Việt Nam nhập khẩu than đá để chạy nhà máy nhiệt điện (RFA, 20/10/2017)
Chỉ trong 9 tháng đầu năm Việt Nam đã chi ra đến 1 tỉ 30 ngàn đô la Mỹ để nhập khẩu than đá để dùng cho các nhà máy nhiệt điện.
Than đá đang được chuyển đến nhà máy nhiệt điện Ninh Bình. Ảnh chụp tháng 9/2007. AP
Than nhập khẩu của Việt Nam đến từ Indonesia, Nga, và Australia.
Việt Nam có một khu vực mỏ than lớn ở vùng Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, được khai thác từ thời Pháp thuộc. Than ở đây cũng được xuất khẩu nhưng ngày càng giảm, và theo các số liệu của Hải quan Việt Nam thì trong chín tháng đầu năm nay giá trị xuất khẩu than đá của Việt Nam chỉ có 207 triệu đô la Mỹ.
Hiện nay các khu vực có tiềm năng thủy điện của Việt Nam đã được khai thác phần lớn, các dự án điện hạt nhân lại bị hủy bỏ, nhà nước Việt Nam đang dự tính nguồn năng lượng tương lai bằng cách xây dựng các nhà máy điện chạy bằng than đá. Chỉ riêng ở khu vực Đông bằng Sông Cửu Long đã có đến 14 dự án nhà máy điện chạy than. Một số nhà máy khi hoàn thành đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ vì gây ô nhiễm môi trường như ở Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
******************
Đề nghị dìm bùn thải ở Vũng Tàu (RFA, 20/10/2017)
Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam đang xem xét cấp giấy phép cho Cục hàng hải Việt Nam thực hiện việc nhận chìm 900 ngàn mét khối bùn thải trên vùng biển Vũng Tàu.
Tàu đánh cá ngoài khơi Vũng Tàu. Ảnh chụp tháng 3/2006. AP
Báo chí Việt Nam loan tin này và nói rõ số bùn thải do nạo vét luồng lạch cho tàu biển di chuyển trên sông Thị Vải.
Tin cũng cho hay là từ trước tới nay bùn nạo vét như vậy đều được đổ ra biển. Sắp tới đây với việc tu sửa, nạo vét các luồng lạch cho tàu chạy vào các cảng khu vực Sài Gòn, sẽ có đến 6 triệu 830 ngàn mét khối bùn được dự kiến sẽ nhận chìm xuống biển.
Xin nhắc lại là cách đây vài tháng một kế hoạch dìm 1 triệu mét khối bùn nạo vét cảng Tuy Phong của các nhà máy nhiệt điện chạy than của tỉnh Bình Thuận, đã bị hủy bỏ vì bị dư luận và báo chí phản đối.
********************
Nhà máy giấy Lee & Man chính thức hoạt động (RFA, 20/10/2017)
Nhà máy giấy Lee & Man ở tỉnh Hậu Giang chính thức được Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam cho phép vận hành. Lý do được bộ này nêu ra là đáp ứng được những yêu cầu về môi trường của bộ này đề ra.
Lễ khởi công nhà máy giấy Lee & Man tại tỉnh Hậu Giang, ngày 29/3/2015. Photo courtesy of ricons.vn
Trong khi đó giới chuyên môn và người dân địa phương vẫn tỏ rõ quan ngại về tác động môi trường do nhà máy giấy được nói là lớn nhất khu vực này sẽ gây nên.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội nói rằng trong thời gian tới các cơ quan quản lý của nhà nước phải tăng cường giám sát không để xảy ra ô nhiễm rồi mới xử lý.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng trong báo cáo sau chuyến đi thị sát của Bộ Tài nguyên và môi trường tại nhà máy này, ông không thấy nói rõ về việc xử lý chất thải rắn.
Ngoài ra còn một quan ngại nữa là nguồn nguyên liệu của nhà máy này là giấy phế thải nhập khẩu từ nước ngoài, cho nên phải được kiểm tra cẩn thận.
Nhà máy giấy Lee & Man do Trung Quốc đầu tư, đã bị dân chúng và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam phản đối vào tháng Sáu năm ngoái khi bắt đầu tiến hành chạy thử, vì lo ngại gây ô nhiễm lớn cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trong khi đó, tại một trại chăn nuôi heo tại xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận bị dân chúng địa phương biểu tình đòi ngừng hoạt động vì gây hôi thối mà theo lời người dân địa phương là không thể nào chịu đụng nổi..
Vào ngày 20 tháng 10, người dân tiếp tục chặn xe tải chở thức ăn cho heo không cho vào trang trại.
Những người biểu tình nói rằng mùi hôi thối bốc ra từ trại này làm cho họ rất khó chịu.
Đại diện của chính quyền huyện Ninh Phước đã đến yêu cầu chủ trang trại, trong vòng một tuần, phải "di dời" đàn heo và thực hiện đầy đủ các các công trình xử lý nước thải.
Tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm khiến dân địa phương sống quanh nhà máy không chịu được phải tiến hành chặn không cho nhà máy tiếp tục hoạt động diễn ra tại nhiều nơi ở Việt Nam trong thời gian qua.
Một trường hợp gần nhất là ở xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương ; người dân lập lán chặn không cho nhà máy dệt Pacific Crystal tại khu công nghiệp Lai Vu tiếp tục sản xuất vì xả thải gây ô nhiễm nguồn nước địa phương. Thế nhưng lực lượng phối hợp đã đến giải tán và người dân nói họ bị đánh đập bởi cương quyết không để doanh nghiệp gây ô nhiễm hoạt động.
*****************
Gần 150 ngàn ca sốt xuất huyết với 30 người chết (RFA,20/10/2017)
Bệnh nhân sốt xuất huyết tại một bệnh viện tại hà Nội hôm 9/8/2017. Photo : AFP
Việt Nam ghi nhận có gần 150 ngàn ca sốt xuất huyết tính từ đầu năm 2017 đến giữa tháng 10, trong đó 84,5% ca bệnh phải nhập viện và 30 trường hợp đã tử vong.
Số liệu vừa nêu được Bộ Y Tế đưa ra tại buổi tập huấn công tác điều trị sốt xuất huyết và tay chân miệng cho 6 tỉnh khu vực miền Tây, diễn ra trong hai ngày 19 và 20 tháng 10.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê cho biết số ca sốt xuất huyết trong gần 10 tháng qua tăng cao do nhiều nguyên nhân, gây nên tình trạng bệnh viện quá tải. Ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh cần phải thực hiện và tuân thủ việc khám chữa bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng theo hướng dẫn của Bộ Y Tế ban hành.
Bộ Y Tế còn yêu cầu những "Nhóm điều trị sốt xuất huyết" trong các bệnh viện cần thiết duy trì hoạt động tích cực cũng như tư vấn và hỗ trợ cho bệnh nhân qua đường dây điện thoại nóng. Đồng thời, ngành y tế cũng khuyến khích người dân quan tâm và chú trọng trong việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Thủ đô Hà Nội trong mùa dịch sốt xuất huyết năm nay là một trong những địa phương bị dịch bệnh này hoành hành. Cả nước chỉ có tỉnh Hà Nam công bố dịch sốt xuất huyết vào đầu tháng 8 vừa qua.