Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hà Nội tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai (RFA, 19/02/2019)

Hà Nội tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, cho biết thông tin vừa nói trong buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hôm 19/2.

tocao1

Tình trạng chiếm dụng đất rừng phòng hộ Sóc Sơn để xây biệt phủ và khu du lịch. Capture from video

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn chưa đồng bộ. Trong đó, khiếu nại tố cáo về đất đai chiếm tỷ lệ lớn, cần được tập trung giải quyết.

Tại buổi làm việc, ông Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, lĩnh vực tài nguyên môi trường rất rộng, có tác động lớn tới đời sống người dân, do đó cần được quản lý tốt.

Ông Hải cũng xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ cấp bách của thành phố, trong đó tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, triển khai các biện pháp thay thế bếp than tổ ong, thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiếp nhận và vận hành 10 trạm quan trắc tự động không khí và một xe quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt tự động. Để cập nhật thông tin chất lượng không khí cho người dân.

Cũng trong ngày 19/2, tại cuộc giao ban báo chí do Thành uỷ Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn An Huy – Chánh thanh tra TP Hà Nội cho biết, Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo chuyển công an làm rõ vụ rừng Sóc Sơn và trong tuần này, Thanh tra Hà Nội sẽ tiếp tục làm rõ một số nội dung liên quan kết quả thanh tra đất rừng tại Sóc Sơn.

Liên quan việc chậm trễ công bố kết quả thanh tra, ông Huy lý giải, theo Luật Thanh tra 2010 thì cơ quan thanh tra có quyền tiến hành thanh tra trong thời gian 45 ngày, sau đó là thời gian báo cáo kết luận. Đối với những vụ việc phức tạp, Thanh tra thành phố có thời gian tiến hành thanh tra 75 ngày.

Trước đó, vào tháng 10 năm 2018, Thanh tra Hà Nội đã tiến hành thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn hai xã Minh Phú và Minh Trí, huyện Sóc Sơn và Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hà Nội trong việc quản lý, sử dụng rừng giai đoạn từ năm 2008 - 2018.

Tại khu vực này có hai công trình được công luận chú ý lâu nay là khu Việt Phủ của họa sĩ Thành Chương và biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh.

*****************

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mua dự trữ 200 ngàn tấn gạo và 80 ngàn tấn thóc (RFA, 19/02/2019)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công thương cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và dài hạn đối với mặt hàng gạo, trong bối cảnh gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 1 năm 2019 bị giảm về giá cả, khối lượng và giá trị.

tocao2

Ảnh minh họa : Gạo xuất khẩu của Việt Nam - Courtesy : VietNamExport

Truyền thông trong nước, vào ngày 19 tháng 2, dẫn lời phát biểu của Thủ tướng chính phủ Việt Nam như vừa nêu tại buổi làm việc với các ban, ngành về việc tạm trữ lúa gạo diễn ra vào chiều cùng ngày.

Theo số liệu ghi nhận của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Việt Nam trong năm 2018 xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo với doanh số 3 tỷ đô la Mỹ (USD). Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam được cho biết là bị tụt dốc khiến giá lúa trong nước bị giảm mạnh trong khi khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch mùa vụ lúa Đông Xuân.

Giá gạo 5% tấm xuất khẩu được nói là chào bán với giá từ 340 đến 345 USD/tấn, giảm 105 USD/tấn so với năm ngoái và giảm 65 USD/tấn so với 5 năm trước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ theo kế hoạch Nhà nước giao, bao gồm 200 ngàn tấn gạo và 800 ngàn tấn thóc ; đồng thời thực hiện sớm kế hoạch xuất khẩu 200 ngàn tấn gạo sang Philippines và 100 ngàn tấn sang thị trường Trung Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để nhằm có đủ vốn thu mua tạm trữ, trên tinh thần phục vụ người dân "được mùa nhưng không rớt giá", giúp đời sống của người nông dân tốt hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn giao cho hai Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu sâu hơn về an ninh lương thực.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết trong năm 2019, sản luợng lúa gạo của Việt Nam dự kiến đạt gần 44 triệu tấn, đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

*****************

Những dự án chưa hoàn thành của Bộ Công thương (RFA, 19/02/2019)

Thanh tra chính phủ vừa kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra dấu hiệu vi phạm hình sự dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) trị giá 8.104 tỷ.

tocao3

Công ty gang thép Thái Nguyên. Courtesy of tisco.com.vn

Truyền thông trong nước loan tin này ngày 19/2, trích dẫn kết luận thanh tra vừa được Thanh tra chính phủ công bố, cho biết thêm dự án vừa nêu có dấu hiệu cố ý làm quy định pháp luật, buông lỏng quản lý, gây thất thoát vốn đầu tư.

Tin cho biết, dự án hơn 8.100 tỷ này do Tisco thực hiện từ năm 2008. Tính đến nay, Tiso đã thanh toán hơn 4.400 tỷ đồng và còn nợ gần 3.900 tỷ đồng, mỗi tháng vẫn phải trả lãi 40 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Tisco đã thanh toán 92% giá trị hợp đồng cho nhà thầu chính của dự án là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC), mặc dù MCC cung cấp nhiều thiết bị, máy móc được phát hiện không phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam giá trị lên đến 39 tỷ đồng, và đến năm 2013 thì MCC đã dừng thi công và bỏ về nước.

Theo kết luận thanh tra, nguyên nhân này do sai phạm chồng sai phạm của lãnh đạo Tisco và nhiều phía như Tổng công ty thép Việt Nam (VNS), nhà thầu phụ Vinacoin, Ngân hàng Phát triển Việt Nam...

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, và Bộ Công an điều tra rõ dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên này, 1 trong 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của Bộ Công thương.

Hiện tại, Bộ Công thương cũng đang tìm giải pháp xoay vốn cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 với công suất 1.200 MW, giá trị 41.000 tỷ có nguy cơ chậm tiến độ 55-57 tháng.

Phía Bộ Công thương cũng đã gửi văn bản lên Thủ tướng chính phủ cho biết dự án đã giải ngân trên 31.200 tỷ đồng, nhưng đến năm 2020 mới có thể hoàn thành dự án.

Trong văn bản, Bộ Công thương cho rằng do dự án có quy mô lớn, nếu không sớm hoàn thành sẽ phát sinh chi phí và gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết sẽ cử một đoàn công tác của Bộ về Thái Bình làm việc về dự án này vào tháng 3 tới đây. Vẫn theo Bộ trưởng, không có lý do gì để thất thoát nguồn lực đầu tư và tài sản trong khi dự án có điều kiện hoàn thành.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petro Vietnam) làm chủ đầu tư, nhưng đến nay chỉ đạt gần 83% tiến độ. Nguyên nhân được Petro Vietnam ghi trong báo cáo cho rằng do Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu nhiệt điện than, năng lực tài chính kém, không đảm bảo khả năng thanh toán.

Dính líu đến những sai phạm trong Dự án Nhiệt Điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính Trị, cựu quan chức lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện phải thụ án 30 năm tù về tội ‘cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng’.

Published in Việt Nam