Mục sư Nguyễn Trung Tôn cùng người thân bị nhóm người lạ mặt bắt cóc và đánh đập vào chiều thứ Hai ngày 27 tháng 2/2017.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị bắt cóc và bị đánh đập đến thương tích hôm 27/02/2017 ở Quảng Bình. Courtesy of Hội Anh Em Dân Chủ
Vào khoảng 2 giờ sáng thứ Ba, người dân địa phương tại khu vực bìa rừng Hương Khê phát hiện Mục sư Nguyễn Trung Tôn và anh Nguyễn Viết Tứ trong tình trạng bị thương nặng.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn cho biết ông và anh Nguyễn Viết Tứ bị một nhóm người lạ mặt bắt cóc tại ngã tư Ba Đồn-Quảng Bình đưa lên núi Hương Khê và đánh đập họ tại đó.
Tối thứ Ba, 28 tháng 2, Mục sư Nguyễn Trung Tôn nói với Đài Á Châu Tự Do về vụ việc xảy ra vào chiều hôm trước :
"Chiều hôm qua tôi cùng với hai người bạn đi đến Ba Đồn gần giáo xứ Cồn Sẻ. Chúng tôi xuống xe định bắt xe ôm vào Cồn Sẻ thì có một chiếc xe 7 chỗ họ tấp vào, họ mở cửa sẵn họ đấm vào mặt vào người chúng tôi.
Họ lấy đồ họ trùm mặt và lôi chúng tôi lên xe. Họ đánh chúng tôi suốt từ 9 giờ 30 tối cho tới 1 giờ sáng ngày hôm nay. Họ đem chúng tôi vào một khu rừng vắng thuộc Thanh Hà, Hà Tĩnh họ vất chúng tôi trần truồng trong đấy họ lột hết nhẫn đồng hồ, quần áo tư trang tiền bạc.
Họ lột chúng tôi lõa lồ họ trói chúng tôi và bỏ ngoài đường".
Mục sư Nguyễn Trung Tôn cho biết trong thời gian gần đây, mật vụ ở Thanh Hóa liên tục sách nhiễu, khủng bố, đe dọa đến tính mạng và đời sống của ông và gia đình.
**********************
2016 : '11 người bị bắt, 202 người bị đánh' (VOA, 28/02/2017)
Một cuộc biểu tình vì môi trường
Ngày 27/2, Hội cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam công bố cáo cáo vi phạm nhân quyền giai đoạn 2015-2016.
Báo cáo cho biết chính quyền gia tăng "tấn công nhắm vào những người tham gia mạng xã hội, người bất đồng chính kiến, người bảo vệ nhân quyền, và cả dân thường", với 11 người bị bắt giam và 202 người bi đánh đập trong năm 2016.
Báo cáo cũng cho biết trong năm 2015 số người bị bắt là 9 và số người bị đánh đập là 157.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, anh Phạm Bá Hải, điều phối viên của Hội cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam cho VOA biết :
"Báo cáo vi phạm nhân quyền ở Việt Nam 2015-2016 tập trung việc trấn áp của chính quyền với người bất đồng chính kiến và những người bảo vệ nhân quyền, đặc biệt trong số đó có thường dân, những nạn nhân của chính sách bất cập. Chúng tôi làm rõ vấn đề chính quyền Việt Nam đã sử dụng bạo lực để tấn công những người này. Chúng tôi cũng kêu gọi nhà nước Việt Nam cần chấm dứt các hành động dùng bạo lực".
Trong báo cáo này lần này, Hội cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam tập trung vào mối tương quan giữa chính quyền và người bất đồng chính kiến, người bảo vệ nhân quyền. Con số trong thống kê này được thu thập qua các hệ thống truyền thông trong và ngoài nước và mạng lưới cộng tác viên.
Biểu đồ - Báo cáo vi phạm Nhân quyền Việt Nam 2015-2016 của FVPOC. (Ảnh : FVPOC.org)
"Chúng tôi cũng muốn cho thế giới thấy rõ Việt Nam trong 3 năm qua là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhưng họ không thật sự cải thiện vấn đề tôn trọng nhân quyền. Theo số liệu chúng tôi công bố, thì càng ngày chính quyền Việt Nam càng trấn áp thô bạo hơn đối với người bất đồng chính kiến".
Theo anh Phạm Bá Hải, Hội cựu tù nhân lương tâm là một tổ chức xã hội dân sự có các thành viên là cựu tù nhân lương tâm, theo khái niệm của tổ chức Ân xá Quốc tế, đã từng trải qua nhiều năm trong tù.
Nhiệm vụ của hội là đấu tranh "cho một đất nước Việt Nam không còn tù nhân lương tâm. Hội kêu gọi Việt Nam thả các tù nhân lương tâm hiện còn ở trong tù, dù biết rằng công việc này là rất khó khăn "thậm chí chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ tiếp tục đi vào tù một lần nữa", anh Hải cho biết.
"Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh và tiếp tục lên tiếng trong và ngoài nước, kêu gọi các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân quyền ra áp lực Việt Nam thả tất cả các tù nhân".
"Theo như chúng tôi tìm hiểu và nghiên cứu, chính quyền Việt Nam có đánh đập và bắt bớ nhiều từ giữa năm 2016 đến nay, sau sự kiên Formosa. Số lượng nạn nhân vị đánh đập rất lớn, đó là những người đã tuần hành ôn hòa và bị cảnh sát cơ động và cảnh sát môi trường đánh đập. Tiếp theo sau đó là những người sử dụng mạng truyền thông để đưa tin về vấn đề này, trong đó cũng có vấn đề bất cập về chính sách an sinh xã hội. Các blogger làm truyền thông đều trở thành đối tượng của các vụ bất bớ gần đây".
Theo anh Hải, nhóm anh Lưu Văn Vịnh bị bắt giữ theo điều 79, cho thấy "chính quyền Việt Nam sợ hãi tất cả những ai bày tỏ ước vọng rằng Việt Nam sẽ tiến đến nền dân chủ đa nguyên thì họ đều mạnh tay bắt bớ".
Anh Hải nói trong hai tháng đầu năm của 2017, người bị tấn công bị liên quan đến vấn đề Formosa và khuynh hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay.
Hội cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam kêu gọi chính quyền Việt Nam phải chấm dứt sử dụng bạo lực tấn công giới bất đồng chính kiến, tôn trọng nhân phẩm và quyền con người khi người dân thực thi quyền của mình, đặc biệt là quyền bày tỏ ôn hòa nơi công cộng. Ngoài ra, Hội kêu gọi chính quyền Việt Nam thừa nhận và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập phát triển, và đồng thời thả vô điều kiện tất cả 66 tù nhân lương tâm hiện đang bị giam giữ.