Người dân Thủ Thiêm cáo giác những sai phạm đất đai (RFA, 09/05/2018)
Người dân quận 2, Sài Gòn vào chiều ngày 9 tháng 5 có buổi gặp nêu ý kiến với Đại biểu quốc hội về ranh giới quy hoạch cũng như việc đền bù cho các hộ trong dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.
Người dân quận hai tham dự buổi tiếp xúc cử tri. Courtesy of congan.com.vn
Buổi tiếp xúc diễn ra từ hai giờ chiều, với sự tham gia của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cùng các Đại biểu quốc hội khóa XIV. Theo dự kiến, buổi làm việc sẽ kéo dài đến 4 giờ chiều, nhưng những cử tri tham gia yêu cầu có thêm thời gian tiếp xúc vì cho rằng hai tiếng không đủ để giải quyết những bức xúc của họ.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó chủ tịch quận hai nói trong buổi gặp gỡ rằng đang chờ kết luận Thanh tra chính phủ về kiến nghị quy hoạch Thủ Thiêm. Đồng thời cho biết thêm là sau khi được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, việc cưỡng chế đất đã tạm ngưng từ năm 2016.
Nhiều người dân tham gia buổi tiếp xúc cho biết họ đã bị đẩy ra đường trong khi nhà không nằm trong khu vực bị giải tỏa, ngoài ra tiền đền bù quá thấp so với giá trị thực sự căn nhà của họ và để mua được những ngôi nhà khác để tái định cư.
Cử tri Lê Thị Bạch Tuyết cho biết bà từng gọi lên công ty Đại Quang Minh thì được biết giá căn hộ của khu đô thị Sala của công ty này là 350 triệu đồng/m2, trong khi bà chỉ nhận được 18 triệu đồng/m2. Bà cho rằng đang bị bóc lột vì mức đền bù không thỏa đáng.
Cử tri Lê Thị Mão, người có căn nhà hai mặt tiền bị thu hồi vào năm 1997 chỉ với mức đền bù 4 triệu đồng/m2, cho rằng cơ quan chức năng quận hai thiếu tôn trọng dân. Đồng thời đề nghị các Đại biểu Quốc hội cần kiểm tra xem các văn bản giải tỏa nhà đất phường An Phú, Quận hai có đúng trình tự, thủ tục hay không khi những văn bản bà nhận từ cơ quan chức năng không hề có con dấu hợp pháp.
Ngoài ra còn có nhiều người dân khác cũng nêu lên trường hợp của riêng họ, đồng thời bày tỏ thái độ không chấp nhận phương pháp giải quyết của chính quyền.
Trước đó, vào ngày 7 tháng 5, ông Phan Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ tổ chức đoàn giám sát riêng về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Mục đích để làm rõ nhiều yếu tố pháp lý trong đó đảm bảo chính sách bồi thường giải tỏa, tái định cư cho người dân được làm đúng không. Hay việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại được thực hiện đúng pháp luật không…
******************
'Kiểm điểm trách nhiệm' ông Tất Thành Cang (BBC, 07/05/2018)
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nói cần kiểm điểm trách nhiệm đương kim Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vì một vụ chuyển nhượng đất.
Đất đai là câu chuyện được chú ý ở Thành phố Hồ Chí Minh
Mặc dù 6/5 là ngày Chủ nhật, nhưng Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin cho báo chí "kết luận ban đầu" về vụ một doanh nghiệp 100% vốn Thành ủy.
Vụ việc liên quan Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng khu đất 32,5 ha tại xã Phước Kiển (Tân Thuận) cho công ty Quốc Cường Gia Lai.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Phó bí thư thường trực Thanh ủy Tất Thành Cang "có trách nhiệm liên quan" tới việc chấp nhận chủ trương chuyển nhượng không đúng thẩm quyền, yêu cầu phải kiểm điểm.
Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận bị Thành ủy tạm đình chỉ chức vụ.
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nói sẽ "thanh tra toàn diện" công ty này và "rà soát" các dự án khác.
Trước đó hôm 20/4, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo "kiểm tra, xử lý nghiêm" vụ bán khu đất.
Trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh
Vụ việc ban đầu được tường thuật hôm 17/4 trên một tờ báo, Người Tiêu Dùng, với cáo buộc khu đất công được bán với giá "bèo bọt" 419 tỷ đồng. Tờ báo cho rằng nhà nước bị thất thoát tới gần 2.000 tỷ.
Báo Người Tiêu Dùng hôm 1/5 đăng tiếp bài cáo buộc ông Tất Thành Cang vào khoảng tháng 6/2017 đã "lạm quyền" khi chỉ đạo đồng ý chủ trương chuyển nhượng phần đất.
Truyền thông Việt Nam những ngày gần đây cho biết thêm rằng vụ chuyển nhượng bị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho dừng vào cuối tháng 12/2017, và yêu cầu đàm phán lại.
Ông Tất Thành Cang, sinh năm 1971, nguyên là ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương từ Đại hội Đảng 11.
Đến Đại hội 12 năm 2016, ông trở thành một trong 180 Ủy viên Trung ương chính thức đầy quyền lực ở Việt Nam.