Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lo ngại việc Trung Quốc vừa thắng gói thầu điện mặt trời Vĩnh Tân (RFA, 26/12/2018)

Một công ty Trung Quốc vừa trúng gói thầu 728 tỷ đồng tại nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2. Việc này làm dấy lên lo ngại về những vấn đề thường xuyên gặp phải với các nhà thầu Trung Quốc khi họ thực hiện dự án tại Việt Nam như chất lượng kém, đội vốn...

tqvn1

Ảnh minh họa : Một dự án điện mặt trời của EVN ở Phú Yên. Courtesy EVN

Kỹ thuật bỏ thầu của Trung Quốc

Gói thầu mà công ty Trung Quốc vừa thắng thầu là gói thầu số 7, gồm thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, xây dựng và lắp đặt nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2, được gọi tắt là gói thầu EPC thuộc dự án nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 26 tháng 12 năm 2018, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc nhà thầu Trung Quốc thắng thầu liên quan luật đấu thầu của Việt Nam. Luật đấu thầu của Việt Nam đưa ra nhiều tiên chí, nhưng trong đó tiêu chí quan trọng là nhà thầu nào bỏ thầu giá thấp nhất thì nhà thầu ấy đạt được nhiều điểm và có khả năng thắng thầu. Ông nói tiếp :

"Riêng về nhiệt điện thì nhà thầu Trung Quốc luôn bỏ giá rất thấp, nên việc họ thắng thầu cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, nhiệt điện của chúng ta thì thiếu vốn, do đó EVN vay vốn của Trung Quốc, vì vậy các nhà thầu Trung Quốc có lợi thế đấu thầu với các nhà máy điện của EVN. Dư luận thì lo ngại công nghệ chưa được hiện đại của các nhà máy điện đó, đặc biệt là tác động gây ô nhiễm môi trường chưa được tính toán đầy đủ. Theo như một số nghiên cứu thì nếu tính đầy đủ các chi phí về môi trường thì rất có thể, các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc không hề rẻ như là được báo cáo".

Theo Bộ kế hoạch đầu tư, Trung Quốc hiện đầu tư hơn 1.600 dự án tại Việt Nam, tổng số vốn đầu tư hơn 11,2 tỉ USD, là một trong số 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Sở dĩ có nhiều lo ngại dự án điện mặt trời Vĩnh Tân khó tránh khỏi việc thi công chậm tiến độ, chất lượng công trình sau khi hoàn thành không cao, xuống cấp nhanh sau khi hết hạn bảo hành... vì trước đây nhiều dự án có yếu tố Trung Quốc đã dính bê bối như, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện bị chậm tiến độ, tự ý thay đổi thiết kế, đội vốn lên hàng trăm triệu USD. Hay như dự án xây dựng sân vận động Mỹ Đình vào năm 2001, công ty Trung Quốc trúng thầu đã sử dụng thiết bị không đúng với hợp đồng, không rõ nguồn gốc...

tqvn2

Trung Tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, do Trung Quốc đầu tư 95% gồm có 4 nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than đá, với tổng công suất lên đến 5.600MW và 1 cảng biển. Courtesy FB Mai Quốc Ấn

Ngoài ra, hàng loạt các dự án nhiệt điện lớn như dự án nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân, Uông Bí… do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện cũng không ít lần làm chủ đầu tư lo lắng, khi các nhà thầu dọa bỏ lại những dự án dở dang. Hầu hết các dự án này đều bị chậm tiến độ từ 2 - 3 năm.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, Tạ Cao Minh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận xét :

"Phía Trung Quốc người ta có một cái kỹ thuật là bao giờ người ta cũng bỏ thầu với giá rất thấp, các đối thủ khác sẽ bị thua. Nhưng trong quá trình cung cấp thiết bị, thì người ta thay đổi những cái hàng hóa, thay đổi những thiết bị so với ban đầu, thay đồi công nghệ mà mình không kiểm soát được. Đây là cái cách mà Trung Quốc làm để thắng các đối thủ ở Việt Nam, đây là tình trạng phổ biến ở Việt Nam. Theo tôi nghĩ, chúng ta cấm Trung Quốc bỏ thầu cũng không được, vì đó là thông lệ quốc tế".

Cần có sự giám định của ban tư vấn độc lập

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nhà thầu Trung Quốc vẫn thắng thầu dù chủ đầu tư đã thực hiện đúng hoặc do những ràng buộc liên quan đến điều khoản vay vốn, thì hợp đồng phải hết sức chặt chẽ để ràng buộc nhà thầu.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhật định :

"Rõ ràng nguồn vốn của Việt Nam hạn chế, mà việc đi vay cũng không phải là dễ dàng, vì vậy việc nhà thầu Trung Quốc thắng thầu vì họ có thể góp đến 80% cũng là một trong những lý do. Tôi cũng xin lưu ý là hiện nay Trung Quốc đang dẫn đầu về công nghệ điện mặt trời, và giá điện mặt trời cung cấp hiện nay là rẻ nhất trên thế giới. Do đó rất có thể công nghệ đó giúp cho Trung Quốc thắng thầu dự án điện mặt trời này".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, một dự án lớn như Dự án điện mặt trời ở Vĩnh Tân, thì đối với nhà thầu Trung Quốc nên có sự giám định của ban tư vấn độc lập. Theo ông, Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật hoàn toàn có thể giúp đánh giá một cách độc lập về hiệu quả kinh tế xã hội mà dự án này có thể có, cũng như những tác động liên quan đến môi trường. Hay đối với điện mặt trời thì xem diện tích sử dụng đất có hợp lý hay chưa ?

Một người dânVĩnh Tân bày tỏ lo ngại khi nghe tin nhà thầu Trung Quốc sẽ thi công gói thầu điện mặt trời tại địa phương mình :

"Cái đó thuộc về quyền hành của nhà nước, nhà nước muốn bảo vệ dân thì nhà nước phải nghiên cứu. Còn nhà nước để cho dân sống thì sống, chết thì chết thì cứ để cho Trung Quốc làm thôi. Thì nhiệt điện vẫn còn đó, khu ký túc xá của công nhân Trung Quốc, họ không ở đây mà họ đi cách đó mấy chục cây số họ ở, họ ở đây thì họ sợ công nhân của họ bị ô nhiễm, bị ảnh hưởng sức khỏe. Còn người dân Việt Nam mình thì không ai lo nên phải ở đó hít không khí ô nhiễm mà chết. Có ai đứng ra bảo vệ sức khỏe cho người dân Việt Nam không ?"

Theo ông Tạ Cao Minh, mặc dù vận dụng luật đấu thầu quốc tế, nhưng Việt Nam cũng có thể nghiên cứu để ban hành những quy định riêng của bản xứ, nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế bớt các sản phẩm của Trung Quốc. Theo ông cần có sự can thiệp của chính phủ Việt Nam thì mới làm được, chứ một cá nhân, một tổ chức khi đã đưa đấu thầu thì rất khó có thể làm được gì.

Trung Khang

***********************

Bốn công nhân Nhà máy nhiệt điện Trà Vinh ngạt khí tử vong (Người Việt, 27/12/2018)

Đang hút bùn tại hố thu nước trạm bơm của Công ty Nhiệt Điện Duyên Hải, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, bốn công nhân bị ngất xỉu được đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.

tqvn3

Công nhân bị nạn được sơ cứu tại chỗ. (Hình : Tuổi Trẻ)

Chiều 27 tháng Mười Hai, 2018, Tổng Công ty Phát Điện 1, thuộc Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam phát đi thông báo, sự việc xảy ra lúc 12 giờ 10 cùng ngày khi nhóm công nhân thuộc Xưởng Vận Hành 1 của Công ty Nhiệt Điện Duyên Hải 4 được phân công hút bùn tại hố thu nước của trạm bơm nước thô để chuyền về nhà máy thì xảy ra hiện tượng ngạt khí. Đang làm, 4 người bất ngờ bị ngất xỉu.

Theo báo Tuổi Trẻ, bốn công nhân bị nạn gồm các anh : Kiên Ngọc Đen, Kim Minh Thuận, Nguyễn Văn Quý và Tăng Toàn Quốc (đều là người địa phương). Các nạn nhanh chóng được mọi người xung quanh đưa đi cấp cứu tại Bệnh Viện huyện Duyên Hải nhưng đã tử vong.

tqvn44

Hiện trường vụ tai nạn. (Hình : VnExpress)

Khám nghiệm hiện trường, bước đầu cơ quan hữu trách xác định nguyên nhân của vụ việc là do "ngạt khí trong quá trình hút bùn tại hố thu nước trạm bơm".

Công ty điện lực Duyên Hải quản lý hai Nhà Máy Nhiệt Điện 1 và 3. Trạm bơm này lấy nước phục vụ cho hoạt động của các nhà máy trên.

Theo Cục An Toàn Lao Động trong năm 2017 Việt Nam có hơn 9,000 vụ tai nạn lao động, làm 930 người chết và hơn 1,900 người bị thương nặng. Ngoài ra, còn phát hiện ra hơn 3,800 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, tăng hơn 500 trường hợp so với năm trước.

Nguyên nhân chính, chiếm đến 60% dẫn đến các vụ tai nạn lao động là do sự chủ quan của con người. Đó là các trường hợp không có hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không bảo đảm và không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân…(Tr.N)

******************

Bộ Quốc phòng VN nói ngư lôi nước ngoài mà ngư dân vớt được là hết sức đơn giản (RFA, 27/12/2018)

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Việt Nam, vào sáng 27/12, xác nhận thông tin "vật thể lạ" được ngư dân Phú Yên vớt cách bờ 4 hải lý có chữ Trung Quốc hôm 18/12 là ngư lôi phục vụ cho nhiệm vụ bắn tập của nước ngoài, tuy nhiên không nói là nước nào.

tqvn5

Ngư lôi có chữ Trung Quốc mắc lưới ngư dân Việt cách bờ Phú Yên 4 hải lý. Courtesy of Tuoi Tre Online

Theo ông Đức, khi sự việc xảy ra trên các trang mạng có nhiều thông tin khác nhau, "nhưng thực chất vấn đề đây là một quả ngư lôi phục vụ cho nhiệm vụ bắn tập của nước ngoài. Việc nó trôi dạt vào vùng biển của nước ta là hết sức đơn giản.

Một vật thể ở tận các vùng biển ngoài xa khơi, ở vùng biển quốc tế trôi dạt vào bờ các nước là câu chuyện bình thường", mạng báo Thông tấn xã VN dẫn lời Thiếu tướng Đức khẳng định.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng cho rằng ngư lôi bắn tập khác hoàn toàn ngư lôi chiến đấu về chất liệu, màu sắc và nhiều người tham gia dân quân tự vệ cũng sẽ thấy trang bị phục vụ cho việc luyện tập chỉ là mô hình, khác với vũ khí thật về bản chất.

Hôm 18/12, trong lúc đánh bắt cá gần bờ, ngư dân Trần Minh Thanh phát hiện trong lưới mắc "vật thể lạ" cách bờ biển Phú Yên 4 hải lý.

Bộ đội Biên phòng Phú Yên tiếp nhận quả ngư lôi này và bàn giao cho Vùng 4 Hải quân.

Ngày 21/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận thất lạc một quả ngư lôi trong huấn luyên trên biển ở phía đông đảo Hải Nam, nhưng phủ nhận việc nước này dùng nó để tấn công mục tiêu cụ thể.

Published in Việt Nam

Người dân Bình Thuận và các dự án nhấn chìm bùn của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân được phản ảnh gây ra tác hại đến môi trường sống của người dân Bình Thuận trong những năm qua và được xem như là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự bất nhẫn của người dân đối với chính quyền địa phương.

binhthuan1

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận. RFA

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân mới đây đề xuất nhấn chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển. Dân chúng Bình Thuận đón nhận thông tin về dự án nhấn chìm bùn mới ra sao ?

Bất nhất giữa các cơ quan chức năng

Những ngày đầu tháng 6 vừa qua, dư luận đặc biệt chú ý đến thông tin về nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 đề xuất nhấn chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển, với diện tích 300 héc-ta, gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Vào ngày 8 tháng 6, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn gửi văn bản phản đối đến Bộ Tài nguyên và môi trường, liên quan dự án nhấm chìm 1 triệu m3 bùn của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho báo giới quốc nội biết Bộ này không đồng tình vì lo ngại dự án có thể gây ra tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái biển, do vị trí nhận chìm bùn quá gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhấn mạnh chỉ có ý kiến mà thôi, còn phương án nhấn chìm chất thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 phải trình với Bộ Tài nguyên và môi trường.

Trước đó, hồi hạ tuần tháng 4, Bộ Tài nguyên và môi trường gửi công văn đến Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận và Ban quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau đề nghị cho ý kiến về vị trí nhận chìm bùn của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận dư luận thắc mắc vì sao dự án nhấn chìm 1 triệu m3 bùn của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã phải dừng lại trong năm 2017 khi gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới khoa học gia, mà các bộ ngành lại tiếp tục xem xét cho phép những dự án tương tự như thế. Hơn thế nữa, với lập luận của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì câu hỏi của dư luận liệu rằng Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ chấp thuận cho dự án nhấn chìm 1 triệu m3 bùn của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 được tiến hành trong nay mai hay không ? Chúng tôi nêu vấn đề với Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải và được nghe nhận xét của ông :

"Thật ra, trước khi cho vào nhà máy vận hành thì đầu tiên phải biết nhà máy đó làm gì, sản xuất ra cái gì và rác thải của nó gồm những gì ? Rác thải là khí, là nước hay là vật chất và xử lý rác thải đó như thế nào ? Tất cả những điều này, Việt Nam không cần xem xét đâu. Chẳng hạn xây một tòa nhà thì cần phải xem xét có ảnh hưởng gì không ; có chặn nguồn nước, chặn gió, chặn nắng, có cung cấp đủ điện nước, có đủ đường giao thông…không ? Xây một tòa nhà cao tầng đã thế thì xây một khu công nghiệp phải khác chứ ? Cho nên những gì người ta nói là vô luật. Thích thì cho. Không thích thì thôi. Tóm lại, Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2 hay Vĩnh Tân 3, thậm chí Vĩnh Tân 15… do chính quyền độc quyền thì họ thích làm gì là họ làm".

Vào khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đề xuất nhấn chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận, Tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang lên tiếng với RFA rằng giới khoa học lo ngại về mặt sinh học khi thải ra 1 triệu mét khối chất nạo vét như vậy sẽ làm đục cả khu vực biển chỗ đó và ánh sáng không xuống được, khiến cho quá trình quang hợp không thực hiện được làm mất chuỗi thức ăn. Tiến sĩ Nguyễn Tác An nói thêm việc nhấn chìm này sẽ làm xáo trộn tầng đáy và ảnh hưởng đến sinh vật đáy.

Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công Nghiệp thành phố Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh việc đổ bùn sẽ hủy hoại các rặng san hô ở Khu bào tồn biển Hòn Cau.

Dân chúng Bình Thuận đang "chết mòn"

Trong khi những ai quan tâm đến các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận bày tỏ qua mạng xã hội và những trang fanpage của nhiều báo mạng online trong nước về nỗi lo ngại dự án nhấn chìm hàng triệu m3 bùn xuống biển sẽ gây thêm hậu quả về tác hại môi trường sống của người dân địa phương, thì rất nhiều người dân tại Bình Thuận chia sẻ với RFA về đời sống mà họ gọi là "chết mòn" vì bị đảo lộn do môi trường biển, môi trường đất và không khí bị ô nhiễm.

binhthuan2

Người dân biểu tình chặn xe ở quốc lộ 1 qua xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận ngày 15 tháng 4, 2015. Courtesy : Photo googletienlang2014

Dân chúng ở Bình Thuận chủ yếu sống bằng nghề biển. Tuy nhiên, các ngư dân cho biết nguồn hải sản ở vùng biển địa phương ngày càng cạn kiệt từ sau khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đi vào hoạt động :

"Đói luôn ! Đi xuống đảo Phú Quý, ở Phan Thiết mới đánh bắt được. Bình thường mất 1-2 tiếng đồ hồ để ra biển đánh bắt. Còn chạy xuống đảo đến 12 tiếng đồng hồ. Tốn dầu tới cả hơn 100 lít".

Không chỉ đời sống của ngư dân bị ảnh hưởng, mà những người làm nghề nuôi trồng thủy sản cũng gặp không ít khó khăn do tôm, cá nuôi lồng bè bị chết nhiều. Mới đây nhất, vào ngày 25 tháng 6, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực nuôi cá lồng bè gần nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Nhiều nông dân ở Bình Thuận cũng cho biết cây trồng bị rụng lá, chết rụi vì nguồn nước tưới tiêu xuất phát từ nước dùng để tưới ở bãi xỉ ngấm xuống lòng đất và chảy ra khu vực phía ngoài.

Bên cạnh đó, người dân địa phương còn bị ô nhiễm không khí bởi xỉ than của nhà máy nhiệt điện. Cuộc sống của dân chúng ở Bình Thuận bị bủa vây đến mức đã nổ ra một cuộc biểu tình bạo động phản đối nhà máy nhiệt điện hồi năm 2015.

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, do Trung Quốc đầu tư 95% gồm có 4 nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than đá với tổng công suất thiết kế lên đến 5.600 MW và bắt đầu vận hành vào tháng 9 năm 2014 tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Nhiều chuyên gia khoa học tại Việt Nam cảnh báo khói bụi và xỉ than từ các nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân sẽ gây tác hại lâu dài đến môi trường.

Trả lời câu hỏi của RFA xoay quanh đề xuất nhấn chìm bùn của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, một số người dân Bình Thuận khẳng định rằng hễ còn thấy ống khói của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân sừng sững nhả khói hàng ngày thì bất cứ việc gì liên quan đến các nhà máy này cũng là nỗi ám ảnh hãi hùng đối với họ. Có những người dân còn nói rằng mong muốn cuộc sống được an cư lạc nghiệp bị triệt tiêu, kể từ khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân hoạt động và ước ao duy nhất của họ trong lúc này là được các cấp chính quyền lắng nghe nguyện vọng họ không phải sống trong tình cảnh "chết mòn" trong đói nghèo và tuyệt vọng.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 25/06/2018

Published in Diễn đàn