truyền mà ông gọi là theo lối cũ đã không thể thuyết phục được những tầng lớp dân chúng trẻ tuổi ngày càng đông tại Việt Nam nữa.
Nhà báo Chu Vĩnh Hải thì nhấn mạnh rằng việc đổ công sức vào các lực lượng bút chiến này là một sự lãng phí nguồn lực quốc gia, thay vì sử dụng nguồn lực đó cho những mục đích bảo vệ an ninh quốc gia thực sự như là chống tin tặc, bảo vệ kinh tế đất nước.
Chúng tôi có tìm cách gửi lời yêu cầu bình luận về việc bảo vệ an ninh quốc gia trên mạng điện tử, đến Bộ Công an Việt Nam, qua trang web của bộ này nhưng không thành công.
Kính Hòa