Đại sứ Hoa Kỳ tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra lời khuyên để Việt Nam thu hút đầu tư và nói về sự khác biệt về thể chế và luật pháp giữa hai nước.
Ông Robert Orr có bề dày về kinh doanh tại Nhật Bản.
Trả lời phỏng vấn với Nguyễn Hoàng của BBC, ông Robert Orr cũng bình luận về vai trò của Hoa Kỳ khi không tham gia các hiệp định mậu dịch song phương cũng như về cá nhân Tổng thống Trump trong nỗ lực cầm lái về kinh tế cho đất nước.
BBC : Lần đầu tiên trong hai thập niên, Hoa Kỳ không tham gia vào bất kỳ hiệp định mậu dịch quốc tế nào. Ông nghĩ sao về điều này ?
Robert Orr : Tôi nghĩ đúng là Hoa Kỳ hiện không tham gia vào hiệp định mậu dịch đa phương nào, do chính phủ đang đẩy mạnh việc tham gia các thỏa thuận song phương. Tôi nghĩ điều này là có vấn đề vì tôi nghĩ các hiệp định đa phương là hướng đi mà cả thế giới đang theo đuổi. Và nếu Hoa Kỳ không đi theo hướng này, có nghĩa là khả năng lãnh đạo của chúng tôi sẽ giảm sút.
BBC : Tổng thống Trump đồng thời là một doanh nhân, một tỉ phú. Điều này có thể giúp Hoa Kỳ về kinh tế trong chừng mực nào đó hay không ?
Robert Orr : Tôi nghĩ chúng ta cần phải nhìn vào thành tích kinh doanh của ông Trump để biết được là có giúp phần nào hay không. Và thành tích kinh doanh ấy cũng không có gì quá ấn tượng. Bản thân tôi cũng là lãnh đạo doanh nghiệp nên tôi thấy cảm kích với một doanh nhân thật sự và theo tôi doanh nhân như vậy sẽ phải chú tâm nhiều hơn vào tiềm năng hợp tác đa phương. Bởi vì nếu không làm vậy thì ta tự loại ta ra ngoài. Và tôi chưa thấy bất kỳ điều gì thể hiện rằng kinh nghiệm kinh doanh của ông Trump có thể giúp đất nước chúng tôi.
Robert Orr hiện là Đại sứ Hoa Kỳ tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được Tổng thống Obama bổ nhiệm vào chức vụ này năm 2010.
BBC : Một trong những điều mọi người thường nói là các hiệp định thương mại quốc tế giúp các tập đoàn lớn và công ty đa quốc gia, bỏ lại những nhóm được cho là yếu thế ở phía sau.
Robert Orr : Tôi nghĩ đó là quan ngại lớn đối với TPP ngay từ khi người ta mang hiệp định này ra đàm phán vì đúng là những người yếu thế đối diện nhiều khó khăn nhất. Nhưng tôi nghĩ rốt cùng, đây là việc sẽ giúp mang lại nhiều chuyển biến và sự hợp tác chặt chẽ, tốt đẹp hơn khi hợp tác với nhau và cho tương lai. Và chúng ta có thể bắt đầu giải quyết những vấn đề đó. Nhưng nếu không có cơ chế đa phương như vậy, họ sẽ không thể đạt được bất kỳ điều gì. Theo tôi đây là vấn đề.
BBC : Việt Nam đã và đang cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài và làm việc với các đối tác như Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và Việt Nam khác nhau về nhiều mặt bao gồm thể chế và hệ thống luật pháp. Vậy cơ chế hợp tác đôi bên cùng có lợi nên được hiểu thế nào ?
Robert Orr : Tất nhiên rồi. Đây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ hợp tác với một quốc gia châu Á có cơ cấu luật pháp rất khác mình. Tôi đã dành nhiều thời gian tại Nhật Bản. Có thể thấy là lúc ban đầu khi Hoa Kỳ hợp tác với Nhật Bản, đó là hai thế giới hoàn toàn khác nhau, và hai bên đã đến với nhau. Ngày nay hai thế giới này có giống hệt nhau không thì câu trả lời là không.
Nhưng khả năng làm việc chung, cho dù có nhiều khác biệt về cơ cấu thể chế, rõ ràng có thể xảy ra. Tôi không nghĩ đây là một trở ngại thật sự. Tôi nghĩ chúng ta cần làm việc để vượt qua những khác biệt, nhưng tôi nghĩ mọi chuyện sẽ có thể giải quyết được.
BBC : Nếu có thể đưa ra một lời khuyên cho chính phủ Việt Nam, ông sẽ nói điều gì ?
Robert Orr : Công khai. Theo tôi sự minh bạch là yếu tố tốt nhất, là thang thuốc tốt nhất để thu hút đầu tư nước ngoài. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để thực hiện điều đó, tôi đã dành 30 năm cho Nhật Bản để biến điều này thành hiện thực. Nhưng nó đang bắt đầu xảy ra. Tôi tin đây chính là chìa khóa của sự thành công.
Ông Robert Orr là Đại sứ Hoa Kỳ tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được Tổng thống Obama bổ nhiệm vào chức vụ này năm 2010. Ông là cựu Chủ tịch Boeing Japan, Giám đốc quan hệ chính phủ của Motorola tại Nhật Bản và là giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Temple University ở Tokyo.
Việt Nam vẫn trong nhóm 'tham nhũng nghiêm trọng' (VOA, 25/01/2017)
Nhân viên đang đếm tiền tại một chi nhánh của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ở Hà Nội.
Theo công bố ngày 25/1 của tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International-TI), Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index-CPI) năm 2016 của Việt Nam là 33/100 điểm. Với con số này, Việt Nam đứng thứ 113 trong số 176 nước trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, điểm của Việt Nam tăng nhẹ 2 điểm. Trong các năm từ 2012 đến 2015, Việt Nam có mức điểm là 31.
Minh bạch quốc tế nhận xét mặc dù điểm số tăng nhẹ, nhưng Việt Nam chưa tạo ra "sự thay đổi mang tính đột phá" trong cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công và "tiếp tục nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng".
Quan điểm này cũng tương đồng với nhận định của chính phủ Việt Nam và đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về báo cáo tổng kết công tác phòng chống tham nhũng năm của chính phủ.
Các lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần công khai gọi tham nhũng là "quốc nạn" tàn phá Việt Nam hàng chục năm nay.
Chỉ số CPI của Minh bạch quốc tế xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công. Trên thang điểm từ 0 đến 100 của CPI, 0 là tham nhũng nghiêm trọng và 100 là rất trong sạch.
Dù bị đánh giá là chưa tạo sự thay đổi mang tính đột phá, song Việt Nam cũng được ghi nhận đã có một số bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế và chính sách liên quan đến phòng chống tham nhũng.
Tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency-Hướng tới minh bạch), cơ quan đầu mối quốc gia của Minh bạch quốc tế tại Việt Nam, cho rằng trong năm 2016, Việt Nam đã có những bước tiến bao gồm thông qua Luật Tiếp cận thông tin, hoàn thành công tác đánh giá 10 năm thực hiện Luật Phòng chống Tham nhũng, triển khai sửa đổi toàn diện luật này, tiếp tục nội luật hóa quy định của Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention against Corruption-UNCAC) về hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi.
Từ Nha Trang, nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo, người cũng tích cực hoạt động vì tiến bộ xã hội, nói với VOA về nguyên nhân công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn "ì ạch" :
"Tại sao cái tham nhũng không giải quyết được đột biến, tham nhũng càng ngày càng nặng bởi vì chính cái cơ chế chính trị là độc đảng, không có sợ giám sát, phân quyền. Không có lực lượng nào giám sát, thì không có sợ ai lên tiếng cả. Nếu mà để tạo ra một cái đột biến, chắc chắn là nó phải gắn với một cái đột biến về cơ chế, thể chế chính trị".
Ông Tạo khẳng định Đảng Cộng sản cầm quyền lâu nay muốn giữ hình ảnh tốt, vì thế họ không "xử lý" một cách ồn ào đối với các quan chức cấp cao dính líu đến tham nhũng, đồng thời cản trở báo chí đưa tin.
Ông nói rằng một số quan chức bị trị tội tham nhũng chỉ là "những con ruồi, con muỗi thôi", trong khi các quan chức cấp cao mà ông ví như "những con hổ, con sư tử" thì không bị đụng tới :
"Có những việc rất lớn, dữ kiện chính xác hoàn toàn, nguồn tin chúng tôi rất tốt. Nhưng mà chắc chắn không đem ra báo chí và khi xử lý thì cũng là âm thầm. Có những cái vụ tôi biết là họp Bộ Chính trị xong gợi ý là ‘Thôi thì đồng chí làm đơn xin nghỉ với lý do sức khỏe đi’ để giải quyết cho êm đẹp. Tức là họ muốn giữ một bộ mặt sạch sẽ trước dân chúng và quốc tế là Đảng Cộng sản Việt Nam không có tham nhũng ở những người hàng đầu như thế".
Để tạo ra chuyển biến tích cực và thay đổi rõ rệt hơn nữa về cảm nhận tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam, Tổ chức Hướng tới minh bạch đưa ra một số khuyến nghị.
Hướng tới minh bạch nói nhà nước cần "tăng cường tính liêm chính trong hệ thống tư pháp" để đảm bảo các nguyên tắc độc lập trong công tác xét xử của tòa án và thẩm phán.
Một khuyến nghị nữa của Hướng tới minh bạch là cần phải "áp dụng các biện pháp trừng phạt một cách triệt để và có hệ thống" đối với các hành vi tham nhũng".
Từng là hội thẩm nhân dân trong 8 năm và có bằng cử nhân luật, nhà báo Võ Văn Tạo nhận định rằng nếu cơ chế chính trị không thay đổi, việc chỉnh sửa luật không có tác dụng nhiều :
"Các tổ chức quốc tế, các chính phủ nước ngoài cố gắng giúp đỡ Việt Nam tu sửa luật pháp, đặc biệt trong vấn đề chống tham nhũng. Họ cũng muốn giúp Việt Nam, và Việt Nam tôi ghi nhận là cũng có thay đổi nhất định trong lĩnh vực soạn thảo các luật, điều chỉnh lại để bịt các kẽ hở tham nhũng. Nhưng mà tôi nghĩ cái đó nó không có hiệu lực. Nó chỉ hỗ trợ phần nào, giống như chất xúc tác thôi, chứ nó không phải là phần quyết định. Quyết định vẫn là phải có tam quyền phân lập, phải có đối lập đa nguyên đa đảng để mà giám sát lẫn nhau".
Bên cạnh khuyến nghị về hệ thống tư pháp, Tổ chức Hướng tới Minh bạch nói nhà nước Việt Nam cần tiếp tục "nội luật hóa Điều 13" của Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc. Họ cho rằng làm như vậy là nhằm đảm bảo sự tham gia của xã hội trong phòng chống tham nhũng. Họ chỉ ra rằng nhà nước cần xây dựng cơ chế đối thoại và tham vấn thường xuyên giữa nhà nước, người dân và các tổ chức xã hội về các vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng.
******************
Điểm cảm nhận tham nhũng của Việt Nam tăng nhẹ (RFI, 25/01/2017)
Bản đồ của tổ chức Minh bạch quốc tế về mức độ tham nhũng trên thế giới năm 2016.Transparency International
Ngày 25/012017, Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2016, xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công. Điểm đáng ghi nhận là điểm số của Việt Nam tăng nhẹ, lần đầu tiên từ năm 2012 đến nay.
Trên thang điểm từ 0-100 của CPI, trong đó 0 là tham nhũng nhất và 100 là trong sạch nhất, Việt Nam được 33 điểm, và đứng thứ 113/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu.
Như vậy, lần đầu tiên sau 4 năm, điểm số của Việt Nam tăng nhẹ (tăng 2 điểm so với mức điểm 31 trong suốt các năm từ 2012 đến 2015.
Tuy nhiên, dù điểm số tăng nhẹ, nhưng trên thang điểm, Việt Nam vẫn còn bị cảm nhận như là một đất nước bị tham nhũng hoành hành, đặc biệt trong khu vực công. Tính ra, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng.
Trên bảng xếp hạng chung, New Zealand và Đan Mạch được 90 điểm, đứng đầu bảng của những nước được đánh giá là trong sạch nhất.
Còn ở cuối bảng là ba nước Somalia, 10 điểm, Nam Sudan 11 điểm và Bắc Triều Tiên 12 điểm.
Trọng Nghĩa
*****************
Tham nhũng ở Việt Nam vẫn cao (RFA, 25/01/2017)
Ông Nguyễn Bá Thanh, từng là phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chụp hôm 21/10/2013. Ông qua đời hôm 13/2/2015. Chính phủ Việt Nam bác tin đồn ông Thanh bị đầu độc bằng phóng xạ. AFP photo
Tổ chức Minh bạch quốc tế, Transparency International, hôm nay cho công bố chỉ số tham nhũng của các quốc gia trên thế giới. Theo đó Việt Nam xếp hạng 113 trên 176 quốc gia trong bảng điều tra.
Theo Minh bạch quốc tế kết quả điều ra cho thấy rõ có mối quan hệ giữa nạn tham nhũng và tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Tại nhiều quốc gia người dân bị tước mất những nhu cầu cơ bản nhất, phải chịu đói kém vì nạn tham nhũng ; trong khi đó giới quyền thế sống xa hoa lãng phí mà không hề bị trừng trị.