Một nông dân nhặt những trái dưa leo héo queo đã bị người ta bỏ đi để đem về cho bò
Tin tức trên báo chí khi thuật hôm đăng đàn hơn 60 phút của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Đại hội XIII của Đảng, cho thấy ông Trọng rất tự hào về thành quả đạt được trong hai nhiệm kỳ liên tiếp mà ông làm Tổng bí thư.
Tin tức trên báo chí hôm 27/1 còn tái khẳng định đồn đoán ông Nguyễn Phú Trọng sẽ lại tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba là sự thật chứ không phải luận điệu từ phe nhóm ‘diễn biến hòa bình’ – ‘tự diễn biến’. Bởi theo điều lệ Đảng, không một nhân sự nào được quyền ‘ngồi’ hơn hai nhiệm kỳ vị trí Tổng bí thư.
Hai nhiệm kỳ nghĩa là đã 10 năm ròng. Ông Nguyễn Phú Trọng đã tạo kỳ tích gì với người dân miền Tây Nam bộ ?
Báo cáo mới đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trường Chính sách công và quản lý Fulbright thực hiện cho biết, trong 10 năm qua có hơn 1,3 triệu người miền Tây ly hương để mưu sinh. Đồng bằng còn đối mặt với an ninh dân số, kinh tế và xã hội. Đây là nơi có tỷ lệ nhập cư thấp nhất nhưng xuất cư cao nhất cả nước. Giai đoạn từ 2009 đến 2019, tỷ lệ tăng dân số toàn khu vực là 0% so với cả nước 1,14%. Đây là khu vực duy nhất của cả nước có số dân vùng giảm 0,3% trong hai năm qua.
Vai trò kinh tế của miền Tây giảm dần so với các vùng khác ; đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội trong ba thập niên qua giảm mạnh. Nếu như năm 1990, GDP của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ bằng 2/3 so với miền Tây thì 20 năm sau, tỷ lệ này hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến nay, các tác giả của báo cáo nhận định.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế lớn duy nhất của cả nước hiện chưa có tuyến đường sắt nào, trong khi hệ thống đường bộ và đường thủy còn manh mún và thiếu đồng bộ.
Tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2015 chỉ bằng 12,5% của cả nước. Giai đoạn 2016-2020, cả vùng được đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng, bằng trên 15% tổng vốn đầu tư của cả nước. Trong khi đó, có tới 80% khối lượng hàng hóa của vùng phải vận chuyển lên các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu.
Nhà báo Vũ Kim Hạnh, cựu Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, chua chát : "Trời ơi, làm báo, há không biết đến 6 nút thắt đau lòng của kinh tế đồng bằng sông Cửu Long ? Không biết thực tế đã có 1,3 triệu người đồng bằng phải di cư trong 10 năm, ở nơi mà trước kia vốn được gọi là "đất lành chim đậu" ? Há cũng không biết có chưa tới 100 km đường cao tốc trong tổng số hơn 2.000 km đường cao tốc toàn quốc ? Càng không biết là đầu tư cho đồng bằng, từ hạ tầng kỹ thuật đến y tế, giáo dục… đều xếp loại là cho "vùng trũng" ?
Thật là khổ. Trên đời quả không có gì gây khổ lòng cho người đọc cho bằng báo chí và các cơ quan trên cao quá thừa ‘tự sướng’…".
Một người bạn góp chuyện : "Trong số 1,3 triệu người di cư đi là có gia đình tôi trong đó. Nếu mấy vị không phá, để tự nhiên như 20 năm trước đi, thì miền Tây vẫn còn mạnh lắm. Ngày đó mỗi trận mưa lớn, ra sau nhà đứng dòm, ôi thôi cá lóc, cá trê cứ đua nhau từ đìa theo con nước chạy ra sông. Người miền Tây chỉ việc cầm cái rổ ra hớt bỏ vô. Chỉ nửa tiếng hơn là đầy thùng. Ăn mấy ngày. Giờ không có 1 con. Có chài lưới cũng hiếm".
Có ví von thế này : Nếu Hà Nội là Thủ đô, là "đầu não", miền Trung là "khúc ruột", Thành phố Hồ Chí Minh là "trái tim kinh tế", thì miền Tây phải là "đôi chân" vững vàng cho một cơ thể Việt Nam mạnh khỏe. "Đôi chân" muốn vững vàng chắc chắn phụ thuộc rất lớn vào "đầu não" sáng suốt, tinh anh.
Ừ, thì mười năm qua miền Tây thay da đổi thịt, nhưng là gầy ốm hơn, nhăn nheo hơn, đen đủi xấu xí hơn…
Mỹ Thuận
Nguồn : VNTB, 31/01/2021