Việt Nam : Dư luận 'dậy sóng' về nghĩa trang cho cán bộ cao cấp (BBC, 05/02/2018)
Dư luận ở Việt Nam đang dậy sóng trước tin về Nghĩa trang Yên Trung tốn 1.400 tỷ đồng, dành cho cán bộ cao cấp và danh nhân.
Một nghĩa trang liệt sĩ ở Hà Nội
Nhiều nhà báo, nhà bình luận, blogger và người dân bày tỏ quan điểm bất bình của mình trên Facebook xung quanh chủ đề này.
Trong khi nhiều ý kiến bất bình vì nghĩa trang này dự tính sẽ được xây dựng từ ngân sách nhà nước, những người khác lại hỏi tại sao chính phủ không nghĩ đến người dân nhiều hơn, và bình luận về tư tưởng phân chia giai cấp mà dự án này nghĩa trang này thể hiện.
Bài viết dài đăng trên Facebook cá nhân của nhà báo Nguyễn Thị Hậu, được báo Người Đô Thị đăng với tựa đề "Xây nghĩa trang, vì ai ?", là bài được rất nhiều người chia sẻ.
Bài có đoạn : "Mục đích đã rõ ! Nhưng trong tình hình hiện nay nợ công còn quá nặng nề, nhiều loại thuế, phí đã tăng và sẽ còn tăng như dự thảo nhiều luật thuế, nạn tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm bớt dù đã xét xử nhiều trọng án... Vì sao dự án xây dựng nghĩa trang lên đến 1.400 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước vẫn được tiến hành khi đó chưa phải là nhu cầu bức thiết nhất ?"
"Ngân sách đó là từ những đồng tiền thuế đẫm mồ hôi nước mắt, vắt kiệt trí tuệ chất xám của mọi tầng lớp nhân dân. Đó là đồng tiền chắt chiu từ việc khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên khoáng sản, là đồng tiền bán cho nước ngoài từ con cá cân lúa đến sức lao động của người Việt Nam..".
"Không thể đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối nhưng vì sao việc tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng ngân sách cho một nghĩa trang, một công trình tượng đài lại dễ dàng hơn rất nhiều lần việc xây dựng bệnh viện, trường học, cây cầu cho người dân ở những vùng còn rất nghèo đói ?..".
"Chỉ có khoảng 2.500 ngôi mộ nhưng mỗi mộ phần chiếm đến 25-35m2. Quy mô như vậy, nói không quá, như một khu lăng mộ của quan lại thời phong kiến ! Trong khi đó người dân thường khi yên nghỉ chỉ cần "hai mét đất" cũng rất khó khăn ! Chưa kể đến việc để dành đất cho người chết thì hơn 100 gia đình hiện sinh sống tại khu đất quy hoạch nghĩa trang buộc phải di dời đi nơi khác".
"Sao lo cho người sẽ chết an nghỉ mà lại làm người sống không thể an cư ?"
Nhà báo Trương Huy San cũng viết dòng trạng thái với tựa đề "Cát bụi" trên Facebook hôm 2/2 :
"Tôi cứ ngỡ đây chỉ là sản phẩm của dân "chạy dự án", té ra nó đã được phê duyệt. Một chính thể giành được chính quyền bởi những người theo ý tưởng "thế giới đại đồng", không lẽ, từ tem phiếu đến "nơi an nghỉ" đều phân chia đẳng cấp".
"Tướng Giáp đã chọn Vũng Chùa, Tướng Đồng Sỹ Nguyên - nghe đâu đã có một di nguyện rất sáng suốt - là về với các đồng đội của mình ở nghĩa trang Trường Sơn, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã chọn quê cha đất tổ... Chính trị là chốn chỉ bằng mặt không bằng lòng, sống đã thế không lẽ chết, quý vị lại muốn "đánh cờ mặt" với nhau một chỗ.
Phản ứng mạnh có làm dừng dự án nghĩa trang 1.400 tỷ ? (VOA, 05/02/2018)
Trong năm ngày liên tiếp, dư luận Việt Nam không ngừng bày tỏ phản đối, thất vọng và chán nản trên mạng xã hội và báo chí chính thống về một dự án xây nghĩa trang tốn kém cho cán bộ cao cấp.
Mô hình Nghĩa trang Yên Trung dự trù kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng dành cho các lãnh đạo cấp của Việt Nam. (Ảnh : VietnamFinance)
Tuy nhiên, một nhà hoạt động am hiểu hệ thống chính trị Việt Nam nhận định, ít có khả năng Đảng cộng sản cầm quyền sẽ nhượng bộ.
Báo chí trong nước cho hay, chính quyền thành phố Hà Nội hôm 1/2 công bố quy hoạch được thủ tướng phê duyệt về xây nghĩa trang "phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước ; các anh hùng, danh nhân của đất nước".
Tin cho hay, dự kiến, chi phí xây nghĩa trang, có tên là Yên Trung, lên đến hơn 1.400 tỷ đồng, sẽ lấy từ ngân sách nhà nước.
Vẫn theo các báo, với tổng diện tích 120 hectare, tương đương một phường lớn ở nội thành Hà Nội, dự án có vị trí ở huyện Thạch Thất, dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 40 kilomet về phía tây. Thông tin từ bản quy hoạch cho thấy sẽ có 105 hộ dân phải di dời để nhường chỗ cho dự án.
Nghĩa trang Yên Trung, theo tường thuật của báo chí, sẽ có 2.200 - 2.500 ngôi mộ, mỗi ngôi có khuôn viên 25 - 35m2, tương đương diện tích đất của nhiều ngôi nhà nhỏ ở thủ đô Việt Nam.
Kể từ khi quy hoạch được công bố, dù nhiều ngày trôi qua cho đến nay, song làn sóng gồm vô vàn ý kiến chỉ trích, phản đối bày tỏ qua các phương tiện, hình thức khác nhau vẫn chưa dừng lại. Trong số những người lên tiếng là các nhà báo lâu năm, các nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội, luật sư, và cả các cựu viên chức nhà nước.
Bài báo được nhiều người chú ý trên truyền thông chính thống về chủ đề này có tên "Xây nghĩa trang, vì ai ?" đăng trên trang web của báo Người Đô Thị hôm 4/2. Tác giả Nguyễn Thị Hậu, một nhà báo có đông người theo dõi trên Facebook, đặt ra một loạt câu hỏi về dự án, như liệu bỏ ra số tiền khổng lồ xây nghĩa trang đó có phải "nhu cầu bức thiết nhất" không, khi mà đất nước còn gánh nặng nợ công và nạn tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm.
Hay một câu hỏi khác của bà Hậu là "vì sao việc tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng ngân sách cho một nghĩa trang, một công trình tượng đài lại dễ dàng hơn rất nhiều lần việc xây dựng bệnh viện, trường học, cây cầu cho người dân ở những vùng còn rất nghèo đói ?".
So sánh diện tích đất xây mỗi mộ phần cho quan chức với hoàn cảnh sống của không ít người còn khó khăn, nữ nhà báo đưa ra câu hỏi : "Sao lo cho người sẽ chết ‘an nghỉ’ mà lại làm người sống không thể ‘an cư’ ?"
Tượng đài Nguyễn Tất Thành và thân phụ Nguyễn Sinh Sắc tại tỉnh Bình Định, 18/5/2017. (Ảnh chụp từ Báo Bình Định)
Với ngôn ngữ thẳng thừng hơn, nhiều người lâu nay tích cực lên tiếng vì sự tiến bộ ở Việt Nam, trong đó có các ông Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Xuân Diện, Võ Văn Tạo, và Nguyễn Văn Thọ, gọi dự án là "vô cảm" cũng như "trái đạo lý".
Nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi, một nhà đấu tranh nhân quyền dù trước đây phục vụ nhiều năm cho cuộc cách mạnh của Đảng cộng sản, nói với VOA rằng bà "không hiểu đầu óc những nhà lãnh đạo bị làm sao" và "trái tim họ để ở đâu" khi bà nghe tin về nghĩa trang Yên Trung :
"Cuộc sống của dân quá trời khổ rồi thì không lo, lại đi lo cho mấy ông bà to đã chết rồi. Lo cho người sống mà không lo. Các đây vài năm thì làm tượng đài ở vùng dân tộc thiểu sổ, trong khi người miền núi đói rách, biết bao nhiêu khổ cực. Bây giờ lại đi làm nghĩa trang cho các ông bà to nữa thì chỉ còn biết lắc đầu thôi. Thật đúng là kinh hoàng, và thật sự là đau khổ, vì những người có chức có quyền họ không biết thương dân".
Chung tiếng nói với nhiều người khác, nhà đấu tranh nữ năm nay 75 tuổi hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi nhà chức trách Việt Nam hãy bãi bỏ dự án có trị giá tương đương 61,5 triệu đôla.
"Cái dự án này phải hủy bỏ. Những người có chức có quyền người ta nên dẹp cái đề án này đi thì nó mới thu phục được lòng dân. Còn nếu mà họ không nghe lời của dân, không nghe theo tiếng lòng của dân thì đến một ngày họ phải hối hận là vì dân họ đâu có phải cứ chịu đựng mãi".
Một số người dẫn các bài báo trước đây để chỉ ra rằng dự án nghĩa trang Yên Trung đã hình thành cách đây 3 năm, dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Họ bày tỏ hy vọng rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu chính phủ mới vì "kiến tạo phát triển" kể từ hè 2016, sẽ có lối tư duy khác và sẽ thuận theo lời kêu gọi hủy bỏ dự án.
Tuy nhiên, nhà báo kỳ cựu Huỳnh Ngọc Chênh, đồng thời là blogger nổi tiếng về đấu tranh vì tự do, dân chủ, nói với VOA rằng một hy vọng như vậy ít có cơ sở. Ông Chênh lưu ý đến thực tế rằng quyết định về nghĩa trang Yên Trung không đến từ cấp chính phủ, mà đó là "chủ trương xuyên suốt được Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng duyệt". Tức là từ những tầng nấc cao nhất trong bộ máy chính trị Việt Nam.
Mặc dù cũng cho rằng dự án là "quá sức sai trái" khi các quan chức cấp cao tự xem mình "như những ông vua", làm nhân dân bất mãn, song với hiểu biết lâu năm về vận hành của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Chênh nhận định đảng sẽ không nhượng bộ trước đòi hỏi từ công chúng :
"Những việc xuất phát từ chủ trương chính phủ, những bộ, các tỉnh, thì thường sai thì có thay đổi. Nhưng mà cái gì chủ trương từ đảng rồi thì họ rất khó thay đổi. Tôi nghĩ cái chuyện xây nghĩa trang cho lãnh đạo cao cấp này là xuất phát chủ trương từ đảng. Mà đảng họ nói là không theo đuôi quần chúng. Họ làm theo ý của họ. Cho nên tôi thấy khó mà thay đổi".
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh dẫn dự án bauxite ở Tây Nguyên trước đây là một ví dụ chứng minh việc đảng kiên quyết thực hiện chủ trương của họ bất chấp các góp ý, phản biện từ các giới trong xã hội Việt Nam.
Đến nay, theo nhiều bài báo trong nước, dự án bauxite đã thể hiện tính không hiệu quả về kinh tế khi lỗ hàng nghìn tỉ, lẫn gây hại cho môi trường, đúng như nhiều chuyên gia, nhà phân tích đã cảnh báo cách đây hơn 10 năm.
Ông Chênh nói nếu lần này đảng cộng sản hủy dự án nghĩa trang Yên Trung, đó sẽ là "một tiến bộ lớn".
Báo chí Việt Nam không nói nghĩa trang Yên Trung sẽ bắt đầu được xây dựng khi nào. Tin tức chỉ cho biết thời gian thực hiện dự án là khoảng 36 tháng.
Trong 36 năm qua, thủ đô Hà Nội có nghĩa trang Mai Dịch là nơi an táng các lãnh đạo cấp cao. Nhưng báo chí nói đến nay, nghĩa trang rộng 5,9 ha này "đã hết diện tích sử dụng".
Nguồn : VOA, 05/02/2018