Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tập đoàn LG chưa được hỗ trợ vắc-xin ngừa Covid-19 mặc dù đã tài trợ hơn 1 triệu đô cho Quỹ vắc-xin

RFA, 12/07/2021

Các công ty thành viên của Tập đoàn LG đang hoạt động tại Việt Nam vẫn chưa nhận được bất kỳ liều vắc-xin Covid-19 nào, mặc dù đã tài trợ hơn một triệu đô la vào quỹ vắc-xin của Việt Nam. Thông tin trên được hãng tin The Korea Herald đưa tin hôm 12 tháng 7.

ngudan1

Các công ty thành viên của tập đoàn LG phản ứng khi nhân viên chưa được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 (ảnh minh hoạ) - AFP, Korea Herald

The Korea Herald trích dẫn các báo cáo cho biết nhân viên của công ty LG đang làm việc tại các nhà máy thiết bị gia dụng ở thành phố Hải Phòng chưa nhận được bất kỳ liều vắc-xin nào trong khi tập đoàn mẹ đã đóng góp gần một triệu rưỡi đô la vào quỹ vắc-xin của Việt Nam.

Điều này được tờ The Korea Herald dẫn, cho là trái ngược với các tập đoàn khác của Hàn Quốc có đóng góp tương tự nhưng đến thời điểm này đã nhận đủ vắc-xin để tiêm mũi đầu tiên cho hàng nghìn nhân viên của họ.

Cụ thể, Samsung với mức tài trợ cho quỹ 2,8 triệu USD đã được cung cấp vắc-xin Covid-19 đủ để hoàn thành đợt tiêm chủng đầu tiên cho khoảng 32.500 nhân viên. CJ cũng đã nhận đủ vắc xin để tiêm những mũi đầu tiên cho 2.000 nhân viên.

Trong khi đó, tập đoàn LG đã đóng góp gần 1,4 triệu USD cho chính quyền tỉnh Hải Phòng nhưng đến nay trên 21 ngàn nhân viên làm việc tại các nhà máy LG tại Hải Phòng vẫn chưa được tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19.

Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày vẫn ở mức thấp tại Hải Phòng, nhưng theo một quan chức của Tập đoàn LG nói với The Korea Herald, việc tiêm phòng nhanh chóng là rất quan trọng đối với công ty vì nếu một nhân viên bị nhiễm bệnh có thể dẫn đến việc đóng cửa toàn bộ nhà máy tại ba chi nhánh của LG - LG Electronics, LG Display và LG Innotek.

Được biết, tuần trước Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan đã gặp chính quyền tại Hải Phòng để yêu cầu hỗ trợ vắc- xin cho tập đoàn LG.

Quỹ vắc-xin Việt Nam được khởi động vào đầu tháng 5 và lúc bấy giờ Chính phủ Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam và cả các công ty nước ngoài đóng góp cho quỹ. Tính đến ngày 25/6/2021, Bộ trưởng Tài chính cho biết quỹ đã nhận được hơn 8 ngàn tỉ đồng. Vị bộ trưởng này cho rằng Quỹ vẫn đang tiếp tục nhận được sự đóng góp từ các doanh nghiệp và kỳ vọng sẽ tăng đến 10 hoặc 11 ngàn tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, Chính phủ Việt Nam hôm 12/7 đã đồng ý để tập đoàn T&T đàm phán mua 40 triệu liệu vắc-xin ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga.

Thông tin được đăng trên tờ Zing.vn cho hay kinh phí cho việc mua 40 triệu liều vắc-xin của Nga không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ vắc-xin mà do tập đoàn T&T huy động bằng nguồn kinh phí hợp pháp.

Hôm 23/3, Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vắc-xin phòng Covid-19 Sputnik V của Nga cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Đây là loại vắc-xin Covid-19 thứ hai được Bộ Y tế cấp phép, sau AstraZeneca.

********************

Ngư dân miền Trung gặp khó trong mùa dịch

RFA, 08/07/2021

Mất vốn do ghe tàu neo bờ dài ngày

Một ngư dân Quảng Ngãi đang có mặt tại cảng cá Thọ Quang, thuộc quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng cho biết những khó khăn mà những ngư dân như ông đang phải đối diện trong thời gian dịch tái bùng phát :

ngudan2

Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Thọ Quang - RFA

"Dân biển thì khó khăn nhiều lắm. Bây giờ ghe tàu đậu mà đi không được là dưới lên, trên nắng xuống là hư ghe tàu, khi mình bắt đầu đi là phải sửa chữa lại. Thứ hai là mình ở nhà lâu khi đi biển lại thì tốn 20 triệu, mình không có phải đi vay đi mượn mà đi về không có là càng khó khăn hơn. Còn nhiều cái lắm mà mấy cái đó là cái chính".

Nếu không có dịch Covid-19, theo người ngư dân Quảng Ngãi cho biết thì thường một chuyến đi biển kéo dài khoảng 20 ngày và cứ mỗi chuyến đi biển về, những ngư dân như ông mới có tiền để trả lãi vay ngân hàng và chút ít kinh phí cho chuyến đi biển tiếp theo, cũng như dành dụm được vốn cho cuộc sống thường nhật của gia đình.

Hôm 29/6, chính quyền Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho gần 1.000 ngư dân và người buôn bán tại cảng cá Thọ Quang do có năm phụ nữ nhiễm Covid-19 từ Quảng Ngãi từng đến cảng Thọ Quang để lấy hàng, phụ chồng việc buôn bán cá.

Sau sự cố trên, nhiều người dân tại Quảng Ngãi "gặp khó" trong việc di chuyển vào Đà Nẵng, mặc dù sau đó cảng cá Thọ Quang được phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, hầu hết những ngư dân khi trao đổi với phóng viên Đài Á Châu Tự Do cho hay công việc của họ bị "cản trở" rất nhiều trong thời gian cảng cá bị ngưng hoạt động :

Một ngư dân (không muốn nêu tên vì lý do an toàn) cho biết :

"Có ảnh hưởng chứ, mình đàn ông chỉ đi làm ngoài biển thôi, còn vô bờ đàn bà bán cá quen rồi, mình đâu vô chợ bán, giá cả đâu biết".

"Khổ là vô không có đàn bà ra cơm nước, bán cá, khổ, đủ thứ chuyện hết. Ngoài biển sao cũng được, vô bờ mới cực, có mấy bà dễ, không có mình cực".

Ngoài việc thiếu người phụ giúp bán hải sản thu hoạch được khi thuyền cập bến thì việc thiếu bạn đi biển cũng là "chuyện không nhỏ" đối với các ngư dân tại cảng cá Thọ Quang.

"Thiếu bạn thuyền là giờ dịch này bạn ngoài quê không vô được là không đi được, phải chậm chuyến lại, biển đi không được là ảnh hưởng cuộc sống mình".

ngudan3

Cảng cá Thọ Quang vắng bóng người.

Thông thường một chuyến đi biển có khoảng 10 người, nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, ngư dân Quảng Ngãi không thể vào Đà Nẵng do đó nhiều chuyến đi biển phải tạm hoãn. Một ngư dân than thở :

"Dịch ở Quảng Ngãi người ta cấm không cho dân Quảng Ngãi đi thì không có bạn đi. Ở đây toàn dân Quảng Ngãi đi không. Ví dụ một ghe, một tàu 10-12 người thì toàn dân Quảng Ngãi, giờ cấm hết đâu có ai đi được. Phải ngưng tàu lại, bạn đâu mà đi.

Thu nhập bấp bênh, không được hỗ trợ

Khó chồng khó nên nhiều ngư dân cho biết, tình hình kinh tế của họ đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Ngư dân ở Quảng Ngãi chia sẻ :

"Lý do là dịch là không có người mua, mình bán mà cấm người ta ở nhà thì chợ đâu có ai. Bán cho công ty với chủ nậu chứ ai"

"Ví dụ bán một tấn cá thì tới 2-3 giờ sáng, bữa nay tới 5-6 giờ sáng vẫn còn phải bán lại cho đầu nậu, bán lại cho công ty".

Bên cạnh đó, một ngư dân khác cho biết giá cả các mặt hàng trong mùa dịch đều thấp nên họ kiếm không đủ vốn.

"Mùa dịch mặt hàng đi ít, ví dụ nhập qua Trung Quốc những người mua không đi được, trong nội địa mình không thì giá thấp hơn. Nó thấp thì mình hạ giá xuống thấp thế thôi.

Ngư dân này cũng cho biết trước đây, một chuyến đi về kiếm được 3 triệu/người nhưng trong năm nay có chuyến đi về chỉ được một đến 2 triệu, có khi phải bỏ chuyến.

Trước những khó khăn mà ngư dân tại cảng cá Đà Nẵng vừa nêu, RFA đã liên lạc với ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng để hỏi về chính sách hỗ trợ của chính quyền đối với ngư dân trong thời điểm dịch tái bùng phát và được ông cho hay :

"Hiện nay chính phủ Việt Nam đang có gói hỗ trợ cho những người lao động đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể mà theo những tiêu chuẩn mới thì ngư dân do vẫn đi đánh bắt cá được nên chưa phải là người được hỗ trợ trong tiêu chuẩn này.

Chúng tôi đang có kiến nghị với chính phủ làm sao có thể mở rộng diện ra, tiêu chuẩn ra để cho ngư dân có thể nhận được phần cứu trợ này của chính phủ".

Published in Việt Nam