Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Giáo dân Quảng Bình biểu tình (RFA, 26/06/2017)

Khoảng 500 người dân ở Giáo họ Yên Nghĩa, giáo xứ Liên Hoà, giáo phận Vinh, tỉnh Quảng Bình biểu tình đòi hỏi quyền lợi liên quan đến ô nhiễm môi trường biển, an ninh xã hội và việc hút cát bừa bãi gây ra tình trạng sạt lở trong thời gian vừa qua.

ngudan1

Giáo dân Quảng Bình biểu tình phản đối Formosa ngày 26/6/2017 Courtesy FB Linh Nguyen

Một bạn trẻ có tên Xung Lâm Nguyễn cho Đài Á Châu Tự Do biết tin vào lúc 1 giờ 30 phút chiều ngày 26 tháng 6. Cuộc biểu tình diễn ra lúc 2 giờ chiều cùng ngày, dưới sự hướng dẫn của Linh mục Thân Văn Chính.

Những người tham gia gồm thiếu nhi và người lớn, mang cờ ngũ sắc và các băng rôn với khẩu hiệu như : "Formosa get out of Vietnam", "Dối trời lừa dân, đủ muôn ngàn kế", "Khởi tố Formosa vì Đồng bào".

Trả lời chúng tôi qua điện thoại, bạn trẻ này cho biết rõ thêm về ba nguyên nhân chính dẫn đến cuộc biểu tình.

"Thứ nhất là về cát, hút cát trái phép dẫn tới trường lợp sạt lở đất, mồ mả trôi hết. Vấn đề thứ hai là họ đòi về bồi thường lao động giống như Cồn Sẻ vừa rồi, chưa đền bù cho họ. Vấn đề thứ ba họ đòi muốn phải giải quyết về vấn đề an ninh xã hội, nông thôn mới".

Theo lời bạn trẻ này giải thích, chương trình nông thôn mới sắp hoàn thành nhưng đường sá trong giáo họ bị tàn phá, chưa tu sửa khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đi lại.

Trong vài giờ đồng hồ diễn ra cuộc biểu tình, người dân giáo xứ Liên Hoà không gặp trở ngại hay cản trở nào.

Giáo xứ Liên Hòa do linh mục Phêrô Thân Văn Chính quản xứ với hơn 2.500 bà con giáo dân.

*******************

Ngư dân Việt bị Malaysia bắt ở Sarawak (RFA, 26/06/2017)

Việt Nam đứng đầu danh sách các nước có ngư dân bị bắt vì đánh bắt cá bất hợp pháp tại vùng biển thuộc bang Sarawak của Malaysia.

ngudan2

Bang Sarawak của Malaysia. (Ảnh minh họa) - AFP

Theo thông báo từ Cơ Quan Chuyên Trách Thực Thi Pháp Luật Biển Malaysia, nhà chức trách bang Sarawak đã thức hiện 18 vụ bắt giữ với tổng cộng 196 ngư dân Việt trong 5 tháng đầu 2017.

Vẫn theo Cơ Quan Chuyên Trách Thực Thi Pháp Luật Biển của Malaysia, năm 2016 có 14 vụ bắt giữ với 189 ngư dân Việt đánh bắt trái phép tại vùng biển Sarawak.

Indonesia là nước thứ nhì có ngư dân bị bắt tại vùng biển Sarawak của Malaysia với 81 người. Thái Lan đứng hàng thứ ba trên danh sách với 28 ngư dân và 5 vụ bắt giữ.

Hôm 11 tháng 6, tàu cảnh sát biển Việt Nam đã chở gần 700 ngư dân Việt Nam về từ đảo Batam, Indonesia. Đây là những ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ với cáo buộc đánh cá bất hợp pháp trong lãnh hải, hoặc vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Phía Indonesia cũng cho biết là hiện còn có 198 ngư dân Việt Nam bị giữ trên đảo Batam, trong số đó có người bị giữ hơn hai năm.

Liên quan đến việc trao trả ngư dân Việt Nam từ Indonesia, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Lê thị Thu Hằng trả lời hãng tin BBC của Anh quốc rằng Việt Nam không ủng hộ chuyện ngư dân xâm phạm vùng biển của các quốc gia khác, và bà cũng nói là Việt Nam đề nghị cùng các quốc gia có liên quan giải quyết vấn đề này, và đối xử với ngư dân xâm phạm lãnh hải trên tinh thần nhân đạo.

Theo một số nguồn tin từ ngư dân Việt Nam mà chúng tôi có được thì sở dĩ số lượng ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ngày càng nhiều ở vùng biển Indonesia, vì vùng biển Việt Nam đã cạn kiệt hải sản.

*******************

Công bố kết quả kiểm tra tàu vỏ sắt (RFA, 26/06/2017)

ngudan3

Tàu vỏ thép đóng cho ngư dân Bình Định bị hư hỏng nhanh chóng. Courtesy photo

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định vào chiều ngày 26 tháng 6 tổ chức cuộc họp công bố kết quả chính thức của Tổ Thẩm Định tàu 67 hư hỏng, sau khi kiểm tra 17 chiếc tàu hư hỏng tại tỉnh này được đóng theo chương trình tàu vỏ thép kiên cố cho ngư dân mà chính phủ Hà Nội đưa ra.

Một trong hai doanh nghiệp đóng những chiếc tàu bị tố cáo không đúng theo qui định trong hợp đồng là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đại Nguyên Dương không có mặt.

Những thành phần tham dự khác gồm lãnh đạo các ban ngành của tỉnh Bình Định, công an, ngư dân cũng như thành viên của Tổ Thẩm Định.

Tại buổi họp, Công an Bình Định lần đầu tiên lên tiếng về các sai phạm trong vụ việc 17 tàu vỏ thép đóng theo chương trình 67 của chính phủ Việt Nam.

Đại tá Trần Huy Giáp, phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định, cho biết nhiều tàu cá không đảm bảo, có dấu hiệu sai phạm. Cơ quan Công an tỉnh Bình Định sẽ làm rõ vấn đề sai phạm và đề xuất xử lý những cá nhân liên quan ; ngoài ra cơ quan này cũng phối hợp thu thập tài liệu, báo cáo cho Bộ Công an.

Nghị định 67/2014 của chính phủ Hà Nội khuyến khích ngư dân đóng mới tàu vỏ thép và cải tiến trang thiết bị để hiện đại hóa đội tàu đánh bắt cá.

Tuy nhiên sau khi tàu được bàn giao sau khi đi biển, ngư dân phát hiện tàu bị gỉ sét nhanh chóng. Thực tế cho thấy theo hợp đồng loại thép được ký là thép Hàn/Nhật nhưng phát hiện ra là thép Trung Quốc ; máy tàu ký theo hợp đồng là máy Mitshbishi của Nhật nhưng không phải loại chính hãng…

Hai đơn vị thực hiện hợp đồng đóng tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định và bị hư hỏng nhanh chóng như bị khiếu nại là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đại Nguyên Dương ở Nam Định và Công ty Trách nhiệm Hữu Hạn MTV Nam Triệu thuộc Tổng Cục Hậu Cần, Bộ Công An.

Tại cuộc họp ngày 26 tháng 6, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, ông Trần Châu đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện trong tỉnh nơi có tàu vỏ thép hư hỏng đóng tại Công ty Đại Nguyên Dương khẩn trương vận động ngư dân khởi kiện doanh nghiệp này ra tòa.

Published in Việt Nam

Bảng tin của trang web của chính phủ Việt Nam cho hay là ngư dân tỉnh Bình Định đang tổ chức thành các đội tàu để ra khơi đánh cá có hiệu quả hơn.

doitau1

Tàu đánh cá của ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi.

Theo chi cục thủy sản tỉnh Bình Định thì hiện nay tỉnh này có 2752 tàu đánh cá tham gia vào 686 đội tàu.

Việc thành lập các đội tàu này làm cho ngư dân có thể giúp đỡ nhau khi đi đánh cá xa bờ, chống lại những rủi ro trên biển tốt hơn, tiết kiệm được nhiên liệu. Theo trang mạng của chính phủ Việt Nam thì việc làm này cũng giúp cho ngư dân góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển của đất nước.

Xin nhắc lại là việc đánh cá xa bờ của ngư dân Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây do phải đương đầu với sự lấn lướt của Trung quốc trên biển Đông. Nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền của mình lên đến 90% diện tích biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn là ngư trường quen thuộc của ngư dân Việt Nam. Trung quốc thường xuyên dùng các tàu hải giám bán vũ trang, hoặc các tàu đánh cá to lớn hơn tàu của ngư dân Việt Nam để tấn công làm hư hại tàu Việt Nam.

Published in Việt Nam