Nick Út, người từng là phóng viên chiến trường cho hãng AP tại Việt Nam vào những năm 1960, mà tên tuổi gắn liền với bức ảnh Em bé Napalm, sẽ về hưu vào cuối tháng Ba năm 2017 sau một sự nghiệp trải dài 51 năm.
Nick Út đứng cạnh bức ảnh Em bé Napalm tại triển lãm ảnh AP ở Hà Nội
Bức ảnh bé gái 9 tuổi Kim Phúc trần truồng vừa chạy vừa kêu cứu từ một ngôi làng vừa bị phi cơ Mỹ ném bom napalm, đã góp phần thay đổi cách nhìn của thế giới về cuộc chiến Việt Nam. Nó cũng là bức ảnh đã đem lại cho ông giải thưởng Putlitzer năm 1972.
Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Nick Út cho biết, ở tuổi 65 và sau 51 năm làm việc cho hãng AP, ông thấy đã tới lúc cần nghỉ ngơi để làm các việc của gia đình (như trông cháu ngoại) và dành thời gian cho các hoạt động xã hội khác.
Tuy nhiên ông sẽ tiếp tục cầm máy như một cộng tác viên cho AP.
"Cô bé Napalm"
Nhớ lại những gì diễn ra vào ngày 8/6/1972, ông kể, buổi sáng hôm đó ông theo một cánh quân của sư đoàn 25 của miền Nam tới thị xã Trảng Bàng và hàng ngàn người bỏ chạy vì bom đạn từ cả hai phía.
Khi đó ông đã chụp được rất nhiều cảnh ném bom, rốc két, người dân bỏ chạy, bị thương, chết chóc và đang chuẩn bị về lại Sài Gòn gấp để gửi hình thì trên đường quốc lộ 1 chợt để ý thấy một anh lính sư đoàn 25 thải một khối màu chỉ điểm ném bom nên ông quyết định chờ.
Vừa đúng lúc 4 chiếc phi cơ Mỹ ném bom Napalm xuống ngôi làng và ông nghĩ rằng không còn ai trong làng nữa vì người dân đã bỏ chạy hết rồi.
Nick Út : Về hưu nhưng sẽ tiếp tục cầm máy
Khi khói tan dần thì thấy có nhiều người chạy ra, trong đó có Kim Phúc, ông bà của Kim Phúc cùng một số trẻ em khác, có em đã chết trên tay của ông bà các em.
Sau khi chụp bức ảnh, ông bỏ máy ảnh chạy tới giúp bé Phúc rồi đưa cô đi bệnh viện và cô đã được cứu sống. Năm đó ông 21 tuổi.
Ông nói bức ảnh này đã làm thay đổi không chỉ cuộc đời ông và cuộc đời Kim Phúc và góp phần làm thay đổi cái nhìn về cuộc chiến. Ông nói :
"Thực sự bức ảnh đó đã làm thay đổi rất nhiều. Khi làm việc tại Los Angeles, tôi cập những trong quân đội Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam.
"Họ nhìn bức hình Kim Phúc, họ ôm tôi, cám ơn và khóc. Họ nói họ được về Mỹ sớm và còn sống nhờ bức hình đó.
"Còn những người chưa từng chiến đấu tại Việt Nam, khi thấy bức hình đó, họ nói họ không muốn chết, tôi còn ở đây là nhờ bức hình đó", ông nói.
Ông Nick Út và Kim Phúc tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên và thân thiết nhiều năm trời kể từ khi gặp lại lần đầu năm 1989.
Lần đầu tiên ông Nick Út gặp lại Kim Phúc là vào năm 1989 khi cô sang học tại Cuba và sau này Kim Phúc định cư tại Canada, hai người vẫn giữ liên lạc mật thiết và thường xuyên từ đó đến nay.
Theo bước anh trai
Bức ảnh nổi tiếng đó tuy vậy chỉ là một phần nhỏ những điều khủng khiếp của cuộc chiến mà ông đã từng chứng kiến. Ngay từ khi 15 tuổi ông thường anh trai cho xem những bức hình anh trai chụp cảnh chết chóc, cha mẹ mất con cái, làng mạc bị tàn phá do chiến tranh.
Là người con thứ 11 trong gia đình có 12 người con, ông ngưỡng mộ anh trai mình, ông Huỳnh Thanh Mỹ, người là phóng viên chiến trường cho hãng AP. Ông đã chứng kiến anh trai ông rất buồn khi hàng ngày phải chứng kiến nhiều cảnh chiến tranh, chết chóc.
"Anh Mỹ nói anh rất buồn khi hàng ngày phải chứng kiến nhiều cảnh chiến tranh, chết chóc và anh muốn tìm được một bức hình mang lại hòa bình, chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Anh nói anh muốn tôi trở thành phóng viên.
"Tôi nhớ kỷ niệm năm 1963, sau cuộc đảo chính ông Tổng thống Ngô Đình Diệm, tôi được theo anh phụ anh chụp ảnh quanh Dinh Gia Long. Năm 1965 anh mất ở Cần Thơ và cả ngàn phóng viên tới dự đám tang anh", ông kể lại.
Nhiếp ảnh gia Đức Horst Faas (trái) và Nick Út, tại Sài Gòn ngày 28 tháng Tư năm 2005, ba mười năm sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc.
Tuy nhiên khi ông tới xin việc tại AP, Horst Faas, trưởng văn phòng AP ở Sài Gòn, một phóng viên chiến trường có tên tuổi từng hai lần đoạt giải Pulitzer, đã từ chối và bảo ông về đi học vì còn trẻ quá.
Nhưng sau nhiều tuần bị "quấy nhiễu", cuối cùng Faas đã nhận ông vào làm ở phòng tối ngày 1/1/1966, với quy định nghiêm ngặt : Không được mang máy ảnh vào vùng chiến sự trong bất cứ hoàn cảnh nào. Năm đó ông 15 tuổi.
"Ông Horst Faas không muốn tôi ra chiến trường vì anh tôi đã mất ở đó và không muốn gia đình tôi mất một người thứ hai nữa. Nhưng ông đã không thể cấm tôi được vì tôi mê chụp hình. Và cuối cùng tôi bỏ phòng tối đi chụp ảnh chiến trường", ông nhớ lại.
Năm 1968 ông bỏ phòng tối và trở thành phóng viên chiến trường sau một lần chiến sự xảy ra gần nhà và ông đã chụp được những bức ảnh có giá trị. Kể từ đó chàng thanh niên 17 tuổi đã có mặt ở rất nhiều chiến trường miền Nam và đã từng bị thương bốn lần trong thời gian cuộc chiến.
Thời kỳ hậu chiến
Tên thật là Huỳnh Công Út, nhưng ông được biết đến với cái tên Nick Út, tên do phóng viên chiến trường người Pháp Henri Huet đặt cho vì tên ông khó gọi với các đồng nghiệp người nước ngoài tại văn phòng.
Henri Huet qua đời tháng Giêng năm 1971 sau khi thay thế Nick Út lên chiếc phi cơ chở phóng viên đi đưa tin về cuộc chiến và chiếc phi cơ đã bị bắn rơi khi đang trên đường bay sang Hạ Lào.
"Vì thế tôi giữ cái tên Nick Út để cả đời tôi nhớ tới một người bạn thân", ông nói.
Sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1975, ông rời khỏi Việt Nam như hàng ngàn người Việt khác. Và sau đó ông được hãng AP cử đi làm việc tại Văn phòng của hãng ở Tokyo, Nhật Bản. Tại đây, ông gặp người sau này là vợ ông và hai người chuyển tới Los Angeles năm 1977 khi ông bắt đầu giai đoạn chuyên chụp Hollywood trong sự nghiệp nhiếp ảnh của mình.
Giai đoạn này người ta biết tới ông với những bức hình các nhân vật nổi tiếng như Michael Jackson đang nhảy trên nóc một chiếc xe hơi bên ngoài tòa án sau khi được tha bổng về các cáo giác tội sờ sẩm trẻ em.
Có lẽ bức ảnh nổi tiếng nhất trong số này là bức chụp Paris Hilton đầy nước mắt khi bị bỏ tù vì phạm luật lái xe. Bức ảnh được chụp ngày 8/6/2007, đúng 35 năm sau ngày ông chụp bức "Napalm Girl".