Nhân dịp kỷ niệm 74 ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 và trước thềm năm 2023, RFA điểm lại tình trạng nhân quyền Việt Nam trong năm qua.
Chính quyền bắt giữ và xét xử nhiều nhà hoạt động trong năm 2022 - Photo : RFA
Nhận định chung
"Vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đã leo thang một cách nghiêm trọng. Những hành động của Chính quyền Việt Nam mang rõ ý định quét sạch những gì còn sót lại của phong trào bất đồng chính kiến trong nước" - Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Châu Á của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) nhận định chung về tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm qua với RFA.
Ông Phil đánh giá hầu như không có sự cải thiện nào về tình hình nhân quyền ở quốc gia độc đảng này. Những ai thực thi quyền con người của mình đều phải đối mặt với một loạt các hành vi lạm dụng quyền lực. Ông Phil nói cái gọi là luật "An ninh quốc gia" hình sự hóa các hành động của họ. Thời gian giam giữ dài trước khi xét xử và các bản án bỏ túi do Đảng quyết định ngày càng nặng nề.
Sự đe dọa và đàn áp của Chính quyền Việt Nam đã trở thành một cỗ máy và có hệ thống, nhằm mục đích bỏ tù tất cả những người dám lên tiếng chống lại Đảng và Chính quyền :
"Chính phủ Việt Nam hầu như rất ít cải cách các chính sách lạm dụng quyền của mình, bao gồm lao động cưỡng bức diễn ra phổ biến ở các trung tâm giam giữ ma túy bắt buộc, đánh đập và tra tấn có hệ thống trong khoảng thời gian giam giữ trước khi xét xử, ngược đãi trong tù và việc tiếp tục áp dụng án tử hình.
Bà Joe Freeman, đại diện văn phòng khu vực của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty Internatinal) bình luận với RFA rằng trái ngược với hình ảnh mà Chính quyền Việt Nam thể hiện khi họ tham gia vào Liên Hiệp Quốc, tình hình nhân quyền ở nước này ngày càng tồi tệ.
"Thay vì thực hiện các nghĩa vụ nhân quyền của mình, Chính phủ Việt Nam liên tục mở rộng mục tiêu đàn áp, từ các nhà hoạt động độc lập đến lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ môi trường, nhà báo và Facebooker từ cuối năm 2021 đến nay".
Điều mà ông Phil Robertson đánh giá là điểm sáng hiếm hoi của nhân quyền Việt Nam trong năm 2022 là chính sách ngừng phân loại LGBT là bệnh tâm thần và cần được điều trị bắt buộc. Tuy nhiên, theo ông Phil :
"Mặc dù đây là một bước đi tích cực, tuy nhiên, mục tiêu của nó chỉ là chấm dứt một chính sách có hại, thay vì chủ động hướng tới việc đảm bảo bình đẳng và không phân biệt đối xử cho cộng đồng LGBT".
Đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Vào tháng 10/2022, Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 trong khi thành tích về nhân quyền Việt Nam bị đánh giá là tồi tệ, liên tục bị các tổ chức quốc tế chỉ trích, kêu gọi cải thiện.
Một ngày trước cuộc bỏ phiếu, một nhóm các tổ chức nhân quyền quốc tế gồm Ân xá Quốc tế, Article 19, Giám sát Nhân quyền và Ủy ban Luật gia Quốc tế - ICJ đã đưa ra thông cáo đòi hỏi Việt Nam phải có những cải thiện về tình hình nhân quyền để đáp ứng yêu cầu trở thành thành viên Hội đồng.
Chính phủ Việt Nam dùng "thành tích" này để tích cực tuyên truyền rằng "những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao".
Việt Nam trong năm qua nhiều lần bị quốc tế chỉ trích và thuộc nhóm chót bảng trong các báo cáo về nhân quyền của các tổ chức nhân quyền quốc tế như Uỷ ban bảo vệ ký giả (CPJ), Ân xá Quốc tế hay tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế.
Bà Joe Freeman cho biết kể từ khi tuyên bố ứng cử vào vào Hội đồng Nhân quyền ngày 22/2/2021, Chính quyền Việt Nam đã giam giữ, bắt giữ hoặc kết án ít nhất 48 nhà báo, nhà hoạt động và lãnh đạo NGOs về các tội tùy tiện từ "lợi dụng các quyền tự do dân chủ", "tuyên truyền chống Nhà nước" đến "trốn thuế". Họ đã liên tục tấn công bất cứ ai chỉ trích họ trong năm qua và không có dấu hiệu chậm lại.
Ngày 2/12 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Bliken công bố quyết định đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì can dự vào hay dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.
Bỏ tù nhà hoạt động chính trị
Ông Bùi Tuấn Lâm, biệt danh là "Thánh rắc hành" bị bắt hồi tháng 9/2022. Ảnh : Fb Bùi Tuấn Lâm