Chiến dịch vận động áp dụng Luật Magnitsky đối với hai quan chức Việt Nam
RFA, 28/10/021
Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình là hai quan chức Việt Nam bị đưa vào chiến dịch vận động áp dụng Đạo luật Nhân quyền Matgnisky do 10 tổ chức xúc tiến.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm (trái) và Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình - RFA edit
Đây là hai quan chức Việt Nam bị cáo buộc có những vi phạm nghiêm trọng đối với những người lên tiếng cho nhân quyền trong nước.
Thông cáo báo chí của Việt Tân phát đi ngày 27/10 cho biết tổ chức này cùng chín tổ chức khác trên thế giới cùng nhau công bố báo cáo trong đó nêu rõ những vi phạm của hai ông Tô Lâm và Nguyễn Hòa Bình.
Cụ thể, hai quan chức cấp cao thuộc Bộ Chính Trị Đảng cộng sản này của Việt Nam đã ra lệnh tiến hành những biện pháp bị cho là vi phạm nhân quyền. Đơn cử đó là việc trả thù về mặt kinh tế đối với những nhà hoạt động gồm buộc chủ kinh doanh đuổi việc hoặc đe dọa khách hàng của những nhà hoạt động có làm ăn- buôn bán ; từ chối cấp hộ chiếu ; cấm di chuyển ; xử án ‘bỏ túi’. Hai quan chức vừa nêu còn lợi dụng vị thế của họ để ra lệnh tấn công, tra tấn và bỏ tù hơn 500 tiếng nói đối lập.
Thông cáo báo chí nêu rõ, trong hơn một thập niên vừa qua, giới chức Chính phủ Việt Nam tiếp tục xiết chặt quyền tự do biểu đạt và nhắm đến các nhà báo công dân, các nhà hoạt động.
Nhằm đấu tranh với tình trạng vi phạm nhân quyền trên thế giới, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo Luật Nhân quyền Magnitsky hồi năm 2012. Theo đó, sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt đối với những đối tượng vi phạm nhân quyền.
Kể từ đó, nhiều quốc gia khác như Canada, Anh Quốc và các nước thành viên Liên Minh Châu Âu đã thông qua luật tương tự với chế tài như phong tỏa tài sản và không cho những đối tượng vi phạm nhập cảnh nước họ.
Mười tổ chức vừa công bố báo cáo về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của hai ông Tô Lâm và Nguyễn Hòa Bình sẽ có những cuộc gặp với đại diện Liên Minh Châu Âu, Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội hai nước Anh cũng như Canada để kêu gọi áp dụng những biện pháp chế tại đối với hai vị quan chức vi phạm nhân quyền vừa nêu của Việt Nam.
*******************
Có nên để tỉnh tự chuyển đất rừng mà không phải trình Thủ tướng ?
RFA, 27/10/2021
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà vào trung tuần tháng 10 đã đại diện Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất cho phép Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp tỉnh được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án mà không phải trình Thủ tướng chấp thuận.
Dự án Nhà máy thủy điện Bạch Đằng ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, chỉ có công suất 5MW nhưng cũng lấy đi 46,96ha rừng - Courtesy tainguyenmoitruong.vn
Một người dân giấu tên sống tại khu vực ngoại thành Hà Nội khi trả lời RFA cho rằng, ngay cả khi chưa phân cấp hết cho địa phương mà đã xảy ra nhiều vi phạm :
"Các địa phương trong việc phát hiện các hành vi vi phạm luật đất đai là rất yếu kém. Theo quy định, Ủy ban Nhân dân cấp thị xã, thị trấn có trách nhiệm phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm luật đất đai trên địa bàn, nếu không thuộc thẩm quyền thì báo cáo cấp trên. Mặc dù quy định như vậy, nhưng thường có sự bao che của cấp cơ sở đối với hành vi vi phạm, nên nó vẫn diễn ra và không được xử lý. Đây là tình trạng xảy ra khắp nơi".
Cũng tại buổi họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, hoàn thiện quy định chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng... để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trao quyền cho UBND cấp tỉnh, thành phố.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 27/10, nhận định :
"Tôi cho rằng có thể trao quyền cho địa phương cấp tỉnh, bởi quyết định toàn bộ về đất đai hiện nay là UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định đối với các dự án đầu tư. Chỉ có điều quan trọng hơn là vấn đề kiểm soát của cấp trung ương, tức kiểm soát của Chính phủ đối với các quyết định của UBND tỉnh, và kiểm soát việc thực hiện của UBND cấp tỉnh như thế nào ? Khâu đó hiện nay tôi cho là yếu nhất, còn thẩm quyền thì tôi cho là trao cho UBND cấp tỉnh là đúng và cũng phù hợp pháp luật hiện hành".
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, đất rừng và rừng phải là một, mà đất đã trao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trước đây rồi. Tuy nhiên ông nói tiếp :
"Chỉ có điều hiện nay một số tỉnh làm đúng, một số tỉnh sai... Do đó có thể xảy ra những sai sót ở cấp tỉnh làm câu chuyện chuyển đất rừng sang làm việc khác không phù hợp. Lúc này cái cần là vai trò kiểm tra, thanh tra, quản lý chung của Chính phủ với các tỉnh phải như thế nào ? Đây chính là khâu yếu nhất và là khâu phải kiện toàn".
Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng, ở Nghệ An, để thực hiện dự án, diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng là hơn 1.131 hecta đất rừng... nghean.gov.vn
Cho đến ngày 27/10, Quốc hội khi thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế cũng đã nêu vấn đề cho phép UBND cấp tỉnh được chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện các dự án mà không phải trình Thủ tướng chấp thuận.
Tại buổi thảo luận, một số đại biểu thuộc Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc phân cấp phải gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức, trách nhiệm của người phân cấp và được phân cấp để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí đất rừng...
Liên quan vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết ý kiến của mình :
"Tôi hoàn toàn ủng hộ phân cấp thì phải gắn với quyền và trách nhiệm của từng cá nhân một trong phân cấp đó. Chứ không phải chỉ phân cấp cho UBND cấp tỉnh rồi lại tập thể lãnh tạo của UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm, thì cuối cùng nó chẳng đâu vào đâu cả. Thế thì ở đây phải nói rõ Bí thư của tỉnh, đảng bộ tỉnh chịu trách nhiệm gì về mặt lãnh đạo. Về phía chính quyền là Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm gì ? Phó Chủ tịch phụ trách lâm nghiệp chịu trách nhiệm gì ? Tôi cho rằng trong pháp luật hoặc trong phân công cụ thể phải quy định rất rõ. Lúc bấy giờ mới có vai của cá nhân chịu trách nhiệm".
Ngoài ra, một số đại biểu tại buổi thảo luận hôm 27/10 cũng cho rằng nên xem xét kỹ phân cấp này, đồng thời cần quy định chặt chẽ việc chuyển đổi phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Do đó một số đại biểu đề nghị chỉ phân cấp theo hạn mức.
Theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, thẩm quyền quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa hai vụ trở lên với quy mô từ 10 ha đến dưới 500 ha và đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô trên 50 ha thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc về Thủ tướng Chính phủ. Do vậy cần đưa ra hạn mức phù hợp để UBND cấp tỉnh, thành phố có thể tự quyết định.
Liên quan vấn đề hạn mức chuyển đổi đất rừng, đất lúa mà lãnh đạo cấp tỉnh thành phố có thể tự quyết định, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng chưa phù hợp :
"Tôi cho rằng chuyện hạn mức này đưa ra cũng không phù hợp. Vì khi tất cả đã theo luật đất đai thì tất cả đã trao thẩm quyền quyết định cho UBND cấp tỉnh. Nhưng lại đặt ra một cơ chế ‘Thái Thượng Hoàng’, tức là cơ chế với diện tích lớn ở mức độ nào đó tùy theo đất lúa hay đất rừng, kể cả đến từng loại rừng, thì lại phải trình cơ quan có thẩm quyền cấp trên nữa, có thể là Quốc hội hay Thủ tướng Chính phủ... để cho phép thực hiện dự án đầu tư có chuyển đất rừng, đất lúa sang làm việc đó. Tôi vẫn cho rằng đây là cơ chế không cần thiết, vì thẩm quyền của ai được thực hiện đã nói rõ rồi, mà cơ sở thực hiện đã theo quy hoạch được thực hiện... thế thì việc gì phải xin phép lại nữa".
Tuy nhiên, một kỹ sư Lâm nghiệp ở miền Trung không muốn nêu tên cho rằng phải thật cẩn trọng và tùy trường hợp cụ thể, vì chủ trương chung là phải giữ rừng và đây cũng là quan điểm chính thống ở Việt Nam. Ông nói tiếp :
"Bên cạnh đấy, cũng có thể trong những trường hợp nhất định, mà thật sự cần thiết cho nhu cầu canh tác của dân tại một vùng nào đó, thì cũng có thể chuyển một số diện tích rừng, nhất là những cánh rừng hiện nay rơi vào tình trạng rừng nghèo không thể làm gì nữa. Nhưng đây phải là những trường hợp thật sự đặc biệt. Việc xem xét của Quốc hội nên hay không nên, cần phải có nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Ví dụ như mất rừng như vậy sẽ thiệt hại gì và đổi lại cái lợi gì ?"
Kỹ sư Lâm nghiệp này cho rằng, đối với từng trường hợp cụ thể phải xem xét bài toán ‘chi phí lợi ích’ thật cẩn thận mới có thể ra quyết định. Những trường hợp phải thật sự đặc biệt, cái lợi phải được rất rất nhiều so với cái thiệt hại, kể cả về mặt rừng, cả về mặt tác động đến môi trường và vấn đề xã hội...
********************
Nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 2 được khởi công vào tháng 12 tới
RFA, 26/10/2021
Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 12 tới đây. Truyền thông Nhà nước Việt Nam đưa tin, dẫn nguồn phát ngôn nhân Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II (VAPCO), chủ đầu tư dự án, như vừa nêu hôm thứ ba, 26/10.
Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 ở Hà Tĩnh - Nhân Dân
Dự án 2,2 tỷ USD gây nhiều tranh cãi khi nhiều tiếng nói trong và ngoài nước kêu gọi Chính phủ Việt Nam khắc phục sự lệthuộc vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm và khiến tình hình biến đổi khí hậu tệ hơn.
Phó Tổng giám đốc điều hành công ty, ông Hoàng Trọng Bình, nói với báo Tài chính Việt Nam rằng VAPCO đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để tiến hành dự án Vũng Áng 2, nằm liền kề nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Nhà máy Vũng Áng 2 có công suất 1.230 megawatt đang do tập đoàn Mitsubishi Corp và một doanh nghiệp Nhật cùng Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) là cổ đông chính, dự kiến dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động thương mại vào quý 3 năm 2025, ông Bình cho biết.
Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại sự kiện Tuần Lễ Năng Lượng Quốc Tế Singapore rằng năng lượng từ than đá sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam cho đến ít nhất năm 2030.