Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tiếp tục tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư thay đổi thói quen, tập quán, thay vì mai táng, chuyển sang hỏa táng.. nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm đất, chi phí...

hoatang1

Nhà nước đầu tư đến 1.400 tỷ đồng để xây dựng Nghĩa trang quốc gia Yên Trung dành cho cán bộ cấp cao, với diện tích 120 hecta, nằm dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía Tây. Courtesy VNN

Kêu gọi vừa nêu được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và môi trường đưa ra tại Hội nghị công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025.

Trong khi trước đây nhà nước đầu tư đến 1.400 tỷ đồng để xây dựng Nghĩa trang quốc gia Yên Trung dành cho cán bộ cấp cao, với diện tích 120 hecta, nằm dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía Tây.

Tại sao phải vận động người dân thực hiện hỏa táng khi mà ngân sách nhà nước bỏ ra đến 1.400 tỷ để xây dựng nghĩa trang cho cán bộ cấp cao ? Sao cán bộ không bảo vệ môi trường và tiết kiệm đất đai cũng như chi phí, như người dân ? Người dân nghĩ gì về việc này ?

Một người dân ở Miền Trung, anh Quang khi trao đổi với RFA hôm 14/1, nói :

"Ai cũng thấy hỏa táng người chết sẽ tốt cho môi trường và tiết kiệm được đất đai cũng như chi phí. Nhưng tại sao phải vận động người dân thực hiện hỏa táng khi mà ngân sách nhà nước bỏ ra đến 1.400 tỷ để xây dựng nghĩa trang cho cán bộ cấp cao ? Xét cho cùng khi chết thì họ cũng trở về với cát bụi và chỉ còn chăng là cái danh. Vì vậy, chỉ cần cán bộ cấp cao gương mẫu đi trước làm gương, thì người dân sẽ tiếp bước theo sau và chính đó là cách vận động tốt nhất !"

Từ Nha Trang, hôm 14/1, Chị Nguyễn Lai cho biết Chị ủng hộ việc hỏa táng, tuy nhiên Chị cho biết lý do vì sao người dân không thể mua đất để an táng :

"Thật ra chi phí hỏa táng rẻ hơn so với việc mua đất ở nghĩa trang và chôn cất. Hỏa táng xong người thân đem hài cốt thân nhân lên chùa hay nhà thờ thì ấm cúng hơn. Ngày xưa, đất nghĩa trang rẻ người dân còn chắc bóp để mua... Ngày nay, các cán bộ quan chức trưởng giả học làm sang, mua đất cất mộ cho to, nên dân nghèo không còn cửa để chôn vì giá đất cao ngất ngưỡng".

Còn Chị Huỳnh Hằng, một người dân ở Đà Nẵng, nhận xét với RFA hôm 14/1, rằng Chị đang sống trong một đất nước không phải cho dân :

"Câu trả lời thực tế nhất là đất nước này đã không còn là của dân mà nó đã bị chiếm đóng và cái trị bởi Đảng cộng sản Việt Nam. Đi dọc đất nước ở đâu cũng thấy tượng đài và nghĩa trang dành cho những người cộng sản đã chết chiếm cả hàng hecta. Và có cả nghĩa trang dành cho những người chưa chết như ở Hà Nội. Điều ấy cho thấy trong mắt của nhà cầm quyền, giá trị người dân không còn là nền tảng cho sự tồn tại của đất nước mà chỉ có Đảng là trên hết".

Nghị định số 23 năm 2016 của Chính phủ trong đó điều 4 quy định diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5 m2 và diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ cát táng tối đa không quá 03 m2. Đối với những địa phương có diện tích đất rộng, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì mỗi mộ phần cũng không quá 10m2.

Trong khi đó, Nghĩa trang quốc gia Yên Trung dành cho cán bộ cấp cao, ngoài vấn đề lấy tiền ngân sách, vốn là tiền thuế của dân ra xây dựng cho quan chức, thì việc quy hoạch diện tích mỗi mộ phần từ 25 – 30m2 trong thực tế i phạm Nghị định số 23.

hoatang2

Hội nghị công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025. Courtesy monre.gov.vn

Hòa Thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, Sài Gòn (đã bị cưỡng chế đập bỏ), khi trả lời RFA hôm 14/1, nhận định :

"Chế độ cộng sản từ khi cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, thì gần như tất cả các vến đề từ kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội... đất đai, nhà cửa... thì họ đều giành về cho những người thuộc đảng cộng sản. Họ coi người dân phải có bổn phận đóng thuế vậy thôi. Đối với các nghĩa trang, nghĩa địa thì sau khi cưỡng chiếm họ giải tán hết đi, bắt người dân đem đi ở đâu đó, rồi họ xây những cơ sở trên đó. Bây giờ thì họ kêu phải tiết kiệm đất đai, họ kêu gọi người dân phải hỏa táng".

Theo Hòa Thượng Thích Không Tánh, quyền của người chết để có một ngôi mộ cũng mất, trong khi đó là một truyền thống dân tộc lâu đời. Ông cho rằng các linh quyền không được tôn trọng khi chính quyền giành tất cả mọi thứ cho đảng cộng sản Việt Nam. Ông nói tiếp :

"Họ lập những nghĩa trang rất to lớn dành cho các đảng viên, ngoài miền Bắc và những nơi khác họ làm rất lớn, mộ của mấy ông ngoài trung ương như cái công viên vậy đó, để rồi du lịch thăm viếng. Họ dành những nơi rất tốt đẹp cho những cán bộ, tôi rất là đau lòng".

Trong Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được chính phủ Việt Nam phê duyệt ngày 8/4/2014, đối với nghĩa trang tập trung cấp quốc gia, ngoài xây mới nghĩa trang cấp quốc gia cho cán bộ tại xã Yên Trung... sẽ cải tạo, nâng cấp, mở rộng nghĩa trang Mai Dịch 1 thành công viên nghĩa trang cho cán bộ với quy mô từ 5,5 ha lên 5,8 hecta.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, khi trả lời RFA hôm 14/1, nhận định về việc kêu gọi người dân hỏa táng :

"Tôi thấy người đề nghị hỏa táng đầu tiên là cụ Hồ, trong di chúc cụ nói rõ ràng như vậy là văn minh, thế mà không ai nghe cụ cả. Không nghe cụ, ướp xác cụ đã đành, mà bây giờ các vị lãnh đạo con cháu cụ họ không hỏa thiêu, họ không ướp xác, nhưng họ chôn ở một đẳng cấp khác, lấy tiền ngân sách quốc gia, tức là tiền thuế của dân để phục vụ cho các vị. Thành ra giữa lời nói và việc làm của họ, người dân người ta nhìn vào thấy phản cảm. Phản cảm không phải chuyện hỏa thiêu, đó là chuyện tốt, trừ những dân tộc tôn giáo có phong tục tập quán riêng, đó là câu chuyện khác. Nhưng một mặt chính quyền vận động như vậy, một mặt lại cho cán bộ cao cấp có đẳng cấp riêng, luật lệ riêng... thì kỳ quặc lắm".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng đặt câu hỏi : ‘Không hiểu mỗi khi các cán bộ ra dự đại hội đảng thăm lăng cụ Hồ, khi nhìn cụ họ nghĩ như thế nào về những chủ trương như vậy.

Published in Việt Nam