Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Có nên dùng biện pháp cực đoan ?

Nội dung công văn thứ hai của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai ban hành hôm 29/6 yêu cầu mọi người đi/về/đến Đồng Nai từ Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bình Dương phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 có hiệu lực trong bảy ngày, tính từ ngày có kết quả xét nghiệm. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 0 giờ ngày 5/7 đến khi có văn bản mới.

dongnai

Ảnh minh họa chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 6 năm 2021. Reuters

Trước đó, hôm 4/6, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành văn bản về việc cách ly người về, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh để tăng cường phòng chống dịch Covid-19, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa phương. Tuy nhiên, sau đó, địa phương này phải nới lỏng qui định sau khi không chỉ Đồng Nai mà hàng loạt địa phương khác thực hiện qui định "phong thành" với người từ vùng dịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh.v.v.

Một ngày sau khi Đồng Nai và các địa phương khác ra văn bản cách ly người từ vùng dịch, Văn phòng Chính phủ đã có công điện số 789/CĐ-TTg về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép.

Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nêu rõ : "vừa qua một số địa phương đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn".

Do đó, theo nội dung công điện, Thủ tướng Việt Nam chỉ đạo các địa phương cần thống nhất áp dụng quản lý vận tải, đảm bảo kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không "ngăn sông cấm chợ", không gây ách tắc ảnh hưởng tiêu cực sản xuất kinh doanh.

Công điện có hiệu lực chưa đầy một tháng thì chính quyền Đồng Nai lại có văn bản mới. Một người dân không muốn nêu tên, hiện sống tại Biên Hòa - Đồng Nai, khi trả lời RFA hôm 30/6 cho biết, ông không đồng tình với biện pháp ngăn sông cấm chợ của tỉnh Đồng Nai :

"Có rất lý do tôi không đồng tình, thứ nhất nói về phát triển kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đưa ra phải thực hiện mục tiêu kép, mà vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế thì mới gọi là mục tiêu kép... Nếu Đồng Nai ra văn bản đó, thì dưới góc độ người dân của tui, theo trình độ hiểu biết của tui thì tui không đồng tình. Vì như vậy sẽ làm đứt gãy chuỗi sản xuất, như vậy thì những nhân công, hay chuyên viên, kỹ sư... mà lên Đồng Nai phải cách ly thì mất nguồn lao động thì làm sao làm được ? Nếu như vậy là trái với chỉ thị của Thủ tướng... văn bản đầu tiên của Đồng Nai là có ngăn sông cấm chợ, còn mới đây quy định phải có giấy xét nghiệm thì tui thấy tốt, tui đồng tình".

Trả lời báo chí nhà nước mới đây, ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, Phó trưởng Ban phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai giải thích rằng Đồng Nai không có ‘ngăn sông cấm chợ’ như một số luồng ý kiến đang hiểu sai văn bản của tỉnh. Ông Vũ cho rằng, những người từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng Nai làm việc có thể chọn ở Đồng Nai làm việc hoặc ở Thành phố Hồ Chí Minh làm việc online nếu không có giấy xét nghiệm.

Ông Phan Huy Anh Vũ, đồng thời cũng phân trần, do địa phương của ông có số chuyên gia, lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh làm việc ở Đồng Nai rất lớn, trên 10.000 người, do đó, nếu để số lượng lớn lao động đi đi về về trong tình hình hiện nay chắc chắn Đồng Nai sẽ có những ổ dịch.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 30/6, nhận định :

"Các địa phương thì có lợi ích của riêng mình, để bảo vệ sản xuất công nghiệp của mình, bảo vệ người lao động của mình... cho nên một số địa phương đã có các yêu cầu phải có tiêm vắc-xin này, rồi có giấy chứng nhận xét nghiệm... Các điều này thì nó không dẫn đến ngăn sông cấm chợ như trước đây, nhưng nó đòi hỏi thêm các yêu cầu. Tôi được biết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhắc nhở các địa phương là cần phải hợp tác, bàn bạc với nhau, để có thể là tránh các khó khăn cho người lao động, và bảo đảm sản xuất của địa phương mình".

Liên quan trường hợp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết :

"Như tôi được biết là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có tiếp xúc và bàn bạc với tỉnh Đồng Nai để tìm ra các giải pháp phù hợp, để vừa bảo đảm kiểm soát dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng tiếp tục bảo đảm sản xuất, điều này là cần thiết cho cả tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh".

"Chống dịch như chống giặc" hay "sống chung với dịch" ?

Trước đây, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nay là Chủ tịch nước có hô hào khẩu hiệu Việt Nam phải "chống dịch như chống giặc". Và với phương châm đó, Chỉ thị 16 ra đời cũng áp dụng khá nhiều biện pháp cứng rắn trong công tác phòng, chống dịch.

Ban đầu các biện pháp truy vết, khoanh vùng, dập dịch của Việt Nam được quốc tế hết lời tán thưởng, ca ngợi khi Việt Nam đã gần như ngăn chặn sự lây lan của dịch ra cộng đồng rất tốt. Tuy nhiên ở đợt bùng phát dịch lần thứ tư này, với con số lây lan nhanh ra 48 tỉnh, thành và các ca nhiễm tăng đều mỗi ngày dường như biện pháp "chống dịch như chống giặt" của Việt Nam đã không thành công.

Mới đây, nhiều lãnh đạo địa phương tại Việt Nam trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh- đang là một trong ba tâm dịch của đợt bùng phát thứ tư đã phải tính đến phương án chuyển sang trạng thái mới "sống chung với dịch" và cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, giao thương trong điều kiện có thể.

Trở lại với văn bản mới của Đồng Nai, ông Thiệu, một người dân sinh sống ở Sài Gòn nói với RFA hôm 30/6 :

"Nói chung vấn đề ở đây kiểu như là lãnh chúa địa phương, lợi ích cục bộ và thành tích... ví dụ như trong cơn đại dịch này một tỉnh muốn giữ đạt thành tích. Bệnh thành tích mà, muốn giữ cho tỉnh mình ít bệnh nhất, thì họ đưa ra một biện pháp rất cực đoan như vậy. Tất nhiên giải pháp này không đúng tình hình xã hội và nó làm tổn thất rất nhiều về mặt giao thương, kinh tế các thứ... gây thiệt hại cho xã hội rất nhiều. Chính vì giữ thành tích cho tỉnh mình nên họ mới làm điều đó, mà chính điều đó là vi phạm nhân quyền".

Ông Thiệu cũng cho rằng giải pháp mà lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đưa ra dường như không hiệu quả :

"Giả dụ có xét nghiệm xong rồi, hôm nay xét nghiệm nhưng ngày mai ra cũng có thể bị vướng, bị dính bệnh... chứ đâu phải xét nghiệm xong là an toàn 100% đâu ? Có thể hôm nay test rồi nhưng hai ba ngày sau di chuyển trên đường bị lây nhiễm, thì cái test rồi nó không nói lên điều gì. Vấn đề này là vi phạm nhân quyền đó, nhưng người ta vì lợi ích cục bộ của tỉnh cho nên họ đưa ra những giải pháp rất cực đoan, không có lợi cho xã hội... Trong cơn đại dịch này mà đưa ra giải pháp như vậy thì không làm lợi cho xã hội chút nào, không có giảm được tỷ lệ nhiễm bệnh".

Dự án 88, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ và khuyến khích tự do ngôn luận ở Việt Nam, trong một báo cáo vào năm 2020 cho rằng, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến việc chính quyền tăng cường giám sát công dân chặt chẽ hơn qua nhiều hình thức.

Nguồn : RFA, 30/06/2021

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam