Úc phá ổ cần sa của người Việt trị giá gần 3 triệu đôla (VOA, 15/02/2018)
Cảnh sát bang New South Wales của Úc vừa đột nhập vào 6 căn nhà tại thung lũng Hunter ngày 14/2 và bắt giữ 5 người Việt Nam với hơn 1.400 cây cần sa, tổng trị giá khoảng 2,8 triệu đôla Úc.
Cần sa được trồng trong 6 ngôi nhà ở thung lũng Hunter, Úc.
Cảnh sát cho biết 5 người Việt bị bắt có độ tuổi từ 23 – 48, trong đó có một nam sinh viên và 1 phụ nữ. Hai trong số này là di dân bất hợp pháp.
Cuộc bố ráp được thực hiện sau 3 tháng điều tra.
Cảnh sát Úc nói 6 ngôi nhà trong cuộc là do cùng một đường dây điều hành. Các ngôi nhà được tân trang bằng tường giả và cơi nới thêm phòng để dành riêng cho việc trồng cần sa.
Một trong số 6 ngôi nhà còn có xe tập đi của trẻ em để trong nhà xe và trang trí đèn Giáng sinh bên ngoài nhằm che đậy hoạt động bên trong.
"Người nào đứng đằng sau ổ cây trồng cần sa trong nhà này đúng là liều lĩnh khi nghĩ rằng sẽ không bị phát hiện, họ đã nhầm", Giám đốc cảnh sát điều tra Craig Jackson nói trong một tuyên bố.
Video của cảnh sát cho thấy bên trong nhà được trang bị hệ thống đèn chiếu và tưới tiêu quy mô.
Được biết mỗi ngôi nhà có khoảng 250 cây cần sa lớn bé.
Cảnh sát đã phá hủy khoảng 1.400 cây cần sa, trị giá khoảng 2,8 triệu đôla Úc, với mục tiêu "không chỉ tước đi tài sản của các tội phạm, mà còn làm gián đoạn hoạt động của đường dây trong tương lai", theo lời ông Jackson.
Cả 5 người Việt đều bị bác đơn bảo lãnh tại ngoại, và sẽ phải ra tòa ở Maitland vào ngày 15/2.
***************
Các nhà hoạt động ‘bất ngờ’ tưởng niệm cuộc chiến Việt-Trung 17/2 (VOA, 15/02/2018)
Một nhóm 6 nhà hoạt động bất ngờ tiến hành tưởng niệm cuộc chiến biên giới Việt-Trung vào sáng 30 Tết, tức ngày 15/2, ở tượng đài Lý Thái Tổ, trung tâm Hà Nội.
Sáu nhà hoạt động ở Hà Nội hôm 15/2 bất ngờ tưởng niệm cuộc chiến Việt-Trung 17/2//1979
Lễ tưởng niệm diễn ra sớm 2 ngày so với mốc chính xác của cuộc chiến nổ ra cách đây gần 40 năm, khi Trung Quốc tung quân tràn vào nhiều tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam vào ngày 17/2/1979.
Truyền thông Việt Nam thời những năm 1980 mô tả chi tiết rằng Trung Quốc đã gây ra nhiều "tội ác tàn bạo" ở các tỉnh này trước khi rút quân về nước do bị Việt Nam "chống trả" và "phản công". Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1990, cuộc chiến hiếm khi được đề cập trên truyền thông chính thống của nhà nước.
Ông Trương Văn Dũng nói với VOA rằng ông và 5 nhà hoạt động khác phải tưởng niệm một cách "thầm lặng" hôm 15/2 là để tránh bị chính quyền "ngăn cản, đàn áp". Ông cho biết thêm :
"Hôm nay gồm có tôi, chị Trần Thị Thảo, anh Lễ, anh Lê Anh Hùng và anh Phùng Thế Dũng. Chúng tôi cũng ra thắp hương, xong chúng tôi căng mấy băng-rôn chủ đề vào ngày 17/2. Gồm 3 nội dung : 17/2/79 chúng tôi không quên, thứ hai là Đả đảo Trung Quốc xâm lược, thứ ba nữa là Trung Quốc là kẻ thù số 1 của Việt Nam. Chúng tôi cũng lựa chọn cách là ngày hôm nay đến trước một ngày để họ không biết, họ không ngăn chặn chúng tôi".
Ông Dũng, thành viên hội Bầu bí Tương thân, chuyên điều phối các hoạt động trợ giúp dành cho các tù nhân lương tâm, nhắc lại rằng hoạt động tưởng niệm cuộc chiến tháng 2/1979 hồi năm ngoái và các năm trước đều bị chính quyền cản trở ít nhiều.
Nhà hoạt động này thậm chí dùng từ "đàn áp", "bắt bớ" để nói về việc nhà chức trách thủ đô ngăn cản các cuộc tưởng niệm trước đây.
Trong những năm trước đây, có những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy một số người, được tin là làm việc cho chính quyền, đã giật vòng hoa, hoặc khiêu vũ, hoặc cắt đá gây bụi mù mịt để ngăn cản các cuộc tưởng niệm tương tự ở tượng đài Lý Thái Tổ.
Bất chấp những hành động đó, ông Dũng, người tích cực hoạt động vì chủ quyền đất nước cũng như thúc đẩy dân chủ, bảo vệ dân oan, nói rằng những người như ông không bao giờ quên "những người lính hy sinh bảo vệ tổ quốc" và luôn quyết tâm tìm mọi cách để tưởng nhớ.
Ngày 17/2 năm nay trùng với mùng 2 Tết. Khi được hỏi liệu ông có cho rằng không khí vui vẻ ngày Tết có làm chính quyền "nhẹ tay" với hoạt động tưởng niệm cuộc chiến giữa Việt Nam với Trung Quốc, nếu người dân thực hiện ở khu vực trung tâm Hà Nội, nhà hoạt động Trương Văn Dũng nhận định :
"Họ không thể nào nương tay, bất kể ngày nào, nhất là vấn đề này thì nhạy cảm. Và mối quan hệ của họ, của Hà Nội với Bắc Kinh, nên họ cũng không muốn làm mất lòng Bắc Kinh, nên họ sẽ bằng mọi cách ngăn cản".
Theo nhà hoạt động này, nếu các nhóm xã hội dân sự và người dân ra tuyên bố và kêu gọi công khai trên mạng để tụ tập và tưởng niệm, gần như có thể đoán chắc chắn rằng phía chính quyền sẽ "ngăn chặn", "bắt bớ" trước khi việc tưởng niệm có thể diễn ra.
Sau nhiều cuộc biểu tình rầm rộ ở Hà Nội phản đối các hoạt động của Trung Quốc bị cho là xâm phạm chủ quyền Việt Nam, nhà chức trách thủ đô hồi tháng 8/2011 đã ban hành một thông báo "yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát trên địa bàn thành phố".
Báo chí trong tay chính quyền nói có những "thế lực chống đối Nhà nước Việt Nam" trong và ngoài nước đã "lợi dụng" tình cảm yêu nước của nhân dân để "kêu gọi, kích động, hướng dẫn quần chúng" gây mất an ninh trật tự ở Hà Nội.
Kể từ thông báo này, chính quyền đã có những động thái mạnh tay, tuy nhiên các cuộc biểu tình và tưởng niệm vẫn diễn ra nhưng phần lớn có quy mô nhỏ và diễn ra bất ngờ.
***********************
Dân biểu Mỹ chúc Tết các nhà tranh đấu đang bị giam cầm ở Việt Nam (VOA, 14/02/2018)
Nhân dịp Tết Mậu Tuất, Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ John Culberson gửi lời chúc cộng đồng người Việt tại Houston, Texas và nhân dân Việt Nam một năm mới an lành, tràn đầy hy vọng và thăng tiến.
Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ John Culberson. (Culberson. House.Gov)
Trong một video do Chân Trời Mới đăng tải hôm 14/2, dân biểu Culberson còn gửi một thông điệp đặc biệt đến các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Việt Nam vì những hoạt động nhằm bảo vệ nhân quyền và cổ vũ cho tự do.
Ông nói : "Tôi chia sẻ những giá trị này với quý vị, và tôi sẽ nỗ lực vận động để quý vị được tự do, để quý vị có thể đón mừng năm mới với gia đình".
Dân biểu đảng Cộng hòa, đại diện cho khu vực 7, bang Texas nói thêm : "Tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền và thả các tù nhân lương tâm ngay lập tức".
Theo thông tin của trang Cộng đồng người Việt Quốc gia Houston, dân biểu Culberson thường lên tiếng bênh vực cho các tù nhân lương tâm Việt Nam, gần đây nhất là trường hợp tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, người vừa bị chính quyền Việt Nam tuyên án tù 5 năm vào tháng 1/2018.
***************
Chính sách ngoại giao pháo hạm mới của Việt Nam (RFA, 15/02/2018)
Tàu chiến Mỹ liên tục thăm Việt Nam
Tháng Ba năm 2018, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hoa Kỳ sẽ cặp cảng Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay của Mỹ cặp cảng Việt Nam kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975. Chuyến viếng thăm này đã được nói đến khi các vị lãnh đạo Việt Nam thăm Hoa Kỳ vào năm 2017, và được xác nhận một cách chắc chắn trong chuyến thăm Việt Nam của ông Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis vào đầu năm 2018.
Tàu sân bay USS Carl Vinson và các tàu hộ tống, máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ. Tàu này sẽ đến cảng Đà Nẵng vào tháng 3/2018. Ảnh chụp 16/6/2017. Không rõ nơi chụp. AFP
Bình luận về sự kiện này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Singapore nhắc lại rằng các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng thăm một tàu sân bay Mỹ trước đây là chiếc USS George Washington khi đậu ngoài khơi Việt Nam vào năm 2010, ông nói tiếp :
"Chuyến thăm của con tàu là một biểu tượng, nó cặp cảng, là một sự xích lại gần nhau về mặt khoảng cách, hai bên có sự tin cậy chiến lược ngày càng nhiều hơn, đưa hợp tác quân sự thực chất thành một điều bình thường giữa hai nước, nó không phải là một điều gì quá nhạy cảm, mà hai phía, đặc biệt là phía Việt Nam phải lo lắng. Lâu nay Việt Nam vẫn vừa làm, vừa thúc đẩy hợp tác với Hoa Kỳ, vừa ngó lại xem thử phản ứng của Trung Quốc là gì. Hai nước trong cuộc và bản thân Trung Quốc sẽ phải xem diễn biến đó là một điều bình thường".
Ngay sau khi chuyến thăm Đà Nẵng vào tháng Ba của tàu USS Carl Vinson được chính thức công bố, Bộ ngoại giao Bắc Kinh lên tiếng nói rằng Trung Quốc không thấy gì trở ngại miễn là những quan hệ như vậy có lợi cho hòa bình trong khu vực.
Chuyến thăm Đà Nẵng, một cảng biển Việt Nam có vị trí vô cùng trọng yếu ở Biển Đông của tàu USS Carl Vinson là sự kiện lớn nhất trong rất nhiều lần tàu chiến Mỹ thăm cảng Việt Nam từ khi hai nước lập lại bang giao vào năm 1995 đến nay.
Vào năm 2003, tàu chiến USS Vandergrift thăm cảng Sài Gòn, đánh dấu lần đầu tiên tàu chiến Mỹ ghé Việt Nam từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc.
Liên tục trong những năm sau đó, hầu như năm nào cũng có tàu chiến Mỹ ghé thăm Việt Nam. Theo thống kê của báo chí Việt Nam thì đến năm 2014 đã có đến 11 lần tàu chiến Mỹ ghé các cảng Việt Nam, gồm đủ các loại tàu hiện đại, từ tàu có trang bị tên lửa dẫn đường cho đến các tàu bệnh viện. Các cảng được chọn lựa không chỉ những cảng thương mại lớn như Sài Gòn mà còn là những cảng quân sự quan trọng là Đà Nẵng và Cam Ranh. Đặc biệt là cảng Cam Ranh, từ khi cảng này chính thức được sử dụng phục vụ nhu cầu hậu cần của các tàu quốc tế từ năm 2016. Chỉ trong năm 2017 đã có đến 4 lần các tàu chiến hiện đại của Mỹ ghé thăm cảng Cam Ranh.
Chiến hạm của các cường quốc hải quân vào Việt Nam
Ngoài các tàu chiến Mỹ, trong vài năm gần đây tàu chiến của nhiều cường quốc hải quân cũng tấp nập thăm Việt Nam.
Tháng Tư năm 2016, 2 tàu chiến hiện đại của Nhật Bản thăm cảng Cam Ranh là Ariaki và Setogiri. Sang tháng Tư và tháng Năm 2017, các tàu chiến của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản lại thăm Việt Nam.
Tháng Năm, năm 2013 tàu chiến Ấn Độ cặp cảng Đà Nẵng. Sang 2016, tàu chiến của New Delhi cặp cảng Cam Ranh. Tháng Chín 2017, tàu chiến hiện đại có khả năng tàng hình của Ấn Độ có mặt tại cảng Hải Phòng.
Nước Úc, một cường quốc hải quân nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng cho tàu chiến hiện đại của mình thăm các cảng của Việt Nam liên tục trong hai năm 2016, 2017. Tàu chiến Mistral và tàu hộ vệ Courbet của Pháp thăm cảng Sài Gòn vào tháng Tư năm 2017. Tàu chiến Hàn Quốc ghé Đà Nẵng tháng Chín, 2017.
Ngoài ra đồng minh cũ của Việt Nam là nước Nga, quốc gia từng đóng quân tại cảng Cam Ranh trong thời chiến tranh lạnh cũng đều đặn cho tàu chiến thăm viếng các cảng của Việt Nam trong những năm 2005, 2011, 2012, 2016, 2017.
Một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông ở Sài Gòn là Thạc sĩ Hoàng Việt nói với chúng tôi rằng chuyện tàu chiến của các cường quốc hải quân thăm viếng Việt Nam trong thời gian qua là một chủ trương của chính phủ Việt Nam, nằm trong chính sách ngoại giao đa phương của Hà Nội, mà trong đó có một phần quan trọng là để chống lại sức ép từ phương Bắc :
"Thứ nhất Việt Nam cần có các cường quốc hải quân như Ấn Độ, như là Hoa Kỳ,… để Việt Nam có lý do để giải thích với Trung Quốc rằng Việt Nam không chỉ cho các tàu Hoa Kỳ vào cảng Việt Nam, và việc này là việc bình thường. Vấn đề thứ hai là tàu của các cường quốc vào Việt Nam thì ít ra nó gây ra một sự e ngại nào đó từ phía Trung Quốc".
Chính sách ngoại giao đa phương của Việt Nam, theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đang có điều kiện thuận lợi là nước Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia quan trọng trong khu vực :
"Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm, săn đón của các cường quốc khác như là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga,… Tất cả những yếu tố này tạo ra điều kiện thuận lợi để Việt Nam thực hiện chính sách cân bằng giữa những cường quốc này".
Ông cũng nói thêm là trong chuyến thăm Châu Á đầu năm nay của ông James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nước Mỹ đã chọn hai quốc gia quan trọng nhất tại Đông Nam Á, về sức mạnh cũng như là về vị trí địa chiến lược là Việt Nam và Indonesia.
Trong chính sách ngoại giao đa phương đó của Việt Nam, nếu giới hạn trong việc quan hệ với hai cường quốc lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, các nhà bình luận thời sự thường hay nói rằng Việt Nam đang "đu dây" giữa hai quốc gia đó. Ông Lê Hồng Hiệp nói tiếp :
"Lựa chọn này tôi nghĩ là một lựa chọn khôn ngoan và khả thi trong bối cảnh hiện nay, vì Việt Nam cần có biện pháp để hóa giải sức ép từ phía Trung Quốc, và không có cách nào khác là vừa tăng cường nỗ lực, vừa phát triển quan hệ chiến lược với các cường quốc khác để mà có vị thế đàm phán tốt hơn với Trung Quốc, đặc biệt là trên hồ sơ Biển Đông".
Ông cho rằng chính sách "đu dây" đó của Việt Nam là thành công cho đến lúc này, 2018.
Một cựu viên chức của chế độ Việt Nam Cộng Hòa là Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, từng làm Tổng trưởng kế hoạch của Miền Nam Việt Nam, hiện sống tại Virginia, Hoa Kỳ nói với chúng tôi rằng chính phủ Hà Nội đã từng có kinh ngiệm "đu dây" như thế vào năm 1969, giữa hai đồng minh cung cấp vũ khí chính cho mình là Liên Xô và Trung Quốc, khi quan hệ giữa hai nước này bị rạn nứt, thậm chí đã có một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu.
Kết thúc cuộc nói chuyện ngắn với đài RFA, Tiến sĩ Hưng cũng đồng ý với ông Lê Hồng Hiệp rằng thực ra Việt Nam không có chọn lựa nào khác, và ông cho rằng hiện tượng các tàu chiến của các cường quốc hải quân liên tục đến Việt Nam trong thời gian qua là một hiện tượng rất thú vị.
Vào những thế kỷ 18, 19 các cường quốc phương Tây kéo chiến hạm đi uy hiếp các quốc gia Đông Á bế quan tỏa cảng, tạo nên cái được gọi chính sách ngoại giao pháo hạm vào thời kỳ đó. Những pháo hạm của người Pháp đã xuất hiện như thế vào mùa thu năm 1858 tại Đà Nẵng, mở đầu cho thời kỳ thuộc địa của Việt Nam, chấm dứt vào năm 1954.
Hơn 150 năm sau sự kiện Đà Nẵng thất thủ, dường như là Việt Nam có một chính sách ngoại giao pháo hạm kiểu mới, là sử dụng sức mạnh hải quân của các cường quốc thế giới để ít nhất là tạo tính biểu tượng, răn đe, chống lại sức bành trướng từ phương Bắc của Trung Quốc.
Kính Hòa