Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

ADB chuẩn thuận gói 60 triệu USD để cải thiện cơ sở hạ tầng cho dân tộc thiểu số miền Trung Việt Nam

RFA, 30/08/2021

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phê duyệt gói tài chính 60 triệu USD cho hai tỉnh Bình Định và Quảng Nam để giúp tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và cấp nước.

vn1

Người Thượng (Việt Nam) tị nạn ở Campuchia năm 2004 - Reuters

Theo thông cáo báo chí đăng trên trang ADB hôm 26 tháng 8, gói tài chính bao gồm khoản vay trị giá 58 triệu USD và hai triệu từ Quỹ Công nghệ cấp cao của ADB.

Dự án nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và cấp nước cho đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào các huyện miền núi nơi nhiều cộng đồng này sinh sống. Cụ thể dự án sẽ nâng cấp 122 km đường theo các tiêu chuẩn thiết kế thích ứng với khí hậu, xây dựng 115 km đường ống cấp nước, và cung cấp dữ liệu thời tiết và khí hậu đáng tin cậy. Dự kiến cải thiện đời sống cho khoảng 243.000 người, trong đó có 126.300 người thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Bà Nguyễn Hồng Anh, cán bộ phụ trách chương trình của ADB ghi nhận rằng "dự án sẽ liên kết tốt hơn các điểm sản xuất ở nông thôn hẻo lánh với các thị trường và cơ sở chế biến cho các loại cây trồng như keo và tăng cường khả năng tiếp cận của người hưởng lợi với các dịch vụ y tế, giáo dục và thị trường".

Ngoài gói tài chính 60 triệu USD từ ADB, dự án được Chính phủ Việt Nam chi hơn 22 triệu USD.

**********************

Bảy ngày tăng cường giãn cách số ca nhiễm vẫn tăng, thu xử phạt gần chín tỷ đồng

RFA, 29/08/2021

Bảy ngày sau khi thực hiện tăng cường giãn cách để kiềm chế dịch Covid-19, thống kê chính thức được công bố ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy số ca nhiễm mới trong cộng đồng vẫn tăng với hơn 33,900 ca nhiễm mới, trong khi giới chức thành phố đã xử phạt hơn 6.200 trường hợp vi phạm, thu được hơn chín tỷ đồng.

vn2

Quân đội đưa thực phẩm đến nhà người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 24/8/2021 - Reuters

Bắt đầu từ 0h sáng ngày 23/8, thành phố đông nhất Việt Nam bắt đầu đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay trong vòng 15 ngày với yêu cầu "ai ở đâu ở yên nơi đó", nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố, ấp cách ly với khu phố, ấp… Quân đội được điều động để tham gia kiểm soát đợt giãn cách mới này.

Theo báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, trong họp báo vào ngày 29/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong bảy ngày qua, thành phố đã lập biên bản đối với 6.296 trường hợp vi phạm quy định giãn cách và xử phạt với tổng số tiền là 8 tỷ 869 triệu đồng.

Thành phố cũng tiến hành xét nghiệm Covid toàn bộ người dân vùng đỏ và vùng cam (tức là vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, khu cách ly, phong toả) với 1,7 triệu mẫu, trung bình mỗi ngày phát hiện 4.740 ca F0.

Cũng theo giới chức thành phố, trong tuần qua, thành phố đã chuyển hơn 960.000 túi an sinh đến thành phố Thủ Đức và 21 quận huyện. Hơn 20.000 chủ nhà trọ đã miễn giảm tiền thuê phòng cho 273.728 phòng, với số tiền hơn 158 tỷ đồng. Mặt trận Tổ quốc đã đã cấp 4.650 giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân tham gia công tác thiện nguyện, hỗ trợ các khu cách ly, bệnh viện và người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Trên mạng Facebook ở Việt Nam các ngày qua cũng liên tục xuất hiện các lời cứu của người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh vì chưa nhận được cứu trợ từ chính quyền trong nhiều tuần qua. Một số người dân nói với Đài Á Châu Tự Do rằng họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống kể từ khi giãn cách do không thể đi làm trong khi trợ cấp thì không có, việc đi ra ngoài mua thực phẩm giờ đây là không thể vì theo quy định họ chỉ có thể trông chờ vào đi chợ hộ.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh nói với báo giới hôm 29/8 rằng trước đây người dân tự đi chợ, dự định mua các món hàng nhưng có khi không đáp ứng được… thì nay người đi chợ hộ khó khăn vô cùng. "Mới chỉ một hộ đã khó khăn, còn bây giờ toàn Thành phố có hơn 2,2 triệu hộ mà chỉ còn 312 phường, xã, thị trấn đi chợ hộ thì sẽ nhiều phát sinh".

********************

Giá thành nông sản giảm do không tìm được đầu ra

RFA, 30/08/2021

Báo nhà nước Việt Nam dẫn thông tin từ Tổ Công tác 3430 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết như vậy ngày 30/8.

vn3

Giá một số mặt hàng nông sản giảm nhiều do việc tiêu thụ nông sản còn chậm so với thời vụ thu hoạch. Điển hình như vụ Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu khiến khoảng hơn 20.000 tấn chuối sắp thu hoạch tại Lai Châu chưa biết bán đi đâu. Ảnh minh họa - Reuters

Tin cho biết, ngoài chuối, giá rau xanh tại Lào Cai cũng giảm 1.000-2.000 đồng/kg, trà tại Thái Nguyên giảm 10-15%. Nhiều nông sản đang trong vụ thu hoạch nhưng không kiếm được đầu ra như 6.500 tấn na, 5.500 tấn nhãn…

Ngoài ra, tiêu thụ gia cầm cũng không mấy khả quan khi giá bán con giống giảm 30-35%, cộng thêm nguy cơ thiếu hụt nguồn trứng gia cầm cung cấp trong nước những tháng cuối năm.

Tổ Công tác 3430 kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc tháo gỡ lưu thông nông sản, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Ngoài ra còn có hàng loạt đề xuất như giảm tiền điện cho doanh nghiệp sản xuất chế biến đang thực hiện "3 tại chỗ", giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất, xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp…

Published in Việt Nam

Người Hmong theo đạo Tin Lành ở Sơn La tiếp tục bị hành hung (VNTB, 13/05/2018)

Những ngày gần đây, chính quyền xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La tiếp tục vi phạm quyền tự do tôn giáo. Khi những gia đình người Mông theo đạo Tin lành tại đây liên tục bị hành hung, đánh đập và trục xuất ra khỏi địa bàn. 

hmong1

Ảnh cắt từ clip các hộ dân theo đạo Tin Lành tại Sơn La bị trục xuất ra khỏi bản tháng 5 năm 2017

Từ năm 2016 trở lại đây chính quyền các xã, huyện trong tỉnh Sơ La không ngừng ra tăng gây áp lực đối với người Mông theo đạo Tin Lành tại đây. Khiến cho bao gia đình phải chịu cảnh thương đau, nhà cửa bị đập phá và còn nguy hiểm đến cả tính mạng của họ.

Năm 2017, bốn hộ dân theo đạo Tin Lành tại bản Nộc Cốc I, xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã từng bị chính quyền địa phương tại đây hành hung, đánh đập và trục xuất ra khỏi bản. Sau nhiều lần đề nghị chính quyền xã Đứa Mòn mới đứng ra căn thiệt và đưa các hộ dân trở lại bản để sinh sống.

Điều đáng nói là chính quyền xã Đứa Mòn không hề có biện pháp, chế tài sử lí những kẻ vi phạm quyền tự do tôn giáo trong bản đó. 

Từ đó cho đến nay chính quyền trong bản vẫn luôn tìm mọi biện pháp để trục xuất những gia đình trên ra khỏi địa bàn. Tháng 2 năm 2018 chính quyền trong bản còn tự cho mình cái quyền ra lệnh cấm không cho các hộ tham gia sản xuất, cấm họ tiếp xúc với người ngoài bản và đe doạ "người nào vi phạm thì cứ đánh chết không cần biết".

hmong2

Sang (tên nhân vật được thay đổi) đã bị đánh chỉ vì đi làm nương. Ảnh : Nhật Quang

Đến ngày 24 tháng 3 năm 2018, chính quyền trong bản Nộc Cốc I, đã tự cho mình cái quyền cắt khẩu bốn hộ theo đạo Tin Lành trên ra khỏi danh sách quản lí của bản và tước đoạt mọi quyền lợi của họ.

Dù các hộ dân trên đã nhiều lần trực tiếp lên UBND xã Đứa Mòn yêu cầu xã can thiệp, không những không căn thiệp mà chính quyền xã còn từ chối gặp họ.

Để có được sự tự do thể hiện quan điểm và niềm tin của mình đối với chúa, không biết những người dân này còn phải đổ biết bao nhiêu sương máu, bao nhiêu nhà cửa bị đập phá và tháo dỡ.

Điều 1 trong Pháp Lệnh tôn giáo 2004 khẳng định "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy.Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải tôn trọng lẫn nhau".

Nhật Quang

****************

Những cộng đồng 'vô gia cư' trên quê hương của họ (VNTB, 12/05/2018)

Xuất phát từ những vụ đàn áp tôn giáo tại các tỉnh Tây Bắc. Khiến một lượng lớn người Hmong tại đây phải di cư xuống sinh sống ở các tỉnh Tây Nguyên để lãnh nạn,từ đây họ trở thành những người vô gia cư trên chính Tổ Quốc của mình.

hmong3

Những cộng đồng 'vô gia cư' trên quê hương của họ

Cuối thập niên những năm 90, đạo Tin Lành tại các tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc được người Hmông nơi đây chào đón và số lượng người theo đạo Tin Lành ngày càng đông. Trước sự phát triển của đạo Tin Lành tại vùng đồng bào dân Mông ở các tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc. Chính quyền tại đây cho rằng đạo Tin Lành gây mất an ninh trật tự, đe dọa đến an ninh quốc gia. Họ tiến hành đàn áp những gia đình theo đạo Tin Lành, bắt bớ, đánh đập các trưởng nhóm, mục sư và những thầy truyền đạo.Khiến cho bao gia đình phải vứt bỏ tài sản, nhà cửa để chạy trốn khỏi sự đàn áp của chính quyền địa phương. Từ đây họ bắt đầu hành trình di chuyển xuống các tỉnh Tây Nguyên để sinh sống, nhưng lại một lần nữa những gia đình người Mông theo đạo Tin Lành ấy lại bị chính quyền tại đây từ chối cấp cho hộ tịch, hộ khẩu. Những gia này bỗng dưng trở thành những người " vô gia cư" trên chính mảnh đất hình chữ S của mình.

hmong4

Một Góc bản Đoàn Kết, xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông với hơn 140 hộ không có hộ khẩu. Ảnh : Nhật Quang

Không chỉ những gia đình theo đạo Tin Lành di cư xuống các tỉnh Tây Nguyên mới bị đối xử như vậy mà chính những gia đình ở lại cũng bị chính quyền cướp đi quyền công dân, quyền được có quốc tịch của họ.

Đến những bản làng người Hmông tại Tây Nguyên chúng ta không khó để gặp được những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học trở thành lạo động chính trong gia đình. Khi hỏi đến mới được biết do không có hộ khẩu các em không được cấp chứng minh nhân dân và các em chỉ được học hết lớp 9.

Bước vào những ngôi trường trên các điểm bản người Hmong tại đây, những đứa trẻ ngây thơ vui đùa và có lẽ một điều các em sẽ không biết rằng mình là những đứa trẻ không giấy khai sinh, không quốc tịch và rồi sau này các em lớn lên cũng sẽ không được đến trường như những người anh, người chị của mình.

hmong5

Một góc tiểu khu 179, xã Liên Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh : Nhật Quang

Không hộ tịch, hộ khẩu đồng nghĩa với việc những gia đình tại đây không được hưởng bất kỳ quyền lợi hay phúc lợi xã hội này của một công dân Việt Nam.

Sau nhiều tháng lần mò đến từng bản làng chúng tôi được biết tại Tây Nguyên và Tây Bắc những gia đình người Mông theo đạo Tin Lành không được cấp hộ tịch, hộ khẩu lên đến gần 2000 hộ. Con số này sẽ khiến không ít người thấy bớt ngờ và không khỏi giật mình. Nhưng đây là sự thật và đã là sự thật sẽ không thể mãi che đậy được.

Nhật Quang

Published in Việt Nam