Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hà Nội : Chưa chọn được đơn vị quy hoạch bờ sông Hồng (RFA, 21/03/2017)

Thành phố Hà Nội chưa đồng ý cho một đơn vị tư vấn nước ngoài nào tham gia lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

hanoi1

Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng được xây dựng với kinh phí từ chính phủ Nhật Bản. Ảnh chụp hôm 6/1/2016. AFP photo

Chánh văn phòng của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Quý Tiên phát biểu như vừa nêu trong cuộc họp báo vào chiều ngày 21 tháng 3.

Ông Nguyễn Quý Tiên cho biết thêm Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội được giao lập các quy hoạch phân khu, trong đó có quy hoạch phân khu đô thị dọc hai bờ sông Hồng. Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cũng được giao phối hợp với 3 nhà đầu tư trong nước ; bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn mặt trời (SunGroup), Tập đoàn Vingroup và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội ; để chọn lựa các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước tham gia dự án.

Ông Nguyễn Quý Tiên lên tiếng tại cuộc họp báo rằng thông tin Viện Thiết kế Quy hoạch thành phố Hàng Châu của Trung Quốc được mời nghiên cứu lập quy hoạch hai bên bờ Sông Hồng mà báo giới đăng tải vào hôm 20 tháng 3 là không chính xác.

Trong khi đó truyền thông trong nước trích phát biểu một số chuyên gia trong ngành về vấn đề liên quan.

Theo lời của giáo sư- tiến sĩ khoa học Phạm Hồng Giang, nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn, hiện là chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam thì việc cung cấp thông tin, số liệu thủy văn sông Hồng cho một đơn vị nước ngoài cần phải tuân thủ qui định của Nhà nước Việt Nam.

Ông Phạm Hồng Giang nêu rõ Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam hiện nay không thể cung cấp thông tin trực tiếp cho Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu như tin tức loan đi vào ngày 20 tháng 3.

Vào chiều ngày 21 tháng 3, lãnh đạo Viện Quy hoạch Thủy lợi, thuộc Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam lên tiếng cho rằng bộ này có đủ năng lực thực hiện độc lập quy hoạch chống lũ, đê điều hai bên Sông Hồng.

Ngoài ra Viện Quy hoạch Thủy lợi cũng có ý kiến tương tự ông Phạm Hồng Giang là phải tuân thủ quy chế của chính phủ về việc cung cấp những thông tin về thủy văn, lưu lượng nước, mặt cắt ngang đê, số liệu quan trắc, khí tượng thủy văn Sông Hồng…

***********************

Hà Nội 'chưa thuê tư vấn Trung Quốc' quy hoạch bờ sông Hồng (BBC, 21/03/2017)

hanoi2

Bên bờ sông Hồng - ảnh GETTY IMAGES

Giới chức Thành phố Hà Nội vừa lên tiếng bác bỏ thông tin thành phố đồng ý thuê Viện Thiết kế và quy hoạch Hàng Châu, Trung Quốc, tư vấn quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

Hôm 21/3 ông Phạm Quí Tiên, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội, nói tại cuộc họp giao ban báo chí thường lệ do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức hàng tuần, rằng "cho đến thời điểm hiện tai, thành phố chưa đồng ý cho một đơn vị tư vấn nước ngoài nào tham gia lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (Quy hoạch dọc hai bên bờ sông Hồng)".

Trước đó truyền thông Việt Nam đưa tin Viện Thiết kế và quy hoạch thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, "đã được lựa chọn làm đơn vị tư vấn lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng".

Các báo còn cho biết "các nhân viên của Viện trên đã tiến hành khảo sát thực địa dọc hai bên bờ sông Hồng từ đầu tháng 2/2017".

Theo ông Phạm Quí Tiên, UBND thành phố Hà Nội chỉ giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội triển khai lập các quy hoạch phân khu, trong đó có quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Viện này có trách nhiệm phối hợp với các nhà đầu tư lựa chọn các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước và hiện chưa có quyết định lựa chọn đơn vị nào.

Ông Tiên cũng nói các số liệu thủy văn, lưu lượng nước, mặt cắt ngang đê, số liệu quan trắc, khí tượng thủy văn... là các dữ liệu công khai, không thuộc an ninh quốc phòng, bất cứ công ty tư vấn nào cũng có thể tiếp cận.

Tuy nhiên ông không cho biết thông tin có các đơn vị tư vấn.

hanoi3

Cảnh khu đô thị mới ở bờ phía đông sông Tiền Đường, Hàng Châu, Trung Quốc  - ảnh GETTY IMAGES

Không liên quan

Dự án quy hoạch hai bên bờ dòng sông huyết mạch của thủ đô do ba nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sungroup), Tập đoàn Vingroup và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) "tự nguyện đóng góp tài chính".

Hai tập đoàn Vingroup và Sungroup là hai "đại gia" hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản ở trong nước, có một số dự án gây tranh cãi.

Tuy nhiên Vingroup viết trong một thông cáo ra hôm 21/3 rằng "đây là khoản tài trợ không hoàn lại... là tài trợ đơn thuần, không đổi lấy bất cứ quyền lợi ưu đãi nào".

Vingroup cũng nói không có kế hoạch tham gia vào việc triển khai, kể cả giới thiệu đơn vị tư vấn.

Chưa có thông báo từ phía Sungroup, nhưng tin cho hay nhà đầu tư thứ ba là Geleximco "đã chủ động" mời Viện Thiết kế và Quy hoạch Hàng Châu tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch 1/5.000 cho đô thị hai bên sông Hồng.

Published in Việt Nam

Trung Quốc lập dự án quy hoạch bờ sông Hồng (RFA, 20/03/2017)

Viện Thiết kế và Quy Hoạch thành phố Hàng Châu Trung Quốc được Hà Nội mời nghiên cứu lập qui hoạch hai bên bờ Sông Hồng.

songhong1

Lưu thông trên cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội hôm 7/10/2016. AFP photo

Đó là thông tin được truyền thông trong nước loan đi vào ngày 20 tháng 3. Theo đó Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có yêu cầu các đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu, số liệu để nghiên cứu lập đồ án Quy hoạch hai bên bờ Sông Hồng.

Tin cho biết Viện Thiết kế và Quy hoạch Thành phố Hàng Châu, Trung Quốc được mời tham gia nghiên cứu và lập qui hoạch 1/5000 cho đô thị hai bên Sông Hồng.

songhong1

Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng.

Từ đầu tháng ba vừa qua, Viện Thiết kế và Quy hoạch Thành phố Hàng Châu, Trung Quốc đã làm việc với Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam và Sở Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Hà Nội để làm rõ một số vấn đề liên quan. Trong đó đơn vị Trung Quốc yêu cầu cung cấp số liệu thủy văn, lưu lượng nước, mặt cắt ngang đê, số liệu quan trắc, khí tượng thủy văn…

Phía chính quyền Hà Nội đề nghị các cơ quan liên quan trong nước hoàn tất các hồ sơ để báo cáo trước ngày 25 tháng 3 tới đây.

***********************

Nhiệt điện than Long An ‘uy hiếp’ Thành phố Hồ Chí Minh (Thanh Niên, 17/03/2017)

songhong4

Nhiệt điện than Huyện Cần Giuộc, Long An sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh

Theo Quy hoạch điện VII (đã điều chỉnh), tại Long An có 2 dự án, tổng vốn đầu tư lên đến hơn 5,8 tỉ USD, đó là Nhà máy nhiệt điện Long An 1, dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 - 2025 ; Nhà máy nhiệt điện Long An 2 dự kiến đưa vào vận hành năm 2026 - 2027.

Dựa trên quy hoạch này, Bộ Công thương đang tìm vị trí thích hợp để phát triển Trung tâm nhiệt điện Long An. Vị trí được đề xuất là xã Phước Vĩnh Đông (Huyện Cần Giuộc) để tận dụng ưu thế của tuyến đường sông Soài Rạp đã được Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư nạo vét. Tuyến sông đón được tàu biển 50.000 tấn và tương lai còn nạo vét sâu hơn để đón được tàu đến 70.000 tấn. Dự kiến trung tâm này sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2024, nhu cầu than tiêu thụ có thể lên đến gần 10 triệu tấn/năm, nhập từ Úc, Indonesia.

Phát triển điện than là tất yếu ?

Trước những lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường từ nhiệt điện than, tại hội thảo "Công nghệ nhiệt điện than và môi trường" ở Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Công thương tổ chức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) Phương Hoàng Kim khẳng định : Do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, giá thành sản xuất điện than thấp (sau thủy điện) nên để đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển điện than là nhu cầu tất yếu. Theo Quy hoạch điện VII - có điều chỉnh, đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm 49,3% lượng điện sản xuất ; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất ; năm 2030 đạt 55.300 MW chiếm 53,2% điện sản xuất.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, cho rằng : Than có trữ lượng lớn nhất trong các loại nhiên liệu hữu cơ, còn đủ dùng cho nhân loại trong khoảng 300 năm nữa nên không lo về an ninh năng lượng. Việt Nam lại ở gần các nguồn cung cấp than lớn như Indonesia, Úc. Nếu nhà máy nhiệt điện than thực hiện nghiêm túc việc xử lý các chất thải độc hại thì không có vấn đề gì !

3.000 người chết/năm vì ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nếu như các nhà quản lý tỏ ra lạc quan với nhiệt điện than thì nhiều chuyên gia môi trường lại tỏ ra lo ngại.

Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh - GreenID, nói thẳng để đánh lừa dư luận, các nhà tư vấn, nhà đầu tư hiện nay thường hô hào sẽ áp dụng các công nghệ cao trong việc sản xuất điện than. Công nghệ hiện đại hiện nay là siêu tới hạn và trên siêu tới hạn nhưng cũng chỉ giúp giảm ô nhiễm khoảng 10 - 15% so với công nghệ cận tới hạn, phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Cần biết là sản xuất ra 1 kW điện, tương ứng thải ra môi trường 1 kg CO2. Như vậy giảm 10 - 15% nguồn gây ô nhiễm này cũng không có nhiều ý nghĩa so với lượng thải mà nó thải ra. Chưa kể nước làm mát thải ra môi trường theo tiêu chuẩn chỉ cần dưới 40 độ C, nên dù đảm bảo tiêu chuẩn nhưng nếu nước thải ở nhiệt độ xấp xỉ 40 độ C thì khó loài thủy sinh nào sống nổi.

Cũng theo ông Sính, một lý lẽ mà những người ủng hộ nhiệt điện thường đưa ra là "sẽ áp dụng công nghệ hiện đại của thế giới, của các nước phát triển". Điều này có làm chúng ta yên tâm hơn ? Câu trả lời là không! Vì khi họ đầu tư, mang công nghệ vào Việt Nam thì thứ nhất công nghệ đó đã lạc hậu hơn của họ. Điều thứ hai và rất quan trọng là họ phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Mà các tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam thấp hơn các nước phát triển. Phải lưu ý rằng chi phí đầu tư để xử lý môi trường đối với nhiệt điện than là rất cao và xử lý càng thân thiện với môi trường càng đắt tiền.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, việc đặt nhà máy nhiệt điện than ở Cần Giuộc, ô nhiễm không khí Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng mạnh. Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan nói : Các nhà máy nhiệt điện than thải ra lượng bụi mịn rất lớn. Khu vực Cần Giuộc chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 km nên tác động đến không khí TP là rất lớn. Đáng chú ý ở khu vực này chịu ảnh hưởng mỗi năm 2 lần gió chướng. Lần đầu rơi vào từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5 và lần 2 rơi vào giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11. Gió chướng sẽ đẩy trực tiếp không khí ô nhiễm từ các nhà máy này vào hướng Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, đây là khu vực ven biển chịu tác động của nhiều hướng gió khác nhau nên tạo sự khuếch tán. Chính vì vậy Thành phố Hồ Chí Minh có thể thường xuyên bị mù khô, sương mù giống như ở Bắc Kinh (Trung Quốc), thậm chí là mưa a xít.

Trong đề tài nghiên cứu "Ước lượng thiệt hại sức khỏe và chi phí kinh tế của ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh" của Tiến sĩ Lê Việt Phú, chuyên gia sáng kiến chính sách công hạ vùng Mê Kông thuộc Fulbright, tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh số người chết do ô nhiễm không khí năm 2013 là 3.000 người. Rủi ro vô hình do ô nhiễm không khí ở Thành phố Hồ Chí Minh cao gấp 10 lần so với tai nạn giao thông. Tính tổng thiệt hại khi một người chết rủi ro về mất thu nhập tương đương từ 9 - 12 tỉ đồng. Thiệt hại về kinh tế do thiệt hại về người tương đương từ 5 - 7% GDP vào năm 2013.

Tác động môi trường phải tính thiệt hại về mạng người

Tiến sĩ Phú lo lắng : "Nhiệt điện là nguồn rất lớn góp phần vào ô nhiễm không khí trong khi Việt Nam phát triển hoàn toàn vào nhiệt điện đốt than. Nếu cứ dựa vào đường hướng phát triển như vậy thì rủi ro về môi trường và sức khỏe người dân là vô cùng lớn. Nghiên cứu này nhằm chỉ ra một góc độ thiệt hại về sức khỏe con người và kinh tế mà chúng ta phải trả cho phát triển. Để phát triển bền vững cần đưa những con số ước lượng thiệt hại về sức khỏe, mạng người, kinh tế vào các báo cáo đánh giá tác động môi trường khi đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiệt điện".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), nêu quan điểm : Ở góc độ khoa học, việc hàng loạt nhà máy nhiệt điện than đang và chuẩn bị xây dựng sẽ là một chuỗi ô nhiễm không khí nghiêm trọng cho đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Khói bụi ở dạng các khí độc như: CO2, CO, SOx, NOx, các hạt tro xỉ PM1.0, PM2.5 (là các hạt bụi lơ lửng lần lượt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 1.0 và 2,5 µm ; 1 µm = 1/triệu mét) sẽ tác động mạnh đến sức khỏe người dân. Các loại khói bụi này sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch... Về mặt tự nhiên nó sẽ làm gia tăng nguy cơ mưa a xít, tàn phá hệ sinh thái.

Ông Trần Đình Sính đánh giá Quy hoạch điện VII cho rằng nhu cầu tăng trưởng điện năng của Việt Nam tăng trưởng khoảng 10%/năm trong khi tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam khoảng 5,6 - 6%/năm. Bộ Công thương đã đẩy tốc độ tăng trưởng phát triển điện gần gấp đôi tốc độ phát triển kinh tế là quá cao. Trong khi một số nước xung quanh, khi tốc độ phát triển kinh tế tăng 1% thì nhu cầu điện cũng chỉ tăng 1%. Còn ở các nước phát triển, tốc độ phát triển kinh tế vẫn tăng mà nhu cầu năng lượng giảm.

"VN cần xem xét lại Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh hiện hành, giảm hay thậm chí dừng xây dựng nhiệt điện than, đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt năng lượng mặt trời và điện gió và sử dụng tiết kiệm năng lượng. Làm như vậy sẽ vẫn đảm bảo được nhu cầu điện mà giữ gìn đất nước ta xanh, sạch đẹp", vị này nói.

Các tác động trong suốt vòng đời của một nhà máy điện than siêu tới hạn điển hình 550-MW có kiểm soát ô nhiễm

• 150 triệu tấn CO2

• 470.000 tấn metan

• 7.800 kg chì

• 760 kg thủy ngân

• 54.000 tấn NOx

• 64.000 tấn SOx

• 12.000 tấn bụi

• 4.000 tấn CO

• 15.000 kg N2O

• 440.000 kg NH3

• 24.000 kg SF6

• hút 420 triệu m3 nước hầu hết từ các nguồn nước ngọt

• tiêu thụ 220 triệu m3 nước

• thải 206 triệu m3 nước thải vào các dòng sông.

(Nguồn : Bộ Năng lượng, Phòng Thí nghiệm công nghệ năng lượng quốc gia Mỹ)

Chí Nhân

********************

Nhiệt điện Long An : Bộ Công Thương trấn an dư luận ? (BBC, 20/03/2017)

Bộ Công Thương ra thông cáo rằng sẽ "chỉ duyệt Nhiệt điện Long An khi đáp ứng yêu cầu" trong lúc chuyên gia bình luận với BBC rằng "đó chỉ là một cách trấn an".

songhong2

Hai vị trí được cân nhắc đặt nhà máy Nhiệt điện Long An nằm sát khu đô thị cảng Hiệp Phước

Trung tâm Điện lực Long An được đầu tư khoảng 5 tỷ đôla, đề xuất xây dựng ở Long An, gần biển Cần Giờ khiến người dân Thành phố Hồ Chí Minh quan ngại về nguy cơ ô nhiễm.

Dự án nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, đang ở giai đoạn lập quy hoạch nghiên cứu và chọn địa điểm.

Theo kế hoạch, trung tâm được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2024 trở đi với 2 nhà máy tổng công suất 2.800 MW.

Hôm 20/3, Bộ Công Thương phát đi thông cáo : "Để phù hợp với ý kiến của các bộ ngành, Tư vấn đã hiệu chỉ hồ sơ quy hoạch. Địa điểm Trung tâm Điện lực Long An [gồm hai dự án nhà máy nhiệt điện] được đề xuất tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An".

"Địa điểm này phù hợp với Quy hoạch của Tỉnh Long An, với quy hoạch Quốc phòng, phù hợp với quy hoạch Giao thông vận tải".

[Tuy vậy] Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ chọn địa điểm Trung tâm Điện lực Long An tại Cần Đước và có ý lo ngại nếu nhà máy đặt tại Cần Giuộc sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống khu đôo thị Cảng Hiệp Phước".

Thông cáo cho biết thêm : "Bộ Công Thương chỉ phê duyệt Quy hoạch địa điểm Trung tâm Điện lực Long An khi đáp ứng các yêu cầu : phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công nghệ tiên tiến, có giải pháp xử lý phát thải đảm bảo môi trường, đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam hiện hành…".

Bộ Công Thương cũng nói "sẽ quản lý chặt chẽ quá trình triển khai các dự án, ngay từ việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, có cam kết đảm bảo môi trường trong đầu tư cũng như vận hành nhà máy…".

'Tai hại'

Hôm 20/3, từ Hà Nội, Chuyên gia Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID nói với BBC rằng bà "đang tìm hiểu dự án Nhiệt điện Long An đang ở giai đoạn nào nên chưa thể bình luận".

Cùng ngày, trả lời BBC từ Đại học Bách khoa Grenoble, Pháp, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, cựu cố vấn chiến lược Tập đoàn Điện quốc gia Pháp (EDF), nói : "Theo tôi, thông cáo của Bộ Công Thương chỉ là một cách trấn an công luận".

"Người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội có lý do để quan ngại về các dự án nhiệt điện trong lúc môi trường hiện tại đã quá tệ rồi".

"Nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu than thì dù tối tân đến đâu vẫn thải khí CO2 quá nhiều so với nhà máy khí".

"Theo như tôi được biết thì giải pháp làm nhiệt điện chỉ mang tính tạm thời và là chính sách tai hại, chứ không phải là chiến lược lâu dài, trong lúc chính phủ Việt Nam chờ đầu tư vào năng lượng tái tạo".

"Nhiều nước đã đi con đường này và đó cũng là con đường duy nhất của Việt Nam".

Cũng liên quan đến nhiệt điện, một vụ nổ lớn đã xảy ra tại nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, hôm 7/3 khiến hai người bị bỏng 20% và 35%.

"Nguyên nhân được xác định là do công nhân thi công của nhà thầu trong quá trình hàn lắp ghép thiết bị đường ống gần hệ thống khử SOx (FGD) trong đường khói thoát, đã gây tia lửa bắn vào các bảo ôn bao bọc hệ thống FGD, gây cháy bảo ôn", Bộ Công Thương ở thời điểm đó cho hay.

Published in Việt Nam