Đến mộ liệt sĩ cũng giả để ăn tiền !
Thanh Trúc, RFA, 05/12/2019
Bên dưới 13 ngôi mộ liệt sĩ ở Bắc Cạn chỉ toàn đất với đá khi được khai quật để giám định ADN thể theo yêu cầu của thân nhân, là thông tin gây sốc không chỉ đối với gia đình mà còn đối với nhiều người Việt Nam trong những ngày này.
Bên dưới 13 ngôi mộ liệt sĩ ở Bắc Cạn chỉ toàn đất với đá khi được khai quật để giám định ADN. Courtesy of VOV
Ủy ban nhân dân địa phương đã xác nhận về 13 mộ liệt sĩ ở Bắc Cạn không có hài cốt, không cả tiểu sành là vật dụng tùy táng bắt buộc mà chỉ có những túi nylon đựng đất đá không thôi. Việc khai quật được Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh tiến hành với sự chứng kiến của thân nhân những người quá cố được mời đến lấy mẫu để so sánh.
Đây là 13 liệt sĩ, còn được gọi là chiến sĩ thanh niên xung phong, hy sinh khi đang thi hành nhiệm vụ trong tai nạn vỡ đập tại hồ Tân Minh, xã Thanh Vận, Chợ Mới, tỉnh Bắc Cạn hồi năm 1968.
Sau 3 lần qui tập nhưng không thể xác định danh tính, hài cốt 13 chiến sĩ thanh niên xung phong được đưa về chôn tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Cạn.
Cựu chiến binh, nhà báo Võ Văn Tạo, đang theo sát vụ việc, giải thích :
"Khái niệm liệt sĩ của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa từ 1945 trở đi bao hàm chủ yếu là lực lượng vũ trang hy sinh trong chiến đấu, trong công tác phục vụ chiến đấu. Sau đó thêm các thành phần khác nữa gồm các thanh niên xung phong, các cán bộ nhà nước đi làm nhiệm vụ mà bị tử nạn được công nhận là liệt sĩ. Đây là qui định của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa và sau này là Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam kế thừa".
Việc khai quật một lúc 13 mộ liệt sĩ ở Bắc Cạn xảy ra có thể do những thông tin không hay đã bị rò rĩ dù 50 năm đã trôi qua, nhà báo Võ Văn Tạo nói tiếp :
"Câu chuyện gian lận ấy nó đã rò rỉ, âm ỉ lâu nay. Tâm lý người Việt Nam mình thì ai cũng muốn người thân trong gia đình, tử nạn ở xa, chôn cất ở xa, nếu không có điều kiện thì chịu chứ có điều kiện thì cũng cố gắng gom về quê hương xứ sở để tiện thăm nom mồ mả. Người ta đưa ra yêu cầu phải giám định AND để xác định đúng đấy là xương cốt của thân nhân chứ không phải người khác. Đó là cái tâm lý bình thường, theo tôi cảm nhận thì cái tâm lý đó ở miền Bắc nó nặng nề hơn".
Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Cạn - Courtesy of backan.gov.vn
Ông Lê Phú Khải, cựu phóng viên VOV Đài Tiếng Nói Việt Nam, cho rằng đây là một vụ việc rất tiêu cực :
"Đài báo có nói về vụ này mà. Không có hài cốt mà họ cứ xây lên để lấy kinh phí, dứt khoát đó là có tiêu cực, vụ lợi chứ không có lý do gì khác. Mà chuyện này xảy ra trong thời kỳ chiến tranh, thời kỳ còn khó khăn, thế thì có thể giải thích được là tiêu cực, thế thôi".
Điểm rất đáng tiếc trong vụ việc này, nhà báo Lê Phú Khải nói tiếp, ngoài nỗi đau của thân nhân và sự ngỡ ngàng của dư luận thì còn có sự nghi ngờ rằng những nơi chôn cất hay cải táng liệt sĩ tại các địa phương đâu đó trên cả nước thực sự có điều gì như 13 ngôi mộ không hài cốt ở Bắc Cạn hay không.
Được biết để có căn cứ báo cáo lên bộ trưởng, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đề nghị Cục Người có công phối hợp cùng Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bắc Cạn tiến hành xác minh, làm rõ sự việc trong thời gian sớm nhất, có nghĩa là trước 4 giờ chiều ngày 4/12.
Trách nhiệm ở ai là câu hỏi của cựu chiến binh Trần Bang, hiện mà một nhà hoạt động xã hội trong nước :
"Có thể là bên Sở Lao động, thương binh và xã hội, hoặc Phòng Chính sách của tỉnh đội hoặc tỉnh đội, dưới Cục Chính sách của Bộ Quốc phòng. Nó gian dối ở khâu những người làm hồ sơ liệt sĩ mà không có hài cốt. Bây giờ không kiểm tra chứ kiểm tra thì tôi nghĩ chắc còn nhiều bởi vì có sự gian dối của những người thực hiện công tác thương binh xã hội. công tác tìm hài cốt rồi qui tập liệt sĩ".
"Nói chung chỗ nào có chi ngân sách là chỗ ấy có gian dối, xây ra đấy thì chẳng hạn tổng cộng tất cả các khâu từ tìm kiếm đến đào đến vận chuyển đếm mua các dụng cụ như tiểu sành này khác... Tức là cứ dự toán 5 triệu hay 10 triệu một ngôi mộ. Không tìm được nhưng bảo có tìm được, người ta vẽ ra để tính tiền, xây kim tĩnh phía bên trên thì ăn bớt phía bên dưới. Đây là cách "ăn" mộ phần liệt sĩ gọi là tán tận lương tâm".
Không chỉ liệt sĩ thật nhưng mộ giả, cựu chiến binh Trần Bang kể tiếp, thương binh giả cũng đang là vấn đề :
"Vừa rồi người ta tìm ra số thương binh giả ở một số tình thành cũng lên đến mấy ngàn chẳng hạn. Năm 2014 tôi đã có bài thơ Trâu Đỏ, Trâu Đỏ là ăn cả mộ phần liệt sĩ. Thương binh giả được thì liệt sĩ thật nhưng mộ giả cũng có thôi, có mộ giả thì có tiền. Người ta không có sự trung thực, người ta coi thường người đã chết, đã khuất. Thế thì trách nhiệm ở ai ? Ở Nhà nước, ở Bộ Lao động, thương binh và xã hội, ở Cục Chính sách. Nhưng mà chắc chắn người ta sẽ nói liệt sĩ nhiều quá, không đủ ngân sách, thực chất nó là như vậy".
Trở lại chuyện phải 3 lần qui tập hài cốt 13 chiến sĩ thanh niên xung phong, tử nạn khi đập Bắc Cạn bị vỡ nhưng mộ phần của họ chỉ toàn đất với đá, cựu chiến binh Võ Văn Tạo giải thích thêm :
"Mộ liệt sĩ mà thực chất không có hài cốt của liệt sĩ không phải là hiếm. Bộ đội tử nạn trong chiến tranh không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà cả Lào và Campuchia cho nên việc gom hài cốt ở các nghĩa trang rồi đưa về gia đình cũng có nhiều sai sót, luộm thuộm".
"Ngay cả địa phương chúng tôi là tỉnh Khánh Hòa, huyện Diên Khánh, cách đây hơn chục năm cũng đã vở lở một vụ liệt sĩ bộ đội có tên có tuổi nhưng không có hài cốt" .
"Thứ nhất là do số liệt sĩ hy sinh quá nhiều, trong thời gian quá dài ở một địa bàn rất rộng, Nhà nước thì để quá chậm mới tiến hành qui tập. Tôi nhớ chủ trương qui tập một cách rộng rãi và mạnh mẽ cũng phải sau chiến tranh 15 năm, khoảng 90s trở đi. Để lâu như thế thì việc quản lý hồ sơ và địa hình địa vật thay đổi rất nhiều. Trong đơn vị chúng tôi chứng kiến đồng đội chết được chôn xuống rồi lại bị bom pháo cày lên, lại nhặt lại rồi chôn xuống. Lúc ấy không biết thịt đấy xương đấy là của ai nữa,chỉ biết chôn anh em xuống cho đỡ tội nghiệp và đỡ ô nhiễm môi trường thôi. Mộ thì nông và bia thì mỏng, chỉ cần 3 mùa mưa là trôi hết. Quá trình qui tập chủ yêu là những vùng rừng núi, từ đó vận chuyển về những khu vực tập trung là có sự sai lệch, cho nên hiện tượng mộ giả, mộ có tên có tuổi mà không có hài cốt như trường hợp vừa rồi của Bắc Cạn không phải là quá hiếm, rất nhiều nơi bị cái hiện tượng đó"
Thực trạng phơi bày, mà nhà báo Võ Văn Tạo dùng từ "khốn nạn" để mô tả, chính là :
"Biết không có hài cốt mà vẫn cứ lên danh sách để lấy tiền công vận chuyển, xây mộ đủ thứ… gọi là dự án khống, lấy tiền từ ngân sách để chia nhau bỏ túi. Hiện tượng này là có.
Tính đến lúc này mọi liên lạc của chúng tôi đến thẩm quyền Bắc Cạn đều không thể thực hiện được. Báo chí trong nước đưa tin là lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục tìm kiếm thông tin liên quan việc qui tập hài cốt liệt sĩ của 13 thanh niên xung phong hy sinh tại hồ Minh Tân 50 năm về trước.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 05/12/2019
**********************
Vụ mộ liệt sĩ toàn đất đá ở Bắc Cạn : Lời kể sửng sốt của thân nhân liệt sĩ
Tâm Am, Lao Động, 05/12/2019
Ông Tạ Viết Đoàn (xã Nông Thượng, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Cạn), là cháu của liệt sĩ Đoàn Thị Nga, vẫn chưa hết sửng sốt khi biết thông tin 13 mộ liệt sĩ thanh niên xung phong được quy tập tại Nghĩa trang tỉnh Bắc Cạn (Nghĩa trang Bạch Thông) không có hài cốt mà chỉ chứa nylon gói đất đá.
Ông Đoàn bên mộ của liệt sĩ Đoàn Thị Nga tại nghĩa trang gia đình. Ảnh : Tâm Am
Ngôi mộ thứ 2 và... vô danh
Nữ liệt sĩ Đoàn Thị Nga (xã Nông Thượng, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Cạn), sinh năm 1947, mất ngày 15/7 âm lịch năm 1968, là một trong số 13 liệt sĩ đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ tại đập Tân Minh (xã Thanh Vận- huyện Chợ Mới).
Tên liệt sĩ Đoàn Thị Nga có trên bia tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Cạn. Ảnh : Tâm Am
Ông Tạ Viết Đoàn và toàn thể gia đình ông không mảy may biết là có một ngôi mộ khác của liệt sĩ Đoàn Thị Nga, nằm cùng dãy 12 ngôi mộ khác của các liệt sĩ thanh niên xung phong, đều gắn bảng vô danh trên nghĩa trang Bạch Thông. Cho đến khi...
"Vô tình xem trên truyền hình, tôi nhận thấy tại nghĩa trang Bạch Thông có 13 ngôi mộ của liệt sĩ thanh niên xung phong, trong đó có mộ của dì tôi là bà Đoàn Thị Nga. Mà trong mộ lại toàn nylon bọc đất đá.
13 ngôi mộ trên nghĩa trang Bạch Thông lấy lên toàn túi nylon đựng gạch đá như vậy là quá vô lý. Năm 1973, gia đình tôi đã đưa hài cốt dì tôi về rồi, sao lại có mộ ở nghĩa trang Bạch Thông ? Năm nào thắp hương, tôi cũng chỉ lên thắp hương ở mộ của dì tôi ở nghĩa trang gia đình chứ không hề biết là có một ngôi mộ trên nghĩa trang Bạch Thông" - ông Đoàn khẳng định.
Di ảnh và Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Đoàn Thị Nga, đang thờ phụng tại nhà ông Đoàn. Ảnh : Tâm Am
"Tôi thấy vô lý quá, vì tôi đã cùng gia đình đưa dì tôi về nghĩa trang gia đình năm 1973, đủ hết hài cốt. Cả chính quyền địa phương đều biết. Ngôi mộ của dì tôi, hài cốt của dì tôi là gia đình đang quản lý tại nghĩa trang gia đình. Năm nào thắp hương, tôi cũng chỉ lên thắp hương ở mộ của dì tôi ở nghĩa trang gia đình"- ông Đoàn nói.
Bố đẻ liệt sĩ chính tay chôn cất con, cất bốc mang hài cốt về
Nhớ lại về lần quy tập mộ liệt sĩ Nga về nghĩa trang gia đình, ông Đoàn kể lại : "Năm đó tôi 12 tuổi, cùng ông ngoại tôi là bố liệt sĩ, cùng anh trai của liệt sĩ và ông anh gọi liệt sĩ bằng cô, 4 người chúng tôi đi xe đạp vào xã Thanh Vận, qua cánh đồng, lên một chân đồi thoai thoải, chỉ có cây cỏ cao bằng ngang đầu tôi, mộ của dì tôi được phát quang, vì hàng năm, ngày 3.3, ông tôi vào thắp hương, phát quang.
Sau khi ông tôi thắp hương, chúng tôi bắt đầu đào, ông ngồi khấn, chúng tôi đào. Đào 60 phân thì thấy ván thiên, chúng tôi nạo vét đất lên, thấy nắp bị mục, lấy xương lên, rửa rồi gói vào nylon mang về chôn cất tại nghĩa trang".
Lúc đó, theo ông Đoàn nhớ lại, khu vực an táng các nữ thanh niên xung phong có khoảng trên dưới chục ngôi mộ, một số ngôi mộ đã được cất bốc trước đó, chỉ còn hố sâu.
Khi nghe tin con gái hy sinh, người cha luống cuống, không biết làm thế nào. "Ông tôi và cậu tôi đi bộ vào hồ Tân Minh, nơi dì tôi hy sinh, khoảng 13 cây số, cùng các cơ quan ban ngành đoàn thể nhận thi thể của dì tôi chôn cất rồi mới về. Ông ngoại tôi - bố đẻ liệt sĩ - đã chính tay chôn cất con, cũng chính tay mang hài cốt của con về gần gia đình"- ông Đoàn rưng rưng nói.
Trước sự việc 13 ngôi mộ liệt sĩ không có xương cốt, thậm chí không có tiểu, chỉ toàn đất đá bọc trong túi nylon, ông Đoàn quá sốc. "Nếu họ quy tập mộ liệt sĩ, không thấy hài cốt thì thôi, đằng này lại cho đất đá vào thì đáng sợ quá. Nếu là hài cốt, thì phải có đất đen, đằng này toàn đá, gõ keng keng thì không đúng. Tôi thấy rất buồn"- ông Đoàn nói.
Nhớ lại ký ức về người thân liệt sĩ, ông Đoàn xúc động nói: "Tôi còn nhớ hết về dì tôi, vì ông bà ngoại nuôi tôi từ bé, tôi sống cùng ông bà, cùng dì từ bé cho đến khi dì đi thanh niên xung phong. Hàng tháng, dì tôi đi bộ ra chợ Bắc Cạn khoảng 2 lần, ngủ qua đêm xong mới vào đơn vị. Dì tôi rất hiền, rất xinh xắn, tóc dài, đen, thắt bím 2 bên".
Liệt sĩ Đoàn Thị Nga, hy sinh năm 21 tuổi, khi ấy, liệt sĩ còn chưa lấy chồng. "Ông bà tôi vô cùng đau xót, ông chỉ ngồi khóc. Nghe tin dì tôi hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, ông tôi lập tức đi bộ 13 cây số đến xã Thanh Vận để nhận thi thể và chôn cất. Giờ ông bà tôi cũng đã mất" - ông Đoàn bồi hồi nhớ lại.
Cách đây hơn 50 năm, ngày 9/8/1968, chân đập ở hồ Tân Minh (xã Thanh Vận - Chợ Mới, Bắc Cạn) bất ngờ bị vỡ, khiến 13 chiến sĩ thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ hi sinh.
Sau 3 lần quy tập, hài cốt của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Cạn.
Theo đề nghị của thân nhân các liệt sĩ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Cạn đã tiến hành khai quật phần mộ của 13 thanh niên xung phong để giám định ADN. Người thân của các liệt sĩ cũng được mời đến lấy mẫu để so sánh.
Tuy nhiên, 13 ngôi mộ không hề có hài cốt, chỉ có những chiếc túi nylon đựng đất, đá bên trong. Ngay cả đến tiểu sành, một vật dụng tùy táng bắt buộc phải có khi quy tập hài cốt liệt sĩ, ở dưới những ngôi mộ này cũng không có.
Tâm Am
Nguồn : Lao Động, 05/12/2019
**********************
Đến liệt sĩ cũng bị… làm thịt
Trân Văn, VOA, 06/12/2019
Phải mất 51 năm sau khi 13 thanh niên xung phong của C933 – N92 Thanh vận tử nạn tại đập Yên Minh (tọa lạc tại xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Cạn), thân nhân của họ mới được Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bắc Cạn vời đến để thử ADN, nhằm xác định danh tính cho từng bộ hài cốt…
Hình trích xuất từ website báo Thanh Niên.
Đáng nói hơn là khi khai quật, không ngôi mộ nào trong số này có hài cốt ! Lòng mộ chỉ có những túi nylon đựng… đất và đá ! Thân nhân của 13 liệt sĩ này bảo rằng, đồng đội của 13 người khẳng định, khi chôn cất họ, mộ nào cũng có tên tuổi người đã khuất. Sau khi được "quy tập" về nghĩa trang liệt sĩ, mộ những người đã khuất bị mất tên, bia mộ chỉ còn dòng chữ Thanh niên xung phong C933 – N92 Thanh vận. Đến đợt "quy tập" thứ ba về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Cạn, dòng chữ vừa kể cũng mất, bia mộ chỉ còn "Liệt sĩ không xác định được danh tính"… song thân nhân tiếp tục tìm đến viếng mộ, thắp hương cho đến cuối tuần vừa qua, tất cả cùng bật ngửa khi hóa ra, trong lòng những ngôi mộ ấy chỉ có đất đá !
Chính quyền tỉnh Bắc Cạn đã yêu cầu Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bắc Cạn kiểm tra và báo cáo tại sao, trước ngày 4 tháng 12 nhưng đến hôm nay – 6 tháng 12 – giới hữu trách vẫn chưa trả lời. Các viên chức hữu trách từ địa phương đến trung ương (Cục Người có công, Bộ Lao động, thương binh và xã hội) cùng lấy thời gian và nhiều lần "quy tập" làm lý do.
"Quy tập" – tìm kiếm, tổ chức cải táng, đưa hài cốt liệt sĩ về những nghĩa trang liệt sĩ – vẫn được xem như một hoạt động báo ân. Hoạt động báo ân này luôn được quảng bá rộng rãi và ngốn không ít tiền. Đó cũng là lý do khiến người ta ngạc nhiên khi trong lòng 13 ngôi mộ không những không có hài cốt mà ngay cả tiểu sành cũng… thiếu (1) !
***
Sau khi có tin : Toàn bộ hồ sơ liên quan đến 13 liệt sĩ là Thanh niên xung phong C933 - N92 Thanh vận đã mất sạch, Nhuan Nguyenvan bình luận : Mất thì phải "đền" vì trước giờ mất đủ thứ, mất nhiều quá rồi. Vỹ Hoàng không đồng ý vì : Bao nhiêu tiền mới đủ bù đắp những mất mát của các gia đình liệt sĩ ? Trí Trịnh nhìn ý tưởng "đền" ở góc độ khác : Tiền để "đền" không phải là tiền của chúng nó mà là thuế, là mồ hôi, nước mắt của dân mình. Phải tống chúng nó vào tù (2)…
Trước sự kiện vừa kể, Lợi Phan và nhiều thân hữu cùng buột miệng than : Chúng nó ăn cả hài cốt ! Thi Kim Vang Massmann nhấn mạnh sự phẫn nộ khi liệt sĩ cũng bị… "làm thịt" và "ăn" không chừa cả xương. Loc Pham nhận định : Tạo lập mộ giả vốn là một kiểu kiếm tiền và gian – giả thì đã là "chuyện thường ngày" của "cán bộ". Vo Thi Thanh Hai cũng nghĩ như vậy, đồng thời góp thêm : Không gian manh, xảo quyệt không phải là cộng sản (3) !
Cách giải thích của ông Dương Bằng Giang (Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Hà Giang) với phóng viên VTV (Đài Truyền hình Việt Nam) về việc trong các mộ chỉ có túi nylon đựng đất đá là do đã lâu nên có thể cốt hóa thành… đất (4) – làm nhiều người phẫn nộ. Nguyễn Phan xem đó là bằng chứng cho thấy : "Chúng" xem dân như rác nên muốn nói gì thì nói vì tin chắc, biết chắc rằng không ai dám làm gì "chúng" ! Huỳnh T Thanh Nhàn, thân hữu của Loi Phan chỉ còn biết dùng hai từ "khốn nạn" để dành cho đảng !
Tương tự, trên facebook của Dương Sông Lam, sự kiện 13 mộ liệt sĩ chỉ chôn đất đá làm dậy lên những tiếng nguyền rủa vì chỉ có súc vật mới hành xử như thế. Một số người không đồng tình, theo họ, hành xử như thế còn tệ hơn cả cầm thú ! Quoc Viet Hoang nhắc rằng, "ăn" cả xương liệt sĩ không phải là chuyện lạ, mới xảy ra lần đầu, ở Quảng Trị đã từng xảy ra chuyện dùng xương trâu, bò để làm giả hài cốt liệt sĩ kiếm tiền… Và dù xót xa, căm phẫn nhưng ít ai tin chuyện này sẽ được xử lý đến nơi, đến chốn (5) !
Cũng xót xa, căm phẫn, cũng nhắc mọi người nhớ đến những scandal tương tự : Tìm được vài bộ hài cốt liệt sĩ thì bốc thêm vào chục nắm đất, nâng khống số lượng để kiếm tiền vốn là "trò không mới" – song Quốc Thái Ly lưu ý một khía cạnh khác : Tội cho mấy em Đoàn viên Đoàn thanh niên cộng sản cứ đến 27 tháng 7 là ra tảo "mộ", hứa với những nắm đất đá sẽ quyết tâm học tập, lao động để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Tội cho nhiều người, cứ đêm 27 tháng 7 ra "mộ" thắp đèn, đọc thơ rồi khóc rưng rức (6)…
***
Đúng là "làm thịt" cả liệt sĩ không phải là chuyện lạ, bỏ thí cả liệt sĩ lẫn thân nhân cũng không lạ, chẳng hạn đến nay, đảng ta vẫn còn chần chừ, chưa quyết định có nên chi tiền để đưa hài cốt của khoảng 2.500 người Việt tử trận khi chống trả quân xâm lược Trung Quốc ở Hà Giang vào thập niên 1980 về nhà hay không (7) – cần nhớ từ đó đến nay đã hơn ba thập niên, khoảng 2.500 liệt sĩ này vẫn chưa được an táng, hài cốt của họ vẫn đang bị phơi giữa trời !
Cũng vì vậy, có một câu hỏi cần phải nêu : Tại sao thỉnh thoảng, hoạt động "đền ơn, đáp nghĩa" lại rầm rộ như đã từng thấy nhiều lần trên toàn quốc ? Rất nhiều người khẳng định, tổ chức "đền ơn, đáp nghĩa" chỉ là tạo cơ hội để "ăn" nhưng dường như đó là chuyện thứ yếu. Nếu nhìn và ngẫm kỹ, ắt sẽ thấy, "đền ơn, đáp nghĩa" chính là một cách thông qua việc đề cao công ơn anh hùng, liệt sĩ để nhắc toàn dân phải tiếp tục nhớ ơn đảng, bảo vệ đảng ! Quả là chẳng đảng nào… tài tình như… đảng ta cả !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/12/2019
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/13-mo-liet-si-o-bac-kan-chi-chua-tui-ni-long-dung-dat-da-1155748.html
(2) https://www.facebook.com/hoang.vy.378199/posts/817600375345803
(3) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3089315127749538&set=a.725605827453825&type=3&theater
(5) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1282233818648621&set=a.330257457179600&type=3&theater
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2898380156894362&set=a.212717055460699&type=3&theater
Công an và ‘côn đồ có tổ chức' dừng chương trình trao quà cho thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (RFA, 03/12/2019)
Linh mục công giáo Anton Lê Ngọc Thanh đưa ra cáo buộc công an và ‘côn đồ có tổ chức' dừng chương trình trao quà cho thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ở Tiền Giang, Long An.
Hình minh họa. Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn - Photo by Huỳnh Công Thuận
Vào ngày 3 tháng 12, Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, quản xứ Nhà thờ Sáu Bọng ở Cần Thơ và là "người cổ động" Chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa như lời ông tự giới thiệu, kể với RFA về sự cố mà ông chứng kiến hôm 2/12.
"Buổi trao quà ngày hôm qua là chương trình của các anh chị em tình nguyện viên cộng tác với Cha Giuse Hồ Đắc Tâm, Dòng Chúa Cứu Thế Cần Giờ, với Cha Vũ để trao quà cho thương phế binh ở 13 tỉnh miền Tây. Lần trước cách đây vài tuần, mọi việc thuận lợi ở tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… Không có vấn đề gì xảy ra".
"Còn ngày hôm qua, là tình trạng họ tạo ra bầu không khí căng thẳng cực kỳ. Các ông thương phế binh quy tụ lại ở Cai Lậy để nhận quà chia sẻ như mùa xuân đến sớm, thì 10 người nhận ban đầu không có vấn đề gì. Nhưng sau đó bắt đầu có chuyện họ gây cản trở. Khi bắt đầu đến vài chục người thì họ ngăn cấm, không cho làm việc nữa".
"Và từ đó, nhóm bắt đầu di chuyển về Mỹ Tho. Ngay tại Mỹ Tho thì họ điều động đủ thứ công an giao thông, cảnh sát cơ động, an ninh, kể cả những nhóm dân phòng. Cứ cách nhà thờ một mét thì ba bốn người cách đều nhau vậy. Các ông thương phế binh thì họ ngồi trên bệ phía nhà thờ cho đỡ mỏi chân thì cũng bị đuổi. Tức là họ đối xử một cách kỳ cục, ít nhất là đối với những người khuyết tật".
Hôm 3/12, một thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa hiện sống tại tỉnh Tiền Giang đề nghị ẩn danh tính vì lý do an toàn, kể với RFA về buổi phát quà diễn ra "sợ quá sợ" tại Nhà thờ Chính tòa Mỹ Tho hôm 2/12 :
"Hồi đó tôi là lính thủy quân lục chiến Tiểu đoàn 2, bị thương tại Quảng Trị, bị thương cánh tay phải thành thử giờ không làm được gì, phải nhờ cũng khổ lắm. Thành thử được tin nhận quà thì mừng lắm nhưng mà kỳ rồi khổ sở, sợ quá. Tại vì mình dính đến chế độ trước mà, sợ chính quyền lắm".
"Nhân viên mấy cô ở Dòng Chúa Cứu Thế hẹn là 9 giờ 30 ở Nhà thờ Chính Tòa thì mấy anh em tui đến đó thì chính quyền người ta không có cho. Rồi mình đi vòng vòng không dám, lát sau đi ra phía sau thì có chiếc xe thì mấy cô ngồi đó nói ‘mấy chú từ từ đi lại' rồi tụi tôi ở ngoài vô, ở trong thì nói số quân đúng thì chúng tôi được nhận quà".
Người thương phế binh này cho biết thêm là sau khi nhận quà thì ông và một số người khác "được nói tản đi".
Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh đánh giá "cái sự lo sợ chi phối hành động của những người thuộc phía chính quyền, chứ không phải vì lý do bảo vệ an ninh trật tự gì cả, vì các thương phế binh không có hành động gì gây mất trật tự cả".
Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh mô tả những người cản trở việc phát quà cho thương phế binh "là người mặc sắc phục công an khu vực, công an giao thông và cả cảnh sát cơ động, và cả an ninh đeo khẩu trang đi theo là côn đồ có tổ chức".
Vị linh mục từng điều hành Ban Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn nói là do mình "không có thông tin gì khác nên không biết là vì lý do gì mà người của chính quyền hành xử như vậy".
Hôm 3/12, RFA gọi điện đến trực ban Công an tỉnh Tiền Giang, Long An nhiều lần nhưng không nhận được phản hồi về vụ việc.
Hồi tháng 9/2019, Dòng Chúa Cứu Thế cộng đoàn Cần Thạnh, Nhà thờ Cần Giờ, ra tuyên bố về việc tiếp tục Chương trình Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.
Trong tuyên bố, các tu sĩ, linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Cần Giờ cho biết, theo tinh thần và mục tiêu phát triển con người toàn diện của Giáo hội Công giáo toàn cầu, Dòng Chúa Cứu Thế Cần Giờ "muốn tiếp tục lựa chọn tinh thần tri ân đối với thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa", rằng sự đồng hành của họ "không chỉ là một trợ giúp về mặt vật chất, mà còn là sự biết ơn và quý thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, những người đã gìn giữ hòa bình và an ninh không tiếc thân thể của mình".
*****************
Tỉnh Bắc Cạn được yêu cầu xác minh thông tin 13 mộ liệt sĩ không có hài cốt (RFA, 03/12/2019)
Bộ Lao động, thương binh và xã hội, vào ngày 3/12 yêu cầu Chính quyền tỉnh Bắc Cạn xác minh thông tin liên quan một phóng sự do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, công chiếu hôm 2/12 phản ánh hàng loạt mộ liệt sĩ không có hài cốt tại nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh này.
Khi khai quật mộ, để xét nghiệm ADN, thân nhân nhiều gia đình liệt sĩ ở Bắc Cạn bàng hoàng khi không thấy hài cốt, mà chỉ là các túi ni lông đựng đất đá.
Truyền thông quốc nội cho biết công văn của Bộ Lao động, thương binh và xã hội gửi đến Cục Người có công và Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bắc Cạn trong chiều cùng ngày yêu cầu xác minh thông tin như vừa nêu.
Theo phóng sự của Đài Truyền hình Việt Nam thì gia đình của 13 liệt sĩ là thanh niên xung phong hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ hồi đầu tháng 8 năm 1968, cho biết 13 ngôi mộ được thờ cúng hơn 50 năm qua chỉ có những chiếc túi nylon đựng đất đá, mà không có hài cốt sau khi được khai quật để giám định ADN.
Thân nhân của 13 liệt sĩ nói với báo giới rằng lời giải thích của lãnh đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bắc Cạn rằng những túi nylon đất đá được tìm thấy có thể do hài cốt đã hóa thành đất là không thuyết phục, bởi vì mộ của một liệt sĩ khác cũng hy sinh cùng năm 1968 và được khai quật cùng đợt để giám định ADN lại có đầy đủ hủ sành và hài cốt.
Bộ Lao động, thương binh và xã hội yêu cầu Chính quyền tỉnh Bắc Cạn kiểm tra và báo cáo trước 16 giờ ngày 4/12.